Khi ngài Thị trưởng chơi vang đỏ: Penfolds “GRANGE”!

07 Tháng Bảy, 2010 | Tìm hiểu về rượu

 

 

Nhãn chai “Grange Hermitage


  mùa nho 1967 (trái) và nhãn chai “Grange” mùa nho 1999

 

Xưa nay, “rượu ngon” thường đi với “gái đẹp”. Như một sự tình cờ, LNĐ vừa viết về vụ xì-căng-đan “gái đẹp” (Katya-gate) ở Nga xong, thì xảy ra vụ xì-căng-đan “rượu ngon” ở Úc. Đó là vụ ngài cựu Thị trưởng thành phố Brisbane Jim Soorley, ngày còn tại chức, đã mua 2 đô-dần vang đỏ về để uống với các bạn đồng liêu, và “làm của” cho Hội đồng Thành phố. Dĩ nhiên, mua bằng tiền đóng thuế của người dân.

 

Và để chứng tỏ mình là dân chơi sành điệu, ngài Thị trưởng đã chọn loại rượu xịn nhất của Úc là chai “Grange” của hãng Penfolds. Vì thế, vụ xì-căng-đan này đã được truyền thông Úc gọi là vụ “Grange-gate”!

 

“Gậy bà đập lưng bà”

 

Người khui ra vụ “Grange-gate” không ai khác hơn đương kim Thị trưởng Brisbane Campbell Newman. Thực ra, ông Campbell, vốn là người thích uống rượu, không đến nỗi nhỏ nhặt, và cũng chẳng rảnh rỗi tới mức bơi móc chuyện uống rượu của một người tiền nhiệm. Cũng không phải vì ông thuộc đảng Tự Do nên tìm cách hạ ông cựu Thị trưởng Lao Động, mà chỉ vì ông bị người ta buộc tội “đã uống rượu Grange” một cách oan uổng, nên bắt buộc phải lên tiếng thanh minh thanh nga.

Đầu đuôi cũng chỉ vì sự hồ đồ, không chịu tìm hiểu tới nơi tới chốn  của nữ nghị viên Shayne Sutton, lãnh tụ Lao Động trong Hội Đồng Thành Phố Brisbane.

 

Nguyên cách đây hai tuần, tờ Brisbane Times căn cứ vào các số liệu thu thập được (theo luật “Quyền được Thông tin” – Right to Information của các công dân) cho biết năm ngoái, văn phòng thị trưởng Brisbane (tức đương kim Thị trưởng Campbell Newman) đã chi tới 17.000 đô-la để mua rượu để chén chú chén anh và đãi đằng khách khứa.

 

Cũng theo nguồn tin trên, và được nhật báo The Australian đăng tải, nữ nghị viên Shayne Sutton, lãnh tụ Lao Động trong HĐTP, đã kịch liệt đả kích ngài đương kim Thị trưởng về việc chi 2640 đô-la để mua 12 chai rượu Grange 1993, và đòi hỏi ngài Thị trưởng phải công khai giải thích về việc này.

 

Bà Sutton tuyên bố:

 

“Rõ ràng là ông ta chẳng quan tâm gì tới những ưu tiên hàng đầu của cư dân Brisbane. Trong khi người dân không có lối đi bộ (footpath) dọc theo những con đường của họ, thì ông ta lại sử dụng công quỹ mua rượu xịn để cùng nhau thưởng thức!”.

 

[Chú thích của LNĐ: Độc giả nào từng ghé Brisbane, hẳn phải nhận ra thực tế mà bà đầm Shayne Sutton đã nêu ra: đại đa số các con đường ở ngoại ô (suburbs) không có lối đi dành riêng cho người đi bộ (footpath) như ở các tiểu bang khác; bên ngoài hàng rào nhà là một khoảng đất hẹp, rồi tới đường nhựa cho xe chạy; cho nên người đi bộ phải “share” đường nhựa với xe cộ!]

 

Sau khi bài báo nói trên được đăng tải, thay vì đôi co ngay với lãnh tụ Lao Động trong HĐTP (tức bà đầm Shayne Sutton), ngài Thị trưởng Campbell Newman đã âm thầm trổ tài “thám tử”, và sau khi đã có đầy đủ bằng chứng trong tay, mới bất ngờ phản công trong buổi họp HĐTP ngày 4/5/2010.

 

Trước hết, ông Newman tuyên bố “thủ phạm” mua rượu Grange không ai khác hơn là cựu Thị trưởng Lao Động Jim Soorley ngày còn nắm quyền. Không chỉ mua 12 chai mà mua tới 24 chai!

 

Theo tường thuật của báo chí Brisbane, qua lục lọi hồ sơ lưu trữ của HĐTP, ông Campbell Newman đã khám phá ra rằng vào năm 1999, ngài Thị trưởng Jim Soorley đã mua 12 chai “Grange Hermitage” của mùa nho 1993 với giá 220 đô-la một chai; rồi tới năm 2002, lại mua thêm 12 chai “Grange” của mùa nho 1996, với giá 250 đô-la một chai.

 

-Viết thêm để hội viên Hoàng Hoa Hội đọc chơi:

 

Báo chí ở Brisbane gọi rượu “Grange” của mùa nho 1993 là “Grange Hermitage”  là không được chính xác. LNĐ không dám chê các nhà báo trên nớ là không biết tới nơi tới chốn, mà chỉ cho đây là một sai sót vô tình.

 

Trên thực tế, theo Bách khoa Tự điển về rượu “Penfolds Grange”, thì những chai shiraz cuối cùng được mang chữ “Grange Hermitage” trên nhãn là những chai sản xuất năm từ năm 1989 trở về trước, và kể từ năm 1990 trở về sau, chỉ được ghi ngắn gọn là “Grange”.

 

Nguyên nhân: theo sự kiện cáo của các nhà làm rượu ở Pháp, Tòa án Liên hiệp Âu châu đã phán rằng “loại rượu nào của Pháp được đặt tên theo địa danh thì “tên” ấy chỉ được sử dụng cho rượu sản xuất tại địa danh ấy mà thôi”. Chẳng hạn “cognac”, “champagne”, “hermitage”, v.v…

 

Theo Bách khoa Tự điển Wikipedia, rượu Hermitage là rượu vang làm bằng nho trồng trên sườn đồi Hermitage (Côteaux d’Hermitage), ở thị trấn Tain l’Hermitage trong thung lũng sông Rhône, phía nam thành phố Lyon, đông nam nước Pháp. Đây là vùng đất trồng nho và sản xuất rượu vang xưa nhất (thế kỷ thứ 12), và nổi tiếng nhất của Pháp, cho nên rượu vang sản xuất tại  đây được gọi chung là “rượu Hermitage” – chủ yếu là vang đỏ shiraz (người Pháp gọi là “syrah”), và một ít vang trắng “marsanne”.

 

Nói về vang đỏ một cách chung chung, dân uống rượu quốc tế sẽ nghĩ ngay tới vùng Bordeaux ở tây nam nước Pháp với những chai Château có khi giá cả chục nghìn đô-la (như Château Margaux). Tuy nhiên, rượu của Bordeaux phần lớn là giống nho cabernet sauvignon (là loại vang đỏ được dân Pháp ưa chuộng nhất),  còn nếu nói về nho shiraz  (syrah), thì rượu của vùng Hermitage mới là số 1.

 

Để giữ uy tín và đề phòng giả mạo, cũng giống như những chai Château “xịn” ở Bordeaux, tất cả mọi chai rượu vang sản xuất tại Hermitage đều được cơ quan kiểm phẩm quốc gia kiểm soát và chứng nhận xuất xứ – nguyên văn tiếng Pháp là “Appellation d’Origine Controllé”, viết tắt là AOC. Vì thế, trên nhãn rượu, đi liền sau chữ “Hermitage” là ba mẫu tự AOC. Bên cạnh rượu vang, một số đặc sản nổi tiếng của Pháp, chẳng hạn cheese, cũng được mang chữ AOC.

 

Số lượng rượu Hermitage sản xuất ra rất hạn chế, xưa kia thường chỉ có vua chúa mới dám uống (trong đó có các vị Sa hoàng của đế quốc Nga).

 

Rượu “Grange” của hãng Penfolds bắt đầu sản xuất tại Nam Úc vào năm 1952, sở dĩ được đặt tên “Grange Hermitage” là vì làm bằng giống nho lấy từ vùng Hermitage của Pháp. Theo giới chuyên gia về rượu vang, rượu shiraz Penfolds “Grange Hermitage” của những mùa nho nổi tiếng, có khi còn ngon hơn cả rượu “Hermitage AOC” của Pháp. Thế nhưng luật là luật, một khi Tòa án Liên hiệp Âu châu đã phán rằng chỉ có rượu của Pháp mới được gọi là “cognac”, “champagne”, “hermitage”, thì hãng Penfolds của Úc bắt buộc phải bỏ chữ “Hermitage” trên nhãn chai shiraz “Grange” lừng danh của mình.

 

LNĐ viết hơi chi tiết về chữ “Hermitage” trên nhãn rượu “Grange” không ngoài mục đích giúp các hội viên Hoàng Hoa Hội biết tới nơi tới chốn. Báo Úc, dân Úc có thể gọi sai, nhưng đã là hội viên  Hoàng Hoa Hội thì không thể… nói trật!

 

Trên thực tế, hiện nay một số người mua bán rượu – ở Úc cũng như ngoại quốc – vẫn gọi rượu Grange sản xuất từ năm 1990 trở về sau là “Grange Hermitage”. Gọi như thế cũng “chẳng chết thằng Tây nào”, nhưng khi mua bán thì phải nhớ kỹ một điều: trên nhãn của những chai rượu Grange ấy (sản xuất từ năm 1990 trở về sau) chỉ có chữ “Grange” mà thôi.

 

Trước đây đã xảy ra một số vụ mua bán rượu “Grange” giả, mà cả kẻ làm giả lẫn người mua lầm đều không biết tới chi tiết quan trọng nói trên. Nghĩa là trên nhãn rượu (giả) của những chai được ghi là sản xuất từ năm 1990 trở về sau, vẫn tiếp tục ghi tên rượu là “Grange Hermitage”!

 

Cũng chẳng khác nào một người tự nhận tốt nghiệp tại một trường đại học nào đó SAU KHI trường này đã đóng cửa; hoặc một người tự nhận sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thăng cấp Thiếu-tá vào năm… 1976!

 

* * *

Trở lại với vụ ngài đương kim Thị trưởng Brisbane Campbell Newman khám phá ra việc ngài cựu Thị trưởng Jim Soorley mua hai đô-dần rượu Grange vào các năm 1999 và 2002, để nói có sách mách có chứng, trong buổi họp HĐTP ngày 4/5/2010, ông Campbell Newman đã trưng ra tờ biên nhận (receipt) mua rượu lần thứ nhất, theo đó ông Soorley đã mua 12 chai Grange mùa nho 1993 tại tiệm rượu “Mr Corks” ở vùng Mt Gravatt vào ngày 18/1/1999. Ba năm sau đó, 12 chai Grange mùa 1996 cũng được ông Soorley mua tại tiệm này.

 

Sau khi “mần” nữ nghị viên Shayne Sutton, lãnh tụ Lao Động trong HĐTP, về tội hồ đồ, ông Campbell Newman đã hạch hỏi phe Lao Động về số phận của 24 chai rượu Grange nói trên.

 

 

10 chai Grange không cánh mà bay! 

 

Ông Campbell Newman cho biết khi kiểm kê hầm rượu của HĐTP, ông chỉ tìm thấy 11 chai Grange đang được cất giữ, như vậy 13 chai kia hẳn đã được uống dưới “chế độ cũ” – tức thời ông Jim Soorley làm Thị trưởng.

 

Nhưng hồ sơ lưu trữ (do ông Campbell Newman lục lọi ra) cho biết chỉ có 3 chai đã được uống vào năm 2003 trong đêm “tống cựu nghinh tân”: ông Jim Soorley rửa tay gác kiếm, nhường chức Thị trưởng cho ông Tim Quinn. Vậy thì 10 chai kia biến đi đâu?

 

Trong buổi họp ngày ngày 4/5/2010, ông Thị trưởng Campbell Newman đã lớn tiếng đặt câu hỏi: “Những ai đã uống, và uống trong dịp nào?” (Who drank it, and what was it for?)

 

Thế là buổi họp HĐTP biến thành một cái chợ chỉ vì 2 đô-dần vang đỏ, với kết quả nghị viên John Campbell của phe Lao Động đã bị phạt không được tham dự các buổi họp trong thời gian 8 ngày, vì tội liên tiếp ngắt lời ngài Thị trưởng. Đồng thời hai nghị viên Milton Dick của Lao Động và Nicole Johnson của phe Tự Do – Quốc Gia cũng bị áp dụng biện pháp chế tài tương tự vì đã cãi nhau như hàng tôm hàng cá trong phòng họp!

 

Tức thời, toàn bộ nghị viên thuộc phe Lao Động đã đồng loạt rời phòng họp để bày tỏ sự phản đối.

 

Tới giờ nghỉ giải lao, các nghị viên đã bàn tán sôi nổi về những người “có khả năng là thủ phạm” uống trộm rượu Grange, và nghị viên Lao Động John Campbell (người đã bị cấm họp 8 ngày) và nữ nghị viên Lao Động Gail McPherson bị nghi ngờ nhiều nhất, bởi vì cả hai đều là nghị viên từ thời ông Jim Soorley làm Thị trưởng.

 

Tuy nhiên tới buổi chiều, khi bị các phóng viên gặn hỏi, cả hai nghị viên này đã thề sống thề chết mình không hề uống một giọt rượu nào của 10 chai Grange “mất tích’ ấy. Riêng bà đầm Gail McPherson còn nói thêm “Có lẽ những chai rượu quý ấy đã được đem tặng cho các vị khách ngoại quốc”.

 

Tới lúc này thì rõ ràng là phe Tự Do – Quốc Gia ở vào thế “công”, mặc dù năm ngoái chính họ (và các khách quý) đã uống một số rượu trị giá 17.000 đô-la do ngài Thị trưởng Campbell Newman xuất quỹ chiêu đãi!

 

Trong khi bà đầm Shayne Sutton, lãnh tụ Lao Động trong HĐTP, đang từ thế “công”, bị lâm vào thế “thủ”. Trước những bằng chứng không thể chối cãi (chẳng hạn hóa đơn mua rượu), bà Sutton đã phải cho điều tra nội bộ, nhưng không có kết quả.

 

Bà tuyên bố: “Tôi đã hỏi từng người, và không ai nhớ họ đã từng được uống loại rượu xịn như thế”.

 

Tiếp theo, bà đã lên tiếng phê bình cựu Thị trưởng Lao Động Jim Soorley.

 

Bà nói: “Lẽ ra, ông Jim Soorley không nên mua những chai rượu Grange này. Không cần biết ai  mua, tôi cũng đều phản đối”.

 

* * *

Với hy vọng vén màn bí mật, qua ngày hôm sau, 5/5/2010, các phóng viên đã tìm tới phỏng vấn cựu nghị viên Jim Soorley về vụ mua và uống rượu Grange dưới thời ông làm Thị trưởng, thì đã bị ông này thẳng thừng từ chối. Ông Soorley tuyên bố với báo điện tử brisbanetimes.com.au:

 

“Tôi đã không còn tuyên bố những gì liên quan tới công việc của HĐTP Brisbane từ gần 8 năm qua, thì nay không có lý gì tôi lại làm việc đó!”

 

Trước thái độ dứt khoát của ngài cựu Thị trưởng, và trí nhớ kém cỏi của những nghị viên Lao Động “có thể đã uống nhưng không nhớ”, vụ “Grange-gate” coi như chấm dứt, để lại hậu quả vô cùng tai hại cho thanh danh của Lao Động tại Brisbane.

 

Về phần 11 chai Grange hiện cất giữ dưới hầm rượu của HĐTP Brisbane, ngài đương kim Thị trưởng Campbell Newman cho biết sẽ cho bán đấu giá để sung vào công quỹ.

 

Vậy là từ nay trở đi, các nghị viên của HĐTP Brisbane, dứt khoát không còn hy vọng sẽ được uống rượu Grange “chùa” nữa. Đành phải uống những chai hạng nhì, giá trên trăm đô-la như chai John Riddoch của hãng Wynns, chai Bin 707 của hãng Pendolds, v.v…

 

Nhưng cho dù chỉ được uống rượu “hạng nhì”, kiếp sau LNĐ cũng xin được làm nghị viên HĐTP ở Úc!

Lão Ngoan Đồng

(TVTS   1259   12.5.2010)