Hỏi và giải đáp 236: Càng thành đạt càng dễ đổ vỡ?!

07 Tháng Năm, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Tuần này TL cho đăng tải lá thư của nữ độc giả Y – một người mẹ ‘có học và hiểu biết’ đang băn khoăn, nghi ngại trước đổ vỡ hôn nhân của con cái. Nguyên văn đoạn chính trong thư như sau:

Cô TL thân mến,

Khi A, con gái lớn của tôi quen biết B, tìm hiểu mấy năm rồi kết hôn, tôi không có một chút lo lắng, nghi ngại về hạnh phúc của cháu trong tương lai. Bởi tôi biết con tôi rất rõ, và tôi cũng quan sát tìm hiểu kỹ lưỡng về người con trai con mình muốn trao thân gửi phận. A xinh xắn, bản tính hiền thục nhu mì, không đua đòi trưng diện, B thì mặt mũi sáng sủa dễ nhìn, tính tình vui vẻ cởi mở, thành thật chứ không giả dối, được lòng mọi người, trình độ và sự nghiệp của cả hai rất tương xứng…

Nhưng chỉ được vài năm, sau khi đã có cháu ngoại, tôi được biết vợ chồng có vấn đề, tiếp theo B có bạn gái và A viện lý do này để chia tay. Thú thật với cô TL, cho tới giờ này đôi lúc tôi vẫn tưởng mình nằm mơ: một cuộc hôn nhân lý tưởng đến thế mà tan vỡ một cách quá dễ dàng, mau chóng! Tôi dò hỏi con gái về nguyên nhân sâu xa thì cháu gạt đi, chỉ nói rằng không hợp thì thà chia tay còn hơn tiếp tục chung sống mà không có hạnh phúc. Mọi dự tính dàn xếp của người lớn sau đó đều không thành…

Nhà tôi khá đông con, ngay bước đầu đã xảy ra việc bất tường như thế bảo sao tôi không buồn không lo? Thành thử tôi cũng chẳng mong các em trai của A lập gia đình sớm, và đối với các em gái của A sắp lớn lên cũng vậy.

Tôi có chút vốn liếng tiếng Anh, thường đọc báo Úc thì thấy họ phân tích rằng chính những cuộc hôn nhân thất bại tương tự như của A và B là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giới trẻ Úc ngày càng có khuynh hướng sống độc thân, chỉ cặp kè chứ không muốn lập gia đình, tới khi nào bắt đầu già sẽ tính sau!…

Đôi lúc tôi quan sát và tự hỏi có phải trong cộng đồng mình, gia đình càng ‘có học’, con cái càng thành đạt thì tỷ lệ đổ vỡ hôn nhân càng cao do ảnh hưởng văn minh tây phương, trong khi những gia đình ‘bình dân’ – xin lỗi mọi người nếu như tôi dùng chữ có phần khiếm nhã – con cái học hành không tới nơi tới chốn, sống an phận thì các cuộc hôn nhân lại thường bền hơn?

Nếu đây là sự thật thì thực tế quả là mâu thuẫn và đáng buồn: ai mà không muốn sống văn minh, không muốn con cái thành đạt, nhưng càng văn minh, càng thành đạt lại càng dễ đi tới chia tay thì được và  mất, không hiểu cái nào lớn hơn?!

 

Ý kiến Thanh Lan:

Bà Y thân mến,

Mỗi khi chứng kiến cuộc chia tay giữa các đôi vợ chồng trẻ, TL cũng bi quan không kém gì bà. Nhận xét của bà cho rằng những cặp vợ chồng có xuất thân ‘bình dân’, học hành không tới nơi tới chốn, sống an phận thì cuộc hôn nhân của họ thường bền hơn, theo TL mặc dù không có những con số cụ thể để chứng minh, có phần chính xác.

Nguyên nhân? Đúng như bà đã viết: an phận!

Nhưng tự hai chữ ‘an phận’ đã bao hàm ý nghĩa ‘chịu đựng’. Nghĩa là những cuộc hôn nhân này có thể không hoàn toàn hạnh phúc, thậm chí có khi đau khổ, nhưng người trong cuộc (một hoặc cả hai) phải chấp nhận vì không có lối thoát. Nói về phía các bà vợ thì đây chính là điểm mà những người tây phương tự nhận là văn minh tiến bộ cảm thấy thương hại cho thân phận phụ nữ ở những nước Á châu chậm tiến: bị chồng coi rẻ, bị bạo hành mà không dám chia tay chỉ vì không thể tự lập (về tài chánh), hoặc vì sợ dư luận khắt khe bảo thủ chê cười, lên án.

Ngược lại, cho dù không có sẵn thành kiến đối với ‘văn minh tư tưởng’ của tây phương, chúng ta cũng có quyền đưa ra nhận xét: những người vợ có học, thành công trên đường đời thì chia tay một cách dễ dàng hơn họ có vì tự ái của một người ‘có học’, họ coi trọng tự do cá nhân và không sợ bị ‘chết đói’ sau khi chia tay.

Như vậy, tai hại của một xã hội lạc hậu (đối với hôn nhân) là người vợ phải chấp nhận sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, và hậu quả tiêu cực của một xã hội văn minh là người vợ có thể chia tay một cách dễ dàng khi cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân. Và vì xã hội ngày càng chỉ tiến chứ không lùi, tỷ lệ phụ nữ chủ động trong việc chia tay chồng ngày càng cao.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của TL, bên cạnh đó chúng ta không thể bỏ qua yếu tố ‘con người’ mà TL cho là mang tính cách quyết định. ‘Con người’ nói tới ở đây gồm bản tính cá nhân cộng với sự giáo dục và ảnh hưởng gia đình. Giáo dục là những lời dạy dỗ khuyên bảo, ảnh hưởng là gương tốt hay gương xấu của cha mẹ. Nếu cha mẹ đối nội thì ‘đại chiến’ như cơm bữa, đối ngoại luôn ‘ăn thua đủ’ với mọi người thì con cái có chịu ảnh hưởng cũng là việc tất yếu. Ảnh hưởng này rất sâu xa nhưng do tự ái của con người, chẳng mấy ai trong chúng ta tự nhận mình là người sai quấy!

Thành thử những lời ‘vàng ngọc’ của các đấng sinh thành nói với con trong ngày vu quy hay thành hôn, dù ứng khẩu hay được viết sẵn trên giấy, cũng chỉ mang tính cách trình diễn để ‘đóng phim’ chứ còn trên thực tế chẳng có tác dụng gì. Bởi vì nếu sau này hai vợ chồng sống không hạnh phúc, cả đến những lời thề hứa với nhau (I do) còn dẹp sang một bên thì nói gì tới lời khuyên của người ngoài cuộc?!

Mổ xẻ trường hợp của cháu A, TL cho rằng ‘xinh xắn, hiền thục nhu mì, không đua đòi trưng diện’ là những điều kiện tốt nhưng chưa đủ để bảo đảm một cuộc chung sống hạnh phúc lâu bền nếu như không biết hy sinh, thông cảm, tha thứ.

Viết như  thế không có nghĩa là người vợ thời nay cũng phải chấp nhận chịu thiệt thòi một cách vô lý như những thế hệ phụ nữ Á đông đi trước, mà chỉ có ý nói muốn hôn nhân được lâu bền thì cả cả hai người phải sẵn sàng hy sinh, thông cảm, tha thứ – có khác là khác ở cách thức thể hiện của mỗi người (vợ hoặc chồng), và trường hợp nào người này phải hy sinh, trường hợp nào người kia phải nhịn nhục. Thành thử nếu xảy ra tan vỡ, thường thường cả hai đều phải ít nhiều chịu trách nhiệm.

Nhưng nói cho cùng, dù lớp trẻ ngày nay càng văn minh, càng thành đạt lại càng dễ đi tới chia tay như bà đã viết thì đối với lớp trẻ, cái ‘được’ vẫn lớn hơn cái ‘mất’. Bởi vì quan niệm về hôn nhân, về hạnh phúc của họ đã khác với chúng ta, thì khi đứng giữa tự ái, tự do, quyền lợi cá nhân và tiếp tục sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, họ sẽ lựa chọn cái nào mà họ cho là có lợi hơn. Buồn thì buồn thật, nhưng cha mẹ ngày nay không còn cách nào khác hơn là làm gương tốt và sau đó… phó mặc cho trời!

Thanh Lan