Hỏi và giải đáp 232: Người con trai mặc cảm

27 Tháng Tư, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL trả lời thư của em A, một người con trai tự nhận là ‘lucky’ nhưng thiếu tự tin… Xin sơ lược nội dung thư:

A, ngoài 30, diện mạo, công danh sự nghiệp tất cả chỉ ở mức trong bình. Riêng trong lãnh vực tình cảm thì chưa bao giờ thành công (ngoài những lần người ta thích mình mà mình không thích người ta!). Gần đây, A gặp B, một cô gái đã đẹp, thu hút  lại có sự nghiệp. B giao thiệp rộng, quen biết nhiều con trai trong đó có những anh chàng hơn A về tất cả mọi mặt, nhưng không hiều tại sao B lại chiếu cố tới A nhiều hơn!

Mặc dù hai người vẫn chỉ là bạn nhưng B dành cho A nhiều ưu tiên trong việc đưa đón, tham sự party đình đám, hoặc mời tới nhà chơi (B hiện vẫn sống với cha mẹ). A đã tìm hiểu, dò xét và tin rằng hiện nay B chưa chọn ai làm boyfriend chính thức. A rất muốn tiến xa hơn nhưng lại lo ngại sẽ bị B từ chối thì quê mặt. A hỏi:

– Làm sao biết B có cảm tình với mình nhiều hơn các chàng trai khác, hay B chỉ lợi dụng A?

– Ngỏ ý cách nào để lỡ bị từ chối sẽ đỡ quê?

 

Trả lời của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Em đã đúng phần nào khi viết rằng ‘trèo cao té nặng’. TL nói là ‘đúng phần nào’ bởi vì trường hợp của em hiện nay có khá nhiều thuận lợi cho việc ‘trèo cao’, mà nếu không thành công thì cũng không đến nỗi bị ‘té nặng’.

Thuận lợi những gì, em cũng nhận ra, TL khỏi cần dài dòng, mà chỉ tìm cách dò đoán suy nghĩ, giải thích tâm lý của B trong việc chiếu cố tới em nhiều hơn là các chàng trai ngon lành hơn em.

Thứ nhất, mặc dù người ta thường nói ‘gái ham tài, trai ham sắc’ nhưng không phải luôn luôn bắt buộc như thế. Nhìn quanh, em có thể thấy không thiếu gì các cặp mà người đời nhìn vào phê bình là ‘không xứng đôi’, chẳng hạn một chàng trai ngon lành lấy một cô gái kém nhan sắc, hay cô gái đẹp lấy một chàng cù-lần, v.v…

Mỗi trường hợp cá biệt có một nguyên nhân khác nhau nhưng giải thích một cách chung chung thì như sau:

Chàng trai hay cô gái nhìn thấy ở đối tượng những ưu điểm mà người ngoài không thấy. Những ưu điểm này có thể là về tinh thần hay thể xác. Người ta vẫn thường nói xấu đẹp tùy người đối diện, hoặc ‘có duyên ngầm’ chính là để giải thích những đôi lứa mà họ gọi là ‘không xứng đôi’ nói trên. Nói theo ngôn  ngữ  phương tây thì mỗi cặp trai gái có những yếu tố thu hút nhau, gọi là ‘chemistry’.

Như vậy, việc B chiếu cố tới em nhiều hơn các chàng trai khác rất có thể vì B mến em hơn; nhưng mến vì điểm gì thì chính em cũng không biết . TL không tin là B có ý lợi dụng em, bởi vì nếu quả thực B có ý tưởng lợi dụng thì cũng phải so sánh  lợi hại: B sẽ mất giá vì đi cặp với người thua kém, các chàng trai khác (ngon lành hơn em) có thể sẽ rút lui vì cho rằng B đã chọn em…

Viết như thế, TL không có ý khẳng định B có cảm tình với em nhiều tới mức sẵn sàng trở thành girlfriend mà chỉ để em yên tâm tìm cách ngỏ ý.

Trước khi ngỏ ý thì phải dò ý, và muốn dò ý thì em phải chủ động. Tức là không chỉ biết chờ B chiếu cố tới mình, mà cần phải cho B biết em cũng chiếu cố tới B bằng cách B mời mình một lần thì ít nhất mình cũng phải tìm cách mời lại một lần.

Con gái họ rất tinh ý, cho nên em chỉ cần làm vài lần như thế là B sẽ biết em muốn gì! Sau khi biết, B sẽ có phản ứng: đồng ý hoặc không đồng ý. Đồng ý thì B sẽ âm thầm hoặc ra mặt khuyến khích em tiến tới, không đồng ý thì B sẽ tìm cách thoái thác những mời mọc của em.

Trường hợp khó xử nhất là B không tỏ thái độ rõ rệt thì em cũng cứ tiến hành nhưng đừng vội vã đặt nhiều hy vọng để tránh bị thất vọng ê chề một khi bị từ chối. Nhưng nói gì thì nói, đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, không thể và không nên nhút nhát. Phải tự tin, mạnh dạn và lạc quan. Phải nhận định thất bại trong tình cảm cũng giống như thất bại trong bất cứ  lãnh vực nào khác chứ không phải là ‘vết thương lòng’ như  một số người đã tả oán.

Song song với việc dò ý B một trực tiếp, em nên thăm dò một cách gián tiếp qua gia đình B. Nghĩa là phải qua lại nhiều, phải tìm cách gần gũi với những người thân của B – một công hai việc: vừa để tìm hiểu về thái độ của B, vừa để ‘lấy điểm’ gia đình B.

Tóm lại, hiện nay em đang có những điều kiện thuận lợi thì không nên chần chừ đắn đo thêm nữa, mà phải hành động ngay. TL không thể đoán trước kết quả, chỉ có thể viết để khuyến khích, để giúp em bớt ngần ngại: trên thực tế, có không ít cô gái đã chọn những chàng trai ra vẻ tầm thường nhưng tư cách, tốt bụng hơn là chọn những chàng ngon lành mà tâm tính không có gì bảo đảm.

Cuối cùng, cho dù thất bại trong việc ngỏ ý với B, em cũng không nên mặc cảm cho rằng mình bị từ chối chỉ vì không có gì hơn người. Biết người biết ta để tự lượng sức mình là điều nên làm, khác với ‘mặc cảm’ là lúc nào cũng nghĩ  mình thua kém thiên hạ. TL không thích câu ‘đẹp trai không bằng lỳ’ bởi chữ lỳ nghe không hay, không lịch sự, nhưng trên thực tế đôi lúc cũng cần phải lỳ thì mới thành công trong tình trường.

Chúc em luôn yêu đời và mạnh dạn cho đáng mặt đàn ông con trai.

 

Thanh Lan