Hỏi và giải đáp 261: ‘Mẹ không hiểu con!’

25 Tháng Bảy, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL góp ý với em T, một bà mẹ trẻ đang ở trong hoàn cảnh ‘mẹ con không hiểu nhau’. Sơ lược nội dung thư như sau:

T có con gái 16 tuổi (A), học hành rất khá, tính tình ‘hồi nhỏ thì rất ngoan nhưng càng lớn càng hay cãi lại mẹ’. Nguyên nhân ‘cãi’ thường liên quan tới chuyện ăn mặc, kết bạn và đi chơi: hễ mẹ nói ‘no’ thì con nói ‘yes’, mà mẹ ‘yes’ thì con ‘no’!

Người mẹ nào mà không muốn cho con được sung sướng, thoải mái, vừa ý, T cũng vậy. Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, và tình trạng hiện nay T cho rằng đã đi quá xa, mặc dù T tự nhận mình là người có tư tưởng văn minh cởi mở.

Nhưng cứng rắn hơn thì lại sợ A ‘bung’, như đã từng xảy ra cho một số gia đình khác!…

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em T thân mến,

Thú thật với em, trong tất cả mọi chuyện liên quan tới đời sống gia đình, chuyện dạy dỗ con cái là khó khăn nhất, và vì mỗi gia đình một hoàn cảnh, mỗi người một cá tính, không ai có thể lên mặt dạy đời, và cũng chẳng có phương pháp hay sách vở nào là kim chỉ nam tuyệt đối cả. Giá trị, lợi ích của những buổi nói chuyện về cách dậy con mà em đề cập tới, TL miễn phê bình. Tuy nhiên, nếu là những buổi hội thảo, gặp gỡ giữa các bà mẹ với nhau, thì qua trao đổi kinh nghiệm ‘đối phó với con cái’, chúng ta có thể thu thập được ít nhiều giá trị thực tiễn. Với một điều kiện: các bà mẹ phải thành thật với nhau, chứ đừng chỉ biết khoe cái hay của mình, cái hơn của con mình!

Đi vào hoàn cảnh của em, TL không dám đưa ra những  khuyên dứt khoát, mà chỉ gợi ý để em tự mình tìm phương hướng giải quyết:

– Phải nhìn nhận thực tế: cha mẹ và con cái, hai thế hệ không bao giờ đồng ý với nhau về quan niệm tự do, tình yêu, và giá trị của cuộc đời. Nhiều khi không bên nào sai, nhưng vẫn khác biệt, xung khắc.

– Muốn san bằng cách biệt này, cha mẹ không thể dùng biện pháp mạnh (cấm cản, chế tài) mà phải mềm mỏng, khôn khéo. TL nhấn mạnh: mềm mỏng không có nghĩa là nhu nhược. Mềm mỏng chỉ để tránh ‘đụng mạnh’, và sau đó dùng sự khôn ngoan của mình để giải quyết. Mà nếu nói về khôn ngoan thì làm sao một cô bé mới lớn có thể sánh với bà mẹ ‘đầu đã có sạn’!

– Chiến thuật hữu hiệu nhất trong việc đối phó với con cái, theo nhận xét và kinh nghiệm của TL, là ‘một bước tiến, một bước lùi’. Sự khôn ngoan của các bà mẹ hơn nhau chính là ở chỗ chọn những bước tiến, bước lùi ấy. Chẳng hạn muốn đi party nhà bạn? OK, nhưng với điều kiện ba hoặc anh hai (nếu có anh) đưa đón tận nơi. Hoặc đòi mua quần áo ‘fashion’? OK, con lựa một bộ con thích để mặc đi chơi, má lựa một bộ đàng hoàng để đi đình đám với cả gia đình!

Đại khái là như thế, khi con đã khôn lớn, dù chưa ý thức được đúng sai thì cũng đã nhận thức được phần nào quyền lợi và bổn phận của mình. Vậy chúng ta phải tôn trọng ‘quyền’ ấy thì mới bắt chúng thi hành ‘bổn phận’ được.

– Trường hợp gặp những đứa con quá cứng đầu thì lại càng không nên sử dụng ‘uy quyền’ của cha mẹ. Bởi vì làm như thế chỉ khiến đứa con thêm ‘quyết tâm’ chống lại. Câu ‘dạy con từ thuở còn thơ’ thời nào cũng đúng. Có khác chăng là ngày xưa cha mẹ có thể sử dụng những biện pháp mạnh để dạy, còn ngày nay thì bị nghiêm cấm. Nhưng không có nghĩa là vô phương, mà ta vẫn có thể sử dụng bàn tay sắt bọc nhung  để dạy – dạy càng sớm càng tốt.

Trở lại với những gì em viết (nguyên nhân ‘cãi’ thường liên quan tới chuyện ăn mặc, kết bạn và đi chơi), TL tin rằng mức độ bất đồng giữa mẹ con cũng chưa tới mức trầm trọng. Việc A nói với anh trai rằng ‘she doesn’t understand’ cho thấy cháu chỉ trách móc chứ không oán giận mẹ. Vậy em hãy làm sao để nếu không tốt đẹp hơn thì cũng chỉ duy trì ở mức độ này.

Nhiều bà mẹ thường nói: ‘mặc kệ cho nó oán ghét, sau này lớn lên nó sẽ hiểu’, nhưng thử hỏi liệu ‘sau này’ ấy có tới không, hay là những xung khắc trong ‘hiện tại’ sẽ đưa tới những đổ vỡ không thể hàn gắn, hoặc ít ra cũng khiến con cái phải đau khổ và có ấn tượng không tốt về người đã sanh thành, dưỡng dục mình.

Tóm lại, một khi xảy ra tranh chấp với con cái, TL chấp nhận thua trong ‘an ủi’, trong ‘hy vọng’ còn hơn là thắng trong ‘căng thẳng’, trong ‘đổ vỡ’. Rất có thể nhiều người sẽ không đồng ý, cho nên TL mới rào đón ngay từ đầu: chuyện dạy dỗ con cái thật khó khăn, mỗi gia đình một hoàn cảnh, mỗi người một cá tính, không ai có thể lên mặt dạy đời.

TL chỉ có thể viết ra một điều sau đây: một người mẹ đặt quyền uy, tự ái của mình lên trên hết thì cùng lắm cũng chỉ giữ được thể diện, tức là cái hình thức bề ngoài, trong khi lại làm sứt mẻ, thậm chí mất hết tình thương yêu thật sự trong đám lòng con cái.

 

Thanh Lan