Hỏi và giải đáp 211: Đừng trông lên đỉnh núi

19 Tháng Hai, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL góp ý kiến với em X, một người vợ không chấp nhận quan niệm sống an phận thủ thường của chồng. Tóm tắt nội dung thư của em như sau:

X và chồng (A) lấy nhau đã gần 15 năm, cả hai vợ chồng đều có trình độ, có công ăn việc làm đàng hoàng mà ‘mặt nào cũng thua kém bạn bè’: từ nhà cửa, xe cộ, cho tới việc học hành của con cái, không chỉ thua chút ít mà thua rất xa. X rất buồn và lo nhưng mỗi lần đề cập tới thì đều bị A gạt đi, nói X là người đứng núi này trông núi khác…

 

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Đọc thư em, Thanh Lan rất thông cảm nỗi buồn và những lo lắng của em. Tuy nhiên, vẫn biết ‘thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn’ nhưng nếu không ‘thuận’ được thì cũng phải cố gắng chấp nhận chứ không nên đi tới tình trạng ‘đối nghịch’. Bởi vì một khi vợ chồng đối nghịch nhau thì chẳng những sẽ không ‘thuận’ thêm được chút nào còn có nguy cơ  mất hạnh phúc.

Trước hết nói về sự thua kém. Hai câu hỏi được đặt ra là thua kém những ai, và thua kém tới mức nào?

Về tài sản, nếu chỉ thua kém một vài người bạn đang ở trên ‘top của xã hội’ thì không phải là một sự thua kém, chỉ khi nào mình thua kém những người bạn bình thường thì mới đáng quan tâm. Suy ra, người ta có tới 3 căn nhà mà mình chỉ có 1 thì mới đáng gọi là thua kém, còn người ta có 2, mình có 1 thì chẳng có gì đáng lo.

Về việc học hành của con cái, không phải đứa trẻ nào cũng có đầu óc thông minh, đức tính chăm chỉ như nhau. Nếu cháu B không thông minh bằng con ông Y, con bà Z mà mình cứ nhồi nhét, bắt cháu đi học kèm suốt hai ngày cuối tuần thì cũng chẳng thu thập được gì; hoặc cháu B vốn đã có bản tính lười biếng, thì dùng áp lực để buộc cháu phải chăm chỉ như con ông Y, bà Z cũng chưa chắc đã có lợi cho việc học.

Khi viết như thế, TL không có ý nói em buông xuôi mà chỉ muốn khuyên em nhận rõ thực trạng để đưa ra những phương thức giải quyết thích hợp thì mới mong có kết quả.

Tạm thời cứ cho rằng trên thực tế vợ chồng em có thua xa nhiều người ‘bình thường’ về mặt tài sản cũng như về việc học hành của con cái, TL đề nghị như sau:

– Về tài sản, không nên nhìn lên người ở trên ‘đỉnh núi’ rồi đặt mục tiêu cho mình, bởi vì như thế, chắc chắn chồng em sẽ bác bỏ ngay, và chính bản thân em cũng tự đưa mình vào thế   ‘bất khả thi’. Chi bằng nhìn vào người đang ở lưng chừng núi, hoặc chỉ hơn mình một bậc để đặt ra mục tiêu. Làm sao để chồng em thấy đây không phải là một sự ganh đua mà chỉ là một bước cải tiến thông thường, nằm trong tầm tay mà ai cũng đủ khả năng, và nên đạt tới, thì mới hy vọng thuận vợ thuận chồng. Chẳng hạn, không mua căn nhà thứ hai thì nên đổi nhà, di chuyển tới một vùng có giá trị hơn; mua một cái xe đầy đủ tiện nghi hơn, v.v…

– Về học hành, thay vì bắt cháu B đi học kèm suốt hai ngày cuối tuần thì chỉ cho cháu đi học một buổi ở nơi nào thuận tiện nhất (để khỏi tốn nhiều công đưa đón); dần dần, nếu có kết quả, mới lấy trớn đưa cháu tới những trung tâm nổi tiếng nhưng ở xa nhà. Em nên nhớ, dù bản tính chăm chỉ hay lười biếng, trẻ con cũng chỉ thích học, hay cố gắng học một khi học vô, tức là có thu thập được ít nhiều những gì thầy cô chỉ dạy. Bằng không, càng tìm cách nhồi nhét, càng khiến chúng thêm chán nản.

Và tương tự như những mục tiêu về tài chánh, em không nên đưa những trẻ em đang ở trên ‘top’ ra để làm tiêu chuẩn cho con mình trong việc học hành, mà lúc ban đầu chỉ nên lấy những đứa trẻ trên cháu B một bậc để làm đích.

Tóm lại, ai cũng phải tìm cách vươn lên, nhưng không phải tất cả đều đạt kết quả mong muốn. Trong trường hợp bị thất bại, thì không cần biết là do nguyên nhân chủ quan (khả năng của bản thân mình) hay nguyên nhân khách quan (sự đãi ngộ của trời, của đời), chúng ta cũng không nên chán nản, tuyệt vọng, bởi lẽ càng chán nản, tuyệt vọng chúng ta càng thấy mình khốn khổ, đáng thương hơn! Bên cạnh đó, nếu là người có tính hay ganh ghét, chúng ta càng trở nên nhỏ mọn, hẹp hòi, tự hạ thấp con người mình, tự làm khổ bản thân mình trước khi làm tìm cách hạ người khác!

 

Thanh Lan