Nữ sinh 11 tuổi đoạt giải nhờ phát minh thiết bị phát hiện nước nhiễm chì

20 Tháng Mười, 2017 | Giáo dục - Di trú
Gitanjali Rao nhận giải thưởng. Photo Courtesy: DISCOVERY EDUCATION

Gitanjali Rao nói phát minh được lấy cảm hứng từ vụ bê bối nước nhiễm độc chì ở thành phố Flint thuộc bang Michigan (Mỹ) trong những năm 2014-2015.

Gitanjali Rao ở vùng Lone Tree (bang Colorado, Mỹ) đã được vinh danh là “nhà khoa học trẻ hàng đầu của Mỹ” nhờ phát minh ra thiết bị phát hiện nước nhiễm chì nhanh và rẻ.

BBC ngày 20.10 đưa tin nữ sinh lớp 7 này được chọn vào vòng chung kết gồm 10 người có 3 tháng hợp tác với các nhà khoa học để phát triển ý tưởng của mình.

Thiết bị tên Tethys của Rao sử dụng các bộ phận cảm biến ống nano carbon để phát hiện chì trong nguồn nước và gởi ngay kết quả đến điện thoại thông minh.

Các chuyên gia đánh giá thiết bị Tethys cho kết quả phân tích chính xác và nhanh hơn các thiết bị hiện có vốn đắt đỏ trên thị trường.

Với phát minh trên, Rao lãnh 25,000 Mỹ kim vì giành được giải thưởng cao nhất trong Cuộc thi thử thách nhà khoa học trẻ 3M năm 2017.

Phát biểu trên trang Business Insider, Rao cho hay phát minh của em được lấy cảm hứng từ vụ bê bối nước nhiễm độc ở thành phố Flint thuộc bang Michigan (Mỹ) trong những năm 2014-2015.

“Em theo dõi vụ việc ở Flint, Michigan trong khoảng 2 năm. Em cảm thấy rất kinh hoàng trước số người bị nhiễm chì từ nguồn nước và muốn làm điều gì đó để thay đổi điều này”, Rao kể về động cơ giúp mình chế tạo thiết bị Tethys.

Rao cho hay em muốn trở thành một nhà di truyền học hoặc chuyên gia dịch tễ học khi lớn lên.