Giới khoa học bất ngờ phát hiện một châu lục mới trên Trái Đất

19 Tháng Hai, 2017 | Y học - Khoa học
Ảnh chỉ có tính minh họa. Photo Courtesy: sputniknews.com

Các nhà khoa học Tân Tây Lan mới đây tuyên bố họ phát hiện ra một lục địa nằm dưới khu vực phía Đông nước Úc. Họ gọi lục địa này là “Zealandia”.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Hội địa chất Mỹ tuần này, các nhà khoa học cho biết Zealandia có diện tích 4.5 triệu km vuông (bằng 2/3 diện tích Úc) và 94% diện tích của nó nằm dưới nước. Phần nổi của Zealandia trồi lên ở Tân Tây Lan và New Caledonia. Zealandia nằm ở dưới đáy biển khu vực Tây Nam Thái Bình Dương.

“Giới địa chất chúng tôi gặp khó khăn vì sư tồn tại của đại dương. Nếu chúng tôi có thể khiến đại dương biến mất, mọi người sẽ dễ dàng thấy một dãy núi và một lục địa nằm trên lớp vỏ đại dương” – nhà địa chất Nick Mortimer của viện nghiên cứu GNS Science ở TP Dunedin, Tân Tây Lan cho biết.

Ông Mortimer đồng thời khẳng định phát hiện này đã làm sáng tỏ điều mà giới khoa học hoài nghi từ lâu nay về một lục địa “giấu mặt”. Ông Mortimer là người đứng đầu của công trình nghiên cứu: “Zealandia: Lục địa ẩn giấu của Trái Đất”.

“Kể từ khoảng những năm 1920, trên các công trình nghiên cứu địa chất, người ta thường dùng chữ “thuộc về lục địa” để nói về nhiều khu vực ở Tân Tây Lan và quần đảo Catham và New Caledionia. Hiện tại, chúng tôi có đủ thông tin để thay đổi từ “thuộc về lục địa” thành “lục địa” – ông Mortimer khẳng định.

Nhóm khoa học người Tân Tây Lan này khẳng định Zealandia hội tụ đủ các yếu tố thông thường của một lục địa. Họ kết luận Zealandia “không phải là một tập hợp các mảnh vỡ lục địa chìm trong nước” mà là một lục địa “toàn vẹn”.

Nếu Zealandia được công nhận bởi cộng đồng khoa học, nó sẽ trở thành lục địa nhỏ nhất. Phát hiện của nhóm nghiên cứu người Tân Tây Lan nói trên quan trọng không chỉ vì nó là bằng chứng về sự tồn tại của lục địa thứ 8 mà nó còn cho phép giới khoa học nghiên cứu sâu hơn nữa về sự đổ vỡ của vỏ lục địa.

Zealandia đã từng là một phần của siêu lục địa Gondwana trước khi bị tách rời vào thời Creta muộn. “Zealandia cho thấy rằng một phần quan trọng và hiển nhiên của khoa học tư nhiên có thể bị bỏ sót” – nhóm nghiên cứu khẳng định.

Cụ thể hơn, theo ông Mortimer, sự nứt vỡ của siêu lục địa Gondwanaland khiến Zealandia tách khỏi Úc vào khoảng 80 triệu năm trước và bị chìm xuống đáy biển.

Theo NLĐ