Siêu kính viễn vọng của Trung Quốc phát hiện hai ẩn tinh

11 Tháng Mười, 2017 | Y học - Khoa học
FAST là kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới. Photo Courtesy: Xinhua

Hai ẩn tinh mới cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng được phát hiện qua kính viễn vọng chuyên tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh ở Trung Quốc.

Sau một năm vận hành, FAST, kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới, đã xác định được hai ẩn tinh, Đài thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC) thông báo hôm qua. Ẩn tinh J1859-01 và J1931-01 ở cách Trái Đất 16,000 và 4,100 năm ánh sáng với chu kỳ quay quanh trục tương ứng là 1,83 giây và 0.59 giây, theo Xinhua.

Theo Li Di, nhà khoa học cấp cao ở NAOC, hai ẩn tinh được phát hiện hôm 22/8 và 25/8 khi FAST quét mặt phẳng Ngân hà phía nam. Phát hiện này được kính viễn vọng vô tuyến 64 m Parkes ở Úc xác nhận hồi tháng 9.

Peng Bo, phó giám đốc dự án FAST, cho biết kính viễn vọng lớn và phức tạp như FAST cần vận hành thử trong vòng 3-5 năm. “Thiết bị đạt được những kết quả thực sự đáng khích lệ chỉ trong vòng một năm”, Peng nói.

Nằm ở lòng chảo đá vôi sâu và thoải tự nhiên ở phía tây nam tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, FAST, kính viễn vọng vô tuyến khẩu độ 500 m, hoàn thiện vào tháng 9/2016. Đĩa thu tín hiệu của FAST rộng tương đương 30 sân bóng đá.

Những bộ phận chính của FAST gồm cabin vận hành, 4.600 tấm kính hình tam giác và một gương phản xạ. Thông qua chiếc kính viễn vọng, các nhà thiên văn học có thể khảo sát hydro trong dải Ngân hà và các thiên hà khác, phát hiện hàng nghìn ẩn tinh mới, tìm hiểu nguồn gốc và quá trình tiến hóa của vũ trụ, đồng thời tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Theo VnExpress