Hỏi và giải đáp 197: Quá trẻ để làm mẹ?

19 Tháng Mười, 2016 | Uncategorized

(Thư bà U/…). Quý độc giả và các bạn thân mến,

Lần này, TL trả lời thư của nữ độc giả U. Xin tóm tắt nội dung thư như sau:

A, con gái bà, còn đang học đại học, đã có bầu với bạn trai (B). B sẵn sàng về thưa chuyện với ba mẹ để xin làm đám cưới nhưng chính A lại lưỡng lự, phân vân. Thứ nhất, B không phải là người con trai lý tưởng đối với A; thứ hai, lấy chồng sanh con thì phải bỏ học, tương lai sự nghiệp sẽ là con số không. Vì thế A muốn phá càng sớm càng tốt, bà U sợ mang tội, ra sức con ngăn con nhưng lại bối rối, không biết sẽ phải giải quyết vụ này như thế nào?

 

Ý kiến của Thanh Lan:

 

Bà U kính mến,

Trong vụ này, thú thật TL cũng không hơn gì bà, bởi tình thế quả là tiến thoái lưỡng nan, giải quyết cách nào cũng có cái kẹt. Nhưng một khi bắt buộc phải giải quyết thì chúng ta phải bình tĩnh phân tích lợi hại – trước mắt cũng như về lâu về dài, để tìm ra phương cách nào đỡ tai hại nhất.

Để có thể tìm ra phương cách ấy, trước hết phải nhận định tình thế, trong trường hợp này là nêu ra những cái không thể và có thể.

Không thể (impossible) là: (1) A không thể tiến tới hôn nhân với B một khi A cho rằng B không phải là người lý tưởng, (2) không thể phá vì lương tâm của bà không cho phép; (3) A không thể vừa sanh con, nuôi con, vừa tiếp tục học.

Có thể (possible) là: (1) bà ngoại nuôi cháu; (2) trong tương lai, nếu A thay đổi ý kiến để kết hôn với B thì cũng chưa muộn.

Từ đó, chúng ta thấy cái có thể (1) đã giải quyết được hai cái không thể (1) và (2); còn cái có thể (2) có giải quyết được cái không thể (1) hay không, thì để hạ hồi phân giải.

Như vậy, trước hết bà phải chấp nhận hy sinh danh dự gia đình (con gái chưa chồng mà mang bầu) để chuẩn bị nuôi cháu ngoại. Dĩ nhiên, viết thì dễ thực hiện mới khó. Và điều khó nhất là tìm cách đối phó với dư luận. Theo ý kiến của TL, cách đối phó hay nhất là… không đối phó.

Xin được giải thích như sau: người nào thực sự là bạn tốt, hoặc không phải bạn nhưng có bản chất tốt lành, thì sẽ thấy tội nghiệp cho bà, bà không cần phân trần, họ cũng sẽ thông cảm; ngược lại những người bạn môi miếng, hoặc những người không quen biết nhưng có thú khai thác scandal thì sẽ không bỏ lỡ dịp may bằng vàng, cơ hội ngàn năm một thuở, bà càng ra sức chống đỡ thì họ càng thêm hăng hái tấn công.

Cũng giống như trong khoa học, võ học (martial art), cách hữu hiệu nhất để chống đỡ lực tấn công là tìm cách triệt tiêu chứ không phải ngăn cản, thì đối với dư luận cũng thế thôi, mình không thèm chống đỡ thì tới một lúc nào đó, đối phương sẽ thấm mệt và đâm chán.

Tới đây thiết nghĩ cũng nên nhắc lại bài học căn bản mà ông bà đã dạy chúng ta:

Cười người chớ có cười lâu,

Cười người hôm trước hôm sau người cười!

Không ai trong chúng ta có thể biết trước những gì sẽ xảy tới với mình ngày mai, thì tốt hơn hết đừng chê cười người khác, hoặc nếu có thì cũng chỉ nên âm thầm chê cười trong bụng chứ không nên hăng hái làm nhiệm vụ cái loa phóng thanh, hoặc đóng vai nhà bình luận thời cuộc, hoặc nhà đạo đức lên mặt dạy đời.

Vậy, nếu xưa nay bà không gây thù chuốc oán với ai, không tham gia nói xấu ai, thì dư luận không tốt về vụ cháu A không chồng mà có bầu sẽ bớt phần độc hại và sẽ mau xẹp hơn.

Thứ đến, dù sau này A chắc chắn sẽ không kết hôn với B, bà cũng phải khuyên con gái để cho B lui tới thăm nom, để thứ nhất, tránh xảy ra tranh chấp, hận thù, và thứ hai, để mọi người hiểu rằng tuy cháu A tuy chưa lên xe hoa về nhà chồng nhưng ít nhất cũng đã có một người chồng tương lai, tức là cha của đứa bé. Và cháu không chịu  cưới chạy bầu chẳng qua vì đám trẻ bên này sống như tây, nhiều khi có với nhau mấy đứa con rồi mới làm đám cưới.

Thứ ba, viêc đã xảy ra rồi, tuyệt đối không nên chê trách con gái nữa. Ngược lại, còn phải trấn an, khuyến khích cháu trong vai trò một bà mẹ trẻ, để nếu cháu chưa cảm nhận được một niềm vui thì cũng bớt lo lắng.

Tóm lại, khác với một số trường  hợp trước đây mà TL bày kế đi xa”, trong trường hợp của cháu A, việc theo đuổi sự nghiệp vô cùng quan trọng, phải đặt ưu tiên hàng đầu, thì bà phải chấp nhận đã lỡ hy sinh thì hy sinh cho trót. Một ngày nào đó, bà sẽ hãnh diện về những gì mình đã vượt qua, mẹ con A sẽ ghi nhớ công ơn của mẹ, của bà… Cứ thế, truyền thống yêu thương đùm bọc trong gia đình sẽ lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cũng cần nhấn mạnh, một khi muốn cho A giữ đứa bé tức là đã chấp nhận công khai hóa mọi việc thì sau này đừng tìm cách che dấu những gì đã xảy ra, cũng như thêu dệt một lý lịch nào đó cho đứa bé. Có nhất quyết định như thế, gia đình bà và A mới đỡ phải bận tâm, ám ảnh về tương lai.

Thân mến,  Thanh Lan