Brimbank Writers & Readers Festival 2016: Từ người tị nạn đến người viết báo, viết nhạc

20 Tháng Chín, 2016 | Người Việt đó đây
Nguyễn Hồng Anh trình diễn ca khúc Prayer For Australia với guitar và kèm harmonica

(TiVi Tuần-san) –  Melbourne thường tự xem và cũng được người ta gọi là “Thành phố văn chương”. Và cũng có một mạng lưới mang cùng danh hiệu Melbourne City of Literature để quảng cáo những hoạt động văn chương của thành phố này: cityofliterature.com.au. Các sinh hoạt của “City of Literature” xảy ra hầu như hàng ngày.

Riêng tại  Thành phố Brimbank nơi có những ngoại ô nhiều người Việt sinh sống như Sunshine và St Albans,  một đại hội dành cho người viết và người đọc có tên Brimbank Writers & Readers Festival đã được tổ chức từ ngày 1 đến 11 tháng 9 này.  Đây là lễ hội văn hóa hàng năm do Thành phố Brimbank tổ chức và được một số cơ quan tổ chức như Victoria University, Writers Victoria bảo trợ.

Có tất cả 24 sự kiện diễn ra trong 11 ngày của lễ hội vừa qua, gồm những buổi hội thảo, phỏng vấn, kể chuyện. Thành phố nói rằng đây là dịp để những người thích đọc, thích viết, thích văn chương có cơ hội, gặp gỡ những người viết văn.

Ông John Watson, Chủ tịch các nhà Quản trị Hành chánh (Chair of Brimbank Administrators – tạm thay thế cho Hội đồng Thành phố) nói Brimbank Writers & Readers Festival  có mục đích đề cao đọc sách và văn chương đồng thời cổ động sự đa dạng và sáng tạo, và khuyến khích sự học hỏi trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Anh, chủ bút TiVi Tuần-san là một trong những người được mời tham dự trong 24 sự kiện văn hóa với tư cách là một người viết báo và viết nhạc. Nơi diễn ra sự kiện là Thư viện St Albans, vào Thứ Sáu 9.9.2016 từ  2 đến 3 giờ chiều. St Albans ngày nay là ngoại ô nổi tiếng với khu phố sầm uất của người Việt ở miền tây Melbourne.

Như quảng cáo trên mạng của Thành phố Brimbank thì ông Nguyễn Hồng Anh sẽ nói về kinh nghiệm viết lách của ông và sẽ trình diễn vài bản nhạc bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ông cũng được ban tổ chức cho hay khán thính giả chủ yếu là người Việt Nam nên sẽ thuyết trình bằng tiếng Việt và có thể nói chút đỉnh tiếng Anh, nếu cần.

Hai nhân viên người Úc và Việt của Thư viện St Albans là cô Josephine và cô Chi lần lượt giới thiệu đôi dòng về tác giả Nguyễn Hồng Anh cho cử tọa. Các nhân viên thư viện cũng cho biết hôm nay có toán quay phim của báo TiVi Tuần-san đến quay phim để làm tài liệu cho đài truyền hình trực tuyến (television online) của tvtsonline để đưa trên mạng sau này. Sau đó đến lượt ông Hồng Anh thuyết trình.

Lời mở đầu, ông cám ơn thư viện và thành phố đã cho ông cơ hội để nói chuyện trong lễ hội văn hóa này, và sau đó ông cho biết vì thấy cử tọa một nửa hay nhiều hơn một nửa là người Úc nên ông sẽ nói bằng hai thứ tiếng và bắt đầu bằng tiếng Anh.

Trong vòng 45 phút, ông Hồng Anh khi thì nói bằng tiếng Anh khi thì nói bằng tiếng Việt và nhắm vào thành phần cử tọa người Úc vì ông muốn chia sẻ kinh nghiệm của một người Việt tị nạn cộng sản hơn là dịch thuật vì phần lớn người Việt đã trải qua kinh nghiệm này. Cử tọa người Úc lẫn người Việt chăm chú nghe ông kể về kinh nghiệm viết văn và viết nhạc của ông.

Ông Hồng Anh kể rằng từ bé, khoảng sáu, bảy tuổi ông đã mê nhạc và ca khúc đầu tiên ông thích nghe là bản nhạc “Hội Nhạc Thiên Quốc” mà ông nghe trong các đêm Giáng Sinh ở làng quê của ông.  Ông nói giai điệu đó cứ ám ảnh, in trong trí ông từ đó đến bây giờ dù ông không thuộc lời. Ông nói hình như đây là bản nhạc ngoại quốc được đặt lời Việt và nếu ai trong cử tọa (đa số trung niên trở lên) là người Thiên Chúa giáo thì có thể sẽ biết bài thánh ca này, có một giai điệu như đưa người nghe lên chín tầng mây, tới tận thiên đình.    Rồi ông xướng âm một đoạn âm điệu của ca khúc “Hội Nhạc Thiên Quốc” và  nói rằng có lẽ vì ảnh hưởng của bài này mà có một số người nhận xét nhạc của ông mang âm hưởng của nhạc đạo.

“Hội Nhạc Thiên Quốc”, ca khúc thời thơ ấu dẫn NHA vào con đường âm nhạc

“Hội Nhạc Thiên Quốc”, ca khúc thời thơ ấu dẫn NHA vào con đường âm nhạc

Ông cho biết ông đã không có cơ hội học nhạc ở bậc trung học và khi lên đại học mới mua được cây đàn guitar, rồi tự học hoặc nhìn lóm người hát đánh đàn mà bắt chước. Vốn liếng âm nhạc của ông là sự đam mê  và ông chỉ bắt đầu viết nhạc sau khi thành phố Sài Gòn thất thủ. Những bản nhạc làm từ năm 1976 là do kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản, bị tước đoạt tài sản như “ruộng của tôi, lúa ngô khoai của người” (bài Chuyện Của Tôi kể chuyện ông đi vùng kinh tế mới làm rẫy cực khổ trong 3 tháng, thu hoạch được hoa quả mang về Sài Gòn bán kiếm sống đã bị công an và du kích tịch thu), sự mất dự do căn bản của con người và ước muốn ra đi (bài Sao Ta Còn Ngồi Đây).

Mấy chục năm không viết nhạc, không đánh đàn ca hát nhưng trong ba năm qua, chỉ vì một sự tình cờ mà ông thu âm bản nhạc đầu tiên là Thiền Sư Xuống Núi, rồi phát hành liên tiếp 4 CD, sách nhạc, trình diễn nhiều nơi và sáng tác thêm một số ca khúc.  Ông đã trở lại với tình yêu ban đầu, của tuổi  thơ bởi một sự tình cờ. Ông cho đó là định mệnh.

Về viết lách, ông cũng cho là một sự tình cờ của cuộc đời, bởi ông học kinh doanh, ra trường làm trong lãnh vực tài chánh trong hai năm với một công ty kế toán của ngoại quốc.  Rồi thêm một năm dạy thể dục thể thao dưới chế độ mới  và sau đó dành toàn thời gian để tìm đường thoát khỏi chế độ cộng sản.

Ông kể rằng đến Úc ông làm đủ loại nghề, miễn là có việc làm để tự nuôi thân và cũng để phần nào giúp đỡ gia đình. Sau đợt hãng Toyota cắt giảm công nhân, bị mất việc và nghe công ty xe lửa cần cleaner, ông bèn tới xin công việc quét dọn trên xe lửa nhưng khi hỏi về lý lịch, biết ông đã từng tốt nghiệp đại học, nhân viên tuyển người khuyên nên đi học trở lại (vì lúc đó học đại học miễn phí) nhưng ông cần việc làm hơn.

Trải qua nhiều công việc như làm cho trung tâm giữ trẻ, nhân viên cộng đồng, thông dịch v.v… một ngày nọ trong năm 1985 ông nghĩ đến việc phát hành một  tập chương trình truyền hình bằng tiếng Việt, mô phỏng TV Week của Úc để đáp ứng nhu cầu của đồng hương và đặt tên là TiVi Tuần-san, biếu không trong sáu tháng  đầu. Từ một tập hướng dẫn xem truyền hình, TiVi Tuần-san đã trở thành một tờ báo có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam trong 30 năm qua. Ông Hồng Anh trở thành một người viết văn, làm nghề báo  cũng là một sự tình cờ trong cuộc đời, như tình cờ của lịch sử  mà nay ở xứ này có một cộng đồng Úc gốc Việt.

Sau phần nói chuyện mà những người Úc lớn tuổi ra vẻ thích thú chăm chú nghe và người Việt cũng theo dõi trong đó có người ghi chép, ông Hồng Anh cho biết thời gian  15 phút còn lại ông sẽ trình diễn 3 ca khúc của ông bằng hai thứ tiếng.

Ca khúc đầu tiên là “Sao Ta Còn Ngồi Đây” được viết bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh vào năm 1977.

Ca khúc tiếp theo là một bài hát được ông đặt lời Anh “Prayer For Australia

(Lời cầu nguyện cho Úc Đại Lợi) sẽ chỉ hát bằng tiếng Anh. Đây là ca khúc ông đưa lên youtube vào ngày 26.1.2016 nhân dịp mừng Ngày Quốc Khánh Úc. Bài này được tác giả hát với guitar và kèn harmonica.

Và cuối cùng là bài “Melbourne Thành Phố Của Tôi” mà ông sáng tác cách đây một tháng. Ông nói trong đời chưa bao giờ sáng tác một ca khúc về một thành phố nào  nhưng sau 35 năm sống ở Melbourne, ông đã làm một bài cho thành phố được bình chọn là dễ sống nhất thế giới.

Trở lại với “mối tình đầu”: âm nhạc

Trở lại với “mối tình đầu”: âm nhạc

Ngoài trời đang mưa, ông Hồng Anh chỉ tay ra tường kính của thư viện và  trích dẫn lời ca khúc với câu “Ngày có bốn mùa thành phố của tôi…”, một nơi ông mô tả “sống hài hòa là đa văn đó, đem yêu thương điểm nét Melbourne, thành phố cho ta đời sống bình an”.

Hai nữ nhân viên của thư viện cám ơn ông Hồng Anh và cử tọa đã đến dự và xin họ vui lòng điền vào phiếu cảm nghĩ của họ về buổi trình diễn và mời mọi người ở lại dùng cà phê và bánh ngọt.

Một vài cử tọa người Việt đến chuyện trò với ông Hồng Anh. Người này hỏi chừng nào thì bài “Melbourne Thành Phố Của Tôi” sẽ được phát hành. Người kia hỏi trong tương lai nếu được mời như thế này có trình diễn không. Ông Hồng Anh cho biết vừa đưa lên  YouTube ca khúc “Để Lại Tim Đơn Côi” mới sáng tác, còn bài Melbourne sẽ đưa lên sau. Về vấn đề thuyết trình biểu diễn, ông nói sẵn sàng nếu thì giờ cho phép nhưng sẽ chỉ trong khung cảnh mà cử tọa đến dự với mục đích nghe.

Các cử tọa Úc đến bắt tay, cám ơn diễn giả, nói họ rất thích thú với buổi nói chuyện và trình diễn. Một bà lớn tuổi có vẻ gốc Âu Châu nói với ông Hồng Anh: “Tôi không biết có phải vì niềm tin tôn giáo hay không mà ông có thể quên đi chuyện cũ, chứ tôi từng trải qua những kinh nghiệm của chiến tranh, tôi không bao giờ quên được, sự tức giận vẫn còn trong tôi. Tôi không hiểu tại sao với những kinh nghiệm ông mô tả mà ông lại trông có vẻ hạnh phúc như thế này”. Ông Hồng Anh trả lời ông muốn sống với hiện tại và cuộc sống hiện tại thì hạnh phúc nhưng bà cụ nói bà không thể nào quên quá khứ được.

Một nữ thính giả Úc hỏi mua CD nhưng ông Hồng Anh không mang theo và ông xin bà cho địa chỉ để ông gởi biếu, nhưng bà nói rằng bà không muốn miễn phí và yêu cầu ông lấy tiền để gởi cho bà một cái CD hát bằng tiếng Anh. Bà hỏi ông còn có tài liệu gì liên quan đến đề tài này không, ông Hồng Anh nói ông sẽ gởi biếu tập sách nhạc trong đó có một số bản nhạc  lời Anh ngữ và những bài viết tiếng Anh nói về hành trình của một người tị nạn tìm tự do qua âm nhạc. Bà lại yêu cầu nhận tiền mua sách nhạc.

Một buổi trình diễn trong không gian rất ấm cúng và gần gũi như ông Hồng Anh mô tả bởi thông thường liên hệ giữa người viết và người đọc chỉ là sự tưởng tượng vì độc giả là những người vô hình. Ngồi trước tờ giấy hay bàn  phím, người viết liên tưởng tới một đối tượng vô hình để trải lòng, bày tâm tình, ý nghĩ  của mình. Hôm nay, ngoài độc giả (reader)  ông lại được tiếp cận với khán thính giả (audience)– những người có thể đọc những ca khúc của ông nhưng hơn thế nữa, được nghe và nhìn ông hát.

“Thật là một  buổi nói chuyện và trình diễn thú vị”, ông Hồng Anh nói với các nhân viên tvtsonline trong nhóm quay phim.