SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (9) Sài gòn tiếp tục… ăn trưa

31 Tháng Ba, 2008 | Ăn uống

 

Người thứ nhất là bà cụ trước năm 75 là chủ một tiệm phở trên đường Pasteur, chỉ cách phở Hoà vài căn là nơi tôi và  lũ bạn thường mê mẩn với những miếng mỡ tật, sụn hoặc gầu giòn. Lại còn nài thêm chén hành trần nước béo cùng một đĩa hành tây ngâm giấm cho đủ lệ bộ như các đàn anh sành điệu.

 

Người thứ nhì là con trai của ông bà chủ tiệm ăn Đức Trọng trên đường Gia Long ngày nào, chuyên về cơm Bắc như những tiệm Ngọc Sơn và Ngọc Hương gần đó.  Thuở mới vào nghề viết lách khoảng giữa thập niên 60, tôi hay ghé vào những tiệm này khi trong túi rủng rỉnh chút tiền còm để say sưa với các món chạo nem thính, canh cá nấu ngót, thịt đông dưa chua hay ốc giả ba ba.

 

Sau đó khám phá ra Bà Cả Đọi thì sự lui tới những quán ăn này thưa thớt hơn. Ông bà Đức Trọng đã ra người thiên cổ từ lâu, tiệm ăn cũng đóng cửa từ khuya, trong khi người con trai của hai ông bà không theo nghề phục vụ ông thần khẩu của thực khách.

 

Bạn sợ làn da… Việt Kiều của mình bị bụi và nắng Sài Gòn tàn phá chăng? Chuyện nhỏ, giải quyết dễ thôi! Chui ngay vào một tiệm ăn có máy lạnh, bạn sẽ khỏi phải thấp thỏm. Vậy hãy quẳng gánh lo đi và vui sống tại tiệm cơm của bà Dzoãn Cẩm Vân chẳng hạn.

 

Tiệm này nằm trên đường Lê Quý Đôn, hiện đang trên đà phát triển thành một con đường ăn uống thuộc loại khá giữa những cây dài bóng mát với những tiệm Nhà Tôi, Ớt Xanh, Ngọc Sương, Hà Nội Quán, Dương Cầm, vv…

 

Nếu Bà Cả Đọi là hình ảnh một bà mẹ quê Việt Nam chất phác, mộc mạc với hàm răng đen nhánh và một bộ cánh luôn là áo cánh nâu, quần đen; thì bà chủ nhà hàng Dzoãn Cẩm Vân có vẻ  sang cả và quí phái theo lối người tỉnh thành với nước da trắng và cách trang phục chỉnh tề.  Nếu Bà Cả Đọi thiên về những món ăn dân dã thì Bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân lại chuyên trị những món ăn cao cấp hơn với những chế biến đặc biệt và chuyên chú nhiều về phần trình bầy.

 

Bà chủ nhà hàng này năm nay khoảng trên dưới 70, từng dậy về gia chánh trong 9 năm cho một số trường trung học ở Sài Gòn.  Không những thế, bà từng là giáo sư dạy văn chương tại trường Nguyễn Thượng Hiền. Dịp Tết vừa qua, tên tuổi bà Cẩm Vân còn được biết đến nhiều hơn khi bà tung ra một loại bánh chưng đặc biệt để dùng làm quà biếu trong dịp Xuân về.

 

Cặp bánh chưng được đựng trong một giỏ tre vuông có quai xách rất đẹp đã được chiếu cố khá mạnh trong dịp Tết vừa qua. Ăn hết bánh, dùng cái giỏ tre đựng những món đồ lỉnh kỉnh cũng đáng tiền. Trên 7000 cặp đã được tiêu thụ trong một thời gian khá nhanh.

 

Tiệm ăn Dzoãn Cẩm Vân – có sức chưá 180 người, với 25 nhân viên –  tính cho đến lúc bạn và tôi bước vào hồi cuối tháng 2 năm nay mới chỉ khai trương được 4 tháng, nhưng khách khứa không đến nỗi vắng vẻ.  Trái lại còn hứa hẹn sẽ tăng tiến thêm do những món đặc biệt ở đây, do chính tay bà và một người con trai từ Mỹ về coi sóc.

 

“Partner” của bà là chị Dung, từng một thời đứng ra khai thác vũ trường Galaxy ở Falls Church, tiểu bang Virginia. Nay chị chán cảnh ồn ào, ca nhạc, nhẩy nhót nên bay về Sài Gòn hùn hạp trong việc kinh doanh đớp hít cho vui. Ngồi trong một tiệm ăn xinh xắn, lịch sự và mát mẻ thế này vào một buổi trưa, hẳn là bạn và tôi phải chiêu đãi ông thần khẩu một bữa phủ phê. 

 

Ta bắt đầu với món óc đậu chiên nhé? Đây là một trong những món độc chiêu của tiệm ăn này. Bên ngoài miếng đậu có lớp bột rất mỏng chiên vàng nóng hổi, nhưng bên trong vẫn giữ được hương vị tinh khiết của óc đậu non mềm mại trắng tinh. Món tôm bọc cốm cũng thật là hấp dẫn.

 

Những hạt cốm mỏng mầu xanh lá mạ bao quanh con tôm tròn trịa cũng bọc một lớp bột mỏng chiên vàng chấm với nước sốt   mầu đỏ, thật là đầy đủ mầu sắc hài hoà. Chỉ nhìn cũng đủ… ứa nước miếng. Bà chủ quán giới thiệu một  món tuyệt chiêu khác của quán là cua lột rang quế.

 

Đã biết cua rang me, cua rang muối tiêu, cua này cua nọ, vv… Nhưng lần này chắc chắn là lần đầu bạn với tôi được thưởng thức món cua rang quế. Lạ miệng thì có, nhưng theo tôi mùi quế không có vẻ gì hợp lắm với mùi cua. Hay là hôm đó nhà bếp quá tay bỏ nhiều quế quá chăng nên rất ư nồng nàn, khiền mùi vị cua trở thành thứ yếu.

 

Còn bạn, chắc khoái khẩu lắm hay sao mà gắp lia liạ thế kia.  Để dành bụng xơi món khác chứ.  Bạn còn đủ chỗ chứa một hai món sau đây của tiệm Dzoãn Cẩm Vân không: Cá chiên lá dứa, chả cốm cơm nắm, chả cá gói lá chuối áp chảo, đuôi bò ngũ vị, cua lột hột vị muối, vv… Muốn ăn chắc mặc bền, hãy thử món chả cốm cơm nắm xem sao, một món tuy là dân dã nhưng thuộc loại dân dã… cao cấp hơn là cơm nắm muối mè.

 

Không như tại thành phố Montreal của tôi, nếu không ăn cơm vợ, mỗi khi đến buổi trưa nếu muốn ăn món dân tộc là bắt đầu… lo sợ, không biết ăn món gì. Tiệm nào cũng gần như tiệm nấy, chỉ có bấy nhiêu món ghi trong thực đơn. Thật ra cũng có nhiều món khác, nhưng bị “Tây hoá” quá nhiều để biến thể chỉ còn phảng phất tí ti hương vị dân tộc. 

 

Chỉ có vài tiệm có thể ăn trưa cho ra hồn, nếu không phải chờ đến bữa tối. Phở, bún, hủ tíu các loại,  trưa nào cũng ăn đã phát ngán. Bì cuốn, gỏi cuốn, nem cuốn, chả giò ăn riết chả còn biết mùi vị gì. Cơm đĩa quanh đi quẩn lại cũng chỉ có tôm nướng, cá nướng, bò nướng, gà nướng, sườn nướng hoặc một “combinaison” hầm bà lằng, tăng cường một chén súp và tráng miệng bằng một chiếc bánh biscuit hạnh nhân.

 

Ngược lại, dĩ nhiên ở Sài Gòn có quá nhiều hàng quán, quá nhiều món nọ món kia nên tha hồ thay đổi.  Trưa cũng vậy, mà tối lại càng linh đình hơn.  Cũng là món cơm Bắc, nhưng cách nấu nướng của những người miền Bắc vào Sài Gòn sau năm 75 lại có phần khác với cơm Bắc của Bà Cả Đọi.

 

Chẳng hạn như Hà Nội Quán trên đường Lê Quí Đôn với các món ăn được pha chế ngọt hơn, với hàng chục món ăn đủ loại chiên, xào, kho, hấp. Đây là một tiệm ăn gồm 2 tầng lầu không bình dân quá vì có máy lạnh, nhưng cũng chẳng phải là một nơi lịch sự. 

 

Nhưng vào buổi trưa, kiếm được một bàn không được dễ dàng cho lắm.  Nhờ số thực khách rất đông đúc, nên các nhân viên phục vụ có vẻ chỉ muốn bạn và tôi biến đi cho nó thoáng, để chỗ ngồi cho những thực khách đang ùn ùn kéo vào.  Dù khát bia cách mấy bạn cũng không thể ngồi thoải mái để nhâm nhi.  Chỉ cần một hai chai “Tiger” là đủ. Rượu vào lời ra ở đây không nên, khi những thực khách đang sốt ruột chờ đợi có bàn trống, mắt nhìn chăm chú vào những người đang ăn, khiến chỉ muốn ăn vội ăn vàng rồi đứng dậy.

 

Cũng với những món ăn tương tự, ghi chi chít trong thực đơn, tiệm ăn có tên Quán Cơm Ngon trên đường Nguyễn Du, đối diện phở Bắc Hải thì lịch sự hơn nhiều.  Phiá ngoài, mầu xanh của cây cối đã làm giảm bớt phần nào cái nóng nực. Phiá trong ngôi nhà hai tầng rộng lớn xây cất từ thời Tây này, nay được biến thành quán ăn, cũng  tạo được không khí thoáng mát dễ chịu.

 

Nhân viên phục vụ lễ độ, nhanh nhẹn dễ gây được cảm tình với thực khách. Nhưng có một điểm cần khiếu nại: Phòng ăn và nhà bếp sát nhau quá, khiến vừa ăn vừa nghe tiếng dao thớt, bát đĩa vang rền như có nhạc sống vào giữa buổi trưa, nên cái “set” cơm trưa văn phòng với giá 40 ngàn (đắt gấp 3 giá một bữa cơm trưa văn phòng bình dân), gồm: canh riêu, cá trê chiên với nước mắm gừng và rau muống xào tỏi cũng bớt ngon đi một phần.

 

Lâu lâu muốn thay đổi khẩu vị cho bữa ăn trưa, không gì hay bằng vào trong Chợ Lớn, là nơi có rất nhiều tiệm cơm Tầu bình dân, đông đảo nhất tại quận 5. Không kể còn những tiệm tại các quận 10, 11, vv…

 

Gà là một trong những loại thịt được các chú Ba chế biến thành rất nhiều món, nhưng gặp thời cúm gà nên bạn và tôi đành phải chờ dịp khác để thưởng thức  cơm gà Hải Nam, gà ác tiềm thuốc bắc, gà nướng tại các tiệm Vân Ký, Hà Ký, Phùng Nguyên, Kim Tân, vv…  trên đường Tạ Uyên (Tôn Thọ Tường trước kia) và một số tiệm khác như Châu Phát, Hải Sơn hay Dương Thành trên đường Phan Xich Long là những tiệm được dân ăn uống ở Sài Gòn truyền tụng.

 

Tiệm ăn Đông Giang trên đường Trần Quý, gần Chợ Thiếc ở quận 11 cũng là một trong những tiệm ăn Tầu có đông đảo người ăn, vào buổi trưa cũng như buổi tối. Đông Giang có hai tầng lầu là tiệm ăn đã có mặt từ lâu đời, điều hành bởi một gia đình người Trung Hoa. 

 

Thực khách vào đây hầu như đều là những khách quen thuộc với tiệm ăn  này, nên không khí mang nhiều tính cách gia đình, chả cần rào trước đón sau, vồn vã mời chào gì cả. Vừa ngồi xuống bàn, ông chủ quán  già và mập mạp núng nính mỡ đã trao ngay tấm thực đơn cho bạn, chẳng nói chẳng rằng gì. Chỉ hai, ba phút sau ông ta quay lại tay cầm quyển số ghi những món bạn chọn rồi giao xuống cho nhà bếp.  Chưa đầy  5 phút sau một bữa cơm trtưa thịnh soạn đã được bầy ra đầy bàn mặc dù trong tiệm chật ních những người.

 

Được ông chủ cho phép xuống thăm nhà bếp mới hiểu lý do của sự  hoàn thành nhanh chóng những món ăn tại đây. Cả hai tầng lầu có sức chứa nhiều lắm là  6, 7 chục người mà trong bếp có đến 4, 5 đầu bếp và một số  phụ bếp với đồng phục áo thun mầu xanh lá cây, có thêu tên tiệm đàng hoàng. Mỗi người phụ trách một món.

 

Người chuyên xào nấu, người chuyên lo những món nước, người chỉ lo phụ trách cái “wok” bằng gang lúc nào cũng đầy mỡ sôi sùng sục.  Lửa từ lò ga mở rất mạnh phừng cháy, bắt cả vào trong chảo mỗi khi ông bếp cho thức ăn vào và đảo thật nhanh rất ngoạn mục. 

 

Dưới bếp của Đông Giang là cả một cảnh tượng sôi động với sự  nhanh nhẹn luôn chân luôn tay của các đầu bếp và phụ bếp cùng với đủ thứ mùi vị, các loại âm thanh hỗn hợp và cả ánh sáng phừng phừng của những ngọn lửa bốc lên liên  hồi. Thôi, bây giờ ta trở lại bàn ăn đi chứ. Liên tục những món ruột heo chiên giòn, đâu hũ nhồi thịt đặc biệt Đông Giang, hải sâm thập cẩm, cá chiên giòn và cải làn đã được bầy ra chật ních bàn cùng các loại nước chấm riêng cho mỗi món.  Mời bạn nâng đũa dùng kẻo nguội và cuối cùng chỉ chi ra chưa tới 10 “đô”, rẻ chán!

 

* * *

Nếu vào một buổi trưa nào đó, cảm thấy thèm thèm một món ăn lạ miệng, mời bạn cùng tôi lên vùng Đa Kao. Nơi đây có một tiệm ăn Tây bình dân rất nổi tiếng.  Đó là tiệm Thuận Tuấn, nằm tuốt trong một hẻm trên đường Nguyễn Văn Thủ, cắt ngang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

 

 Không có thổ công chỉ đường, khó lòng tự mò ra nổi cái tiệm ăn nằm trong hẻm hóc này. Nhưng nếu hỏi bất cứ ai trong vùng, bạn sẽ được chỉ dẫn đâu ra đó. Thuận Tuấn nổi tiếng, thứ nhất nhờ những món ăn lạ miệng, độc đáo với giá cả rất mềm so với những nhà hàng Tây sang trọng lịch sự 4, 5 sao.

 

Thứ nhì, người thành lập ra tiệm ăn này là một đầu bếp từng phục vụ vấn đề ẩm thực cho những vị tai to mặt lớn của cả hai chế độ. Thời ông Nguyễn Văn Thiệu, chủ quán Thuận Tuấn đã rất được khen ngợi với tài nấu nướng của ông trong vai trò đầu bếp riêng. 

 

Vào thời ông Võ Văn Kiệt, người chuyên nấu những món ăn tây đó vẫn được giữ lại trong vai trò đó cũng như phục vụ cho những buổi tiệc tùng ngoại giao.  Một thời gian sau, ông đứng ra mở một tiệm ăn riêng, thu hút được nhiều thực khách khoái những món ăn theo kiểu Tây do ông thực hiện.

 

Ông đã qua đời từ hơn 4 năm nay, nhưng tiệm Thuận Tuấn, do các con ông điều hành vẫn đang trên đà đi lên vùn vụt để còn khai thác thêm 2 chi nhánh, lớn hơn cái tiệm gốc trong hẻm này rất nhiều.  Một tiệm nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý) và một tiệm bề thế hơn cả nằm gần bờ kinh, không xa quán gốc là bao.  Người con gái ông đầu bếp trứ danh này cho biết, do sự nổi tiếng của nó, mà cái tên Thuận Tuấn đã được thiên hạ dùng đặt cho vài tiệm ở các nơi khác, chẳng dính dáng gì đến tiệm gốc.

 

Một kinh nghiệm ăn uống ở Sài Gòn cho những người ở xa về: Tuy cùng mang một tên tiệm nổi tiếng với những đặc sản riêng, nhưng phải hỏi thăm cho kỹ để tới đúng tiệm gốc, đúng tiệm thứ thiệt.  Điều tra không kỹ, ăn nhầm tiệm dởm, tha hồ bực mình, bực mẩy. Chỉ tội cho cái tiệm mang cái tên chánh gốc, bỗng dưng bị rủa oan. Tội nghiệp.

 

Món ruột của Thuận Tuấn là thịt Trừu Nướng và Paté Gan Trừu. Món đầu ăn với sà lách, khoai tây chiên được ướp với những gia vị thích hợp theo lối Âu Châu nhưng lại được chấm với một thứ nước “sốt” đặc biệt, thoảng mùi vị Á Đông do ông chủ tiệm đặc chế. Món thịt trừu thường được quí ông khoái hơn quí bà.  Nhưng với món paté gan trừu thì cả hai phe đều khoái. 

 

Một vài người thân thuộc phái nữ của người viết thường không thú vị lắm với thịt trừu, cho là khó ăn, do cái mùi bị các vị đó cho là nặng nặng và hôi hôi của nó. Nhưng khi nếm thử món Paté Gan Trừu của Thuận Tuấn, ai cũng phải công nhận thật là “hẩu sực”. Quết một lớp bơ mỏng, phết một lớp Paté khá dày lên miếng bánh mì giòn, điểm tí “mù tạt” vàng vàng rồi đưa vào miệng sao thấy tuyệt vời quá chừng, quá đỗi.  Sau đó cắn thêm tí hành lá sống sẽ thấy mùi hăng hăng, cay cay xộc lên mũi, sướng quá mạng.

 

Bạn đã từng ngao du khắp nơi, từng ăn đủ thứ  Paté ở những tiệm trứ danh, nhưng chắc bạn sẽ phải công nhận là món Paté Gan Trừu của Thuận Tuấn không chịu thua kém về mùi vị của bất cứ đâu, mặc dù chỉ là một tiệm không có sao nào! Ngoài hai món vừa kể, Thuận Tuấn còn một số món khác như: Sườn Trừu  Nướng, Ca Ri Trừu, Tim Lụi Nướng, Cá Chẽm Lụi Nướng, Jambon và Xúc Xích Xông Khói, vv…

 

Đắt nhất là món Trừu Nướng (với khoai tây chiên và xà lách) cũng chỉ có 45.000 (khoảng 3 “đô US”).  Còn một miếng Paté Gan Trừu to gần bằng bàn tay mà giá chỉ có 15.000 đồng.  Mặc dù có thêm 2 tiệm khang trang khác, nhưng những thực khách quen thuộc vẫn khoái ghé đến cái tiệm Thuận Tuấn nhỏ bé trong hẻm hốc này vì cho rằng đây mới là địa điểm gốc, với hình ảnh quen thuộc của ông chủ quán, tuy đã qua đời, nhưng làm như vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

 

Phải công nhận thời buổi kinh tế thị trường đã đưa đến nhiều sự “phát huy sáng kiến” để cạnh tranh nhau ráo riết trong vấn đề phục vụ thực khách. Không những chăm chút  đến những món ăn, mà còn chú trọng đến sự khiến thực khách vui mắt. Đó là trường hợp của Tiệm Cơm Niêu Sài Gòn mà chắc chắc bạn đã từng nghe nói đến.

 

Cơm Niêu Sài Gòn được coi như tiệm cơm đầu tiên có sáng kiến đưa món cơm niêu này vào nền văn hoá đớp hít. Tiệm này bày đặt ra cơm niêu vào khoảng giữa thập niên 90, đã thu hút đông đảo thực khách tới địa điểm ở số 6C đường Tú Xương.  Tên đặt cho món cơm này quả là hấp dẫn nên đã lôi kéo được sự tò mò của thực khách một cách ghê gớm.

 

Thật ra tất cả đều nhờ vào sự vui mắt của màn tung và hứng phần cơm trong một cái niêu đã được đập bể. Một anh phục vụ mang niêu cơm từ nhà bếp vào phòng ăn, đập bể niêu cơm, bỏ cơm trong niêu vào một cái đĩa và hất tung phần cơm này về phía một anh khác đang chờ hứng bằng một cái đĩa cạnh bàn thực khác. Tiếng đập loảng xoảng các niêu cơm cộng với màn tung và hứng ngoạn mục khiến ai cũng say mê theo dõi như đang thưởng thức một màn “xiệc”.

 

Chỉ được coi là lạ mắt là như vậy, còn thực đơn cũng toàn là những món ăn với cơm quen thuộc như cá kho tộ, thịt heo kho tộ, rau muống, đậu hũ chiên, bò xào, các loại canh, cá chiên dầm nước mắm, vv… Nhưng muốn cho đúng điệu, bạn cần rắc chút muối mè (vàng và đen) cùng chút mỡ hành lên phần cơm niêu để tăng cường thêm mùi vị, nhất là đối với phần cơm sát niêu cháy vàng xém. 

 

Vào khoảng hơn 12 giờ trưa thì màn biểu diễn “show” tung và hứng cơm niêu diễn ra ì xèo, vừa vui tai, vừa vui mắt. Phòng ăn trong nhà cũng tung hứng, dãy bàn dài kê phiá ngoài cũng hứng, cũng tung bởi những bàn tay khéo léo của một đội ngũ gồm hàng chục nhân viên phục vụ, mặc đồng phục đàng hoàng.

 

Một nhân viên  cho biết muốn có được tay nghề thành thạo trong việc tung hứng cơm niêu, anh cũng phải tập dượt nhiều lần trước khi được được biểu diễn trước mặt thực khách. Tuy vậy cũng không tránh khỏi một vài “sự cố” xẩy ra trong khi tung hay hứng.

 

Tung thì bị trợt tay, văng nguyên phần cơm vào bàn ăn. Hứng thì lạng quạng thế nào khiến phần cơm trợt ra khỏi đĩa, rơi phẹt xuống đất. Sau khi thấy được  sự thành công của Cơm Niêu Sài Gòn, không biết bao nhiêu tiệm cơm niêu khác thi nhau ra đời khiến ngành đồ gốm trở nên rất phát đạt. Với số lượng đông đảo tiệm cơm niêu, ít ra mỗi ngày cũng có đến hàng ngàn chiếc niêu bị đập để phục vụ cho nền văn hoá ẩm thực chỉ riêng tại Sài Gòn.

 

Có thể bạn sẽ nghĩ như tôi là giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn vào buổi trưa mà có được những món ăn mát mẻ thì sẽ dễ chịu và ngon miệng biết chừng nào.  Điều đó chỉ có thể có khi đến với những món sushi, sashimi của Nhật.

 

Nếu bạn còn là người nghiền sushi như tôi thì cường độ thèm muốn còn cao vời vợi. Đúng ra ăn sushi vào buổi tối hấp dẫn hơn. Nhâm nhi đĩa sashimi với những bình sake hâm nóng hay với những lon bia Saporo có lý hơn là ăn vào buổi trưa.

 

Nhưng do sự tò mò, tôi đã mò mẫm tới một tiệm ăn Nhật bình dân để xem tình hình ra sao.  Những món ăn Nhật được gọi chung chung là cá sống này đối với dân Sài gòn cũng mới trở nên quen thuộc từ vài năm nay.  Tuy nhiên đối với những người tỏ ra sành ăn, sành uống thì đi ăn sushi đang trở thành một cái “mốt” có vẻ quí phái, sang trọng do giá cả không được mềm mại cho lắm.

 

Một bữa sushi buổi tối cho ra hồn ở Sài Gòn, chưa kể bia bọt sơ sơ cũng phải từ 30, 40 “đô” trở lên cho một người.  Trung bình một chầu buffet sushi tại các khách sạn như Caravelle, Omni, Sheraton hay Renaissance cũng từ khoảng 15 đến 20 “đô”. Tha hồ ăn thả cửa, tuy nhiên đừng nên đòi hỏi những loại cao cấp như  cầu gai, ốc vòi voi, bào ngư hoặc những loại cá khác ngoài hai loại phổ thông nhất là Salmon và Tuna.

 

Về số lượng thì OK, nhưng chất lượng cũng chỉ là đại khái. Bạn nào là đệ tử Lưu Linh sẽ gỡ gạc được vì cứ việc uống rượu chát trắng hay đỏ vô tư như ở Caravelle. Còn ở Renaissance, ta mặc sức mà uống bia Tiger thoải mái.

 

Tiệm ăn Nhật bình dân nhắc tới ở trên có tên Nhật Sài Gòn, nằm trên đường Lê Văn Sỹ, góc đường Phạm Văn Hai.  Chủ nhân tiệm ăn Nhật bình dân này từng là bếp trưởng của nhà hàng Nhật trong khách sạn New World.  Nghe nói vậy, nhủ thầm trong bụng chắc sẽ có được một chầu sushi linh đình. 

 

Giữa trời nắng chang chang, vất vả, đổ mồ hôi mới đến được Sài Gòn Nhật, ngay góc ngã tư ồn ào và bụi khói mịt mù.  Hy vọng sẽ được mát mẻ, khoan khoái khi bước vào tiệm được mở máy lạnh. Nhưng hỡi ôi, vào giữa trưa mà chỉ có loe hoe hai ba bàn, nên chắc chủ tiệm thi hành chính sách tiết kiệm điện nên nóng vẫn hoàn nóng. Sức thổi của mấy cây quạt chẳng thấm thía vào đâu.

 

Thôi, cũng được đi. Bình dân mà. Thực đơn cũng ghi chằng chịt đủ thứ món.  Ngoài những món “à la carte”, cũng có những “set” tổng hợp gồm các loại sushi và sashimi. Nhưng tiếc một điều là “order” món nào đều được trả lời “hết” hoặc “hôm nay không có” món đó. Chán mớ đời. Tạm tha thứ đi, bình dân mà!  Cuối cùng cũng chọn được một vài món đỡ ghiền.

 

Buổi trưa hôm đó chỉ có bàn của người viết gồm 5 mạng và một bàn khác 2 người, nhưng không biết sao phải chờ đến rã người, gần 1 tiếng đồng hồ sau, những orders mới được mang ra bởi một cô tiếp viên còn rất ư lọng cọng. Hơn nữa, còn mang ra nhầm 2 món. Không muốn chờ đợi lâu thêm, đành phải bấm bụng nhận. Cả bọn nhìn nhau lắc đầu. Nhất là khi nhìn vào những miếng cá sống ủ rũ, mềm xèo đặt trong đĩa trình bày rất đơn sơ và mộc mạc. Phải chấp nhận thôi, bình dân mà!

 

Do việc bảo quản không được tốt nơi một cái quầy dài giống như quầy ở chợ bán cá, nên mới bước vào đã nghe thoang thoảng mùi cá hơi ươn, đã thấy kết quả của bữa ăn trưa này không được sáng sủa lắm. Lại không mở máy lạnh trong khi trời nóng nực hết ga, nên khi món cá sống được mang ra ta phải khẩn trương tiêu thụ thật nhanh, nếu không muốn bị Tào Tháo rượt. 

 

Chưa hết, lâu lâu lại có vài ba chú ruồi vo ve bay quanh đĩa, chỉ chờ ta sơ hở là đáp ngay xuống những miếng cá héo hắt, ỉu xìu. Cả bọn nhìn nhau ngao ngán.  Thấy khách khứa cỏ vẻ không hài lòng, viên quản lý tiễn chân ra tận cửa với những lời xin lỗi lia chia, và tha thiết “ mời các ông bà trở lại ủng hộ chúng tôi”. Arigato! Domo Arigato! Hổng dám nữa đâu!

 

Nhất định ta phải ăn một chầu cơm trưa Nhật để trả thù, sau khi trải qua một sự thất bại ê chề ở tiệm Sài Gòn Nhật.  Vậy tôi hẹn bạn đến tiệm Ớt Xanh ở số 18 đường Lê Quí Đôn. Tuy Ớt Xanh không phải là một tiệm chuyên trị về món Nhật mà lại phục vụ những món ăn của 3 miền Việt Nam.

 

Tôi đã đến tiệm này 2 buổi trưa để thưởng thức những “sets” cơm trưa văn phòng, từ 25 đến 40 ngàn một phầm do bị quyến rũ bởi khung cảnh  thoáng mát, lịch sự và nhất là vệ sinh của nó.  Không cần ngồi ở phòng lạnh dưới nhà mà vẫn thấy mát mẻ khi ngồi trên lầu với cách trang trí đẹp mắt và nghệ thuật với những cây cảnh, những giỏ hoa tươi tốt. 

 

Tôi được giới thiệu với ông chủ quán người Nhật tên Yamabe và được ông cho biết tuy tiệm ông chuyên về những món ăn đặc biệt của 3 miền Việt Nam do những đầu bếp người Việt phụ trách, nhưng nếu là người khoái thưởng thức sushi, thì Ớt Xanh cũng sẽ phục vụ đến nơi đến chốn, dù là vào buổi trưa.

 

Nhất là được ông Wanabe cho biết là Ớt Xanh thuộc hệ thống tiệm ăn Humming Bird ở Tokyo. Tin lời ông là một người Nhật chính cống, nên tôi  quay trở lại với Ớt Xanh vào một buổi trưa khác với một sự hí hửng, hân hoan nhưng không kém phần… hồi hộp!

 

Và may mắn làm sao bạn và tôi đã không thất vọng khi có được những món ăn ngon miệng, cùng với sự phục vụ chu đáo của cô quản lý tên Mai Thảo – tốt nghiệp ngành quản lý du lịch –  và hai nhân viên, một nam, một nữ vui vẻ và ân cần. Vừa thoáng mát, vừa được phục vụ nhanh nhẹn, lễ độ, lại vừa được ăn ngon thì hẳn là một sự thành công đáng kể.

 

Chắc bạn còn nhớ, trưa hôm đó bạn và tôi đã làm một chầu Nigiri, Sashimi với những Unagi, Tai, Tako, Toro, Hamachi, Saba, Maguro, vv… Chưa kể  một “order” Hosomaki và một Futomaki  no cành hông. Cuối cùng chỉ chi ra khoảng 25 “đô” kể cả bia bọt và tiền “bo”.

 

Bạn nói với tôi, từ trước 75 đã nghe thiên hạ nhắc nhỡ  nhiều đến món Cà Ri Chùa Chà chính cống Anh Bẩy Chà,  nhưng chưa bao giờ được thưởng thức. Nhân tiện chuyến này mời bạn đến làm một phùa cho đỡ thắc mắc.  Nhiều người không ngờ phiá sau ngôi chùa Hồi Giáo rất lớn, thường được gọi là Chùa Chà, số 66 đường Đông Du (quên béng tên cũ là chi, chỉ biết là một con đường ngắn ăn thông từ Hai Ba Trưng ra Tự Do, tức Đồng Khởi bây giờ) lại là một tiệm ăn khách khứa vào ra tấp nập, từ trưa đến chiều.

 

Tiệm chuyên trị món cà ri này đã có mặt ở phiá sau, thuộc khuôn viên của ngôi chùa chà này từ trên 30 năm, chẳng hề có bảng hiệu tên tuổi gì hết trơn.  Chỉ biết người lập nên tiệm này là một ông Ấn Độ sang Việt Nam lập nghiệp  cách đây trên nửa thế kỷ. Ông lấy vợ người Việt, nên người cháu tên Đông của ông là chủ tiệm hiện nay, dòng máu Ấn Độ đã bị loãng rất nhiều, chả còn nói được câu tiếng Ấn nào, ngoài một nước da ngăm ngăm đen.

 

Trời tuy nóng chảy mỡ, nhưng bạn không thể đòi hỏi vấn đề bia bọt ở đây, vì đó là điều cấm kỵ của đạo Hồi. Làm một ly cối trà đá cũng mát chán. Cũng đừng nên cắc cớ hỏi có món Cà Ri Heo hay không? Vì thịt của dòng giống Trư Bát Giới cũng là một điều tối kỵ với những người theo Hồi Giáo.

 

Còn thiếu gì món, dù không có gà trong thời gian này, nhưng  có đến gần chục món cà ri hấp dẫn khác ở riêng trong mỗi nồi để trên bàn cho bạn lựa chọn. Bạn cứ tự nhiên đến từng nồi quan sát như những nhóm du khách Nhật hay Đài loan trưa hôm đó.  Xí xa xí xô, chỉ trỏ vào từng chiếc nồi ra điều lạ lùng và khoái chí.  Mỗi nồi chứa một loại cà ri riêng như  Dê, Bò, Cá, Cua, Tôm, Mực, vv…

 

Khi được “order”, món đó sẽ được chính tay anh Đông hoặc một người phụ bếp múc vào một chiếc nồi nhỏ, rồi hâm trên bếp ga bên cạnh. Sau đó, phần cà ri được xớt vào đĩa để bạn dùng kèm với một loại đồ chua đặc biệt gồm đậu bắp, cà chua, cà tím, ớt và một số gia vị.

 

Anh Đông cho biết những gia vị để làm món cà ri của tiệm anh đều được nhập cảng từ bên Ấn Độ nên rất bảo đảm chất lượng. Không phải loại gia vị lèng èng mua ngoài chợ như những tiệm cà ri khác. Nói sao, nghe vậy, chẳng cần biết đúng hay không. Miễn sao ngon là được, bạn đồng ý chứ? Nếu có đúng những gia vị thứ thiệt, mà pha chế vớ vẩn thì cũng vất đi.

 

Cạnh tranh với tiệm cà ri Chùa Chà cùng trên đường Đông Du là một tiệm có tên 100% Ấn Độ là Bombay, nhưng lại do một bà người Việt chính cống, gốc ở miền Tây đứng ra khai thác từ vài năm nay.  Hương vị những món cà ri của tiệm này cũng được nhiều người ưa thích nên có vẻ phát đạt ra gì. 

 

Cách nấu của Bom Bay khác với tiệm trong Chùa Chà là nước lỏng hơn và có những món được chế thêm sữa tươi.  Trong khi tiệm của anh Đông sệt hơn và nhất định không có chút sữa tươi nào.  Món cà ri còn được khai thác bởi một số tiệm ở những vùng khác như Tân Bình với tiệm số 16/4 đường Tân Hải, bến hàm Tử với Musa, ở Gò Vấp với Tư  Thăng, vv… Mỗi tiệm mỗi vẻ, mỗi hương vị với giá cả trung bình từ từ 20 đến 35 ngàn một phần, tương đối mềm hơn cà ri Chùa Chà!

 

Nếu muốn tìm một không khí ồn ào, nhộn nhịp vào buổi trưa mời bạn đến với những tiệm cơm như Minh Đức, Nam Sơn, Quê Hương, vv… Minh Đức nằm trên đường Tôn Thất Tùng, với hai tiệm đối diện nhau. Tiệm nào cũng đặc nghẹt  những người là người vào buổi trưa. 

 

Minh Đức nghiêng về những món miền Nam với canh chua cá lóc, cá bông lau, cá thu chiên, cá kho tộ, sườn ram mặn, mực nhồi thịt, tôm kho tầu, vv… Nam Sơn trên đường Nguyễn Thiện Thuật nặng về những món Tầu. Trong khi Quê Hương gần ngã sáu Cộng Hoà có đủ các món Nam và Bắc đề huề. Cà pháo mắm tôm cũng có, dưa giá cũng có. Canh mồng tơi, canh rau đay hay canh chua cá lóc, canh ngót cá điêu hồng cũng không thiếu.  Từ buổi chiều trở đi, Quê Hương còn nổi tiếng với món cháo lòng mà giới báo chí và nghệ sĩ rất ưa thích.

 

Buổi trưa nào trong túi không được rủng rỉnh, bạn cũng sẽ có được một đĩa cơm “bụi đời” ngon miệng tại không biết bao nhiêu là quán cơm bình dân thứ thiệt. Chỉ với 5, 7 ngàn bạn sẽ có được một đĩa cơm thịt quay, đậu hũ nhồi thịt, thịt kho nước dừa hay măng kho thịt, sườn heo nướng, rau muống xào tỏi, vv… với một tô canh rau cải, rau dền, khổ qua.  Ních thêm một ly trà đá to tổ bố, bảo đảm bạn sẽ no đến chiều!

 

Ăn trưa như vậy có thể coi là tạm đủ.  Để dành bụng đến buổi tối, sẽ mời bạn tham quan những tiệm ăn, quán nhậu tha hồ phủ phê.  Nền ăn uống của “Saigon By Night” thật sự nở rộ từ 6, 7 giờ chiều trở đi và kéo dài cho đến khuya. Chỉ sợ bạn không đủ nội lực để nếm đủ thứ món trên đời.

 

Bây giờ đã đến lúc dân Sài Gòn đi ngủ trưa. Chắc bạn cũng đã mỏi gối chồn chân, thờ phì phò giữa cái nắng như thiêu, như đốt. Vậy ta cũng nên đánh một giấc cho khỏe tấm thân để dưỡng sức hầu tiếp tục cuộc hành trình ẩm thực còn rất ư là sôi nổi…

Đón đọc kỳ tới: Sài Gòn thư giãn và ăn quà vặt