“Kể chuyện đường gần”: Một chuyến du ngoạn Seaspray với Hội Thụ Nhân

22 Tháng Mười Một, 2017 | Úc châu
Tác giả đứng trên ban-công Seaspray Holiday Resort nhìn  ra hướng biển giới thiệu hai vợ chồng bạn đồng môn Long-Loan (phải) trong một video “du lịch Úc” sẽ đưa lên mạng tvtsonline.com.au trong nay mai. (Hình: TVTS)

Có người hỏi tôi đã đi thăm những thắng cảnh ở Tiểu bang Victoria như Lakes  Entrance, Lake Eildon, Twelve Apostles hay Mount Macedon… chưa, và họ rất ngạc nhiên nghe tôi trả lời chưa, bởi vì trên báo chí qua những bài kể chuyện đường xa tôi đã viết về những chuyến đi chơi ở các thành phố của Tiểu bang Queensland, New South Wales, Tasmania nhưng những địa điểm du lịch nổi tiếng vừa nói của tiểu bang nhà lại không đến một lần cho biết.

Thật ra, con cái chúng tôi đã đi đến những nơi nói trên nhiều lần, mời vợ chồng chúng tôi cùng đi nhưng chưa thực hiện vì nhiều lý do. Ngay cả khi có thân nhân từ xa đến, chúng tôi nhờ con cái đưa xem những nơi nổi tiếng và xa  như  Mười Hai Thánh Tông Đồ, nhưng tôi không tháp tùng,  vì… xa quá!

Rồi có người lại hỏi thế thì những nước ở Á Châu, Châu Đại Dương, Mỹ Châu, Âu Châu, Trung Đông, Bắc Phi, thậm chí tận Bắc Âu không  quá xa sao?

Tôi có câu trả lời ngay: khi mình còn trẻ và khỏe mạnh nên đi chơi xa, thật xa; khi lớn tuổi sức yếu, chân bước chậm sẽ đi những nơi gần. Nhưng chuyến du ngoạn ở một thắng cảnh gần Melbourne tuần qua không phải do tuổi tác, bởi tháng 8 vừa qua đi thăm Lâu đài Kronborg có câu chuyện Hamlet ở Đan Mạch tôi đã bước 145 bậc cấp lên sân thượng lâu đài một cách thoải mái, lại còn hơi để nói trong cuốn phim.

Dài dòng như vậy để trả lời câu hỏi của một số thân hữu về những chuyến đi du lịch xa và gần.

Số là, mỗi  năm Hội Thụ Nhân của cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt gặp mặt nhau hai lần vào khoảng lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh. Vừa qua, anh chị em trong hội họp mặt tại nhà chúng tôi và có một thành viên mới, lần đầu tiên tham dự. Đó là cô Loan, cựu sinh viên Khóa 9 Chính Trị Kinh Doanh, vợ của anh Huỳnh Kim Long, cũng là cựu sinh viên Khóa 9. Cô Loan mang theo một khay ghẹ rang muối, nói cua tươi vừa bắt ở nhà  dưới vùng Seaspray mang lên. Không có gì ngon hơn đồ tươi, cho nên mỗi người chỉ được tối đa hai con quả là chưa đủ. Loan bảo nếu tôi thích ghẹ tươi thì xuống nhà cô, mặc sức mà ăn.

“Chiến lợi phẩm”: Long (mũ vành rộng) nướng thịt thỏ ngoài trời giữa khuya với bạn bè sau chuyến đi săn. (Hình: TVTS)

Tuy chưa bao giờ gặp mặt Loan, nhưng nhà tôi cho biết trong hai năm qua, đã có một thời gian Loan đăng quảng cáo trên  báo TiVi Tuần-san về dịch vụ nhà nghỉ mát ở  vùng biển, với các mục hấp dẫn là sẽ đưa khách trọ đi bắt ghẹ, sò hay dẫn đi săn thỏ ban đêm.

Tôi nhớ có lần nhà tôi đề nghị nên rủ anh em bạn bè thành một nhóm cùng đi chơi một chuyến bởi nghe quảng cáo hấp dẫn quá, nhưng như đã nói ở trên, tôi ưu tiên cho những chuyến du lịch xa, vả lại tôi không thích lái xe và cũng không có khả năng lái xe đường xa.

Tình đồng môn của Thụ Nhân – Đà Lạt

Loan đề nghị lần họp kỳ tới hãy đến nhà trọ của cô, cô sẽ dành cho hội sử dụng toàn bộ căn nhà nghỉ mát  trong vài ngày (dĩ nhiên là miễn phí). Nhà trọ chứa khoảng 20 người và nếu đông người hơn, có thể ở trong nhà riêng của hai vợ chồng, cũng gần đó.

Vì tôi luôn bận rộn công việc vào cuối tuần và các bạn muốn vợ chồng chúng tôi cùng đi cho vui, nên đồng ý chọn các ngày Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Năm, ngoài ra cũng để vợ chồng Long-Loan dùng những ngày cuối tuần dành cho du khách đi nghỉ mát, bởi đây là dịch vụ sinh sống của họ. Chúng tôi chọn các ngày 31 tháng Mười và 1 và 2 tháng Mười Một.

Loan cho biết đường từ Melbourne đến Seaspray khoảng 245 km và mất khoảng ba tiếng lái xe. Nếu người nào không có xe hay không muốn lái xe như chúng tôi thì có thể đi xe lửa từ Melbourne đến Sale, giá vé một chuyến peak $40.40 (concession/senior $20.20) và off-peak $28.20 (hay $14.10).

Đẹp thế thì thôi: hai nữ du khách trong nhóm Thụ Nhân tản bộ trên bãi cát Seaspray. (Hình: TVTS)

Từ Sale đi Seaspray không có phương tiện công cộng, phải có bạn bè hay hẹn chủ nhà ra đón.

Tôi và nhà tôi nói sẽ đi, và đi bằng xe lửa cho vui, rồi nhờ ai đó trong hội đến đón mình.

Vài tháng sau, con số ghi danh với anh hội trưởng Đặng Văn Tuế (cùng Khóa 6  với tôi) từ 28 xuống còn 25, rồi 22 bởi vì có những người bận công việc khác. Gần đến ngày lên đường, tôi nói với nhà tôi chắc tôi sẽ không đi vì đón xe tới ga Melbourne, tới ga Sale lại nhờ bạn bè đón, quả là nhiêu khê, bất tiện. Tôi hỏi anh hội trưởng có còn chỗ để tôi rủ hai vợ chồng người bạn cùng đi chơi và lái xe giúp chúng tôi không, thế là anh chị Nguyễn Tân Hải có dịp đi chơi chung với nhóm Thụ Nhân chúng tôi.

Đầu tiên của người Việt: Seaspray Holiday Resort

Thật tình tôi không biết tên chính thức nhà nghỉ mát của anh chị Long-Loan là gì vì không thấy bảng hiệu trước cổng nhà, hình như chỉ nghe họ nói là  holiday resort, vậy thì tôi tạm gọi là nhà nghỉ mát  này Long-Loan Holiday Resort nhé. Cái tên của vợ chồng này mà ghép lại với nhau, có nghĩa là “vay dài hạn”. Nhưng có lẽ họ không phải vay dài hạn đâu, bởi vì bạn đọc có biết không, khi mua xong miếng đất hơn 7000 mét vuông cách đây chừng mươi năm, anh Huỳnh Kim Long hỏi các builder giá cả xây cất, họ đòi từ 600,000 đến 650,000 ngàn đô la, nhưng rồi anh Long tự xây, đặt vật liệu từ ngoại quốc, và sau khoảng ba năm cật lực làm vào những ngày cuối tuần, đã xây được căn nhà như bạn đọc thấy trong hình với chi phí chưa tới một nửa số tiền quote của các builder.

Tôi không thể tưởng tượng được một tay ngang có thể xây được một căn nhà lớn như vậy.  Vợ anh cũng đóng góp vào công việc xây cất căn nhà này, như trang trí những cột nhà lát bằng những phiến đá màu (crasy slate) nho nhỏ mà Loan chỉ cho tôi. Mồ hồi và tâm trí của hai vợ chồng bây giờ đã tạo  nên thành quả để anh Long có thể coi dịch vụ cho thuê nhà trọ là một công việc toàn thời đầy thích thú đối với anh trong khi Loan vẫn làm việc bán thời vài ngày ở Melbourne, cuối tuần xuống Seaspray giúp chồng khi cần.

Chị Châu đang luộc ghẹ. (Hình: TVTS)

Tôi hỏi đường dài cả 250 km như vậy làm sao lên xuống, Loan bảo dễ thôi, lái xe ra Sale dục đó, ngủ một giấc là xe lửa tới Melbourne.

Long cho tôi biết buổi ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, đôi khi nản chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng nay anh có một cơ ngơi nhà nghỉ mát, với những phương tiện vui chơi giải trí cho du khách.

Rồi với thời gian, mở rộng, bành trướng ra: Căn nhà 6 phòng ngủ từ 3 đến 4 người, có bếp, phòng hát  karaoke, phòng  billard, khu barbecue ngoài trời, chòi cho trẻ em chơi, hồ bơi nước nóng, bóng bàn, sân tennis và một vườn có khoảng 20 loại cây ăn trái cho du khách thưởng thức khi mùa đến.

Ngoài ra, nếu điều kiện cho phép, anh Long có thể dẫn du khách đi tắm biển (gần nhà xa cửa ngỏ: khoảng 2 km đường chim bay nhưng lái xe vòng vo ra bãi biển mất khoảng 5 phút.

Du khách có thể chèo xuồng nhỏ trên con sông/lạch  nước cạn Merriman Creek. Như anh Long nói với chúng tôi thì du khách có thể bắt ghẹ ở biển này mang về nhà nghỉ mát để dùng.

Cả nhóm đang ăn sò huyết. (Hình: TVTS)

Ba ngày ở Seaspray có gì lạ?

Chúng tôi và một số anh chị em khác đến Seaspray khoảng 5 giờ chiều nên đã hụt chuyến bắt ghẹ vào sáng sớm, nhưng anh Nguyễn Văn Tám chồng chị Châu có mặt từ ngày trước đã cùng chủ nhà làm công việc bắt ghẹ. Chúng tôi chỉ việc nhìn những con ghẹ bò lúc nhúc trong thùng và tối hôm đó ăn ghẹ luộc. Mọi người được yêu cầu trong ngày đầu mang thức ăn để dùng chung với nhau, nhưng tối hôm đó tôi ăn ghẹ với rượu vang, ngon đến độ không biết rằng tôi chỉ ăn ghẹ mà thôi chứ không ăn cơm.

Thưởng thức một bữa ghẹ với rượu vang đến độ trong cuộc vui văn nghệ bỏ túi, tôi hát đến bài thứ ba thì không thể hát nữa vì không thể nhớ lời. Nhưng không sao, trong cuộc vui này có những người bạn đóng góp bằng ngâm thơ như  Luật sư Hải, đọc thơ như chị Ai Cơ Hoàng Thịnh, hướng dẫn tập tài chi (thở bằng đan điền) để sống khỏe bởi anh Tân v.v… Và rồi bạn bè hát karaoke cho đến quá khuya mới đi ngủ. Đó là ngày đầu.

Ngày thứ hai rất “bận bịu”với một chương trình đầy kín  sau 12 giờ trưa. Chúng tôi đã không đi bắt ghẹ như dự tính bởi buổi sáng biển động. Thay vào đó, mọi người ra bãi biển ngắm cảnh. Anh Hùng, chồng chị Xuân Lan trước 1975 du học Đức và sống ở Đức một thời gian, cho rằng các bãi biển ở Âu Châu phần lớn không đẹp như ở Úc bởi vì dân số đông và bàn tay con người làm nó biến đổi trong khi các bãi biển ở Úc còn tinh nguyên, hoang sơ, tự nhiên nên đi tắm biển hay ngắm biển ở Úc là một cái thú.

Cũng cần nói với bạn đọc Seaspray tương đối là một vùng biển chưa được nhiều người biết tới. Đây là một thị trấn nhỏ có vài trăm cư dân. Nhà cửa ở đây tương đối rẻ, với miếng đất hàng ngàn mét vuông nhưng  giá từ dưới 200,000 lên đến 500,000 đô la. Một căn nhà bốn ngàn mét vuông gần nhà nghỉ mát của anh Long treo bảng SOLD nghe nói vừa bán khoảng 280,000 đô la do một người Việt từ Springvale mua.

Seaspray là vùng biển nằm ở vị trí đầu tiên trên bờ biển dài 90 dặm có tên Ninety Mile chạy đến tận Lake Entrance. Bãi biển cát vàng quá đẹp, là chuyện không lạ, bởi càng xa (sự phá hoại của) con người, thiên nhiên càng đẹp.  Đẹp cho nên mỗi lần đi chơi xa, tôi hay viết bút ký về giá cả địa ốc nơi mình du lịch,  khiến có người tưởng tôi có đầu tư nhà ở đó!

Tình đồng môn: các thụ nhân và thân hữu chuẩn bị bữa barbecue ngoài trời tại nhà nghỉ mát của anh chị Long-Loan. (Hình: Đỗ Quang Khanh)

Ngoài việc không thể lái xe đi xa, tôi chủ trương không mua nhà nghỉ mát hay đầu tư vào loại này, bởi mình sẽ chết cứng với một địa điểm. Muốn đi đâu, thà cứ thuê khách sạn, nhà trọ đỡ nhức đầu và đi được nhiều chỗ khác nhau.

Chúng tôi trở về nhà trọ, chuyện trò, lót lòng và lên đường lúc 4 giờ chiều để bắt hến (một loại pipi).  Chủ nhà bảo nên đi cho kịp giờ trước khi  nước lên. Chưa bao giờ mò hến nên tôi không hiểu tại sao sợ nước biển lên.

Xe chạy mất khoảng 45 phút đến  biển McLoughlins Beach. Bãi biển ở đây có vẻ quy mô hơn với bàn ghế ngoài trời, nhà vệ sinh, vòi rửa chân và cả một cái cầu tàu thật dài.

Tại đây, chúng tôi có thể bắt hến hay bắt sò huyết, như anh Long nói.  Hến vô số trên bãi biển đất bùn, phần lớn chúng nằm dưới mặt bùn, phải lấy tay móc  hay cào. Nếu có cái muỗng, cái nĩa mà cào thì đỡ đau tay. Anh Tám kiếm cho các bà vài khúc gỗ nhỏ để cào nhưng cái mục ngồi chồm hổm để đào móc hến coi bộ hơi khó khăn với những người mang quần dài.

Điêu khắc gia Lê Phú (Khóa 10) quen nặn tượng, ngồi móc hến  lâu cũng than trời, nhưng Lê Phú nhà ta có máu tếu nên dù anh có rên thì cũng làm cho không khí thêm vui. Trong khi đó, người đi bắt sò huyết phải đi xuồng nhỏ ra ngoài nước sâu để bắt những con hến bằng cái giỏ xúc.

Sau khoảng một giờ “lao động vinh quang” và ngắm cảnh hoặc ngồi trong xe vì sợ lạnh, nhóm chúng tôi trở về nhà với số lượng sò huyết và hến đủ cho mọi người dùng. Sò huyết luộc hay nướng trong vại củi  vào buổi tối.  Hến ngâm nước để nấu cháo sáng hôm sau.

“Đóng phim”: Lê Phú (trái) cầm súng giúp Huỳnh Kim Long (phải) cho oai mà thôi chứ không được bắn. (Hình: TVTS)

Mục hấp dẫn nhất: săn thỏ ban đêm

Sau cơm tối, chúng tôi lên đường lúc 9 giờ để săn thỏ. Đây là tiết mục thích thú nhất nhưng giới hạn người tham dự bởi chỉ sử dụng một chiếc xe ute, do không muốn làm thỏ sợ vì động cơ của nhiều xe. Các bà ngồi trong xe, các ông đứng trên thùng xe, nơi anh Long đặt súng săn. Chúng tôi chỉ xem anh Long bắn vì không có bằng sử dụng súng.

Xe rời nhà trọ vào trang trại riêng của anh Long (nghe nói anh mua mấy chục mẫu đất). Xe chạy từ từ, anh Long ghì súng, nhạc sĩ Lê Phú cầm đèn pin rọi, anh Tuế giữ khẩu súng xơ-cua thứ hai của anh Long. Tôi và Luật sư Hải đứng ở cuối vịn vào khung thành xe. Chạy trong đêm tối lên dốc xuống đồi dưới ánh trăng mười mấy mờ mờ chỉ đủ thấy đồi cỏ khô chung quanh xe. Thỉnh thoảng thấy con thỏ ngấp ngóng từ xa trên mô đất nhưng rồi biến mất, có lẽ đã chui xuống hang.

Qua phát đạn thứ hai, một con chồn con nằm xuống, con mẹ chạy thoát. Anh Long nhảy xuống xe chạy tới mục tiêu bị hạ, xách con chồn màu vàng đậm trở về dưới khung ánh sáng vòng tròn của ngọn đèn trông như cảnh trong xi-nê. Lê Phú nói Long giống như  Steve Ervin của Úc. Thật vậy, dáng người thấp và chắc gọn với mũ akubra vành rộng, Long chẳng khác nào một Úc-thòi-lòi thứ thiệt. Tôi nghĩ các du khách sẽ rất thích thú trong chuyến du ngoạn với anh chàng tour guide linh hoạt và có nụ cười tươi này.

Nhưng sau một tiếng đồng hồ, với khoảng bốn năm phát đạn, chỉ bắn được duy nhất một con chồn. Long nói trời sáng trăng nên thỏ không dám ra, sợ chồn thấy và cũng vì vậy mà không có mục tiêu để bắn và cũng có thể vì cánh đồng thiếu cỏ nên thỏ ít ra ăn.

Thế là chúng tôi trở về nhà. Các bà kể rằng ngồi trong xe cứ sợ xe húc vào hàng rào, bị lật, xuống hố, chỉ trông chóng về nhà.

Nhưng anh Long muốn tiếp tục cuộc săn bằng cách qua bên trang trại của người bạn Úc. Tài xế Đỗ Quang Khanh không tiếp tục đi, các bà cũng vậy;  mệt, nản và sợ. Chỉ còn tôi, anh Tuế và Lê Phú. Lần này, Tuế làm tài xế, tôi vẫn tiếp tục quay phim cho tvtsonline.com.au. Trời lạnh đến độ cả tôi và Lê Phú phải sổ mũi nhưng cả hai chúng tôi vẫn thích tiếp tục cuộc săn để xem anh Long hạ một con thỏ.

Loan (thứ tư từ trái) đứng cạnh chồng,  giới thiệu món ăn do cô làm với bạn bè. (Hình: TVTS)

Vừa vào trại mới chừng một trăm mét, thấy hai con thỏ, bắn liên tiếp hai phát. Phát đầu tiên thấy một con vật nhô đầu từ xa gục xuống;  phát thứ hai con vật cứ nhảy lên nhảy xuống chạy quanh trong vòng năm mười mét, chứng tỏ nó bị thương. Long nhảy xuống xe để theo bắt con thỏ bị thương. Nhưng khi anh đến nơi, nó bỏ chạy, chúng tôi lái xe chạy theo chiếu thêm đèn cho anh thấy, nhưng rồi con vật biến mất.  Long trở lại chỗ cũ để tìm con vật nghĩ rằng đã bị bắn chết, nhưng tìm cả năm mười phút chẳng thấy, đành phải tiếp tục lên đường.

Lại thấy một hai con vật nhô đầu từ xa nhưng khi chiếu đèn để anh Long nhắm bắn thì nó đã biến.

Xe từ từ chạy trong đêm tối dưới ánh trăng mờ, không gian tĩnh mịch. Tôi muốn cái không khí này cứ được kéo dài.  Nhưng xe chạy qua con lạch nhỏ, tôi chỉ sợ Tuế lái trật bánh khỏi chiếc cầu nhỏ thì đứng trên thùng xe chỉ có từ chết đến bị thương, bởi vậy các bà không dám đi chuyến thứ hai, cũng là chuyện thường.  Lại mất thêm khoảng 3 phát đạn thì mới bắn được  một con thỏ. Với ngón tay thiện xạ và bàn tay khéo léo, Long đã lột da con vật tại chỗ, cực kỳ nhanh chóng (xem thêm hình ảnh ở trang 45 & 46).

Hưởng thành quả: nướng thịt giữa đêm, húp cháo sáng sớm

Thế là chúng tôi trở về sau hai tiếng đồng hồ đi săn. Một hai người bạn đã đi ngủ bởi thấy hơn 11 giờ đêm mà chúng tôi chưa về.

Những người còn thức, đã cùng chúng tôi thưởng thức món thịt thỏ nướng. Bạn cứ tưởng tượng nướng thịt thỏ ngoài trời khuya lạnh bên đống lửa hồng, nồng ấm tình bạn đồng môn.  Phải như vậy mới thấy cái thú vị của một cuộc du ngoạn ở trang trại cạnh biển.

Qua ngày hôm sau, chúng tôi thưởng thức cháo hến và sò còn lại và những món ăn ngon mà các anh chị trong hội trổ tài nấu nướng tại chỗ hay làm sẵn mang theo.

Chúng tôi đã có ba  ngày hai đêm  nghỉ ngơi, quên những công việc bận rộn thường ngày. Làm việc để có những ngày vui chơi thoải mái với thân hữu, bạn cùng trường cùng lớp thì không còn gì vui hơn ở cái tuổi này.

Chúng tôi cám ơn vợ chồng Long-Loan đã tiếp đón chúng tôi một cách ân cần. Đó là tinh thần của Thụ Nhân của Viện Đại Học Đà Lạt.

Nhưng chắc bạn đọc TiVi Tuần-san cũng muốn biết giá cả thuê nhà trọ? Tốt nhất bạn đọc nên liên lạc trực tiếp với chủ nhà nghỉ mát Seaspray Holiday Resort ở địa chỉ 4 Ocean View Court, Seaspray Vic 3851, hỏi Long/Loan số 0427 051 487.

Nếu bạn đọc xem hình ảnh trên báo thấy chưa đã, hãy đón xem hình ảnh mò hến săn thỏ sống động (như xi-la-ma) tại www.tvtsonline.com.au (bấm TV ONLINE, bấm DU LỊCH ÚC) trong vài tuần lễ tới do Nguyễn Hồng-Anh thực hiện.

 

Nguyễn Hồng-Anh

5.11.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1649 phát hành ngày 01.11.2017)