Hỏi và giải đáp 210: Thân phận và bổn phận người vợ

16 Tháng Hai, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL mới nhận được thư của em HL, xin đăng nguyên văn đoạn chính như sau:

Chị TL thương mến,

Em năm nay… tuổi, lấy chồng hơi muộn, nhưng cũng xứng đôi vừa lứa vì anh ấy hơn em… tuổi. Cả hai đều có sự nghiệp và tài chánh vững vàng. Nguyên nhân khiến em viết thư này là thái độ của anh ấy đối xử với em. Em không biết phải diễn tả làm sao, chỉ có thể viết rằng anh ấy không khinh thường nhưng việc gì trong nhà em cũng phải đảm đang quán xuyến. Cả hai đều đi làm, con thì gửi nhà trẻ nhưng về tới nhà thì chồng chúa vợ tôi’. Nếu vui, anh ấy chỉ nựng con một chút rồi thì đọc báo, xem tin tức trên tivi, ăn cơm uống rượu rồi đi ngủ. Hôm nào cao hứng thì nằm đợi vợ, vừa ân ái xong là lăn đùng ra ngủ.

Ngặt một cái là trước mặt mọi người hoặc ra đường hay tới nhà ai anh ấy tỏ ra rất ga-lăng với em, lúc nào cũng quan tâm tới vợ con khiến ai nấy đều cho rằng chồng em là nhất, là mẫu mực để các ông chồng khác noi theo. Em tức mình lắm nhưng không có cách gì bắt anh ấy thay đổi được. Ngày em còn trẻ, đọc mục này thấy có chị viết rằng chồng chị ấy chỉ được một tích sự là mỗi tuần đẩy thùng rác ra lề đường một lần, nay mới thấy chồng em y hệt, may ra thì thêm được mục hút bụi phòng khách… Thương chồng thì vẫn thương nhưng sao nhiều lúc em cảm thấy mệt mỏi và bất mãn quá!

 

Ý kiến của Thanh Lan:

Em HL thân mến,

Xin viết ngay để em đừng hy vọng: từ trước tới nay, tình trạng nói trên đã được các bà vợ đem ra mổ xẻ và đóng góp ý kiến khá nhiều, nhưng rốt cuộc vẫn không thể giải quyết được. Nguyên nhân rất đơn giản: trời sanh ra đàn ông nói chung vốn đã như thế, lại còn là đàn ông Việt Nam nữa thì mình đành chịu thua!

Dĩ nhiên, có những người đã thử ‘không chịu thua’ bằng cách phân công, chẳng hạn em nấu cơm thì anh tắm cho con, em lau nhà thì anh giặt quần áo, em clean toa-lét thì anh hút bụi, v.v… và các ông chồng cũng hoan hỉ chấp nhận, nhưng không cái gì làm nên hồn, rốt cuộc các bà lại phải đích thân làm, thà mệt xác còn hơn ngứa mắt!

TL không nói 100% đàn ông đều như vậy, nhưng chắc chắn phải là đại đa số. Tuy nhiên, trong đại đa số ấy có những người sẽ dần dần thay đổi. Theo diễn tiến tâm lý thông thường, cần một khoảng thời gian ít nhất là 10 năm, khi đứa con đầu lòng đã có trí khôn, cắp sách tới trường, tức là trong gia đình nảy sinh thêm nhiều trách nhiệm, người đàn ông sẽ nhìn lại bản thân và tự động nhận lãnh một số công việc để đỡ đần vợ.

Tuy nhiên, cũng có những người không bao giờ thay đổi và chúng ta phải tự tìm cách giải quyết. TL không dùng chữ ‘đối phó’ bởi vì giữa vợ chồng không nên có sự ăn thua đủ, mà chỉ cần giải quyết làm sao cho bản thân mình đỡ mệt. Việc này rất quan trọng bởi vì mệt mỏi quá thì sẽ sinh ra bất mãn, chán chường và hạnh phúc vì thể sẽ suy giảm, thậm chí có khi đi tới đổ vỡ.

Phương hướng giải quyết tốt nhất là không ‘thêm việc’ cho đàn ông được thì ‘giảm việc’ cho mình. Cụ thể là khi con cái bắt đầu đi học cũng là lúc tài chánh đã thoải mái, cuộc sống đã ổn định thì người đàn bà chỉ nên đi làm part-time, để có thì giờ chăm sóc, lo lắng cho con cái và cho chính bản thân mình – về tinh thần cũng như thể xác.

TL viết ra điều này có thể sẽ bị các bà mẹ chồng lên án là ‘vẽ đường cho hươu chạy’ nhưng trên thực tế có nhiều bà vợ rất dại dột: quên thân mình để vừa hùng hục đi làm vừa cong lưng hầu hạ chồng con, tới một lúc nào đó nhan sắc nhạt phai, thân hình xuống cấp trong khi anh chồng vẫn ngon lành thì có bị mất chồng cũng chỉ nên trách mình trước khi trách người.

Cũng cần phải nói rõ, không cần phải ly thân ly dị, không cần chồng phải có girlfriend mới gọi là ‘mất chồng’ mà chỉ cần chồng không thấy mình xinh đẹp, hấp dẫn, không còn là đối tượng tình dục (sex object) nữa, cũng đủ để gọi là mất chồng! Hoặc ít nhất cũng là suy giảm hạnh phúc, tình nghĩa vợ chồng không còn nồng thắm như thuở ban đầu.

Nhiều người dễ tính cho rằng vợ chồng chung sống lâu ngày đương nhiên sẽ nhàm chán và phai lạt. Nói như thế là sai, bởi vì trên thực tế, trong khi sự sôi nổi bớt đi thì tình nghĩa lại gia tăng, và như người Việt mình đã có câu ‘lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi’, nếu chúng ta biết cách hòa hợp, biết cách thu hút nhau thì càng chung sống lâu, càng gắn bó, càng thấy ý nghĩa và thú vị hơn – về cả mặt tinh thần lẫn thể xác. Với điều kiện người đàn bà không trở thành một thứ ‘ác phụ’, không để nhan sắc phai tàn, không quan niệm có con rồi thì mặc xác chồng!

Trở lại với tình trạng mà em gọi là ‘mệt mỏi và bất mãn’, TL cho đây là mầm mống, nếu không muốn nói là khởi đầu, của sự xuống dốc trong cuộc sống vợ chồng. Muốn chấm dứt, muốn ngăn ngừa thì một là em phải bao dung, độ lượng, quan niệm rằng những gì mình hy sinh cho chồng con thì mãi mãi còn đó chứ không mất đi đâu cả; được như thế là em thể hiện sự cao quý của người phụ nữ Á đông – một sự cao quý mà người đàn ông dù tốt lành tới đâu cũng không thể đạt được. Hai là nếu em không dẹp bỏ được tâm cảm ‘mệt mỏi bất mãn’ thì nên giải quyết một cách thực tế: cố gắng đi làm thêm một vài năm nữa rồi nghỉ, hoặc chỉ làm part-time. TL nhấn mạnh: đây không phải là thái độ lười biếng mà chính là phương cách để chấm dứt mệt mỏi, bất mãn. Tức là duy trì và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

 

Thân mến,
Thanh Lan