Hỏi và giải đáp 214: Tuổi trẻ mù quáng?

26 Tháng Hai, 2017 | Uncategorized
(Photo: Reuters)

TL trả thư của bà D, một người mẹ đang lo ngại trước sự lựa chọn mà bà gọi là mù quáng của cô con gái (A).

A nhan sắc chỉ trên trung bình nhưng các mặt ‘công ngôn hạnh’ thì hơn hẳn người khác. Trước khi gặp B, A quen biết nhiều bạn trai nhưng chỉ là ‘good friend’, và cũng được một vài người mai mối nhưng không chịu đám nào cả. Trong khi B thì đã từng cặp kè hết cô này tới cô khác. Có lẽ vì biết ‘tật’ của con trai và cũng không chấm các cô gái này, nên khi B quen A, gia đình B đã hết sức vồn vã và thúc đẩy con trai tiến tới. Vì thái độ vồn vã này cộng với các ưu điểm bề ngoài của B, A đã ra tỏ phấn khởi, hạnh phúc, cho mình là cô gái may mắn trong tình yêu; trong khi bà D cho rằng A mù quáng vì thiếu kinh nghiệm trong tình trường.

Vì A đã trưởng thành, bà D chỉ biết khuyên can một cách gián tiếp. Bà khuyên gì A cũng vâng dạ nhưng sau đó vẫn làm theo ý riêng. Qua nhận xét và kinh nghiệm của mình, bà D lo ngại rằng nếu A tiến tới với B thì dù không tan vỡ, A cũng sẽ là người chịu đau khổ, thiệt thòi trong cuộc chung sống sau này. Biết trước như thế mà không ngăn cản được nên bà ăn ngủ không yên. Bà hỏi ý kiến: nên chiều theo ý A (chấp thuận cho tiến tới) hay là tìm cách trì hoãn, hy vọng một thời gian A và B sẽ ‘rã đám’?

 

Ý kiến Thanh Lan:

Bà D kính mến,

Nhận xét đầu tiên của TL là bà đã lo ngại quá đáng, và vô ích. Bởi vì thứ nhất, không ai trong chúng ta có thể biết được  những gì sẽ xảy ra trong tương lai cho một cặp vợ chồng trẻ; và thứ hai, đã gọi là tình yêu thì không thể dùng những lý lẽ bình thường để giải thích.

Nói tới tình yêu thì một số người lớn chúng ta thường lắc đầu ngao ngán: thật không thể hiểu nổi đám trẻ ngày nay, bạ đâu yêu đó! Tuy nhiên, TL xin sửa lại thành ‘bạ đâu cặp đó’. Có nghĩa đó chỉ là những vụ cặp kè thiếu đắn đo suy nghĩ, do ảnh hưởng của nếp sống tây phương, chứ chưa đủ để gọi là tình yêu. Chỉ cần học chung trường, chơi chung nhóm bạn, làm việc chung sở, đám trẻ ngày nay có thể cặp với nhau mà không cần đắn đo suy nghĩ. Nói cách khác, cặp kè chỉ là một nhu cầu trước mắt. Chỉ khi nào thực sự yêu nhau thì người ta mới tính chuyện chung sống lâu dài (kết hôn hoặc ‘de facto’).

Cũng nói về tình yêu thì (người lớn) chúng ta phải nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay nói chung hơn chúng ta ở một điểm: ngày xưa chúng ta có thể yêu mà không lấy (nghĩa là sau đó lấy người mà mình không yêu), trong khi đám trẻ ngày này có yêu nhau mới lấy.

Như vậy, A không cặp một chàng trai nào từng quen biết hay được mai mối, nay gặp B lại muốn tiến tới ngay thì đó là tình yêu. Tình yêu này có ‘mù quáng’ hay không là tùy quan niệm và suy nghĩ của mỗi người. Bà cho là mù quáng nhưng TL thì không. Có thể bà đúng còn TL sai, nhưng vấn đề được đặt ra không phải là ai đúng ai sai mà là cả bà lẫn TL đều không phải là người trong cuộc!

Dù khó khăn, bảo thủ tới đâu chúng ta cũng phải chấp nhận quan niệm về hôn nhân của thế hệ ngày nay: tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn. Nhiều cha mẹ hãnh diện cho rằng gia đình mình nề nếp, khuôn khổ, thấy đám nào không được là ra lệnh con ‘stop’ ngay. Nếu việc này xảy ra, TL cho đó hoặc chỉ là một sự vô tình trùng hợp (tức là chính người con cũng thấy ‘không được’) hoặc là một sự chà đạp lên quyền tự do căn bản của con cái.

Vẫn biết rằng cha mẹ với tuổi đời và kinh nghiệm, thường có những nhận xét chính xác về đối tượng mà con mình đang muốn tiến tới, nhưng chỉ nên giúp ý kiến chứ không nên ‘ra lệnh’. Bởi vì nếu ra lệnh cho con bỏ đám này, biết trong tương lai có gặp được đám khác khá hơn không, và cho dù gặp được, liệu có bảo đảm sẽ hạnh phúc hơn là lấy đám thứ nhất hay không? Không ai có thể trả lời câu hỏi này!

Một số người thường than rằng: ngày xưa cha mẹ đặt đâu ngồi đó mà có mấy khi bỏ nhau đâu, trong khi ngày nay được tự do tìm hiểu, lựa  chọn thì băm bảy hăm mốt ngày đã đòi ly dị!

Nhận xét nói trên rất đúng nhưng không thể dùng để chứng minh lập luận ‘nghe lời cha mẹ thì bền còn theo ý riêng mình thì sẽ chóng tan vỡ’. Bởi vì tình trạng ‘băm bảy hăm mốt ngày đã đòi ly dị’ là do trào lưu, xu hướng của thời đại, chứ không phải hậu quả của việc theo hay không theo sự đặt để của cha mẹ.

Ngày xưa khi còn bị ‘đặt để’, người ta ít khi bỏ nhau là vì đạo đức, luân lý của xã hội thời ấy không cho phép chứ chưa chắc đã vì cha mẹ ‘đặt để’ đúng chỗ! Cũng thế, ngày nay đám trẻ ly dị một cách dễ dàng không phải vì trước khia họ đã kết hôn một cách mù quáng mà chỉ vì quan niệm thực tế ‘sống không hạnh phúc nữa thì chia tay’ của thời đại.

Một số độc giả (người lớn) có thể cho rằng TL ngụy biện để bênh vực quyền lợi của thế hệ trẻ, nhưng xin mọi người hãy nhìn vào thực tế: biết bao cặp môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa đã bỏ nhau, và cũng chẳng thiếu gì những cặp bị cha mẹ phản đối, người đời dèm pha mà hạnh phúc lâu bền! Cho nên có thể nói không ai trong chúng ta có khả năng đoán biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai cho một cặp vợ chồng trẻ.

Bởi vì sau khi chung sống, những yếu tố khách quan như ‘môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa’ sẽ chẳng còn giá trị gì nữa mà bền hay không bền là do các yếu tố chủ quan như tâm đầu ý hợp, độ lượng thông cảm, nhường nhịn tha thứ, quý trọng tình nghĩa vợ chồng, con cái… Những yếu tố này, chính hai người trong cuộc khi tiến tới với nhau cũng chỉ đoán biết được một phần thì nói gì tới người ngoài cuộc? Thành thử mới nói không ai biết trước tương lai là vậy!

Bây giờ xét riêng trường hợp của cháu A, TL trong khi rất thông cảm với những lo lắng của bà, cũng khuyên bà không nên tìm cách ngăn cản việc cháu muốn tiến tới với B, bởi vì nếu cháu nhất định tiến tới, tình cảm giữa mẹ con sẽ bị sứt mẻ, còn nếu cháu chấp nhận chia tay (rất ít hy vọng xảy ra) chắc chắn trong lòng sẽ oán trách bà.

Tuy nhiên, trong khi không nên ngăn cản thì cũng nên tìm cách trì hoãn, không phải với hy vọng A và B sẽ ‘rã đám’ mà để có thêm thời gian cho A tìm hiểu con người B, đắn đo suy nghĩ trước ‘thành tích’ của B, và thử thách thiện chí của B.

Sau khoảng 1 năm, nếu thấy A vẫn lạc quan, khắn khít với B, bà nên chấp thuận cho tiến tới. Rất có thể rồi đây trong cuộc chung sống sau này, A sẽ là người chịu đau khổ, thiệt thòi, thậm chí đi tới chia tay, nhưng không thể vì lo lắng trước những việc chưa chắc sẽ xảy ra để ngăn cản.

Về bản tính ‘đa tình’ của B, dĩ nhiên không phải là một điều tốt đẹp gì, tuy nhiên chúng ta cũng có thể hy vọng sau khi kết hôn, B sẽ tu tỉnh, và với sự khôn ngoan của mình, A sẽ có khả năng ngăn ngừa, kiểm soát.

TL không tin rằng hiện nay A đang ‘mù quáng’ như bà đã viết, mà cho rằng cháu thấy rõ nhưng chấp nhận quá khứ của B. Bà có thành kiến với B là điều rất dễ hiểu; nhưng rất có thể đối với A, B ‘có giá’ chính nhờ những ‘thành tích’ đó.

Tóm lại, như TL đã viết ngay ở đầu, bà đang lo ngại một quá đáng, và vô ích. Vậy thay vì lo lắng (để tìm cách ngăn cản) cho giảm thọ, chi bằng hãy hợp tác với con gái để mọi việc được tốt đẹp hơn chút nào hay chút nấy?!

 

Thanh Lan