Ấn Độ thử nghiệm thành công vắc-xin Zika trên chuột

19 Tháng Tư, 2017 | Y học - Khoa học
Geovane Silva bế cậu con trai Gustavo Henrique, tại bệnh viện Oswaldo Cruz ở Recife, Brazil. Cháu bé bị chứng bệnh đầu nhỏ do mẹ nhiễm virút Zika khi mang thai. Photo Courtesy: Reuters

Hãng dược Bharat Biotech có trụ sở tại Hyderabad cho biết loại vắc-xin ngừa virút Zika do họ phát triển có hiệu quả với các chủng virút Zika của cả châu Á lẫn châu Phi.

Theo báo The Hindu (Ấn Độ), mặc dù được phát triển dựa trên các nghiên cứu tiến hành với chủng virút Zika của châu Phi, nhưng các nhà khoa học của hãng Bharat Biotech khẳng định loại vắc-xin do họ phát triển đã chứng tỏ có hiệu quả cả với chủng virút Zika của châu Á.

Các kết quả nghiên cứu về loại vắc-xin này được đăng tải trên tập san khoa học Scientific Reports của Anh.

Theo đó, với 2 liều vắc-xin (5 và 10 microgram) tiêm vào phần cơ của chuột thí nghiệm, 7 ngày sau khi tiêm liều vắc xin thứ hai, những con chuột này đã được bảo vệ khỏi virút Zika.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, loại vắc-xin mới phát triển của Bharat Biotech tạo hiệu quả phòng ngừa virút tới 100% với cả hai chủng virút Zika của châu Phi và châu Á cho con chuột được chích ngừa.

Nhà nghiên cứu K. Sumathy thuộc hãng dược Bharat Biotech và cũng là tác giả đứng đầu trong báo cáo nghiên cứu cho biết: “Loại vắc-xin này được phát triển trên cơ sở sử dụng chủng virút Zika ở châu Phi. Chính vì thế điều quan trọng là phải chứng minh rằng loại vắc-xin đó cũng có hiệu quả với các chủng virút Zika ở châu Á”.

Cũng theo bà K. Sumathy, do việc nhập khẩu các chủng virút Zika ở châu Á vào Ấn Độ khó khăn nên các nghiên cứu của vắc-xin liên quan tới chủng virút Zika châu Á đã được chuyển giao cho một tổ chức nghiên cứu ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã sử dụng loại chuột có ký hiệu AG129 và cả chuột Balb/c trong các thí nghiệm phát triển vắc-xin chống virút Zika của họ.

Theo Tuổi Trẻ