Hỏi và giải đáp 234: Lấy vợ ‘Việt kiều’

02 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em T, một người trai trót lỡ lấy vợ ‘Việt kiều’. Xin đăng nguyên văn những đoạn chính trong thư (tên tuổi và một số chi tiết đã được thay đổi):

……

Cô Thanh Lan kính mến,

Em xin phép xưng bằng em cho gần gũi, dù em đoán biết cô cũng đã trọng tuổi như mẹ em. Em nguyên là một… (tốt nghiệp đại học), có việc làm ổn định tại một công ty nước ngoài ở VN, gia đình em cũng vào hàng trung lưu, có gia phả bao đời, từ Bắc di chuyển vào Nam sau năm 1975, anh chị em ai cũng tốt nghiệp đại học, riêng bản thân em có khá nhiều đám muốn mai mối. Em phải viết ra những chi tiết đáng hãnh diện vừa kể để Cô biết em không chủ ý lợi dụng, cầu cạnh Việt kiều.

Nhưng duyên nợ đã xui khiến A (nay là vợ em) và em gặp nhau nhân dịp A về VN thăm thân nhân cách đây … năm. Thưa cô, về nhan sắc ngoại hình A không bằng một số bạn gái của em, nhưng chúng em rất là hợp nhau về tâm hồn và rất quý mến kính trọng nhau. Sau 2 năm liên lạc viễn liên và mấy lần trực tiếp gặp gỡ, chúng em được gia đình đôi tác hợp, em theo A sang Úc với ý định sẽ bỏ ra mấy năm để học lại bằng chuyên môn của mình.

Nhưng dù cố gắng tận lực, em đã bị thất bại ê chề chỉ vì trở ngại ngôn ngữ: em viết tiếng Anh khá thông nhưng nghe lại chẳng hiểu gì cả. Sau đó em đi làm hãng. Để khỏi mang tiếng nhờ vả dựa dẫm, em đã cố gắng làm thật nhiều giờ sao cho lương của em từ bằng tới hơn lương vợ. Khi A sanh con, em lại càng cố gắng hơn nữa để gia đình không bị thiếu hụt, và chưa bao giờ em nhận một sự giúp đỡ nào của gia đình A, vay mượn cũng không. Hiện nay, vợ chồng em đã có nhà, có xe, có … con xinh xắn, tóm tắt lại là về nội bộ, gia đình em là một gia đình hạnh phúc lý tưởng.

Nhưng thưa cô, bên cạnh hạnh phúc đó em đã bị một nỗi đau khổ ám ảnh dằn vặt khôn nguôi: sự khinh rẻ của gia đình bên vợ. Nguyên nhân chắc cô đã thừa biết: em không có bằng cấp, địa vị như anh em bên vợ mà chỉ là thằng cu-li!

Càng tủi thân, nhục nhã em càng tự trách mình trước kia sao quá lạc quan để bây giờ dở khóc dở cười. Vợ con em không thể bỏ nhưng em cũng không thể tiếp tục sống mãi trong tình trạng khổ tâm hiện nay… (tới đây, T kể về một ‘sự cố’ mới xảy ra nhân dịp bên nhà vợ có thêm người ‘đại đăng khoa’, càng khiến T thêm tủi nhục, căm tức).

Đêm đêm nằm thao thức, em cố vận dụng đầu óc, suy đi nghĩ lại cũng thấy chỉ có một phương hướng giải quyết là đem các con về VN, rồi tới đâu hay tới đó. A về theo em thì không còn gì bằng, nếu A không về thì em chỉ biết xin A tha lỗi cho em. Em là người biết phải trái, em tôn trọng danh dự của người khác với điều kiện người ta cũng phải tôn trọng danh dự của em. Em xin thưa với cô, bằng của em là bằng VN nhưng không phải bằng mua, bằng dỏm mà là bằng thật, bởi không có khả năng thì đừng hòng lọt vào các công ty nước ngoài…, nhưng hiện nay gia đình A chỉ nhìn em như một con người tầm thường nhất trong xã hội!

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em T thân mến,

Đọc thư cô thấy thương cảm cho hoàn cảnh của em quá. Tuy nhiên cô cũng viết ngay để em an tâm: có nhiều phương hướng giải quyết chứ không phải chỉ có một như em đã nghĩ!

Sau đây là phương hướng mà cô cho là ‘thượng sách’: cứ ở lại Úc, vui hưởng hạnh phúc bên vợ con, quên đi mọi ưu phiền và nếu cần, quên  luôn cả gia đình nhà vợ!

Tại sao em lại muốn trở về VN chỉ vì một chuyện không mấy quan trọng, không phải yếu tố quyết định cho hạnh phúc gia đình, cho tương lai con cái? Cô khuyên em nên coi nhẹ thái độ của gia đình A bởi vì sau khi em và A kết hôn thì điều quan trọng nhất là sự hòa hợp yêu thương giữa hai vợ chồng chứ không phải quan hệ với gia đình chồng hay gia đình vợ.

Vẫn biết khuynh hướng của gia đình luôn luôn là mong muốn con cái sau khi thành thân vẫn tiếp tục gần gũi cha mẹ anh chị em, nhưng một khi đã không có sự thuận thảo, giữa hai phía, người con bắt buộc phải chọn ‘tiểu gia đình’ của mình. Vậy A đã chứng tỏ tình yêu dành cho em trong bao năm qua, đã đứng về phía em trong mọi tình thế căng thẳng, là đã quá đủ để em gạt bỏ, quên đi mọi buồn phiền do gia đình vợ gây ra.

Nếu em không gạt bỏ được thì hãy xét về tích cách, mức độ đúng đắn trong thái độ của gia đình A đối với em. Sống ở đời, khó có trong chúng ta tránh được những khen chê. Nếu là người tự trọng và phục thiện, chúng ta không thể bỏ ngoài tai những khen chê ấy, tuy nhiên cũng phải có đủ nhận thức để chỉ đón nhận những khen chê có cơ sở, hợp lý mà thôi. Còn những chê bai do ghen tức, do thành kiến thì nên gạt bỏ. Hiện nay thái độ khinh rẻ của gia đình A đối với em phát xuất từ đầu óc hẹp hòi, thì trong lòng em có quyền khinh rẻ lại họ!

Sau này khi đã có tuổi, em sẽ thấy phần lớn hạnh phúc và khổ đau của đời người đều phát xuất từ trong lòng chúng ra mà ra cả. Lòng chúng ta an nhiên, thanh thản, luôn vị tha thì đó là hạnh phúc; trái lại nếu lòng chúng ta lúc nào cũng khắc khoải, lo lắng, thù ghét thì chính mình tự mình làm mình đau khổ đó thôi!

Về những hành động cụ thể để đối phó với tình trạng hiện nay, em không có cách nào khác hơn ngoài việc chấp nhận số phận của bản thân và cố gắng để con cái vươn lên.

Như LNĐ thường viết ‘cách trả thù tuyệt diệu nhất là sự thành công’, vậy nếu mai này con cái của anh chị em A tới  đâu, các con của em cũng tới đó, là em đã thành công.

Về quan hệ với nhà vợ, cô khuyên em nên vị tha, bởi vì họ suy nghĩ sai mà cứ tưởng mình đúng nên mới có thái độ đó, chứ không phải họ biết mình sai. Triết lý một chút thì phải viết là mình nên thương hại họ hơn là thù ghét. Trong cuộc sống thực tế, không thiếu gì người có suy nghĩ và thái độ tương tự chứ chẳng phải hiếm họa một mình gia đình A. Có khác chăng là gia đình A lại có ông con rể tự ái, mặc cảm quá đáng. Cô viết ra có thể em không đồng ý nhưng vẫn phải viết: phải chăng thái độ quyết liệt của em hiện nay ít nhiều phát xuất từ mặc cảm (vô lý) của những người trong nước đối với ‘giai cấp’ gọi là ‘Việt kiều’?!

Giá trị đích thực của mỗi con người chúng ta là những gì mình tự tạo dựng chứ không phải nhờ gia đình hay do may mắn. Với cô, với những người có suy nghĩ đúng đắn (trong đó có vợ em), được làm ‘Việt kiều’ chẳng qua chỉ là sự may mắn mà thôi. Mà may mắn là do trời cho, trời cũng có thể lấy lại bất cứ lúc nào!

 

Thân mến,
Cô,
Thanh Lan