Hỏi và giải đáp 229: Tình Muộn

13 Tháng Tư, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với em X, một chàng trai độc thân tứ tuần đang bị gia đình  ngăn cản trong việc hôn nhân. Vì có lời yêu cầu của người viết, TL xin tóm gọn và sửa đổi đôi chút lá thư :

X, ngoài 40 tuổi, thành công trong lãnh vực thương mại, hiện vẫn còn độc thân.  Khi còn trẻ, X cũng trải qua vài mối tình nhưng chẳng đi đến đâu vì không hạp nhau. Thời gian trôi qua, X cứ lo sự nghiệp và lo cho cha mẹ mà quên mất tuổi xuân của mình, khi giật mình nhìn lại thì đã ‘quá nửa đời trai’!

Gần đây, do tình cờ (trong công việc) mà X gặp được A và ‘chấm’ ngay. Tình cờ lại giúp X gặp A thêm một lần nữa và không bỏ lỡ cơ hội, X đã tìm cách làm quen với A. Từ quen biết, nảy sinh tình cảm. Chuyện tình của hai người rất tốt đẹp, cho dù A (ngoài 30) đã từng ly dị và có con.

Nhưng chuyện tình của hai người đã bị gia đình X phản đối kịch liệt. Nguyên gia đình X rất bảo thủ, X là con trai út, các anh chị đều đã có gia đình, chỉ có mình X ở với cha mẹ. X đã nhiều lần ra đi tự lập nhưng đều bị áp lực phải trở về. Nay dù đã trên 40 tuổi, X vẫn bị mọi người coi như một ‘baby’, không được quyền tự quyết định bất cứ một chuyện gì…

Hiện nay, gia đình đang sử dụng chữ ‘hiếu’ để buộc X phải chia tay với A, cấm X không được tới nhà A vào tuổi tối, cho người theo dõi mỗi khi X đi ra ngoài, v.v…

X viết:

‘Trong lòng em rất yêu thương A. Vì từ trước tới nay em chưa tìm thấy một người nào hợp ý, tế nhị, duyên dáng và quan trọng hơn cả là hiểu ý em như vậy. Chị TL cũng biết con người đâu có ai hoàn mỹ phải không. Nên không lẽ vì người ta có một dĩ vãng đau thương rồi mình lại đem lòng chê trách hay là thấy người ta té đau mình lại đạp thêm cho một cái chết luôn càng tốt…’

Cuối thư, X xin một lời khuyên làm sao để dung hòa vừa giữ được người yêu vừa được gia đình chấp nhận (nhưng X cho biết không mong gì!).

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em X thân mến,

So với những mối tình bình thường (trai tân + gái chưa chồng) chuyện tình của em với A hiện nay chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Nhưng ít xảy ra chỉ vì có ít đối tượng (trai gái lớn tuổi độc thân hay người bị đổ vỡ) chứ không phải vì sai trái nên ít người dám làm.

Mà một khi không có gì sai trái thì gia đình nếu không ưng ý cũng chỉ nên khuyên nhủ chứ không có quyền, và không nên cấm cản. Trong trường hợp của em, bảo thủ không phải là yếu tố duy nhất  khiến gia đình em phản đối chuyện tình giữa em và A mà còn có thêm một  yếu tố khác: suy nghĩ của gia đình em không bình thường!

Anh chị em có quyền tiếp tục đối xử với cậu út, chú út ‘đã trên 40 tuổi’ như một ‘baby’, nhưng nếu chỉ muốn thằng em sống với cha mẹ cho tới già thì là không bình thường, có thể gọi là ích kỷ! Cha mẹ không chịu tìm vợ cho con lại viện lý do này nọ để cản mũi kỳ đà cũng là không bình thường. ‘Không bình thường’ (lệch lạc) chưa đủ để gọi là ‘xấu’ nhưng thường sẽ đem tới những hậu quả xấu. Vì thế, sau 40 năm hết lòng vì chữ hiếu, hiện nay em có quyền tìm cách để tránh những hậu quả ấy.

Chuyện tình giữa em và A tốt đẹp hay không, xứng đôi vừa lứa hay không, có hy vọng lâu bền hay không, không phải là những gì TL muốn bàn, mà ở đây TL chỉ muốn nói tới quyền tạo dựng hạnh phúc của cá nhân em.

Với tình yêu dành cho A (và tin tưởng A là người đàn bà số 1 của đời mình), với quyết tâm tiến tới với A bằng mọi giá, hiện nay em chỉ có hai giải pháp để lựa chọn: (1) bỏ nhà đi chung sống với A với hy vọng sau khi có con với nhau, gia đình sẽ đổi ý, (2) thu xếp công việc (kinh doanh) của mình rồi cùng A đi xa để xây tổ ấm.

Trong một số trường hợp của các đối tượng độc thân trước đây, TL đã khuyên hai người trong cuộc theo giải pháp thứ nhất, nhưng với trường hợp hiện nay của em và A, TL đề nghị giải pháp thứ hai. Tại sao lại áp dụng giải pháp mang tích cách quyết liệt như vậy? Bởi vì trước kia em lệ thuộc quá nhiều vào gia đình, đồng thời hoàn cảnh của A khác với các cô gái độc thân.

Giải thích một cách rõ ràng, chi tiết hơn: nếu em vẫn ở tiểu bang này, vẫn duy trì business hiện tại, mà bỏ nhà để đi chung sống với A, chắc chắn gia đình sẽ không để cho em và A yên thân. Cha mẹ và anh chị sẽ kéo tới business  của em để khuyên can (thực chất là quấy rầy), sẽ tìm tới nhà để chửi bới, lên án A, thậm chí có thể ‘làm xấu mặt’ A ở nơi công cộng. (Xin lỗi, có thể TL đã đánh giá gia đình em hơi thấp, nhưng cẩn thận thì vẫn hơn).

Khi những việc này xảy ra, một là em sẽ không biết giải quyết ra sao, hai là em sẽ có phản ứng mạnh. Nhưng dù thế nào chăng nữa, hậu quả sẽ không tốt cho cuộc chung sống giữa em và A, không tốt business của em, đồng thời cả A lẫn gia đình em sẽ trở thành đề tài đàm tiếu, khen chê của thiên hạ. Như vậy, cùng lắm giải pháp này chỉ có thể áp dụng nếu như  gia đình tuyên bố từ em, không ngó ngàng, không đụng chạm gì tới em nữa (mà hiện nay không có dấu hiệu gì cho thấy gia đình sẽ bỏ cuộc bằng cách từ em!)

Như vậy bắt buộc phải theo giải pháp thứ hai: thu xếp công việc kinh doanh của em rồi cùng A đi xa để xây tổ ấm. Biện pháp quyết liệt này đòi hỏi sự cam đảm và dứt khoát, có thế em mới dám bỏ chữ hiếu lại sau lưng để đi xây hạnh phúc lứa đôi.

Nói cách khác, em sẽ vì tình mà phụ hiếu. Nghe thì không mấy tốt đẹp nhưng ít nhất cũng được ‘tình’, còn hơn là theo giải pháp thứ nhất có khi ‘hiếu’ cũng không tròn mà ‘tình’ thì cũng không vẹn!

Hơn nữa, nếu sau này gia đình thực sự hồi tâm, dù em vàA đi tới góc biển chân trời nào, anh chị em cũng có cách tìm cho ra để… nhận cháu.

Tóm lại, nếu muốn giải quyết thì phải nhận thức được những mất, còn rồi quyết định một cách dứt khoát chứ không chỉ giải quyết nửa vời và hy vọng hão huyền phép lạ sẽ xảy ra.

 

Thân mến,
Thanh Lan