Hỏi và giải đáp 270: Hôn nhân ‘hợp chủng’

15 Tháng Tám, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư nữ độc giả Y, một người mẹ đang lo sợ trước cuộc hôn nhân hợp chủng của con gái.

(Xưa nay người Việt thường gọi các cuộc hôn nhân ‘khác màu da’ là ‘hôn nhân dị chủng’, xét về lý thì chính xác nhưng về tình nghe như có ý bài bác, vì thế TL sử dụng chữ ‘hợp chủng’ mà LNĐ đã đề nghị trước đây, nghe lạ tai nhưng êm tai hơn).

Tóm tắt nội dung thư như sau:

A là con gái lớn của bà Y, có sự nghiệp, mọi mặt trên trung bình, nhưng đường tình duyên muộn màng, để các em ‘đi trước’. Muộn màng không phải vì lận đận mà vì… khó tính. ‘Già kén kẹn hom’ (nguyên văn của bà Y), hiện nay A cặp kè với một du học sinh ‘xa lạ’ (B) và quyết định tiến tới hôn nhân.

Bên cạnh sự không vui vì khác biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, bà Y còn lo ngại A bị B ‘lợi dụng để nhập tịch Úc rồi sau đó chia tay như nhiều trường hợp đã xảy ra gần đây’.

Bà Y đã hết lòng khuyên can con gái nhưng không có kết quả. Bà hỏi ý kiến TL: có nên đứng ra lo liệu cho A hay mặc kệ? Phản ứng của dư luận sẽ ra sao?

Ý kiến Thanh Lan:

Bà Y kính mến,

Việc bà ‘không vui’ vì B đã khác chủng tộc lại còn khác màu, và cả tôn giáo là chuyện đương nhiên. Trong mỗi con người chúng ta ít nhiều đều có đầu óc phân biệt, mà nếu thể hiện ra thì gọi là ‘kỳ thị’. Xét cho cùng tận, trong việc hôn nhân của con cái, chúng ta không chỉ phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo mà còn phân biệt cả địa phương, giai cấp, trình độ, thậm chí cả chính kiến!

Có khác nhau chăng là khác ở nguyên nhân đưa tới sự ‘không vui’ của cha mẹ trong mỗi trường hợp, bởi có gia đình đặt nặng chủng tộc, màu da, có gia đình lại đặt nặng giai cấp, giàu nghèo, có gia đình lại chú trọng địa phương, chính kiến…

Hiện nay, vì hoàn cảnh tha hương, vì quan niệm hôn nhân cởi mở của thế hệ đi sau, nhiều bậc cha mẹ đã phải chấp nhận một chàng rể hoặc nàng dâu với tất cả, hoặc một vài dị biệt kể trên. Con số ấy ngày càng nhiều và không ai trong chúng ta có thể ‘nói bảnh’, cho nên theo suy nghĩ của TL, đã tới lúc chúng ta nên dục bỏ mọi thành kiến trong hôn nhân, để nếu xảy ra cho mình thì vui vẻ chấp nhận, và nếu xảy ra cho người thì đừng chê cười dèm pha.

Điều quan trọng nhất là ‘con người’ của chàng rể hay nàng dâu ‘xa lạ’ ấy, và tương lai hạnh phúc của đôi trẻ.

Nói về ‘con người’ thì cha mẹ cũng chỉ biết phó mặc cho… trời, bởi vì nhiều khi chính con cái chúng ta còn không nhận xét chính xác về chàng trai hay cô gái ấy thì nói gì tới cha mẹ?

Như vậy, cha mẹ chỉ còn biết dựa trên những yếu tố khách quan để đánh giá, nhận xét và can thiệp.

Đi vào trường hợp của cháu A, TL khuyên bà nên cố quên đi những không vui trước sự khác biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, đừng nghĩ tới phản ứng của dư luận cho mệt trí, để chỉ chú trọng tới việc A ‘có thể bị B lợi dụng để nhập tịch Úc rồi sau đó chia tay như nhiều trường hợp đã xảy ra gần đây’ hay không?

Một cách chính xác, trong việc này có 2 bước: nhập tịch và chia tay. Trên thực tế, có nhiều người sau khi nhập tịch đã không chia tay; trái lại nhiều người không cần phải nhập tịch (tức là công dân Úc) mà sau đó vẫn chia tay!

Tới đây, bà có thể cho rằng TL trả lời ‘lẩn quẩn’ nhưng sự thực là chưa có ai làm thống kê để cho chúng biết một cách chính xác tỷ lệ chia tay giữa những cặp ‘công dân Úc + công dân Úc’ và những cặp ‘công dân Úc + du học sinh (hoặc di dân chưa được thường trú)’.

Nói cách khác, những gì bà viết (…như nhiều trường hợp đã xảy ra gần đây) chỉ là kết quả quan sát chủ quan chứ không phải là tỷ lệ trên thực tế.

Để kết luận, TL cho rằng một khi bà đã hết lòng khuyên can con gái nhưng không có kết quả thì bắt buộc phải đứng ra lo liệu. Bởi đó là bổn phận của cha mẹ. Chỉ có một điều duy nhất cần phải đắn đo là hình thức tổ chức.

Theo TL, nếu trong lòng bà lo sợ nhiều về khả năng chia tay thì chỉ nên tổ chức đám cưới đơn giản, họ hàng thật gần, bạn bè thật thân mới mời. Sau này, nếu xảy ra những gì bà đã lo sợ thì cũng không ‘đau’, không bị ‘quê mặt’ nhiều cho bằng tổ chức linh đình.

Dứt khoát không thể bỏ mặc, để cháu A và B tự lo liệu. Bởi vì trong trường hợp này, dư luận càng có thêm lý do để chê cười, dèm pha. Chi bằng cứ làm đúng, cho an tâm và nhẹ nhõm.

Thân mến,
Thanh Lan