Hỏi và giải đáp 230: Tình Muộn (2)

23 Tháng Tư, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Sau khi góp ý kiến với em X trong “Tình Muộn (1)”, TL nhận được thư của Y, một cô gái cũng ‘tứ tuần độc thân’ và đang bị gia đình cản trở trong việc hôn nhân. Xin đăng những đoạn chính trong thư (có sửa đổi một số chi tiết):

Kính cô Thanh Lan,

… Sao mà hoàn cảnh của anh ‘Tình Muộn’ lại giống hoàn cảnh của em đến thế. Cô chỉ cần lấy câu chuyện của anh X và thay đổi phái tính của nhân vật chính nam thành nữ, nữ thành nam là cô có được 90% câu chuyện của em. Chỉ có hai điểm khác nhau là em đi làm sáng xách ô đi tối xách ô về chứ không có business, và thứ hai, em không phải là út trong gia đình, chỉ là người con duy nhất bị ế chồng.

Em không xấu, một số người còn khen em đẹp và có duyên, cuộc sống tình cảm của em trong gần 20 năm qua đáng lẽ cũng bình thường như mọi người cùng trang lứa nếu như không bị gia đình can thiệp làm khó dễ (em không tin có sự sắp đặt của ông tơ bà nguyệt mà tất cả là do con người).

Thời gian mới bước vào tuổi trưởng thành, có vài người con trai của các gia đình quen biết chú ý tới em nhưng em không đáp lại vì không thích chàng nào cả. Có lẽ vì em không chịu những đám môn đăng hộ đối ấy nên khiến gia đình bất mãn. Từ đó, em quen biết ai gia đình cũng tìm cách chê bai, cản trở; riết rồi em chấp nhận sống ‘độc thân không vui tính’, tình cảm nguội lạnh dần.

Nhưng mọi sự đã thay đổi khi em gặp B cách đây hơn 1 năm (TL bỏ đoạn nói về gia cảnh của B, chỉ cần biết B từng dang dở và hiện nay đang ‘free’ về tình cảm cũng như pháp lý…). Em cần nhấn mạnh là lúc đầu giữa hai người chỉ là tình cảm trong sạch thực sự. Chỉ sau khi đã yêu nhau, em mới khám phá ra mình chưa nguội lạnh mà trái lại còn rung động nhạy cảm hơn cả ngày mới dậy thì…

Gia đình em tìm mọi cách ngăn cản mà nguyên nhân chính cũng giống như trong câu chuyện ‘Tình Muộn’, đó là B từng có một đời vợ! Em buồn nhất là khi nghe một người bà con ruột thịt nói lại câu nói của mẹ em đại khái là em đã sống được bằng ấy năm, nay sao không yên phận cho rồi!?

Em buồn vì khi nói ra câu ấy mẹ em không chịu hiểu là bằng ấy năm em sống có ra sống đâu. Đi làm về thui thủi trong phòng, đi chơi thì bị đám con nít bày đặt tán tỉnh, dở trò. Người quen nào đến nhà cũng nhìn em với cặp mắt thắc mắc, thương hại, bộ mẹ em không biết hay sao?…

Em đọc những lời khuyên cô viết cho anh X thấy rất hợp lý và có thể thực hiện (còn tương lai sẽ ra sao ai biết trước được). Nhưng em là con gái, dù ‘tứ tuần’ vẫn sống với cha mẹ thì làm sao dám bỏ nhà đi xây tổ ấm với B? Cô đừng mất công khuyên em bởi vì chắc chắn em không đủ can đảm làm việc này.

Nhưng nếu không có cách giải quyết, trước sau em cũng sẽ điên hoặc tự tử không chừng. Hiện nay, em vẫn có thể tiếp tục gặp B và em nghĩ gia đình cũng thừa biết  những chuyện gì xảy ra giữa hai người ‘behind the closed door’ nhưng em cần là cần một cuộc chung sống chính thức và hợp lệ cho nửa đời còn lại chứ  đâu có phải vì chỉ là nhu cầu xác thịt mà thôi. Hơn nữa, thú thực với cô là không gặp B thì thương với nhớ, nhưng mỗi lần ‘gặp’ xong em lại cảm thấy vừa tủi hổ vừa mặc cảm xấu xa. Vì thế, càng ngày em càng lười gặp nhau…

Cô có ý kiến gì để giải quyết chuyện của em không (ngoài những lời khuyên cô đã viết cho anh ‘Tình muộn’?

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em Y thân mến,

Em khỏi cần căn dặn, cô cũng tự biết không thể khuyên em bỏ nhà đi chung sống với B. Bởi vì nếu việc đó xảy ra, cho dù em đã ‘tứ tuần’ vẫn bị mang tiếng ‘theo trai’ và gia đình em sẽ bị xấu hổ lây, vì thế sau này rất khó lòng hàn gắn, so với việc X (Tình Muộn) bỏ nhà đi chung sống với người yêu.

Đồng thời, cô cũng xin miễn có ý kiến về suy nghĩ và cách đối xử của gia đình cũng như  những quan hệ (công khai và lén lút) giữa em và B hiện nay. Cô chỉ biết nặn óc, cố gắng nhớ xem từ trước tới nay đã có trường hợp nào tương tự như của em mà giải quyết ổn thỏa hay chưa.

Nếu cô nhớ không lầm thì chưa có. Nhưng chưa có không có nghĩa là cô gái nào lâm vào hoàn cảnh này cũng đều (1) bỏ nhà theo trai, hoặc (2) bị điên khùng, hoặc tự tử!

Nói cách khác, người ta đã tìm những cách giải quyết không trọn vẹn. Cách thứ nhất là làm áp lực tối đa với gia đình (chẳng hạn ‘dọa’ không cho lấy thì sẽ bỏ nhà đi) và cuối cùng gia đình phải miễn cưỡng chấp nhận. Cách thứ hai là rời nhà để đi sống riêng.

Dĩ nhiên, cách thứ nhất tốt đẹp hơn (ít nhất cũng là về hình thức bề ngoài), nếu sau một thời gian làm áp lực mà gia đình vẫn không đổi ý thì mới qua cách thứ hai. Điều quan trọng là chỉ ‘rời nhà để đi sống riêng’ chứ không phải ‘bỏ nhà theo trai’.

Có nghĩa làdù được hay không được sự ưng thuận của gia đình, cô gái cũng dọn ra sống riêng vàsống độc thân. Để giảm thiểu sự bực mình của gia đình cũng như tránh tiếng dèm pha, nên share phòng hay nhà với một cô gái khác.

Sau khi đã dọn ra ở riêng, vẫn tiếp tục quan hệ với B đồng thời trở về thăm gia đình thường xuyên. Dù có bị chửi mắng, xua đuổi cũng phải chấp nhận bởi vì mình là phận dưới (mà làm buồn lòng cha mẹ), bên cạnh đó đây cũng chính là‘khổ nhục kế’ với hy vọng cha mẹ sẽ hồi tâm mà chấp nhận.

Cô không thể đoán trước kết quả của cách thứ hai sẽ ra sao, nhưng dù thế nào chăng nữa cũng phải cố gắng trước khi có quyết định về một hướng đi khác cho đời mình. Hướng đi ấy có thể là tiếp tục quan hệ thân mật một cách kín đáo và chừng mực với B, có thể là tiến tới chung sống hợp pháp, hợp lệ (làm đám cưới không có sự hiện diện của gia đình).

Trường hợp tệ hại nhất là gia đình không đổi ý và em quyết định chung sống với B,  ít nhất em cũng có thể tự an ủi là mình đã cố gắng hết sức, và người khách quan nhìn vào cũng không thể lên án em một cách nặng nề. Vì thế thời gian nhẫn chục chờ đợi sự chấp nhận của gia đình càng kéo dài thì em càng dễ được mọi người thông cảm.

Nhưng dù thế nào chăng nữa, một khi đã chung sống với B mà không có sự chấp thuận của gia đình (dù có làm đám cưới và hôn thú), chắc chắn không thề tránh khỏi sự dèm pha (thường đầy ác ý, thậm chí xuyên tạc) của người đời. Cho nên, muốn cuộc sống vợ chồng được thải mái, muốn con cái  khỏi thắc mắc, mặc cảm, tốt hơn hết là nên dọn đi tiểu bang khác mà sống.

Ở nơi đất khách quê người, gây thiện cảm nơi những người xa lạ bao giờ cũng dễ hơn là cầu mong sự thông cảm của những người quen biết đã có sẵn thành kiến với mình.

Chúc em sáng suốt, can đảm để quyết định trước cơ hội có thể là cuối cùng của đời mình.

 

Thanh Lan