Ngăn chặn nạn tự sát trực tuyến ở giới trẻ

21 Tháng Hai, 2017 | Giáo dục - Di trú
Tự sát trực tuyến đang trở thành vấn nạn đáng lo ngại. Photo Courtesy: Reuters

Các chuyên gia lo ngại giới trẻ có xu hướng bắt chước những vụ phát video trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội.

Dư luận Mỹ không khỏi bàng hoàng khi có đến ba vụ phát video trực tiếp cảnh tự sát trên mạng xã hội chỉ trong vòng một tháng và những vụ việc tương tự cũng đã xảy ra ở các quốc gia khác. Các chuyên gia cho biết mặc dù tự tử không phải là vấn đề mới, nhưng hiện tượng “tự sát trực tuyến” có nguy cơ bị bắt chước mù quáng.

Vào ngày 30.12.2016, Katelyn Davis (12 tuổi) phát video trực tiếp cảnh cô bé này treo cổ tự sát ở bang Georgia (Mỹ). Vài tuần sau, Naika Tenant (14 tuổi) ở bang Florida (Mỹ) làm điều tương tự. Chỉ vài ngày sau, nam diễn viên người Mỹ Frederick Jay Bowdy (33 tuổi) dùng súng tự sát và phát video trực tiếp trên Facebook.

Nguy cơ bắt chước mù quáng

Tờ Miami Herald (Mỹ) dẫn lời tiến sĩ Katherine Ramsland, giảng viên chuyên ngành tâm lý học thuộc Đại học DeSales (Mỹ) với 13 năm kinh nghiệm nghiên cứu về tự sát, nhận định “tự sát trực tuyến” hiện trở thành vấn nạn phổ biến ở giới trẻ trong thời đại kỹ thuật số, truyền hình thực tế và kết nối mạng xã hội.

“Thật khó để chỉ ra nguyên nhân thật sự dẫn đến xu hướng bất ngờ này”, bà Heather Dickinson, Giám đốc Tổ chức từ thiện HOPELineUK chuyên về phòng chống tự sát, nói với tờ Daily Star (Anh). Bà Dickinson cực kỳ lo ngại xu hướng “tự sát trực tuyến” có thể khiến cho những người đang tuyệt vọng trong cuộc sống hiện tại bắt chước một cách mù quáng. “Phát video trực tiếp những giây phút cuối cùng rồi tự sát có nguy cơ kích thích những người đang có ý nghĩ tự sát làm theo, thậm chí những người chỉ xem những đoạn video như thế này cũng có thể bắt chước trong tương lai”, bà Heather cảnh báo.

Bà Phyllis Alongi, Giám đốc Tổ chức Phòng chống thiếu niên tự sát ở bang New Jersey (Mỹ), lưu ý: “Hiểm họa từ việc xem video tự sát trực tuyến là làm gia tăng nguy cơ của hiện tượng được giới chuyên gia gọi là tự sát lây”.

Giáo dục ý thức

Một vấn đề đáng chú ý nữa là các cư dân mạng có thể vô tình kích thích người đang có ý định “tự sát trực tuyến” thực hiện hành vi. Hồi năm 2008, Abraham Biggs (19 tuổi) ở bang Florida (Mỹ) nhiều lần đăng tải thông điệp “muốn tự sát” trên một trang diễn đàn và sau đó phát trực tuyến đoạn video đang uống rất nhiều viên thuốc. Nhiều cư dân mạng tưởng rằng đây là “trò chơi khăm”, còn đùa cợt và bình luận “cứ làm đi”, nhưng sau này họ mới biết được rằng Biggs thật sự uống thuốc quá liều dẫn đến tử vong, theo Đài ABC. Đây được cho là vụ “tự sát trực tuyến” đầu tiên ở Mỹ được truyền thông ghi nhận. “Người xem video trực tiếp rất khó xác định nó là thật hay trò chơi khăm”, tiến sĩ Ramsland nói.

Theo bà Alongi, cách duy nhất để ngăn chặn tự sát trực tuyến là tăng cường giáo dục ý thức về hành vi tự sát và sử dụng mạng xã hội. Nữ phát ngôn viên Facebook Christine Chen cũng khuyến cáo mọi người nên liên hệ với người điều hành Facebook, cảnh sát hay bất kỳ cơ quan hữu trách nào nếu nhận thấy bất kỳ ai phát video trực tiếp với ý định tự sát. Theo bà Chen, các văn phòng của Facebook ở khắp thế giới cũng nỗ lực theo dõi video trực tiếp trên trang này.

Theo Thanh Niên