Hỏi và giải đáp 297: Tiền bạc và hạnh phúc

17 Tháng Mười, 2017 | Uncategorized
(Photo: TVTS)

TL lại nhận được thêm một lá thư nữa viết về hạnh phúc gia đình trên đà tan vỡ. Người viết là em Y, một người vợ ‘chỉ biết hy sinh lo lắng cho gia đình’. Tóm tắt nội dung thư như sau:

Y, gần 40, và chồng (A) quen biết nhau từ ngày còn đi học. Ngày ấy, A được nhiều người theo nhưng cuối cùng quyết định kết hôn với A vì thấy A hiền lành và hết lòng theo đuổi mình. Nhưng sau mấy năm chung sống và có con với nhau, càng ngày Y càng nhận thấy A thiếu thiện chí (devotion), không hết lòng với gia đình. Y viết:

‘Trong khi em vừa đi làm vừa lo mọi chuyện trong nhà thì A cũng vẫn tà tà như ngày còn độc thân, không biết lo cho tương lai. Những gì em đề nghị đều không được A tán thành, lại còn nói gàn tiền bạc đâu có đem lại hạnh phúc. Em thì suy nghĩ trái ngược: ở xã hội tây phương, không có tiền cũng chẳng có hạnh phúc!… Nhìn chung quanh, bạn bè quen biết ai cũng hơn em, con cái người nào cũng đầy đủ hơn con em, em rất khổ tâm… Nhiều lúc suy nghĩ lại em thấy mình đã chọn lầm: A chỉ có vẻ hiền lành bề ngoài nhưng thực ra rất lỳ, em không thể thuyết phục được.

‘Trong khi em lúc nào cũng hy sinh lo lắng cho gia đình thì A đã không biết ơn em, lại còn trách em lo những gì xa vời đâu đâu, cuộc sống trước mắt thì không lo. Nhiều khi em cảm thấy chán nản, mệt mỏi, chỉ muốn chia tay!’

Ý kiến của Thanh Lan:

Em Y thân mến,

Trước hết, TL xin được khen em là một phụ nữ đảm đang, một người vợ biết lo cho gia đình. Tuy nhiên, hai điều kiện tốt đẹp ấy chỉ là điều kiện ‘chủ quan’, nghĩa là chưa chắc đã đem lại hạnh phúc nếu như không có điều kiện ‘khách quan’ tương xứng. Nói một cách dễ hiểu: bắt buộc phải có sự  ‘đồng vợ đồng chồng’.

Việc em và A không ‘đồng vợ đồng chồng’ là chuyện đáng tiếc nhưng… không đáng buồn. Bởi vì nó không đến nỗi khiến hạnh phúc tan vỡ nếu như người trong cuộc biết cách thích ứng.

Trước hết, thái độ ‘tà tà như ngày còn độc thân, không biết lo cho tương lai’ của A không phải là một tính xấu mà chỉ là một quan niệm sống: làm vừa đủ, và hưởng thụ những gì trong tầm tay.

Đây chính là quan niệm sống tốt đẹp nhất, nhưng vì con người khi sinh ra ai cũng có ít nhiều lòng ‘tham’ (tham sân si) nên mới tìm cách hưởng thụ tối đa, mới cố gắng sở hữu thật nhiều.

Chính vì muốn hưởng thụ tối đa, người ta không bao giờ được thỏa mãn, bởi vì lúc nào cũng cho là chưa đủ; cũng thế, chính vì muốn có thật nhiều, người không bao giờ hài lòng với những gì mình có trong tay!

Có thể một số độc giả sẽ cho rằng TL ‘triết lý vụn’, nhưng đó chính là thực tế đáng buồn nhất của đời người. Đáng buồn nhưng đa số chúng ta không thể nào né tránh được. Bởi vì, chẳng hạn trong cương vị một người vợ, một người mẹ, em đã phải viết ‘Nhìn chung quanh, bạn bè quen biết ai cũng hơn em, con cái người nào cũng đầy đủ hơn con em, em rất khổ tâm…’

Nhưng viết như thế không có nghĩa là chúng ta cứ để chữ ‘tham’ mặc tình thao túng, dẫn đưa đời mình tới cái ‘khổ’ kinh niên, vô tận. Mà chúng ta phải quan niệm một cách đúng đắn để cân bằng cuộc sống.

Tiền bạc cần thiết nhưng không phải là cái đích tối hậu của đời người. Nghĩa là không có tiền thì dứt khoát không thể hạnh phúc, nhưng cần phải có bao nhiêu mới là đủ thì lại tùy mỗi người. Và ai đưa ra tiêu chuẩn càng cao thì người ấy càng khổ!

Chẳng hạn, nếu em cho rằng hai vợ chồng và mấy đứa con chỉ cần hai cái xe, một căn nhà là đủ thì hiện nay em đã ‘đủ’, nhưng nếu em nhìn lên những người có tới hai, ba căn nhà thì em sẽ thấy mình còn ‘thiếu’!

TL xin nói rõ là mình không chỉ trích những người thích càng giàu càng tốt, mà chỉ muốn nhấn mạnh tới yếu tố ‘đồng vợ đồng chồng’. Nếu em thích có nhiều của mà A chỉ muốn đủ sống thì phải dung hòa.

Theo TL, em nên đưa ra những chương trình hợp lý, trong tầm tay, chẳng hạn muốn mua nhà để đầu tư thì số tiền trả nợ ngân hàng mỗi tháng sẽ không đến nỗi bắt gia đình phải ‘thắt lưng buộc bụng’! Bên cạnh đó, em chỉ nên nhỏ nhẹ thuyết phục A trong những lúc vợ chồng vui vẻ, thân mật, chứ đừng gay gắt như ra lệnh thì mới mong có hiệu quả.

Nên nhớ, nếu A đã quan niệm tiền bạc không đem lại hạnh phúc mà em lại vì những bất đồng liên quan tới tiền bạc mà lạnh nhạt với chồng, thì càng khiến A chán nản trước thực tế ấy!

TL chỉ hoàn toàn đồng ý với em ở điểm hết lòng lo lắng cho con cái. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh: chỉ lo những thứ cần thiết và hợp lý, chẳng hạn học hành, ăn uống, chứ đừng nuông chiều vật chất quá đáng, chỉ khiến con cái dễ hư hỏng, nếu không hư thì sau này cũng có tính ỷ lại.

Tóm lại, TL khuyên em nên chấp nhận bản tính của A. Nếu A không có những tật xấu thì đừng bao giờ so sánh A với những người đàn ông thành công về mặt tài chánh hơn A, nhất là trong trường hợp người đó trước kia đã theo mình! Đời người chúng ta ai cũng có những tiếc nuối, nhưng đôi khi tiếc nuối ấy thực chất chỉ là do những gì không hài lòng trong hiện tại.

 

Thanh Lan