SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC VÀ VV… (14) Sài Gòn! 100 phần trăm!!!” (tiếp theo và hết)

02 Tháng Năm, 2008 | Ăn uống

 

Hùng cứ ở khu này là hai tiệm bán hải sản nổi tiếng  Phụng Vỹ và Quý Thành. Đó cũng là những kỳ phùng địch thủ cạnh tranh nhau ráo riết dù chung tường chung vách và cũng rất bề thế với với 3, 4 tầng lầu ở bên này đường, từ hướng  Lý Thái Tổ đi lên Ngã Sáu. 

 

Phiá bên kia cũng có hai tiệm Quý Thành và Phụng Vỹ của chủ nhân hai đối thủ bên này đường, cách nhau vài căn mà cửa tiệm của Phụng Vỹ có phần vĩ đại hơn với 5 tầng lầu đèn đóm sáng trưng.  Nhưng  khách khứa đến với hai tiệm sát cạnh nhau trên đường bên này có phần đông đảo hơn phiá bên kia, nhất là từ khoảng 6 giờ chiều trở đi.

 

Cả hai đều bán những món giống như nhau với đủ loại nghêu, sò, ốc, hến, hào, cá, tôm, cua, vv… được  làm nhiều cách như nướng, hấp, chiên, xào và…  ăn tươi nuốt sống. Phong trào ăn tôm sú hay cá điêu hồng sống hiện đang phát triển dữ dội.  Theo cách ăn “sashimi” của Nhật, những món này được chấm với xì dầu cùng “wasabi”, một loại “mù-tạt” mầu xanh lá cây. 

 

Dân Sài Gòn thường dùng loại “wasabi” để trong “tuýp”, lúc bóp ra không khác gì kem đánh răng. Để tăng thêm mùi vị, ta “order” thêm những cọng hành lá ngâm trong một ly nước đá cho đúng “sì tin”.  Lớp “filet” cá điêu hồng hay tôm sú đặt trên bịch nước đá nằm trong đĩa trông hấp dẫn làm sao. Con nào con nấy chắc nình nịch và tươi rói. Quậy wasabi với xì dầu, lấy tay cầm đuôi con tôm mát lạnh chấm và đưa thẳng vào miệng. Sau đó cắn một cọng hành lá trắng ngần, quệt với một chút “wasabi” bạn sẽ cảm thấy rất ư nồng nàn.

 

 Chưa quen với “wasabi”, lỡ tay chấm nhiều sẽ cảm thấy cay xè như xì khói ngay sống mũi và có thể ho sặc sụa. Nhưng chỉ một thoáng là hết, không dai dẳng như ớt. Món cua cũng rất được chiếu cố tại hai tiệm này cũng như tất cả những tiệm khác trên  khu hải sản Nguyễn Tri Phương. Giá cả không được mềm mại lắm với loại hải sản cao cấp như  tôm và cua, trung bình cũng từ 200 ngàn một ký! Xấp xỉ 15 “đô” đâu phải chơi.

 

Ai khoái ăn cua gạch nướng – đặc biệt là loại cua gạch son Bạc Liêu – bắt buộc phải ghé tới khu này vài phùa cho thoả lòng mong ước. Có những con cua gạch nặng cả một ký rưỡi.  Khi nướng, mai cua nứt ra để lộ mầu gạch son đỏ nghi ngút khói, thơm ngào thơm ngạt.  Chỉ riêng phần gạch cua cũng có thể đã cân nặng đến mấy trăm “gờ ram”. Chấm với muối tiêu chanh ớt hẳn là lạc thú trần gian!

 

Nhắc tới những món tôm sú, cá điêu hồng hay cua nướng, nếu có thì giờ ra khỏi Sài Gòn, chắc chắn bạn sẽ hài lòng với quán Năm Ri ở Biên Hoà.  Dù không biết địa chỉ, nhưng nếu hỏi thăm, gần như bất cứ người nào cư ngụ ở Biên Hoà cũng đều biết quán nhậu nổi tiếng này.

 

Quán Năm Ri ở sâu tuốt trong một con hẻm nhỏ, nhưng lại chiếm một diện tích rất lớn có sức chứa vừa ở trong phòng ăn dưới nhà, trên lầu và phiá ngoài dư sức lên tới bốn năm trăm người. Năm Ri chính là tên ông chủ quán, người nhỏ thó, áo quần xập xệ thường ngự ở gần cổng ra vào khiến nhiều người lầm tưởng ông là người… giữ xe. Trong khi đó bà Năm Ri to lớn, kềnh càng, phốp pháp và phúng pha, phúng phính ra dáng là một bà chủ lớn.

 

Theo bà kể, từ ngày xa xưa vợ chồng bà có một vựa tôm nhỏ, nhờ biết nấu ăn khá nên dân nhậu trong xóm đưa ra ý kiến dựng lên một quán nhậu chuyên về lẩu tôm cho  tiện việc. Vợ chồng ông thấy ý kiến hay hay để chẳng bao lâu sau cho ra đời quán lẩu tôm tên Năm Ri với vài chục chỗ ngồi.

 

Dần dần ăn nên làm ra, quán Năm Ri càng ngày càng trở nên đắt khách để mua thêm đất đai dựng lên một tiệm nhậu to lớn như ngày nay.  Tuy rộng rãi hơn xưa rất nhiều, nhưng vợ chồng ông Năm Ri vẫn phải  mướn thêm nguyên cái sân rộng rãi của ngôi chùa gần đó để làm nơi giữ xe, nhất là từ khi khách đi “xế hộp” từ Sài Gòn kéo lên đây đông đảo.

 

Sau khi nghiên cứu quyển thực đơn với rất nhiều món biến chế từ hải sản và các loại thịt, tôi và bạn còn đang phân vân thì được nhân viên phục vụ giới thiệu những món sau đây: cua lột chiên, tôm sú “mù tạt”, cá điêu hồng ăn sống và phần còn lại là đầu và xương dùng để nấu cháo. 

 

Không gì thú vị hơn sau khi nhâm nhi cái vị thơm của cua lột, vị ngọt và giòn của tôm, cá mát mẻ để cuối cùng được thưởng thức một tô cháo nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Chương trình được chấm dứt sau đó bằng nguyên một trái sầu riêng với một vị ngọt lịm độc đáo  tỏa lan trong cần cổ.  Không khí ở quán Năm Ri tuy có ồn ào, nhưng không đến nỗi ghê gớm cho lắm bằng những tiệm lẩu cá kèo trên đường Sư Thiện Chiếu,  ngay bên hông chùa Xá Lợi.

 

Càng về tối, những tiêng “vô! Vô! Một trăm phần trăm” thi nhau nổi lên rần rần. Một, hai ly đâu thấm thía gì. Ba ly vẫn là chuyện nhỏ. Vậy ta cứ “vô “ tiếp để cuối cùng như được mô tả trong một bài thơ nhậu như sau:

 

“Một ly nhâm nhi tình bạn”

“ Hai ly uống cạn lòng sầu”

“Ba ly mũi chảy tới râu”

“Bốn ly ngồi đâu gục đó”

“Năm ly cho chó ăn chè”

“Sáu ly vợ đè cạo gió”

 

Nếu đúng như vậy, tửu lượng của tác giả bài thơ trên còn quá kém, bì sao lại những tay nhậu chuyên nghiệp mà người viết từng gặp ở khu nổi tiếng về lẩu cá kèo này.  Một trự trong một buổi nhậu có thể “tiếp thu” khoảng 15, 20 cái “Ken” là chuyện thường ngày ở huyện. Từng “két”, từng “két” chập chùng để bên cạnh bàn, thấy mà phát khiếp. Nhìn thấy đủ xỉn. Rượu vào lời ra. Lời ra nhiều khi không được thanh tao cho lắm khiến các đấng tu hành bên kia đường rất là phiền phức. 

 

Về khuya, tiếng chửi thề và chọc ghẹo cợt nhả vang lên rõ mồn một và chắc chắn sẽ lọt vào cái không khí tĩnh mịch, trang nghiêm của chùa Xá Lợi. Chùa đã nhiều lần lên tiếng khiếu nại, đề nghị những cơ quan có thẩm quyền dẹp bỏ những quán này vì không những gây phiền toái cho những vị tu hành trong chùa, mà còn là những nỗi ngại ngùng cho thiện nam và nhất là tín nữ trong những ngày lễ lớn.

 

Nhưng khiếu nại là một chuyện, hứa là một chuyện, nhưng vẫn duy trì tình trạng nhậu nhẹt ồn ào và xô bồ đó là một chuyện khác.  Chỉ cách nhau một biên giới là một con đường nhỏ mang tên một vị sư nổi danh mà một bên ăn chay, một bên sát sinh; một bên thanh thoát, một bên quá ư  trần tục: một bên thật là thanh tịnh, một bên ly, chén đụng khua lên chan chát, náo loạn cả một khu vực.  Hai thái cực đó phải chăng đã khiến cho khu lẩu cá kèo này thành nổi tiếng với không biết bao nhiêu là chú cá kèo còn sống nhăn được đổ vào nồi lẩu sôi sùng sục, dẫy lên đành đạch trước khi trở thành một miếng mồi ngon cho thực khách.

 

Nếu thích phong cảnh hữu tình, nên thơ; trên có trăng, dưới có nước, bạn nên ghé  quán có cái tên thơ mộng là Sông Trăng cho biết. Quán nằm bên Thanh Đa, sát cạnh bờ sông.  Sông Trăng do anh Mỹ, một “partner” của phòng trà Tiếng Tơ Đồng và tiệm số 40 Trần Cao Vân đứng ra khai thác, đến nay đã được hơn nửa năm.

 

 Nhờ mới được tu bổ, sửa sang nên  Sông Trăng có một ngoại hình rất đẹp mắt, từ lối vào cho đến khoảng sân lớn rộng để bàn ăn đều sáng sủa và sạch sẽ.  Nếu các bà các cô khoái khai vị bằng món bánh bèo tôm cháy thì các ông rất hài lòng khi khề khà đĩa mực một nắng, nem Bình Định, nem lụi, đặc biệt là món giò heo chiên giòn và gỏi cá ngừ.

 

Sông Trăng còn nhiều món khác khoái khẩu khác, bạn tha hồ chọn lựa từ một tấm thực đơn phong phú, dồi dào. Đại khái cũng như hầu hết những quán ăn nhậu khác, tuy nhiên được chế biến theo kiểu đặc biệt của Sông Trăng, như lời chủ nhân tuyên bố một cách rất hãnh diện.  Nhưng điểm khiến thực khách hài lòng nhất là cách phục vụ nhanh nhẹ và lễ độ của các nhân viên, sự tiếp đón thân mật của chủ nhân và trên hết tất cả là phong cảnh hữu tình, êm đềm không ồn ào và náo nhiệt như  nhiều quán nhậu bạn và tôi đã đặt chân tới.

 

Chắc đã lâu bạn chưa được thưởng thức món bê thui. Mời bạn cùng tôi đến quán Sơn Ca trên đường Phan Xich Long, Phú Nhuận.  Đây là một trong vài tiệm chuyên trị món bê thui nổi tiếng, trong số có quán Bê Vàng cũng là một nơi chuyên  trị đặc sản này. Tên quán là Sơn Ca, hình như không thích hợp mấy với khung cảnh nhậu nhẹt, hò hét om sòm ở đây. Tiếng chim Sơn Ca hót đâu chẳng thấy, chỉ có tiếng cụng ly, cụng chai nghe cũng thánh thót kể chi. Mỗi ngày, Sơn Ca “xử” trung bình 2 chú bê con vô tội. Lò thui được đặt ngay lối ra vào của quán.

 

Bạn nên đến sớm khoảng 5, 6 giờ để còn có thể thưởng thức được những phần ngon lành. Đến muộn chỉ thấy cái lò trống rỗng, bên cạnh một cái quầy treo lủng lẳng mấy cái đùi bê đã lóc hết thịt, mua về gặm gạp đỡ ghiền. Nước chấm bê thui không còn là tương Cự Đà thuần túy mà đã được quán này chế biến thành một hương vị riêng mang một mầu nâu sền sệt. Rau thơm ăn kèm thì ê hề với chuối chát, khế đi cùng. Thịt bê mầu hồng đào được cắt từng miếng to và dầy như ngón tay cái cùng với da, máu còn rỉ ra tươi rói. Nhìn thấy thật khó cầm lòng.

 

Tuy nhiên cắt theo kiểu này – thay vì cắt mỏng – sẽ khiến những vị yếu răng khó lòng nhá nổi vì sẽ thấy miếng bì dai nhách, nên chỉ còn được an ủi bằng cái ngọt ngào của miếng thịt bê thấm vào tận chân răng.  Bạn có thể “order” một miếng bê kèm với da mang về nhà cắt mỏng, trộn với gừng thái mỏng và thính như vẫn quen ăn trước kia với món chấm truyền thống là tương Cự Đà, chắc là tuyệt hảo. Ngoài bê thui, bạn nên thử món bê bóp thấu, lẩu đuôi bê và đuôi bê hầm cho biết đủ mùi vị của thịt bê.

 

Nếu thích thú với không khí văn nghệ, khi hơi men đã bốc phừng phừng để nhẩy phóc lên sân khấu “hét cho nhau nghe” thì bạn có rất nhiều sự lựa chọn.  Những quán nhậu như vậy rất dễ tìm thấy tại Sài Gòn.  Đi rảo đó đây, nghe tiếng ầm ì vọng lại từ xa, cứ theo hướng đó thẳng tiền sẽ được hài lòng. Vào những nơi đó thật khó nói chuyện tỉ tê vì tiếng đờn ca hát xướng chói tai, nhức óc liên tục vang lên. Vậy thôi để dịp khác.

 

Bây giờ  mời bạn đến một quán nhậu dân dã và cũng có sự hiện diện của nền văn nghệ… lề đường không kém phần phong phú. Điển hình là Quán Bà Tám, gần khu trường đua Phú Thọ. Quán có sức chứa trong nhà chỉ khoảng 3, 4 chục người’ nhưng ngoài lề đường thì cứ vô tư, khách khứa đến đâu kê bàn tới đó là xong việc. Quán Bà Tám là một trong những địa điểm có những cô tiếp thị bia bọt cho Heineken và Carlsberg hoạt động hăng hái nhất. Chưa kịp ngồi vào chiếc bàn thấp lè tè ngoài lề đường, các em Hoa, em Liên, em Hồng, vv… đã thi nhau trút bia tới tấp.

 

Bạn chớ nên nghĩ lầm đó là các cô bán bia ôm, tội chết! Các cô này có công ăn việc làm… không lương đàng hoàng, chỉ được hưởng lợi nhuận trên số hoa hồng bán bia bọt cho khách. Tuy không ăn lương, nhưng xin được làm tiếp thị viên cũng chẳng phải dễ dàng nếu không có ngoại hình cao ráo, dung nhan coi tàm tạm.

 

Không như bia ôm, làm nghề tiếp thị không được  tỉ tê, mồi chài để khách uống thêm để say xỉn quên cả lối về. Chỉ hỏi một cách nhẹ nhàng, lịch sự hoặc chờ khách “order” mới được khui, được rót.  Với sức tiêu thụ tại quán Bà Tám như tôi và bạn đã thấy, các cô tiếp thị chắc có phần thoải mái với những “két” bia xếp đống cạnh bàn.

 

Ngoài những món nhậu có trong thực đơn của tiệm như  các món hầm, xào lăn hay lẩu, bạn có thể tìm lại không khí nhậu nhẹt ngày xưa với những xe bán mồi rong, rảo qua rảo lại. Chị bán bắp nướng vừa đi qua, anh bán khô mực với cái máy quay tay quen thuộc ngày nào đã đẩy xe tới. Các con khô mực treo lủng lẳng trên xe sao mà thích hợp với bia bọt thế này. Còn những miếng khô cá thiều, cá đuối cũng hấp dẫn làm sao. Chấm với tương đen, ớt đỏ, thêm chút đồ chua hẳn là phải biết! Đó là những khung cảnh, những mùi vị quen thuộc diễn ra mỗi buổi tối nơi Quán bà Tám.  Nhưng đặc biệt hơn cả là cái không khí văn nghệ ở đây với những nghệ sĩ lề đường, khác hẳn những nghệ sĩ “hành khất đại hiệp”.

 

Những nghệ sĩ ở đây có đẳng cấp cao hơn, vừa thuộc thành phần “ ca hát ngày tháng cho người mua vui”, vừa làm phương tiện mưu sinh một cách tế nhị. Họ không bao giờ ngửa tay xin tiền, ngoài phần được khách mời uống vài chai bia hay hút vài điếu thuốc. Nhưng bạn có đành lòng làm ngơ khi đã được thưởng thức một số nhạc phẩm yêu cầu rất đúng ý?

 

Vấn đề bồi dưỡng tùy thuộc nơi tinh thần văn nghệ của từng người. Đó là trường hợp của anh T. và cô D. bạn và tôi đã gặp tối hôm đó. Anh T. khoảng gần 50, buớc vào con đường nghệ thuật bên… lề đường đã hơn 10 năm, với một số vốn liếng vài trăm bản nhạc. Từ  Nhật Trường, Đức Huy, Trịnh Công Sơn, vv… cho đến nhạc trẻ anh đều thuộc ráo. Còn cô D. – mới vào nghề được khoảng một năm – nghiêng về mầu sắc tình tự quê hương với “chim đa đa”, “rau đắng” và “chùm khế ngọt”, vv…

 

Hai người thay phiên nhau đi “show” ở các quán nhậu quanh vùng này, nhưng lâu lâu cũng hứng chí đi… lưu diễn ở những khu vực nhậu nhẹt khác, sau khi đã thăm dò không gặp phải một sự cạnh tranh nào để luôn tôn trọng tình trạng “rừng nào cọp nấy” rất đàng hoàng.

 

Nhắc đến văn nghệ trong lãnh vực nhậu nhẹt, bạn và tôi không thể không ghé thăm Giao Linh và Hương Lan, gần đây cũng đã đứng ra khai thác hoặc hùn hạp một quán nhậu. Giao Linh Quán tọa lạc ở một khu nằm ở phiá trong đường Cách Mạng Tháng 8 (Lê Văn Duyệt cũ). Quán này khai trương từ tháng 10 năm 2003 do chính vợ chồng Giao Linh đứng ra khai thác.

 

Những nghệ sĩ ở hải ngoại trở về ai cũng ghé thăm người bạn nghệ sĩ có khiếu về nấu nướng này.  Giao Linh thường được mời đi hát nhiều ở các tỉnh trong các chương trình đại nhạc hội do Duy Ngọc tổ chức, có khi một tuần diễn tại 6 tụ điểm. Ngoài ra cô cũng đã có lần ra Hà Nội trình diễn trước khán giả miền Bắc trong dịp lễ Valentine trong tháng 2 vừa qua.

 

Cô cho biết đã rất cảm động vì không ngờ khán giả ở đây đã dành cho cô nhiều cảm tình như vậy trong các nhạc phẩm trữ tình, trong số có những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi cô trước năm 75. Giao Linh tâm sự  “dù sao cũng là người Việt Nam nên muốn về đây sinh sống, nhất là trong khi đã lớn tuổi. Và nếu có điều kiện qua lại giữa Canada và Việt Nam thì càng tốt”.

 

Tiệm ăn nhậu do Hương Lan hùn hạp khai thác có tên Vạn Long Quán, ở bên Bình Thạnh có một diện tích lớn và thông thoáng với những bàn kê ở ngoài sân. Dọc lối đi vào Vạn Long Quán là những hồ nuôi cá, tôm, cua, vv… vẫy vùng bơi lội, đối diện với một phòng ăn rộng rãi.  Chắc bạn khó lòng quên được những món đặc biệt của quán này, được chính Hương Lan  giới thiệu với sự  tán thành của ông xã Quốc Toản, một tay nhậu có hạng, chuyên trị cognac loại XO.

 

Hôm đó ta khai vị bằng món cóc dầm. Sau đó tới mực một nắng và tôm sú sống “mù-tạt”. Đầu tôm được khai thác bằng cách nướng giòn thơm phưng phức, nhất là những nơi cháy xém, đậm đà làm sao. Chương trình được tiếp diễn bằng món cua rang me và được kết thúc bằng món cá BaSa nướng lá chuối và gói giấy bạc, được coi như đặc sản của Vạn Long Quán. Lúc đó kiểm điểm chiến trường, dễ có đến cả trăm xác cọp “Tiger” nằm ngổn ngang sau đợt tấn công dũng mãnh của 5, 6 “chiến sĩ” mặt mày đỏ gay như Trương Phi.

 

Đến đây, chắc tôi với bạn cũng đến lúc chia tay sau khi đã cùng nhau thực hiện một cuộn hành trình nhằm phục vụ ông thần khẩu. Biết đâu ta chẳng cùng nhau làm một cuộc hành trình ẩm thực… bổ túc khác. Vì thật sự  những nơi bạn và tôi đã đặt chân tới chả thấm tháp gì với hàng hà sa số hàng quán thi nhau đua nở khắp Sài Gòn. Bây giờ thì:

 

“Chén đưa nhớ bữa hôm nay”

“Chén mừng, xin đợi ngày này năm sau”

 

Kìa bạn, vô một trăm phần trăm đi chứ!  Nghĩ vẩn vơ làm chi cho mệt xác, cứ như cụ Đặng Dung là nhất, vì “Việc đời dài giằng dặc mà ta thì đã già, biết làm thế nào. Trời đất thu vào cuộc rượu hát nghêu ngao” (“Thế sự du du nại lão hà, vô cùng thiên địa nhập hàm ca”)

 

Bạn thấy chưa? Rượu vào lời ra, người viết đây cũng chữ Nho, chữ Hán ra gì, phải không thưa bạn?