Thu trắng ngày cuối xuân: Những tình khúc phổ thơ của Thu Tuyết

07 Tháng Mười Hai, 2016 | Người Việt đó đây

Thu Trắng 1 đến với khán thính giả Melbourne cách đây hai năm vào cuối đông còn lạnh lẽo. Thu Trắng 2 vào những ngày cuối mùa xuân khi tiết trời bắt đầu ấm áp. Tác giả tập thơ và nhạc Thu Trắng 2 đã rất cảm động vì số khán thính giả đến dự gần đầy nhà hàng Happy Receptions ở vùng Ascot Vale.

Ai đã một lần dự buổi ra mắt thơ nhạc, sách và CD Thu Trắng 1 và nay đến dự ra mắt Thu Trắng 2 ắt phải ngạc nhiên, không chỉ vì lượng khán thính giả đông hơn gấp đôi, mà còn bởi sự “hoành tráng” như MC Quang Minh mô tả trong lời giới thiệu trước khi vào chương trình.

Một sân khấu với gam màu rực rỡ như chào đón mùa hạ đã tới trước ngưỡng cửa. Tác giả tập thơ  vẫn lộng lẫy như trong những bức hình trên thiệp mời, tập thơ và CD.  Trông Thu Tuyết thì không ai có thể nghĩ tác giả đã lên chức bà ngoại, như MC Quang Minh nhận xét.

Thật vậy, nếu không biết người đứng trên sân khấu đọc những lời cám ơn mở đầu chương trình là nhà thơ thì người ta cứ ngỡ rằng đây là một người mẫu. À-la-mốt. Đẹp. Làm thơ.  Hát…

Lê Thị Thu Tuyết quê Phú Yên, là một nhà giáo và một nhà thơ. Bên cạnh nghề dạy (giảng viên đại học), Thu Tuyết còn là một nhà thơ, như lời tâm sự của cô trong tập thơ và CD: “Tôi đến với thi ca như một sự ngẫu nhiên. Quê hương, ba mẹ đã cho tôi những nồng nàn, ấm áp vốn dĩ hồn nhiên, trong sáng. Trải qua bao sóng gió, thăng trầm, tôi đã viết. Viết như một cơn mưa rào đầu hạ xóa đi như muộn phiền, ưu tư chồng chất. Viết như một làn gió mát tưới sâu vào tâm hồn đang chông chênh, hấp hối. Viết đã làm tôi tỉnh lại và Thu Trắng ra đời từ đây”.

Thu Trắng 1.

Thu Trắng 2.

Và còn bao nhiêu Thu Trắng, Thu Tuyết?

TVTS mời độc giả nghe một nhà giáo yêu thơ – Tiến sĩ Kiều Tiến Dũng—bình thơ Thu Tuyết trong chương trình ra mắt  Thu Trắng 2 vào chiều Chủ nhật 27 tháng 11 vừa qua.

 

Thu Tuyết trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu

Thu Tuyết trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu

Thu Trắng 2

Nhắc đến mùa thu, người ta liên tưởng ngay đến lá vàng, lá đỏ xen lẫn với những chiếc lá xanh còn xót lại trên cành. Nhưng mùa thu của tác giả Thu Tuyết lại mang màu trắng. Một màu trắng của môt mùa thu huyền thoại.

Màu trắng ấy đã được lấy làm tựa đề cho tập thơ đầu tay được ra mắt khoảng hai năm trước đây. Và nay độc giả lại được đón nhận “Thu Trắng 2”.

Tại sao tập thơ được mang tên Thu Trắng? Một mùa Thu mang màu trắng của Tuyết? Hay một mùa Thu nhuốm màu hồn ai?

Hồn màu trắng

Miệng màu chát

Tim màu đắng

Tôi màu khát!

(SẮC TÔI)

Dù sao đi nữa thì nỗi khát khao đó của tác giả nay đã được chuyển biến thành những vần thơ chứa đựng nỗi lòng chắt chiu của cả một đời:

Bé thơ xưa không còn thiếu nữ

Bỏ ước mơ đời, bỏ tiệc vui

Bỏ thiên thai, nán lại ngậm ngùi

Chôn kiếp đời phù du mộng dữ

Cô bé xưa giờ là thiếu phụ

Gánh nỗi sầu oằn cả hai vai

Chất đau thương chết lịm một đời

Hồn ngây dại, thân chìm trong tê tái

(KHOẢNG XÁM)

Khán thính giả trước giờ trình diễn

Khán thính giả trước giờ trình diễn

Có một nhà phê bình đã cho rằng “Thu Trắng 2” là một sự trưởng thành sau tập thơ “Thu Trắng 1”. Nhưng tôi không cho đó là một sự trưởng thành chỉ mang một ý nghĩa thuần túy là nay đã chững chạc, đã tốt hơn xưa. Không hẵn thế. Tôi cũng cho rằng mỗi tập thơ là dấu tích của những giai đoạn khác nhau của một đời người. Chúng khác nhau vì đời người của chúng ta là chuỗi dài những biến chuyển trong dòng chảy thời gian.

Fernyhough, một nhà tâm lý học cho rằng: “Tất cả chúng ta về mặt tâm lý đều là những mãnh vụn rời rạc, không phải là một khối thể thống nhất. Vì thế nên ta luôn luôn phải tranh đấu từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác để tạo ra cái ảo giác của một cái gọi là “tôi” trong ngoặc kém, một cái tôi ảo giác trọn vẹn.”

Do đó mọi khoảnh khắc trong đời đều cần thiết, cũng như mọi kỷ niệm, những ký ức chọnlọc, phải được trân trọng.

Trong thế giới rộng có một chỗ rất chật cho tôi để yêu quá khứ

Một vùng quá khứ rạch ròi trong cái hỗn độn; ngăn nắp trong đống bê tha, bừa bộn.

Nhưng nó là quá khứ của tôi, tôi yêu nó như yêu một đứa con nổi loạn cả những tinh khôi và trần trụi xác xơ!

(QUÁ KHỨ TÔI)

Cá nhân tôi luôn ganh tỵ với với cái “hạnh phúc” trong ngoặc kép của những người có cái khả năng ghi lại những sắc màu, những thanh âm, những rung động của lòng mình qua những trang nhật ký được viết lên bằng thơ. Dù đấy là những tiếng thơ chào đời vội vã:

Đêm trở dạ, trăng thơ còn hỏn đỏ

Vội vã chào đời, trong tiếng khóc non

(ĐÊM VỠ)

Đằng sau cái bề ngoài nghiêm trang là cả một tâm hồn dậy sóng; đằng sau nụ cười rạng rỡ là cả một dĩ vãng với đau buồn nhiều hơn hạnh phúc. Và người ra sao thì thơ cũng vậy. Nhà thơ Hư Vô đã phê bình rằng: “Thơ Thu Tuyết ngọt ngào mà sâu lắng, đam mê cuồng nhiệt, nhưng hiền hậu lạ lùng.”

Còn với tôi, thơ Thu Tuyết không mang mặt nạ! Thơ với Thu Tuyết không những chỉ là lối thoát vào những phút giây tận cùng vực thẳm. Với Thu Tuyết, thơ còn là lẽ sống.

Một lẽ sống với những mâu thuẫn nội tại. Nửa muốn đoạn tuyệt với một mảnh đời đã đi qua, nhưng nửa cũng lại tiếc nuối với phần đời đã vơi:

Ta đem một cuộc đời

Chôn vào mồ quên lãng

Đem cả linh hồn cạn

Nhốt địa ngục trần gian

Ta thảng thốt rã rời

Khi hoàng hôn chợt tới

Bóng cô đơn vội vã

Dáng cuộc đời đã vơi

(TAN)

Thu Tuyết trong ca khúc “Tan”

Thu Tuyết trong ca khúc “Tan”

Đầy rồi vơi, cuộc đời này phải chăng chỉ toàn là những toan tính?

Đến chiều ngồi đếm

Cân lại chút tình

Được bao nhiêu ký

Cho lòng ủi an

(MỘT SÁNG KHÔNG QUEN)

Tính toan cho nhiều rồi giữ lại được những gì?

Ba hai một… khi nấm mồ khép lại

Cỏ xanh xao, đông lạnh thu tàn

Rồi xuân đến, mặt trời trên đỉnh tháp

Uống chút tình cạn chén với nhân gian

(ĐẾM)

Tính toan nhiều rồi còn có được gì?

Có chút tình yêu hôm qua vừa chớm

Có nụ hôn đầu để lại vết son

Có con đường quen ngất ngây run rẩy

Rồi nồng nàn cũng phải chia xa

Có ai uống cạn giọt tình vừa rụng

Có gượng nụ cười, đáy cốc đã khô

Có đôi mắt thâm quầng qua đêm trắng

Vài sợi tóc buồn bạc trắng đêm qua

Có thời gian trôi, nguôi dần vật vã

Có chút thuỷ chung sót lại nơi này?

Có còn tình chăng, người ơi đã lỡ

Chôn giấu đời nhau, để lại đắng cay!

(PHÔI PHA)

Kiếp người như bóng mây, thoảng qua rồi mất hút. Nó xa xăm, mịt mờ. Có cố ôm chặt vào lòng thì rồi cũng chỉ là hư ảo:

Tiếng gì xa lắm như vô thanh

Bóng gì xa lắm như vô hình

Tình gì xa lắm như vô tưởng

Thanh tưởng hình, xoá trắng một sinh linh

(VÔ)

Thôi thì tác giả cứ phải chịu đựng cái kiếp ở trọ trong mảnh thời gian còn lại:

Cười lên cho đời sáng

Cười kẻ bạc như vôi

Cười lòng đời đen tối

Cười thế thái tình đời

Thôi mai về chốn cũ

Sống nốt quãng đời chiều

Dẫu làm thân trâu ngựa

Cho người biết thương yêu

(ĐÊM DÀI VỚI MẸ)

... và “Quạnh Hiu”

… và “Quạnh Hiu”

Làm thân trâu ngựa cho người biết thương yêu mình? Hay làm thân trâu ngựa để cho người biết thương yêu nhau? Vì mình hay vì nhân thế?

Trong cái ta đã có cái chung. Ngay trong mùa Thu mà đã có Tuyết rơi.

Chính cái tên gọi Thu Tuyết đã hàm chứa những nghịch lý của buổi giao mùa, nên phải chăng vì thế tác giả đã phải cưu mang nhiều mâu thuẫn  nội tại? Nhưng chính những đối nghịch, những mâu thuẫn  này là động cơ cho mọi vận hành của vũ trụ, và đã riêng giúp tác giả phát triển cái tư duy trăn trở, trằn trọc của chính mình:

Khuya vắng, tiếng đồng hồ lê thê, khóc đẫm

Gắn vào tim, xuyên qua óc, tích tắc rơi!

Đêm tĩnh mịch, tim rã rời, tích tắc

Tích tắc ơi! tim đã chết tự hôm rồi…

Tim đã chết thôi không còn nhịp

Máu đã khô đông cứng vết tình

Tích tắc, đời tan, đêm tĩnh mịch

Tĩnh mịch ơi, Thu không Trắng. Nụ cười!

(TÍCH TẮC KHUYA RƠI!)

Thời gian vẫn cứ tích tắc nhưng tim nay đã thôi nhịp. Thu không còn trắng. Thu tuy không còn trắng, nhưng đời người vẫn cứ mãi hư hao:

Trưa không nắng như tình đã lắng

Hết mặn nồng, đắm đuối hồn nhau

Hơi men đắng, rượu tình cũng cạn

Đôi mắt buồn, đậm nét hư hao

(HƯ HAO)

Và cuộc sống vẫn đầy rẫy những chia lìa:

Rồi một sớm giật mình tỉnh giấc

Bên hiên buồn chỉ có nắng rơi

Vài chiếc lá lìa cành rớt nhẹ

Bỏ đời nhau, đau lắm nắng ơi!

(LÌA NHAU)

Lá lìa cành, đớn đau chỉ biết thở than cùng với nắng mà thôi.

**

Lá lìa cành như người yêu xa nhau, như người con phải xa đất nước, như một chiếc bóng đứng bên lề xốn xang với nỗi bất lực của chính mình:

Tôi bên lề quê hương để bất lực, xót xa cho những mảng đen còn tồn tại trên quê hương yêu dấu, đã bị rời xa…

Để đông về lặng lẽ nhìn những cành cây trơ trọi còn sót lại vài chiếc lá chơ vơ rơi rụng khi ngọn gió buốt thổi vào

Để tâm hồn lạnh cóng run rẩy theo tiếng phập phồng của con tim già xa xứ… Và đôi mắt buồn, xa xăm…

Tôi bên lề quê hương để nuốt vào trong tận đáy trái tim niềm chua xót khôn nguôi

Sự cô đơn của kẻ có tấm lòng và khả năng cống hiến

Sự cô độc trong cuộc đời của những phẩm chất ngay lành trung thực

Sự bất lực dày xéo khôn nguôi phần đời còn lại như mặt trời hối hả nuốt vội ánh vàng chênh chếch phía tây

Và tôi cũng chỉ bên lề quê hương!…

(BÊN LỀ QUÊ HƯƠNG)

Nhóm Đồng Xanh tặng hoa cho nhà giáo nghệ sĩ Thu Tuyết

Nhóm Đồng Xanh tặng hoa cho nhà giáo nghệ sĩ Thu Tuyết

**

Giông tố, bảo táp là cái giá, một cái giá đắt, rất đắt phải trả. Nhưng khi đã trả xong rồi chắc gì mấy ai đã mua được một chút yên bình?

Không còn sớm mai nhuộm hoàng hôn tím

Không còn trưa buồn chỉ có mùa thu

Không còn chồi non một màu cỏ úa

Và không còn chiều trời đất hoang vu

Bình yên trong nắng sớm, bình yên lúc mưa chiều

Bình yên trên giông tố, bình yên lúc tả tơi

Bình yên soi đời đắng, bình yên nuốt rã rời

Bình yên rớt nhẹ, ôm đời bình yên

(BÌNH YÊN)

**

Thơ luôn mang âm hưởng của những nốt nhạc chưa thành hình. Cái ngôn từ gò bó thường nhật nhiều khi không thể diễn tả hết được những cảm xúc, rung động của hồn người. Do đó thơ cần đi ngoài giới luật và logic của ngôn ngữ hàng ngày. Đi ngoài khuôn khổ nhưng lại đủ xúc tích và cô đọng để ta có thể trang trải nỗi niềm, để ta có thể đem giấu, đem nhốt những điều thầm kín.

Thầm kín hay không, mơ hồ nhiều hay ít, tôi mong rằng người đọc, cũng như tôi, cũng sẽ tìm được một chút gì đó của chính mình qua những vần thơ, những nỗi niềm riêng mà tác giả Thu Tuyết đã trải lòng qua “Thu Trắng 2”.

Kiều Tiến Dũng

Melbourne, Úc Châu