Hỏi và giải đáp 219: Thay chồng báo hiếu

21 Tháng Ba, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL lại trả lời lá thư viết về một đề tài ‘xưa như trái đất’, đó là mẹ chồng nàng dâu. Xin được tóm tắt nội dung thư của cháu A như sau (dĩ nhiên, như thường lệ một số chi tiết được TL thay đổi):

A đang chờ ngày lành tháng tốt để lên xe hoa về làm vợ B. B không phải là con trai út nhưng lại là người duy nhất chưa lập gia đình nên còn ở chung với cha mẹ. Vì thế cha mẹ B muốn rằng sau khi lấy vợ, B sẽ tiếp tục sống chung dưới một mái nhà với cha mẹ. Nhưng ý của ba má A không muốn như thế, riêng A thì sao cũng được mặc dù trong thâm tâm A rất muốn vợ chồng được tự do thoải mái. A tin rằng mình quyết định như thế nào B cũng sẽ chiều ý vợ. Nhưng  A rất áy náy trong lòng, một phần nhỏ vì sợ mang tiếng vì mình mà chồng cãi lời cha mẹ, nhưng phần lớn vì chính A cũng thấy cha mẹ B thương B như con út, ông bà lại già yếu…

 

Ý kiến  của Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Chuyện mẹ chồng nàng dâu ‘xưa như trái đất’ nhưng mỗi hoàn cảnh đều khác nhau và có cách giải quyết khác nhau. Về căn bản, từ ngàn xưa mẹ chồng và nàng dâu nếu không ghét nhau thì cũng chẳng thương nhau bao nhiêu, một phần vì vị thế đối nghịch tự nhiên giữa hai người, một phần vì tâm lý ích kỷ (selfish) của con người. Tuy nhiên, có không ít trường hợp mà người ngoài nhìn vào cứ tấm tắc khen, chẳng hạn ‘cô ấy là con dâu mà phụng dưỡng cha mẹ chồng còn tận tụy hơn con đẻ’, hoặc ‘bà ấy thương con dâu hơn con gái’, v.v…

Qua kinh nghiệm bản thân và của bạn bè, người quen, cô khẳng định việc đó có xảy ra, NHƯNG không xảy ra một cách dễ dàng và cấp kỳ, mà cần có thời gian, có sự thông cảm, hiểu biết, bao dung, nhường nhịn giữa hai người đàn bà vốn ở thế đối nghịch tự nhiên. Thông thường, xưa nay người ta thường cố tránh việc mẹ chồng nàng dâu sống chung nhà cốt để ngăn ngừa sự đối đầu có thể dẫn tới xung đột; việc cha mẹ cháu không muốn cháu sống chung nhà với cha mẹ chồng cũng không ngoài mục đích ngăn ngừa sự đối đầu ấy. Không phải cha mẹ cháu có tâm địa hẹp hòi mà có thể vì ông bà chủ trương thà mất lòng trước, được lòng sau.

Tuy nhiên, ở đời không phải gia đình nào, người nào cũng có hoàn cảnh giống nhau, cho nên nếu chúng ta luôn luôn áp dụng nguyên tắc cứng nhắc, thủ thân tới mức ích kỷ, cẩn thận tới mức cho rằng ai cũng xấu, ai cũng hăm hẹ làm hại, chơi gác mình thì  thế gian này sẽ đau khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Một cách vô lý và vô ích.

Chẳng hạn, chỉ vì lo lắng cho tương lai con gái, má cháu khuyên cháu không nên sống chung với cha mẹ chồng, tức là mất cơ hội để cháu thay chồng báo hiếu và để đức cho con, cũng như để người ngoài nhìn vào khen cháu là dâu thảo. Theo thư cháu viết, cô tin rằng cha mẹ B muốn tiếp tục sống với con trai không phải chỉ để nương tựa dựa dẫm mà còn vì yêu thương B hơn những người con khác. Có thể vì B hiền lành, hiếu thảo hơn anh chị em, cũng có thể chỉ vì B ‘vợ con muộn màng’ nên ông bà tội nghiệp. Vậy, trong khi chưa thấy một ‘triệu chứng nguy hiểm’ nào trước mắt, trái lại chỉ thấy những điều tốt đẹp nên làm, tại sao cháu không cùng B thử sống chung nhà với cha mẹ B?

Thứ nhất, ông bà già yếu cần người trông nom; thứ hai, ý B muốn như thế; thứ ba, chính cháu cũng cảm thấy áy náy nếu không chiều theo ý chồng, lại còn mang mặc cảm ‘tội lỗi’ thì theo cô, cháu nên theo ý B và cũng là theo nguyên tắc đạo đức thông thường.

Chỉ khi nào sau khi sống chung một thời gian và xảy ra những chuyện không tốt đẹp thì mới nên tính lại. B không phải con út, B tình nguyện tiếp tục sống chung với cha mẹ sau khi kết hôn chứ không phải B rước cha mẹ về ở chung với B, cho nên sau này cháu và B muốn ra riêng cũng không ai có cớ để chê trách, có lý để ngăn cản.

Nhưng cô cũng cần phải cảnh cáo cháu: trước mắt, dù chưa có rắc rối nào xảy ra, việc vợ chồng cháu sống chung nhà với cha mẹ B sẽ mang lại cho cháu một gánh nặng về tinh thần, và rất có thể cả về vật chất nếu như các anh chị em của B có ý đồ ‘bán cái’.

Nếu cháu là người có tâm địa tốt, những gánh nặng ấy sẽ trở thành nguồn vui, niềm tự hào, và là cơ hội để cháu thể hiện tình yêu với chồng, tạo uy tín với cha mẹ và anh chị em của B.

Vẫn biết nói thì dễ, làm mới khó nhưng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu, cả hai người bắt buộc phải chọn cái khó, bởi vì cái dễ thì quá tầm thường và không tốt đẹp một chút nào cả. Bằng cớ là trong 10 mẹ chồng nàng dâu, chưa chắc đã có được một trường hợp tốt đẹp. Vậy trước khi nằm trong đa số thường tình ấy, cháu cứ thử cố gắng trở thành một trong những thiểu số hiếm hoi, quý báu. Biết đâu? Hơn nữa, mình là phận dưới, chẳng mất mát gì.
Cô,
Thanh Lan