Hỏi và giải đáp 271: Ai hơn ai thiệt?

17 Tháng Tám, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư cháu Y, một người vợ trẻ đang đứng trước quyết định ‘thử chia tay hay tiếp tục chấp nhận thua thiệt”. Sơ lược hoàn cảnh của cháu như sau:

Y, lấy A hơn 5 năm, có hai con. Hai người quen nhau từ ngày còn học chung đại học, yêu nhau mấy năm rồi mới tiến tới hôn nhân. Nhưng ngay sau khi về làm vợ A, Y đã thấy A không phải là người chồng lý tưởng như mình đã mong muốn: nào là ích kỷ, không chiều chuộng vợ, vẫn còn những thú vui riêng tư, như tụ tập với bạn bè, chơi games (computer) thâu đêm, v.v… Y đã hy vọng sau khi có con, A sẽ nhận ra trách nhiệm và thay đổi, nhưng việc đó đã không xảy ra.Vì thế mà vợ chồng cứ xào xáo, Y trách A không biết lo cho gia đình, ngược lại A nói Y là người vợ độc tài, không chịu thông cảm với chồng, và nói rằng những thú vui của mình là vô hại, mục đích để đầu óc bớt căng thẳng sau một ngày làm việc mệt nhọc…

Cháu Y viết:

‘Cháu xin hỏi cô: trước kia cả hai vợ chồng đều đi làm, ai đi làm mà không có những bận tâm cực khổ, nhưng cháu chẳng bao giờ than thở. Cháu cứ tưởng sau khi có con, cuộc sống gia đình sẽ phải đầm ấm, hạnh phúc hơn, nhưng sự thật trái ngược lại. Cháu nghĩ tài chánh không phải là vấn đề vì tụi cháu không nợ nần nhiều, mà cháu chỉ nghĩ rằng A không phải là một ‘family man’. Cháu thấy cháu đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi, và sự kiên nhẫn của cháu đã tới mức giới hạn, cháu muốn hai đứa chia tay nhau một thời gian, nếu A cảm thấy cuộc sống độc thân tự do thoải mái hơn, cháu để A đi luôn, còn như muốn trở lại thì phải thay đổi. Cháu không muốn hỏi ý kiến gia đình vì ba má cháu rất ‘old-fashioned’ chắc chắn sẽ không đồng ý với cháu…’

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu Y thân mến,

Mới đọc đoạn đầu của lá thư, cô cứ tưởng chuyện ghê gớm như thế nào, cuối cùng thấy chẳng có gì để phải tính tới việc chia tay, dù chỉ chia tay tạm thời.

Trước hết nói về việc mà cháu gọi là ‘vỡ mộng’. Không phải cô sống lâu hơn cháu nên bi quan về cuộc đời, mà trên thực tế bất cứ người nào sau khi lấy được ‘người yêu lý tưởng’ cũng sẽ ít nhiều bị ‘vỡ mộng’.

Sự ‘vỡ mộng’ này nếu phân tích tới nơi tới chốn chỉ là những trục trặc trong việc chuyển tiếp từ giai đoạn tình yêu thơ mộng sang giai đoạn chung sống thực tế giữa hai con người có những ưu điểm và khuyết điểm.

Xưa nay, người ta luôn luôn khuyên trai gái phải tìm hiểu nhau cho kỹ trước khi tiến tới hôn nhân, nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Khó bởi vì khi yêu, nếu chúng ta không bị bị mù quáng thì cũng nhận xét lệch lạc. Cái gì tốt nơi người yêu chúng ta cho là tốt đã đành mà cả những cái không tốt, nếu nhận ra chúng ta cũng cho là không đáng kể, thậm chí còn coi là những cái tật đáng yêu (đang ‘yêu’ mà!).

Chỉ khi chung sống 24 giờ một ngày, qua va chạm chúng ta mới thấy những khuyết điểm của nhau. Nếu cả hai vợ chồng đều có can đảm thẳng thắn phê bình nhau, đều có tính phục thiện thì chẳng nói làm gì, nhưng kể cả trường hợp ngược lại cũng không nhất thiết phải đi tới tình trạng mà cháu gọi là ‘chịu đựng hết nổi’.

Cô không bênh vực A, nhưng nếu A chỉ có những ích kỷ như cháu đã ‘tố khổ’ thì chưa đến nỗi để cháu nghĩ tới việc chia tay. Theo cô vừa nhận xét vừa suy đoán thì trong khi cháu cho rằng mình bị thiệt thòi, A cũng cho rằng mình bị vợ làm khó dễ. Với suy nghĩ như thế, cả hai càng ngày càng cảm thấy mình là ‘nạn nhân’. Mà một khi là ‘nạn nhân’ thì phải tìm cách ‘tranh đấu’. Nhiều cặp vợ chồng lúc ban đầu được xem là ‘lý tưởng’ sau này chia tay cái một chính vì cái thế ‘đối lập’ ấy. Và sau đó, khi cả hai biết nghĩ lại thì hối tiếc cũng đã quá muộn!

Thành thử, cô đề nghị như sau: cứ tạm cho là cháu có lý trong việc ‘complain’ về sự thờ ơ của A đối với vợ con, cách giải quyết ưu tiên là đưa A vào cái thế phải chứng tỏ thiện chí, phải chia sẻ trách nhiệm. Nghĩa là cháu phải đi làm trở lại, cho dù trừ tiền gửi con chẳng còn bao nhiêu cháu cũng phải đi làm. Bởi vì khi cả hai vợ chồng đều đi làm thì cháu mới có lý do để phân chia công tác cho A trong việc chăm sóc con cái cũng như một số công việc trong gia đình mà từ trước tới nay A không hề đụng tay đến. Một khi được trao trách nhiệm một cách rõ ràng, hợp lý, dứt khoát, A không thể từ chối. Và  cô tin rằng sau một thời gian, chính A sẽ nhận ra sự thiếu sót, thờ ơ của mình trong cuộc sống gia đình trước đây. Bên cạnh đó, khi cả hai đều đi làm thì thời giờ ở bên nhau chẳng còn được bao nhiêu; chính vì chẳng còn bao nhiêu nên trở thành quý giá và dễ… âu yếm, thân mật!

Theo kinh nghiệm của bản thân cô cũng như hướng dẫn của các nhà cố vấn hôn nhân, dù đối tượng (vợ, chồng) có tinh thần phục thiện cao tới đâu, phê bình, chỉ trích nhau cũng là ‘hạ sách’ trong cuộc chung sống, nếu không muốn nói chỉ có hại chứ không có lợi.

Câu chuyện ‘giết chó dạy chồng’ của người Việt Nam đã cho thấy: vợ chồng xây dựng nhau một cách gián tiếp bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn là chỉ trích nhau một cách trực tiếp.

Cuối cùng, nếu A viện lý do này lý do khác để không đồng ý cho cháu đi làm trở lại, lúc đó cháu phải tỏ thái độ cương quyết. Bằng không, cháu sẽ cứ phải sống trong cái vòng lẩn quẩn, bực bội hiện nay.

Thân mến,
Thanh Lan