Vòng quanh thế giới (5): Đi bộ ngắm phố xá, công sở và khu giải trí

11 Tháng Mười, 2017 | Đan mạch
“Kiểu Đan Mạch”: Một sạp bán trái cây trên đường đi bộ ở Copenhagen. (Hình: TVTS)

Nếu bạn đọc cùng tôi đã đi ngắm thành phố hai vòng bằng xe bus và tàu, chúng ta đã có một sự hiểu biết tổng quát về Thành phố Copenhagen để bây giờ có thể xuống xe bus và rời tàu  đi ngắm một số khu phố và khu giải trí của thủ đô Đan Mạch, một đất nước có lịch sử lâu đời với lá quốc kỳ có tuổi cao nhất thế giới.

Trong cuốn video Vòng quanh thế giới – Tập 2 phát hình vào Thứ Bảy tuần qua (23.9.2017), ở phần cuối, tôi có mời khán thính giả chiêm ngắm Gammel Torv từ trên xe bus với hình ảnh nổi bật là cái bồn phun nước (fountain) nằm giữa quảng trường nơi có cái giếng tên Caritas Well được Vua Christian IV xây vào năm 1608. Gammel Torv nằm ở trạm 11 nếu bạn dùng xe bus nhảy lên nhảy xuống tuyến Mermaid Tour.

Con đường cho khách đi bộ mua sắm ăn uống

Gammel (cũ) Torv (quảng trường) có nghĩa là quảng trường hay cái chợ cũ, cũ nhất thành phố Đan Mạch! Chúng tôi du lịch Copenhagen vào cuối mùa hè, cũng còn là thời gian người ta đi lại tấp nập trong khu vực này nơi có những tòa nhà kiểu Âu Châu thời Phục Hưng.

Gammel Torv nằm kề con đường có tên Stroget có nghĩa là con đường đi bộ, không có xe cộ qua lại mà ở Úc chúng ta gọi là Mall.

Mặt tiền lâu đài Christiansborg nơi làm trụ sở của ba quyền lực quốc gia: lập pháp, hành pháp và tư pháp. (Hình: TVTS)

Chúng tôi hỏi một vài người ở gần Tòa Thị chính (Copenhagen City Hall) con đường dành cho người đi bộ có quán xá và được chỉ tới Stroget, bắt đầu từ đường Frederiksberggade  cách quảng trường City Hall Square chừng chục mét. Con đường đi bộ Stroget (với nhiều tên khác nhau, tùy đoạn) thuộc hàng dài nhất Âu Châu (1.1 km) là nơi thu hút khách du lịch. Chúng tôi không thuộc ngoại lệ và đã đi bộ ngắm cảnh, người và phố xá gồm cửa hàng và quán ăn trên con đường này trong vài tiếng đồng hồ.

Bạn không thể mua đồ cao cấp ở đây, nhưng chắc chắn bạn sẽ hưởng được không khí nhộn nhịp và bình dân ở những con đường hẹp nhưng ấm cúng như thế này (mời bạn xem thêm truyền hình trực tuyến tvtsonline.com.au ở mục Vòng Quanh Thế Giới để thấy những hình ảnh sống động trên con đường đi bộ này).

Những gì bạn thấy ở những con đường đi bộ trên các thành phố khác hầu như sẽ được thấy ở đây, từ người hát dạo đến người quảng cáo mời khách qua đường vào quán ăn nào đó. Tàu có, Ý có nhưng tôi chưa gặp quán ăn Việt Nam ở đây.

Dạo phố mùa hè Bắc Âu với nhiệt độ dưới 20 độ C không làm bạn mệt. Vì vậy, mời các bạn cùng đi bộ với chúng tôi tới trạm số 11 có tên Gammel Strand (đã nói về trạm này trong số báo tuần trước khi đi boat tour).

Từ trạm này, nhìn qua bên kia con kênh bạn sẽ thấy tòa nhà cổ kính bốn tầng rất lớn kiểu baroque, ở giữa có tháp nhọn, trên đỉnh có vương miện màu vàng, đó là Christiansborg Palace.

Tác giả đứng trước “rạp hát” The Pantomine Theatre xem tờ chương trình sinh hoạt của Tivoli Gardens. (Hình: TVTS)

Tòa nhà tập trung ba quyền lực của quốc gia

Borg chữ Đan Mạch có nghĩa là lâu đài (castle). Christiansborg là nơi vua Christian VI cho xây giữa khoảng thế kỷ 18 làm nơi hoàng gia cư ngụ. Bị cháy, Christiansborg được xây lại từ đầu thế kỷ 19, nhưng cuối thế kỷ đó lại bị cháy. Cung điện Christiansborg hiện nay được xây xong vào năm 1928, cũng là thời gian nhà vua Đan Mạch biến nước này thành một nước quân chủ lập hiến, vua chỉ là biểu tượng và quyền hành nằm trong tay các vị dân cử, đứng đầu là thủ tướng.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, ngay trong thành phố, đường kính chừng 10 km, có đến ba tòa lâu đài. Amalienborg Palace là lâu đài hoàng gia Đan Mạch đang cư ngụ (đối diện với Copenhagen Opera House bên kia sông).

Rosenborg Castle được xây vào năm 1606 bởi vua Christian IV làm nơi nghỉ mát. Cung điện này là một trong rất nhiều kiệt tác kiến trúc được ông vua thích nghệ thuật thực hiện vào thời Phục Hưng ở Âu Châu. Nếu bạn thích nghệ thuật thì nên đến đây xem vì cung điện này trưng bày vô số tác phẩm giá trị của các triều đại Đan Mạch.

Nhưng chúng tôi chỉ mời bạn đi xem Christiansborg Palace vì rất tiện đường, ngay giữa trung tâm thành phố.

Cung điện Christiansborg của vua chúa Đan Mạch ngày nay đã trở thành trụ sở tượng trưng cho quyền lực của Đan Mạch. Nhưng Christiansborg là nơi duy nhất trên thế giới mà 3 quyền lực của quốc gia tập trung vào một chỗ, là trụ sở quốc hội (lập pháp), nơi làm việc của thủ tướng (hành pháp) và là pháp đình của tòa án tối cao Đan Mạch (tư pháp).

Vũ ballet tại Công viên Tivoli: Đón xem cuốn video dài 30 phút, hình ảnh rõ, âm thanh hay, sẽ đưa lên tvtsonline.com.au trong mục Vòng Quanh Thế Giới trong khoảng hai tuần tới. (Hình: TVTS)

Cung điện này rất lớn, trải dài trong một khu vực rất rộng trong đó tòa nhà dùng làm trụ sở quốc hội chỉ là một phần. Một số nơi xem miễn phí, một số khác phải mua vé.  Nào là  The Royal Stables nơi ở của con bạch mã của nữ hoàng, nguyện đường hoàng gia (The Palace Chapel),  The Royal Reception Rooms thật lộng lẫy làm nơi để nữ hoàng tiếp quốc khách, tổ chức ngự tiệc tại đại  sảnh (The Great Hall), dạ tiệc dịp năm mới như các tiên vương đã làm trong những thế kỷ trước.

Nói tóm, cung điện tượng trưng cho 3 quyền lực quốc gia ngày nay thỉnh thoảng vẫn được sử dụng bởi quân vương của nước Đan Mạch.

Trong số báo  cách đây hai tuần (số 1642), chúng tôi có đăng ở trang bìa bức tượng của Vua Christian IX, nổi bật giữa sân bên trong cung điện, gần tòa nhà quốc hội. Độc giả cũng thấy trong bức hình cái tháp của cung điện này là nơi du khách có thể lên xem để ngắm cảnh thành phố vì cho đến năm 2014, tháp này (cao 106 mét) là nơi cao nhất của Thủ đô Đan Mạch. Một nhà hàng cũng đã được mở tại cái tháp này, nơi trước kia dùng làm nhà kho.

Ngày trước, do chỉ tiếp xúc với văn hóa Tây Âu như Pháp, Anh, Ý người viết tưởng rằng chỉ lâu đài cung điện ở các nước đó là nhất, nhưng trong chuyến du lịch các nước Bắc Âu, mới thấy rằng văn hóa ở các xứ này cũng có một thời rực rỡ không thua ai.

Công viên giải trí lâu đời trên thế giới

Chúng tôi sẽ đi xa để xem những lâu đài, nhà thờ cổ kính, di tích lịch sử của Đan Mạch, nhưng quanh quẩn ở thành phố này vẫn còn nhiều nơi để xem lắm. Nào mời các bạn cùng tôi tới Tivoli Gardens, đối diện với ga xe lửa trung ương, gần khách sạn Imperial chúng tôi đang ngụ.

Trẻ con nhìn hình các em bị biến dạng trong kính. (Hình: TVTS)

Tivoli là một công viên giải trí nổi tiếng ở Đan Mạch, mở cửa từ ngày 15.8.1843, là công viên giải trí lâu đời nhất thế giới, chỉ sau công viên giải trí Bakken gần đó (khoảng 10 phút lái xe) xây vào năm 1583 nhưng du khách ngoại quốc ít biết tới.

Với số tuổi 174, Tivoli là một công viên lâu đời thứ hai trên thế giới nhưng với số lượng du khách vào chơi là 4.6 triệu người mỗi năm (2016), Tivoli là công viên thu hút du khách vào xem nhiều hàng thứ năm thế giới chỉ sau các công viên như  Disneyland Park (Pháp), Europa-Park (Đức), Efteling (Hòa Lan)…

Bởi vậy, vợ chồng chúng tôi đã vào đây chơi khoảng nửa ngày, từ chiều đến tối. Vé vào  cửa 120 krone Đan Mạch (khoảng 25 Úc kim).

Mặc dầu ở ngay giữa lòng thành phố, công viên Tivoli khá rộng với nhiều cây xanh, vườn hoa, hồ nước, bể thủy tinh (aquarium), khách sạn, nhà hàng, shop, sân khấu và  nhiều trò chơi (rides)… Công viên mở cửa hàng ngày, và đóng cửa lúc 11 hay 12 giờ đêm, tùy ngày.

Có hai bức tượng đập vào mắt tôi là bức tượng gần cổng khi mới bước vào và bức tượng ở gần cuối công viên.

Bức tượng đầu là của Georg Carstensen (1812- 1857), là người sáng lập ra công viên giải trí này. Ông Carstensen xin Vua Christian VIII cho thuê miếng đất rộng 15 mẫu tây để làm nơi vui chơi bằng cách tâu rằng “khi người ta ham vui chơi, họ không nghĩ về chính trị”.  Nghe vậy, vua nào mà chẳng thấy êm tai!

Georg Carstensen, người sáng lập Tivoli Gardens: “Khi người dân vui chơi, họ không nghĩ đến chính trị”. (Hình: TVTS)

Bức tượng cuối công viên là nhà soạn nhạc Hans Christian Lumbye (1810- 1874). Ông Lumbye là giám đốc âm nhạc của Tivoli trong 29 năm cho đến khi gần chết. Bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc luân vũ Vienna của nhà soạn nhạc người Áo  Johann Strauss, ông được người ta tặng cho danh hiệu “Strauss của phương Bắc”. Nhiều tác phẩm của ông  khi viết chịu ảnh hưởng của vẻ đẹp cây cối, thảo mộc trong vườn bách thảo này với những bài như  “Salue to Tickets Holders of Tivoli” hay “A Festy Night at Tivoli”. Dàn giao hưởng The Tivoli Synmphony Orchestra vẫn còn chơi những tác phẩm của ông Lumbye.

Công viên giải trí này có nhiều trò chơi mạnh (rides) nhưng chúng tôi chỉ tham gia những rides  khi con cái còn nhỏ cách đây vài chục năm, do đó chúng tôi dùng thời gian đi bộ ngắm cảnh, cây cối, ngắm người.

Một số trò chơi trong công viên này hay những hồ cá được dàn dựng với mô hình đa văn tượng trưng cho những nền văn hóa Á Đông (Tàu/ Nhật) hay Á Rập, không những làm cho công viên giải trí khởi sắc mà còn thu hút khách thập phương về sự đa văn của thành phố này.

Bước vào  công viên, người ta có thể thấy ở cánh phải một  “nhà hát” loại nhạc kịch (pantomime theatre) kiểu Trung Hoa rất màu mè với những ghế ngồi lộ thiên và sân khấu trong tòa nhà mái cong và bảng hiệu chữ Tàu dưới mái. Màn của nhà hát là một hình bán nguyệt tạo thành bởi lông chim của một con công đứng giữa (khi chim công cụp cánh là lúc rạp hát mở màn!). Ngoài “nhà hát”, những tòa nhà chung quanh  kiến trúc theo kiểu Tàu. Nghe nói nhà hát kịch câm và nhạc kịch này được  xây vào năm 1874 dựa theo kiểu nhà hát người Trung Hoa.

Tờ quảng cáo cho biết vào gần khuya trước khi Tivoli đóng cửa, có đốt pháo bông vào các tối Thứ Tư và Thứ Bảy (tôi có thể nghe tiếng pháo nổ  từ khách sạn Imperial), nhưng chúng tôi đi trong ngày Thứ Năm nên mất cơ hội.

Những trò chơi với sắc thái đa văn trong khu giải trí. (Hình: TVTS)

Thưởng thức hai chương trình âm nhạc: một vui một… khiếp!

Chúng tôi cũng thấy trong tờ truyền đơn bươm bướm quảng cáo những chương trình văn nghệ như nhạc rock, nhạc hòa tấu, vũ ballet diễn ra tùy ngày. Dịp này, chúng tôi có thể  dự một buổi trình diễn vũ ballet tại nhà hát kiểu Tàu The Pantomime Theatre lúc 7 giờ tối hay nhạc rock lúc 10 giờ đêm. Chúng tôi quyết định dự cả hai mặc dù phải đợi thêm vài tiếng đồng hồ giữa trời hè Bắc Âu… lạnh lẽo.

Ngồi một tiếng một mình ở dãy ghế có sức chứa chừng một trăm người giữa vườn cỏ, chúng tôi kiên nhẫn đợi, vì đi đã mỏi chân và cũng đã xem gần hết cảnh của công viên. Rồi cuối cùng dãy ghế cũng đầy người và con công với bộ cánh quạt rực rỡ làm bức màn che sân khấu khép cánh… và sân khấu được mở ra đúng giờ.

Vở nhạc kịch kéo dài 30 phút dù diễn ra trong cái nhà hát nho nhỏ và khán thính giả phải ngồi giữa công viên để xem, vẫn tạo sự thích thú. Chúng tôi thấy khán giả chăm chú theo dõi, không nói chuyện. Thỉnh thoảng vài du khách qua lại trước sân khấu giữa khán giả và người trình diễn,  cũng không làm khán giả bận tâm.

Tiếng nhạc, phông sân khấu,  ánh đèn và sự trình diễn của 5 cặp vũ công nam nữ  đã cuốn hút chúng tôi trong nửa tiếng đồng hồ.  Hiếm khi chúng tôi được xem một buổi biểu diễn vũ ballet thích thú đến như vậy. Có lẽ nhờ chương trình văn nghệ không quá dài?  Khung cảnh đẹp? Vì sự xuất sắc của ban vũ hay vì được xem miễn phí một cách tình cờ? Có thể bao gồm tất cả các lý do đó!

Tôi đã thu trọn buổi trình diễn này. Mời bạn đọc xem chương trình vũ ballet này trên truyền hình trực tuyến tvtsonline.com.au trong hai ba tuần lễ tới qua chương trình “Vòng quanh thế giới”  đã được đưa lên mạng cách đây hai tuần (âm thanh và hình ảnh rõ không ngờ!).  Bạn đọc cũng sẽ thấy công viên giải trí Tivoli của Thành phố Copenhagen đẹp như thế nào mà có nhiều người đến xem, kể cả du khách phương xa như chúng tôi.

Sân khấu nhạc rock lộ thiên ban ngày: Chúng tôi đã bị kẹt cứng trên con đường xi măng giữa sân cỏ và dãy nhà hàng khi trở về nhà. (Hình: TVTS)

Thời còn trai trẻ, tôi rất thích nghe nhạc rock, ao ước được nghe những ban nhạc tây phương trình diễn nhạc sống nhưng sau khi qua định cư ở Úc, dù có phương tiện, tôi đã chưa bao giờ đi xem. Thỉnh thoảng cũng xem nhạc sống ngoài trời nhưng chỉ là những bản nhạc nhẹ hay êm dịu hoặc những buổi trình diễn nhạc cổ điển tây phương.

Cho nên, gặp dịp được nghe nhạc rock ngoài trời miễn phí và bất ngờ, sau khi nghe nhạc ở nhà hát The Pantomime Theatre, chúng tôi qua khu vực có sân khấu ngoài trời The Open Air Stage để xem không khí ở đây nó như thế nào. Mặc dù còn hai tiếng rưỡi nữa mới bắt đầu, nhưng sân cỏ rộng mênh mông đã đầy người, đa số là người trẻ tuổi. Trời còn sáng, chúng tôi đi vòng vòng xem những trò chơi, ăn uống vì nơi đây có vài chục nhà hàng và vài chục quán cà phê.

Chương trình nhạc rock bắt đầu lúc trời đã tối. Chỉ nghe qua một bài hát là chúng tôi quyết định như vậy đủ rồi.

Chúng tôi từ phía sau tiến gần đám đông với mục đích để xem coi có thể thấy những người trình diễn trên sân khấu không, ngoài ra để về khách sạn cho gần.  Chúng tôi trở lại lối vào để đi ra, là nơi có một đường đi rất rộng giữa sân cỏ và các nhà hàng.

Đi như vậy là đúng đường, đúng bài bản nhưng được chừng năm, mười mét, chúng tôi bị kẹt giữa đám đông tay cầm ly bia, tay ôm nhau hát và la hét theo điệu nhạc. Chúng tôi quyết định đi lùi, nhưng không thể nào nhúc nhích, bị kẹt cứng giữa rừng người. Tôi bắt đầu lo và hối hận đã ở lại để xem và nghe nhạc rock. Vì đa số người Bắc Âu như Đan Mạch cao lớn, tôi không thể thấy được phía trước.

Tôi tiến sát bờ rào lộ thiên của nhà hàng cách đó một thước, định nhảy qua, nhưng các nhân viên bảo vệ nhà hàng không cho, nói đây là khu vực tư nhân. Tôi bắt đầu nghĩ đến cảnh người ta đè nhau chết ở Ả Rập Saudi hay bên Ấn Độ  trong những dịp lễ tôn giáo của họ mà rùng mình. Nếu vì một lý do gì (nhất là trong thời buổi mất an ninh vì nạn khủng bố) mà một số người xô nhau chạy thì chỉ có nước chết bẹp.

Tôi cố gắng tách những người phía trước hay phía sau, nhưng chẳng xê dịch một ly. Sau nhiều lần bị cản, tôi nói với người an ninh nhà hàng bên kia hàng rào rằng tôi khó thở vì bị ngộp và tôi là du khách muốn ra khỏi đám đông này, dù tôi biết khu vực bên kia hàng rào là của tư nhân.

Cuối cùng họ để chúng tôi trèo lên hàng rào. Cái ba-lô tôi đeo lòng thòng sau lưng trong hầu hết các chuyến du lịch lúc này làm cho tôi phải quá vất vả khi trèo và len lỏi qua rừng người.

Nhảy vào trong sân nhà hàng, tôi thấy nhẹ nhõm người, như vừa thoát qua một chuyện hãi hùng.

Về khách sạn, tôi vẫn còn hối hận tại sao không dùng con đường khác để trở về dù chưa quen đường sá ban đêm hơn là đi tắt qua đám đông nghe nhạc rock ngoài trời?  Và nhớ lại lời dặn trên website của Bộ Ngoại giáo Úc là khi đi du lịch ngoại quốc, cẩn thận khi tới chỗ đông người. Ngẫm nghĩ đôi khi chỉ một tích tắc sẽ làm thay đổi cuộc đời, dù là trong lúc đi du lịch.

Nhưng tôi vẫn thỏa mãn với  buổi chiều trong công viên giải trí Tivoli với cảnh vật, cây cối, và nhất là buổi diễn vũ ballet.

 

Nguyễn Hồng-Anh

23.9.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1644 phát hành ngày 27.09.2017)