Hỏi và giải đáp 285: Chia tay thì dễ… (2)

19 Tháng Chín, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Trong một số gần đây, TL đã trả lời lá thư ‘không mấy vui vẻ’ của em Y, một người vợ đã quyết định chia tay chồng. Tuần qua, TL nhận được lá thư thứ hai của Y, và lần này thì báo “tin vui vui”. Xin trích đăng nguyên văn những đoạn chính như sau:

Kính gởi chị Thanh Lan,

Đọc xong phần ý kiến của chị, em rất thấm. Nhất là đoạn chị phê bình em là ‘một người vợ thích tranh chấp’ và ‘thích ăn thua đủ’, ‘khôn nhà dại chợ’, v.v… Những phê bình này, trước đây em đã bị người thân, bạn bè xây dựng nhưng chẳng hiểu sao lúc đó em không nhận ra, mà cứ nhất định cho mình đúng, mình phải 100%!

Tới khi đọc bài viết của nữ độc giả K ở VIC trên “Hỏi và giải đáp số 284”, góp ý kiến với XH (Chồng chúa vợ tôi, “Hỏi và giải đáp 281”), em lại càng thấm thía hơn nữa. So với bà K, những thiệt thòi chịu đựng của em quả là không bằng, và nhất là em đã không có được tinh thần ý thức,  và những cố gắng kiên trì như bà. Nhưng điểm em thua bà nhiều nhất là ở chỗ bà viết ‘cho thì tốt hơn là nhận’.

Sau khi đọc đoạn bà kể ‘sau khi chia tay, có lúc anh ấy muốn nối lại, nhưng tôi tự hỏi lòng và thấy tình yêu không sống lại nổi nữa, tất cả đều quá trễ, đến nay đã nhiều năm rồi mà cũng vậy’, em thấy thật tội nghiệp cho bà, và bỗng chợt nhận ra em còn may mắn hơn bà ở chỗ tình yêu trong lòng em dành cho A chưa chết, em chỉ muốn sống riêng cho thoải mái mà thôi. Nhưng được cái này thì mất cái khác, đó là sự cô đơn.

Em còn mắy mắn hơn nữa là ở chỗ em còn chỗ tìm sự an ủi, cố vấn: bạn bè, chị Thanh Lan và sau đó là những kinh nghiệm bản thân  của bà K.

Ngay sau khi thức tỉnh, em trở nên yêu đời vô cùng và đã tâm sự với một người bạn thân nhờ người này thăm dò A, và nhờ đóng vai trò trung gian nếu thấy A vẫn chưa có ai khác. Kết quả bước đầu đã tốt đẹp, bây giờ tới việc kiếm dịp cho em và A gặp lại nhau, sao em lại bị khựng vì thấy khó khăn quá. Chị TL đề nghị những buổi tiệc tùng, nhưng em thấy càng tới chỗ đông người quen biết thì càng mắc cở, càng tự ái, rất khó lòng. Nhưng em cũng không nghĩ ra cách nào khác hay hơn. Cho nên em vẫn muốn làm sao để A phải tỏ thái độ trước thì sẽ dễ cho em hơn. Em rất mong ý kiến của chị, đã lỡ giúp em thì giúp cho trót.

Y.

Ý kiến Thanh Lan:

Y thân mến,

Mỗi lần nhận được lá thư thứ hai của một độc giả đã hỏi ý kiến, TL rất hồi hộp, vì biết nếu là tin vui thì sẽ vui hơn, mà tin buồn thì sẽ buồn hơn. Cho nên, đọc thư em TL mừng lắm, mặc dù con đường châu về hiệp phố vẫn còn nhiều chông gai.

Tuy nhiên, dấu hiện ban đầu về cả phía em lẫn phía A như thế là đã tốt lắm rồi. Bước kế tiếp là gặp lại nhau. Em viết rằng càng tới chỗ có đông người quen biết thì càng khó vì càng mắc cở, càng tự ái. TL rất đồng ý, nhưng khổ nỗi KHÔNG CÒN CÁCH NÀO KHÁC HƠN. Trong phim ảnh, tiểu thuyết đôi khi chúng ta thấy những cuộc trùng phùng rất bất ngờ, đột xuất giữa hai cá nhân trong một khung cảnh thơ mộng, tình tứ nào đó, nhưng ở ngoài cuộc sống thực tế thì rất hiếm. Bởi vì các tác giả có thể tưởng tượng ra những ‘mission impossible’ trong khi người đời chỉ có thể làm những gì trong phạm khả năng và điều kiện cho phép.

TL xin nhắc lại: trước hết, muốn cho công việc bớt khó khăn, cả hai ‘đối thủ’ phải dẹp tự ái. Đây còn là điều kiện bắt buộc vì có như thế, hai người trong cuộc mới mở rộng lòng mình để sẵn sàng đón nhận thiện chí của phía bên kia. Và trong khi chưa biết thiện chí của bên kia như thế nào, thì mình đã phải tỏ thiện chí trước. Vì thế TL mới viết ‘không nhất thiết vì A là người có lỗi, vì A là đàn ông, v.v… mà em cho rằng A phải làm hòa trước’. Thử hỏi nếu A vì tự ái không chịu làm hòa trước (bởi em là người gây chuyện và đòi chia tay trước) chẳng lẽ em cứ  ‘ngời chờ sung rụng’?

Bên cạnh đó, như TL đã viết trong lần trước: vì em và A đã có với nhau mấy mặt con, thì chúng sẽ trở thành những ‘trái độn’ để làm giảm bớt những ngượng ngùng, khó khăn trong lần đầu gặp lại nhau, thì tại sao lại không tận dụng lợi điểm ấy. Mong em suy nghĩ lại và có thêm thiện chí, can đảm. Trong việc này, dù làm bất cứ việc gì cũng không thể gọi là muối mặt, và có thất bại ê chề cũng không có gì đáng phải ân hận, xấu hổ.

Vậy hãy tiến hành càng sớm càng tốt. Nói theo giọng ‘tranh đấu’ thì: em không có gì để sợ bị mất cả  – you’ve got nothing to lose!

 

Thanh Lan