Hỏi và giải đáp 233: Tuyệt vọng cùng cự

30 Tháng Tư, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL nhận được thư  của em O, một nữ độc giả trẻ, nhờ cứu giúp một người bạn gái (A) đang ở trong tình trạng tuyệt vọng cùng cực. Tóm lược hoàn cảnh của A như sau:

Cách đây 6 năm, bị chồng bỏ về VN lấy vợ khác, A vẫn một lòng chờ mong chồng trở về; nhưng chồng đã không về mà kế tiếp lại có một cô bồng con tới nhà tìm chồng của A. Trước những sự việc trên, A chỉ biết khóc chứ không hề chửi rủa.

Cách đây hơn 3 năm, A có người yêu (B) nhưng cả 2 lần có thai với B đều bị hư khiến A rất buồn.

Thế rồi B bị bệnh chắc chắn sẽ không qua khỏi (O không cho biết bệnh gì). Từ khi B bị bệnh, gia đình B không A gặp mặt, A càng thêm buồn ‘…đi lang thang trên đường phố khóc lóc, oán trách Quan Âm, Trời Phật, ngày nào cũng vậy, về tới nhà thì giam mình trong bốn bức tường cũng lại khóc, khiến em không cầm được nước mắt. Gần đây A phát hiện có bướu trong đầu…’ (nguyên văn thư O)

Về công việc, cách đây 1 năm, A bị trắng tay (làm ăn bất hợp pháp bị cảnh sát tịch thu hết đồ đạc).

O lo sợ tất cả những thứ trên sẽ khiến bạn mình tuyệt vọng đi tìm cái chết (6 năm trước, sau khi chồng về VN lấy vợ, A đã đâm đầu vào xe tự tử nhưng không chết). A lại không có người thân nào ở Úc, ngoài ‘1 đứa con sống với chồng trước’.

O nhờ TL tìm cách nào cứu giúp bạn mình vượt qua.

 

Trả lời của Thanh Lan:

Em O thân mến,

Trước tiên cô có lời khen em đã biết nghĩ tới đau khổ của bạn mình để tìm cách cứu giúp. Khen bởi vì người đời nói chung, không phải ai cũng suy nghĩ và hành động một cách vô vị lợi như em.

Kế tiếp là một thắc mắc nho nhỏ: em viết người thân duy nhất ở Úc của A hiện nay là ‘1 đứa con sống với người chồng trước’, cô không hiểu có nghĩa là ‘A đang sống với một đứa con có với người chồng trước’ hay là ‘A có một đứa con với người chồng trước và hiện nay nó đang sống với ông ta’?

Nhưng dù sao chi tiết này cũng không quan trọng lắm, mà điều quan trọng nhất là giúp A thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng hiện nay. Trước khi giải quyết thì phải nhìn vào thực tế: A bị chồng bỏ, còn người yêu (B) sẽ không qua khỏi, bản thân A bị  trắng tay và bị bướu không biết sẽ ra sao.

Thông thường, khi bị đau khổ thì người ta cố bám víu lấy một hy vọng nào đó để sống, nhưng trong trường hợp của A thì không có hy vọng gì cả, tức là hoàn toàn tuyệt vọng. Vậy một số người có thể suy nghĩ: A chết là giải thoát, cứ để A chết!

Tuy nhiên, theo cả hai tôn giáo lớn là đạo Phật và đạo Chúa, không ai có quyền chết một cách vô nghĩa. Theo thư em viết thì A thường ‘oán trách Quan Âm, Trời Phật’ nghĩa là A theo đạo Phật, hoặc ít nhiều tin tưởng vào Phật. Cô không biết nhiều về giáo lý nhà Phật, chỉ biết đại khái Phật dạy ‘đời là bể khổ’ và chỉ những ai vượt qua được thì mới tìm thấy hạnh phúc đích thực. Mà hạnh phúc đích thực ấy không phải là những gì nhìn thấy trước mắt (chẳng hạn hạnh phúc gia đình, khỏe mạnh, giàu sang phú quý… ) mà là những gì ở trong lòng (tâm).

Vì thế theo cô, hiện nay những người duy nhất có thể giúp A ‘ngộ’ được điều này chính là quý vị tăng ni. Vậy em nên tìm tới các vị này để xin cứu A qua hình thức thăm viếng an ủi, rồi từ từ mới tìm cách vạch ra cho A con đường giải thoát.

Con đường đó không nhất thiết phải là quy y đầu Phật hoặc sống như một tục gia đệ tử, mà có thể duy trì cuộc sống hiện tại nhưng với một con người mới, suy tư mới.

Thực sự cô không có chủ đích tuyên truyền, đề cao tôn giáo, nhưng thử hỏi trong những trường hợp như của A (chồng bỏ, người yêu sắp chết, bản thân tàn tạ, tương lai mờ mịt…)  thì người trần tục chúng ta biết lấy lời gì để khuyên can an ủi, đem cái viễn ảnh gì ra để khích lệ tinh thần?

Cho nên cũng không có gì lạ khi những vị tuyên úy trong nhà tù thường ‘đắt khách’ hơn là những nhà tu sống giữa đám đông tự do, hạnh phúc.

Ý kiến trên đây của cô chỉ là căn bản, em có thể tùy nghi hành động cốt sao đem lại cho A một sự ổn định trong tâm hồn. Từ đó mới có thể tính tới những chuyện khác.

 

Thân mến,
Thanh Lan