NASA phát hiện hệ mặt trời mới với 7 hành tinh có thể có sự sống

23 Tháng Hai, 2017 | Y học - Khoa học
So sánh giữa hệ mặt trời TRAPPIST-1 chứa 7 hành tinh có thể có sự sống vừa được phát hiện với Hệ Mặt Trời của chúng ta. Photo Courtesy: Reuters

Một nhóm các nhà thiên văn quốc tế vừa phát hiện ra 7 hành tinh ngoài hệ Mặt trời của chúng ta có thể có sự sống.

Trong một cuộc họp báo tại trụ sở Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) ở Washington ngày 22.2, Phó Giám đốc chương trình Sứ mệnh khoa học (SMD) của NASA Thomas Kutcher cho biết: “Phát hiện này là một dấu hiệu cho thấy việc tìm ra hành tinh thứ hai giống Trái Đất không phải là vấn đề có thể hay không mà là khi nào”.

Hiện chưa rõ liệu có hành tinh nào trong những hành tinh vừa được phát hiện có thể nuôi dưỡng sự sống. Tuy nhiên, các nhà thiên văn khẳng định rằng bề mặt của cả 7 hành tinh đều có nước, yếu tố được cho là thiết yếu với sự sống.

Ba trong số 7 hành tinh này được xếp vào “vùng có thể sinh sống được”. Đó là vùng quỹ đạo quanh một ngôi sao (mặt trời) mà ở đó có những hành tinh cấu tạo từ đá và nhiều khả năng có nước ở dạng lỏng.

Các nhà thiên văn cũng chỉ ra rằng ngôi sao TRAPPIST-1, hệ mặt trời chứa những hành tinh này, là một ngôi sao trẻ hơn Hệ Mặt trời của chúng ta rất nhiều. TRAPPIST-1 được cho là sẽ cháy sáng trong khoảng 10 nghìn tỷ năm nữa, nghĩa là lâu hơn 700 lần so với tuổi thọ của Vũ trụ tính đến nay. Tạp chí Nature cho rằng quãng thời gian đó “đủ để cho sự sống tiến hóa”.

TRAPPIST-1 nằm ở chòm sao Bảo Bình, “chỉ” cách Trái Đất khoảng 39 năm ánh sáng, tương đương với 235 nghìn tỷ dặm.

Nhóm các nhà thiên văn quốc tế này đang chờ Kính thiên văn vũ trụ James Webb của NASA đi vào hoạt động năm 2018 để khẳng định một số điều khiện khác như hỗn hợp bầu khí quyển và khí hậu của các hành tinh mới phát hiện như thế nào.

Việc phát hiện những hệ thống hành tinh mới cho thấy những hành tinh có kích cỡ như Trái Đất xuất hiện khá nhiều trong Dải Ngân Hà, nhiều hơn so với những gì con người nghĩ trước đây.

Tổng hợp