SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (10) Sài Gòn thư giãn và ăn quà vặt

04 Tháng Tư, 2008 | Ăn uống

 

Đề nghị có lý và hay ho lạ lùng. Muốn dễ sợ, nhưng quả thật không có khả năng. Thử tưởng tượng, trong suốt hai tháng rưỡi, ngày nào cũng đi thực tế “CHƠI” thì chỉ có chết. Tiền nhuận bút mỏng lét, sao chi nổi cho dù chỉ một nửa những cuộc chơi tới bến, thuộc loại vô cùng nhậy cảm! Xoàng xoàng với những cuộc chơi kém nhậy cảm hơn cũng khó đủ sức chi ròng rã ngày này qua ngày khác.

 

Hơn nữa, lại luôn có cái “rờ mọoc” kế bên, có thiện chí đến đâu cũng không dám nhậy cảm.  Lại cũng hơn nữa, không muốn mang tiếng “vẽ đường cho hươu chạy” đối với các nữ độc giả, có đức phu quân tối ngày năn nỉ xin về thăm quê hương… một mình. Thôi, ta đi thư giãn lành mạnh vậy, hoặc có chút đỉnh nhậy cảm cho vui!

 

Chắc đã lâu lắm bạn không lấy… ráy tai? Bạn tìm đến ông thợ hớt tóc lề đường ngày xưa để được đê mê với những ngón lấy ráy tai đầy nghệ thuật? Chắc ông ấy cũng đã ra người thiên cổ, nếu không cũng đã lụ khụ, tay chân run lẩy bẩy, sao còn lấy ráy tai cho nổi… Trời nắng chang chang mà ngồi ngoài đường, chịu sao cho thấu, thư giãn sao nổi. Vào nơi có máy lạnh cho khỏe.

 

Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần Hàm Nghi) có tiệm hớt tóc máy lạnh, tấp nập những người.  Nhưng khi vào chả thấy có ma nào ngồi hớt tóc trên 2 , 3 cái ghế đặt ở phiá trước.  Đến đây hớt tóc là… nhà quê, là cù lần… “Chuyên đề” của tiệm này là ngoáy lỗ tai cho “đã”. Có ráy tai hay không là chuyện phụ. Người viết chỉ biết như vậy, có mục phụ diễn gì khác nhất định không thèm hỏi tới.

 

Bên trong tầng trệt và tầng 1 tối om om, và chắc trên lầu 2 cũng vậy.  Sờ soạng mãi mới leo lên được chiếc ghế nệm ngả dài.  Chừng vài phút sau là sự xuất hiện của một nữ chuyên viên lấy ráy tai với giỏ đồ nghề gồm nhiều thứ lỉnh kỉnh để có thể đột nhập vào tai ta, đi những đường lả lướt. Cái đèn kê gần một bên tai được bật sáng, cho thấy rõ mặt một nữ chuyên viên còn rất trẻ, khoảng mới độ ngoài 20. Các ông thợ lấy ráy tai lề đường điệu  này chắc chắn sẽ dần dần giải nghệ hết trơn. 

 

Dù có những tuyệt chiêu cao cường cách mấy trong việc sử dụng trần xì một hai que đồ nghề cũng không sao địch lại những nữ chuyên viên trẻ măng này. Dù rằng tài nghệ kém cỏi hơn trong cách cà, cách móc nhưng nhìn thấy mát da, mát thịt làm sao. Được cái này, mất cái kia, không nên làu bàu.

 

Cô bé chuyên viên tên Lệ, với chiếc váy mini và cái áo khá… hở cho biết cô ở miền Tây lên, học khoá huấn luyện lấy ráy tai chỉ trong vài ngày.  Rồi cô bỏ vốn mua sắm một bộ đồ nghề khoảng vài chục ngàn để bắt đầu đi làm ăn chia với bà chủ tiệm hớt tóc này.

 

Ngoài ra cô có cái job “extra” nào khác, người viết hoàn toàn không biết.  Không muốn mang tiếng xâm phạm hay xúc phạm đến đời tư người khác. Thoạt tiên, cô chuyên viên đi một đường sát trùng bộ đồ nghề cho khách yên chí.  Bộ đồ nghề của cô gồm khoảng chục món bằng kim loại.  Mỗi món có hình dạng như một cái que dài. Ở đầu mỗi que có nhiều hình thù khác nhau, thích hợp với từng khâu như  rửa, cà, móc, ngoáy, vân vê, vv… trong lỗ tai ta.

 

 Tai là một vùng rất ư nhậy cảm, cho nên khó ai có thể cưỡng lại được sự mê mẩn đến lịm cả người.  Chẳng thế ông bạn nằm trên ghế cạnh đó vì quá ư thư  giãn, đã lim dim và rồi ngáy khò khò lúc nào không biết.

 

Mới đầu chưa tin tưởng lắm tài nghệ của cô chuyên viên này, tác giả cứ phải co vai rụt cổ mỗi khi cô đưa cái que vào sâu trong vùng thâm cung bí sử của lỗ tai. Nhưng rồi sự cọ xát  nhẹ nhàng, êm ái đã khiến  quên béng cả nỗi hiểm nguy, mặc tình cho từng đồ nghề của cô – giống những khí giới như  đao, giáo, mác, thương, trượng, vv… rất  “mini” trong chuyện Tề Thiên Đại Thánh –  thao túng. 

 

Thỉnh thoảng cô lên tiếng hỏi có đau không? Không sao hết, cứ vô tư. Sâu nữa được không anh? Cứ việc, miễn sao  đừng thủng hay rách màng… nhĩ. Có sướng không? Sướng quá đi chứ, cần chi hỏi. Được khách hàng khen ngợi, cô trổ hết tài nghệ ngoáy, hay quá sức.

 

Lại còn kèm theo một chiêu độc là dùng một cây đồ nghề mỏng dẹp và dài, ở đầu tủa ra những sợi nhỏ mềm mại hình như bằng nylon nhỏ xíu, đút sâu vào trong lỗ tai. Rồi dùng ngón tay búng nhè nhẹ ở giữa cây kim loại, khiến nó rung lên như giây đàn, làm cái đầu cây kim loại rung rung ở trong sâu. Ui giời ơi, “đã” quá mạng!

Tóm lại, tất cả những động tác nào khiến cái vùng nhậy cảm ở trong tai ta bị kích thích đều được các nữ chuyên viên được tận dụng hết cỡ. Khách cứ oằn mình, quíu người lên mà hưởng. 

 

Trước khi về Sài Gòn, từng nghe nói nghề lấy ráy tai đang bị cạnh tranh bởi một chiêu thức mới trong nghề.  Đó là lấy ráy tai ngược! Bèn tò mò hỏi cô chuyên viên tên Lệ và được trả lời có biết chuyện đó.  Nhưng cái sự biến tấu của nghề lấy ráy tai đó bị dân trong nghề cho là bá đạo, không chuyên chính như cô và cô bạn tên Liễu, phục vụ ông bạn nằm ghế kế bên.

 

Bá đạo là sao? Cũng là ngoáy tai,  lấy ráy tai, nhưng khi hành nghề, cô chuyên viên tuy ngồi bên phiá tai bên mặt, nhưng lại nhoài qua người khách để ngoáy tai bên trái, phía bên kia. Ấy, thế mới ly kỳ! Với chiêu thức này ta có thể  đặt tên là  “lấy thịt đè người” hoặc “cả vú lấp miệng em”. Chả may gặp cô chuyên viên nào bị “viêm cánh” – nôm na là… hôi nách – chắc là nghẹt thở!

 

Bà nào có ông xã ở Sài Gòn trở về cứ banh tai ra khám.  Thấy bị trầy trụa, bị viêm hoặc khi nói chuyện có vẻ nghễnh ngãng, bảo đảm đã  làm một chầu lấy ráy tai ngược! Cứ như tác giả đây, sau khi được phục vụ , hai tai nghe ngóng thấy rõ ràng thông suốt hơn, đầu óc nhẹ nhàng, thơ thới hơn. Thật là thư giãn quá sức. Và sự thư giãn này đòi hỏi ta chi ra 50 ngàn “phục vụ phí” và 50 ngàn tiền “bo”.  Một lần cho biết để rồi chắc sẽ mò lại thêm đôi ba lần!

 

Nếu sợ những bất trắc có thể xẩy ra với hai lỗ tai yêu quí của mình, mời bạn đi thư giãn một kiểu lành mạnh khác, với một sự nhậy cảm chỉ ở… bàn chân. Tuy nhiên, mức độ nhậy cảm còn tùy theo trí tưởng tượng phong phú của bạn. Nghề làm “foot massage” ở Sài Gòn hiện nay rất phổ thông.  Nó nằm trong khoa được gọi bằng một tên rất kêu là “Vật Lý Trị Liệu”, cùng với những món khác như  đấm bóp toàn thân, Sauna, Zacuzi, vv…

 

Bạn và tôi đã cuốc bộ khá  nhiều, vậy ta đi trị liệu theo kiểu vật lý này xem có đỡ mỏi chân chăng. Ta chọn đại  một địa điểm trên đường Bà Huyện Thanh Quan gần ngã tư Lý Chính Thắng chẳng hạn khi đi ngang qua đây. Nơi này có vẻ tổ chức qui củ lắm. Sau khi chọn lựa những “options” thích hợp, bạn sẽ được chỉ dẫn kỹ càng, từng đường đi nước bước.

 

Nếu chỉ để trị liệu đôi bàn chân mỏi nhừ, bạn sẽ được đưa vào một phòng có khoảng 4, 5 ghế nệm êm ái ra gì. Tuy nhiên, bạn có thể làm một phùa sauna cho khỏe mình mẩy trước khi đưa bàn chân năm ngón không được kiêu sa gì lắm cho các cô phục vụ nâng niu, xoa bóp. 

 

Mời bạn ngả người ra chiếc ghế da cho khoan khoái, trong khi chờ đợi đôi bàn chân ngâm trong nước ấm cho sạch sẽ thơm tho. Ta có thể làm một cái “Ken”, phê một điếu 3 số cũng hay ra phết. Rồi cũng tới lúc cô chuyên viên tới với 3, 4 chiếc khăn đủ cỡ, cười tít thò lò với bạn.

 

Cô ngồi xuống cái ghế thấp trước mặt ta,  nâng từng bàn chân chai cứng của ta lên đặt trên đùi để lau khô trước khi… trị liệu theo kiểu vật lý, có thể hiểu là vật lộn với đôi bàn chân ta!  Một loại dầu quái quỉ gì đó được xoa cả trên, lẫn dưới bàn chân, rồi sau đó cô bóp lấy bóp để.

 

Đôi khi cô chuyên viên trị liệu khá mập mạp, to lớn đẫy đà đó hăng hái quá sức nên bóp quá mạnh tay khiến xương ở mu bàn chân ta đau thấy bà. Thấy khách có vẻ quằn quại, cô bèn điều chỉnh mức độ bóp. Có lúc cô lại tỏ ra mềm mại, xoa nắn nhẹ dưới lòng bàn chân – gọi là nắn huyệt – khiến ai có máu nhột có thể cười lên sằng sặc. Rồi từ đó, cô điều chỉnh lại để tiếp tục trị liệu trong vòng tổng cộng một tiếng đồng hồ. 

 

Tùy sự hào phóng, tùy ở kết  quả trị liệu đôi bàn chân mà bạn chi tiền “bo”, sau khi bạn được cô ta dựng đầu dậy và vòng ra phiá sau xoa bóp đầu và vai bạn vài phát để chấm dứt chương trình vật lý trị liệu!  Dĩ nhiên cô không quên dặn bạn “Lần sau tới, nhớ hỏi em nghen! Em tên Hoa!”.  Chắc bạn thể nào cũng lại lê “những bước chân âm thầm” tới đây một lần nữa chứ?

 

Bạn có ý tìm cảm giác mạnh hơn, tìm một sự nhậy cảm khoái tỉ hơn?  Vậy người viết cũng nên chiều bạn ta một tí. Nhưng một điểm cần ân cần nhắc nhở là bạn cũng sẽ phải chi cao hơn những mục kể trên rất nhiều. Bạn sửa soạn hầu bao đi. Đại khái trung bình cũng vào khoảng xấp xỉ 2 triệu riêng cho phần bạn. 

 

Còn mặc tôi, đóng vai trò quan sát viên Liên Hiệp Quốc đâu tốn kém chi.  Điạ điểm này được trưng bảng hiệu là một nhà hàng, có karaoke rất ư văn nghệ, mang tên HT. Nói toạc ra đó một địa điểm theo cách gọi quen thuộc là bia ôm. 

 

Địa điểm nằm trên đường Lý Tự Trọng (Gia Long cũ) chỉ là một trong 7 địa điểm khác, trong cùng một hệ thống ở rải rác tại Sài Gòn và vùng phụ cận.  Nhưng đó được coi là nơi “ngon lành” nhất. Sau một thời gian phục vụ ở đây đến khi có vẻ hơi xuống cấp so với những tiếp viên mới được tuyển, các cô cũ sẽ được điều động đến những nơi khác trong cùng hệ thống. Hệ thống này có một lực lượng nữ chiêu đãi viên hùng hậu khoảng 5,6 trăm cô, chia ra mỗi nơi cũng bẩy tám chục mạng.

 

Sao bạn có vẻ rụt rè lại còn há hốc mồm ra như vậy? Bạn đâu ngờ rằng ở đây lại có những cô gái mơn mởn trên dưới 20 ăn mặc thời trang như vậy, lại còn mát mẻ kinh khủng. Cô nào không đi xe “A Còng” (@)  đời mới thì cũng phải là Spacy.  Điện thoại di động đủ kiểu, đủ loại, bét ra cũng vài trăm “đô”.

 

Gần như hầu hết những cô tiếp viên bia ôm này đều ở dưới tỉnh lên và đã nhanh chóng lột xác để hội nhập vào cái xã hột trên đà cung cấp những dịch vụ hay ho cho các “Thượng Đế”. Muốn được làm “Thượng Đế” ở  đây, dĩ nhiên bạn phải chi “xộp”, phải luôn tỏ ra là một tay chơi lịch lãm và coi tiền như rác! Mời “Thượng Đế” làm một cái “Ken” mở màn. Em đã ngồi sát vào “Thượng Đế” thế này, lại còn nâng ly cho uống thì nhất trên đời.

 

“Thượng Đế” cứ việc đấu hót cho sướng cái miệng, cứ  việc ba hoa chích choè cho đã, tha hồ “nổ” có văng miểng vào ai mặc xác. Giọng hát như mèo gào, như bò rống cũng chẳng ai để ý mất công.  Lại còn được các em vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, khen hay hơn cả Quang Dũng hoặc Đàm Vĩnh Hưng mới sướng.

 

Sau vài chai, hai bàn tay có sục sạo quá đà đôi chút, miệng có nồng nặc hơi bia rượu và thức ăn cũng được. Có “mi” em một phát đâu có chết chóc gì. Miễn sao “Thượng Đế” chi cho đẹp, “bo” cho ngon là đúng tiêu chuẩn. Nếu muốn chuyện này, chuyện nọ lại là một chuyên đề khác, sẽ hạ hồi phân giải, tuỳ cái “deal” của “Thượng Đế” với em. Bây giờ chỉ có “vô” là chính. 

 

Mới hơn một tiếng mà bạn đã “vô”  gần chục chai rồi sao? Hôm nay sao “Thượng Đế” hăng thế. Thôi, nếm mùi sơ khởi cho biết với đời  vậy là đủ. Vừa tiền bia bọt cộng với tiền “bo” cho em hết cũng tròm trèm 2 triệu, mất mẹ nó mấy ngày lương “Thượng Đế” làm “cu li” ở hải ngoại.

 

Bạn đã ngà ngà, hẳn phải cần nơi yên tịnh để tịnh dưỡng và thật sự thư giãn. Nếu sau 7 giờ tối trở đi, ta có thể cuốc bộ lại một địa điểm chuyên trị về trà có tên là “Điểm Một Thời” cùng trên đường Lý Tự Trọng, ngay Nha Động Viên cũ, cũng là điểm một thời quen thuộc của những người theo nghiệp “ắc ê” trước kia.

 

Bước vào Điểm Một Thời, bạn sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát khi được nghe nhạc dân tộc trình diễn sống. Nào là ca trù, quan họ Bắc Ninh, dân ca miền Nam, chầu văn, vv… Trà có nhiều loại đặc thù của từng miền Việt Nam như trà cúc, trà tim sen, trà quế, trà cỏ ngọt, trà hoa lài,vv…

 

Ngay đến loại nước uống bình dân dân của thôn quê như nước vối cũng có mặt.  Bánh hay mứt hoặc món ngọt đi kèm với nước trà cũng có nhiều loại.  Bạn sẽ đượcnhững cô tiếp viên trong chiếc áo dài lụa chỉ dẫn tới nơi tới chốn. Này nhé, uống trà lài thì ăn bánh đậu xanh mới hợp, trà tim sen dùng với táo tầu hay long nhãn thì hết chỗ chê. Có ngất ngư vì bia bọt cũng sẽ tỉnh ngay như sáo sậu.

 

 

Nếu vào khoảng 3, 4 giờ chiều mà muốn tìm nơi yên tĩnh để thư giãn, không gì hay hơn là bạn với tôi ngoắc hai chiếc xe ôm nhờ đưa lại một nơi uống trà có tên Tịnh Trà Quán ở số 201B đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ). Đó là “nơi tận hưởng những giờ phút bình an trong tâm trí” như được in trên danh thiếp. Cũng đúng thật.

 

Sau khi đi hết lối đi dài có hàng cây xanh dọc hai bên, bạn sẽ bước vào một không gian yên tĩnh đặc biệt mặc dù ở phía ngoài là một con đường lớn lúc nào cũng náo nhiệt. Khuất ở phiá trong Tịnh Trà Quán, bạn sẽ không còn bị vướng bận gì bởi khói xe và tiếng còi xe inh ỏi nơi trần tục ngoài kia. Thay vì vào nhà, giữa cái nóng lúc 3, 4 giờ chiều, bạn nên chọn một khoảng chái lá bên ngoài cho thoáng để được cô phục vụ hướng dận kỹ lưỡng về cách châm trà ra sao mới đúng điệu.

 

Trước khi được chỉ dẫn những khâu lích kích như  tráng tách, tráng bình, châm nước sôi, châm trà, hãm trà, vv…, bạn sẽ được cô phục vụ mời rút một “thẻ suy tưởng” cho mỗi ngày, hình thức giống một lá bài tây. Thẻ bạn rút được hôm đó in hàng chữ “ chỉ với một tài khoản nhỏ nhoi, người mãn nguyện vẫn cảm thấy là mình giầu có”.  Mời bạn cứ tự nhiên suy tưởng trong cái không gian êm như ru đó, bên tách trà nóng bốc khói nghi ngút.

 

Qua tuần trà thứ nhì, bạn quên béng  những nghi thức của nghệ thuật uống trà, cũng đừng lo. Quyển sách tài liệu mỏng, kèm với bảng liệt kê các loại trà và giá cả do cô phục vụ trao cho bạn khi mới ngồi xuống bàn, sẽ giúp bạn một cách dễ dàng trở thành một tay pha trà điệu nghệ.

 

Bạn hứng chí, muốn ghi lại những cảm tưởng của mình với Tịnh Trà Quán hay những suy tưởng riêng tư,  cũng cứ tự nhiên viết vào một quyển sổ tương tự như quyển “Lưu Bút Ngày Xanh” của thuở học trò. Trong đó, đã có hàng chục, hàng trăm người tỏ bầy cảm tưởng, đóng góp ý kiến, xổ thơ văn hay ho ra rít. 

 

Bạn cần “siêu thoát” hơn? Bạn sẽ được cô phục vụ đưa vào một căn phòng phòng kín, tĩnh mịch, gọi là phòng Thiền, với những chiếc nệm gối xếp ngay ngắn dưới sàn. Bỏ giầy dép ra, bước vào tha hồ tọa thiền dưới ánh sáng mờ dịu của một căn phòng trống, ngoài một hai bức tranh Thiền treo trên tường. Thiền một hồi lâu, hẳn bạn đã thấy nhẹ nhỏm, thư giãn quá xá. Vậy mời bạn chi “một tài khoản nhỏ nhoi” khoảng vài chục ngàn để trở thành một “người mãn nguyện vẫn cảm thấy mình giầu có”.

 

Đã giầu có, phải “bo” cho ngon là chuyện dĩ nhiên, chuyện nhỏ! Thư giãn hết cỡ  về mặt tinh thần rồi, bạn sẽ cảm thấy cái bao tử mình cũng có vẻ giãn ra đôi chút để cảm thấy thòm thèm một món quà vặt nào đó. Bất cứ món quà nào với những mùi vị mặn, ngọt, cay, chua, béo, bùi, vv… cũng có thể tìm thấy dễ dàng trên đường phố Sài Gòn.

 

Kià, có ông bán “bò bía ngọt” đang tà tà đạp xe tới, ngoắc vào làm năm ba cuốn để cuộc đời thêm vẻ ngọt ngào. Bạn khoái bò biá mặn, nhẩy phóc lên xe ôm lại khu chùa Xá Lợi làm vài cuốn, kèm theo ly rau má cho đã khát. Thèm gỏi khô bò, giờ này xe bán món đó đã bắt đầu bán trên đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ) rồi.

 

Nếu không, có thể ghé lại tiệm Đạt Thành trên đường Võ Văn tần hoặc số 45 Nguyễn Thị Minh Khai để xơi tạm vài đĩa gỏi khô bò đã được cải biên, cải tiến khác hẳn với ngày xưa. Nếu không, muốn đỡ đói lòng, còn gì hơn làm một đĩa bánh tầm bì ở quán Bà Ba trên đường Lý Thường Kiệt hay một tô sủi cảo ở Tân Hải Vân trên đường Nguyễn Trãi (Võ Tánh cũ) hay sủi cảo theo kiểu Hà Nội trên đường Pasteur. Khoái ăn mì quảng, hãy tà tà đến với quán ở số 252 Lý Chính Thắng.  Còn bánh xèo? Khu Đinh Công Tráng vẫn là nơi được nhiều người chiếu cố nhất.

 

Lâu quá chưa được nếm lại mùi vị một tô bánh đa cua của miền Bắc, đến với quán “Gánh Hàng Rong” trên đường Trường Sơn bên Tân Bình, hy vọng bạn sẽ được thoả mãn. Nếu không, làm một chiếc bánh bao chăng? Bánh bao Cả Cần vẫn là một địa điểm còn được tiếng tăm hoặc bánh bao Hồng Phát trong Chợ Lớn được nhiều người ưa thích. Còn bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ít, bánh ram? 

 

Chắc là quán tại số 400 Lê Văn Sỹ không làm bạn thất vọng. Không những vậy, bạn có thể “order” vài món “to go” mang về cho bà xã thưởng thức hầu lấy điểm để có thể tiếp tục cuộc hành trình. Đó là những món như  nem chua, tré, chả cây, mắm tép, mắm tôm chua, mắm cà, mắm cá rò, vv…

 

Khoái bánh… khoái? có ngay số 6 Đinh Tiên Hoàng. Bánh bèo đã có quán ở số 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bạn đã xơi bánh canh cá lóc, bánh canh chả cua bao giờ chưa? Để thỏa chí tò mò, mời bạn đến với một quán ở số  158 đường Trần Huy Liệu bên Phú Nhuận sẽ biết ngay. 

 

Chắc phải ngưng mục quà vặt ở đây, sau khi chỉ nêu ra một số địa điểm chuyên trị những món này. Nếu kể ra phải đến mấy kỳ báo chưa chắc đã đủ.  Hơn nữa, thời gian không cho phép bạn và tôi lê la thêm. Bạn thèm ăn những món ngọt như chè chẳng hạn. Thú thật người viết không phải là dân hảo ngọt nên xin chịu.  Mục này chắc phải nhờ đến một tay viết ẩm thực thuộc phái nữ mới thích hợp hơn.

 

Thôi, ta để dành bụng, tr về nhà nằm khoèo một phát để chờ đến giờ hoàng đạo, độ 6, 7 giờ chiều sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình ẩm thực thú vị này…

Kỳ tới: Sài Gòn “Vô! Một trăm phần trăm!”