Hỏi và giải đáp 195: Mười hai bến nước

12 Tháng Mười, 2016 | Uncategorized

TL góp ý kiến với em TH, một cô gái đã 1/3 đời  hương phấn nay đang đứng trước cơ may làm lại cuộc đời. Sơ lược hoàn cảnh của TH như sau:

TH, ngoài 30, yêu bao nhiêu lần tan vỡ đủ bấy nhiêu, trong đó có cuộc hôn nhân chỉ bền được hơn 1 năm (không có con). Theo suy nghĩ của TH, tất cả đàn ông con trai tới với mình chỉ vì sex, cho nên sau khi đã được hưởng thụ rồi thì coi thường, không thiết tha tới tình cảm (mà em gọi là đểu).

Cách đây nửa năm, nhân dịp về thăm thân nhân ở VN, TH được người bạn thân làm mai cho một thanh niên trong nước (A), có học thức và nghề nghiệp chuyên môn, khá cao ráo đẹp trai, tình tình thành thật, dễ mến… Sau khi về gặp gỡ A lần thứ hai, TH cảm thấy mến A thực sự và có ý định tiến tới (làm thủ tục kết hôn và bảo lãnh A sang Úc). Tuy nhiên ý định của TH đã bị gia đình ra sức ngăn cản với hai lý do chính như sau:

– A gốc Bắc Kỳ 75 trong khi TH là người Sài Gòn chính gốc, khó có thể hòa hợp. Hơn nữa, thanh niên ở VN ngoài 30 mà chưa lập gia đình thì phải đặt dấu hỏi.

– Lấy con trai ở Úc mà tan vỡ thì ít bị mang tiếng hơn là lấy chồng ở VN rồi bị bỏ rơi, sẽ bị chê cười nhục nhã.

Em đã đủ trí khôn và kinh nghiệm sống để nhận xét sự thành thực của con người, nhưng trước sự cảnh cáo của gia đình em cũng ít nhiều bị lung lạc. Chị là Bắc Kỳ 54 trưởng thành ở Sài Gòn, em nghĩ chị sẽ nhận xét khách quan, không thiên vị, nên muốn hỏi ý kiến về những khác biệt Bắc Nam và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống hôn nhân…

 

Ý kiến của Thanh Lan:

 

Trước khi góp ý kiến với em TH, TL xin nhấn mạnh: việc chê con trai VN ở Úc là đểu và việc chọn giải pháp lấy chồng ở VN là suy nghĩ và dự tính của cá nhân TH. TL hoàn toàn không có ý kiến về việc thứ nhất, và chỉ xin góp ý kiến về việc thứ hai.

Sau đây, TL lần lượt đi qua từng điểm em TH đã nêu ra trong thư:

– Nếu chỉ nói về tốt và xấu của con người thì trong bất cứ tập thể dân tộc hay địa phương nào cũng có người tốt  kẻ xấu. Tuy nhiên, nhiều khi sự khác biệt về phong hóa cũng bị gộp chung với nhận định tốt xấu, chẳng hạn tính căn cơ của người Tô-cách-lan, người Hòa-lan đã bị xem là tính keo kiệt, bần tiện, cho nên không phải chỉ khi làm sui, khi lập gia đình mà ngay trong việc giao kết thường ngày, chúng ta cũng nên sáng suốt phân biệt giữa tốt xấu của cá nhân và cái hay cái dở trong phong hóa  (phong tục tập quán đã ăn sâu vào lối sống) của từng miền, từng dân tộc.

Ở đây chỉ nói về Bắc Nam thì sự khác biệt trong cách sống, quan  niệm sống cũng chẳng ghê tới mức như gia đình em đã cảnh cáo, hay nói cách khác là hoàn tùy thuộc vào tình yêu giữa vợ chồng. Cùng một khác biệt ấy nếu yêu nhau thì sẽ thông cảm một cách dễ dàng, cùng lắm cũng chỉ cho là hơi ngộ, nhưng nếu ghét nhau  thì sẽ cho là kỳ quặc, quái đản, vô lý không thể chấp nhận được.

Riêng đối với những người miền Bắc mà gia đình em gọi là Bắc Kỳ 75, không phải TL bênh vực họ mà trên thực tế đa số đã trở thành nạn nhân chính trị bất đắc dĩ, nghĩa là họ bị đồng hóa với các cán bộ cộng sản miền Bắc vào Nam cai trị (và vơ vét).

Cho nên, em chỉ phải quan tâm nếu có xung khắc về chính trị giữa gia đình mình và A (thí dụ ba em là sĩ quan, công chức của miền Nam, còn A là con cán bộ cao cấp của miền Bắc).

Thứ đến là nghi ngại của gia đình em trước việc A đã trên 30 mà vẫn còn độc thân. Đọc tới khúc này, TL bỗng nhớ lại việc cách đây mười mấy, hai chục năm các cô gái miền Nam ráng nhịn lấy chồng để chờ xuất ngoại theo diện đoàn tụ gia đình. Các cô ấy không lấy chồng vì viễn ảnh xuất ngoại đã hiện rõ ngay trước mắt, còn lại chỉ là vấn đề thời gian, khác với việc một chàng trai cố sống độc thân để chờ đợi một ngày đẹp trời có môt cô Việt kiều ế chồng nào đó về VN mở cuộc tuyển phu thì mình sẽ có hy vọng lọt vào mắt xanh!

Điều quan trọng là cô bạn thân của em phải điều tra để biết chắc  A chưa từng lập gia đình, còn câu hỏi tại sao A sống độc thân cho tới ngày nay thì không nên bận tâm, thắc mắc.

Cuối cùng là lập luận của gia đình em về tai tiếng khi bị chồng bỏ thì theo TL, tai tiếng hay không tai tiếng, nhiều hay ít, là tùy thuộc vào nguyên nhân đưa tới tan vỡ và phần lỗi của mỗi người trong cuộc. Dĩ nhiên, việc mình lấy chồng ở VN, bảo lãnh sang Úc rồi bị bỏ rơi dễ trở thành đề tài bán tán của mọi người hơn là lấy chồng ở Úc rồi tan vỡ, nhưng không có nghĩa là bị nhục nhã nhiều hơn! Thiên hạ có mắt và đầu óc, họ sẽ biết phân biết trường hợp nào là về VN sắm chồng mới, trường hợp nào là kết hôn với người trong nước!

Tóm lại, TL không thấy có gì đáng nghi ngại và lo lắng trước việc em tiến tới với A. TL chỉ khuyên em hai điều:

– Nên kiên nhẫn tìm hiểu thêm một  thời gian nữa cho chắc ăn: bởi vì A càng tỏ ra kiên nhẫn thì càng chứng tỏ được sự thành thật của mình.

– Trước khi tiến tới hôn nhân với A, em nên có quyết định dứt khoát về tài sản của mình, nhất là nhà cửa. Một số người (nam cũng như nữ) đã bán nhà để rồi sau này vợ chồng cùng chung sức mua, TL thấy cũng là một cách giải quyết tốt đẹp, không ai mang tiếng nhờ vả ai, và riêng trong trường hợp của em, gia đình sẽ được an tâm, từ đó sẽ bớt thành kiến đối với A.

Thân mến,

Thanh Lan