Kiện tụng bầu cử Mỹ có thể kéo dài sau 20.1.2021

09 Tháng Mười Hai, 2020 | Bình Luận

Trong lịch sử Hoa Kỳ từ ngày lập quốc, đã có tất cả 58 cuộc bầu cử để chọn vị tổng thống nhưng chưa bao giờ có một cuộc bầu cử có đông cử tri tham dự và cũng có lẽ chưa bao giờ có một cuộc bầu cử gây chia rẽ như năm nay. Đã qua bốn tuần lễ kể từ ngày bầu cử nhưng chưa có vị tổng thống đắc cử được thừa nhận bởi ứng viên bị cho là thua cuộc. Sau ba tuần lễ, ứng viên được cho là đắc cử mới bắt đầu được phép tiếp nhận sự chuyển giao phòng ốc, tài chánh và tiếp cận những thông tin tình báo quốc gia.

Có thể vì vậy mà lãnh đạo các nước thân hữu như Ba Tây, Mễ Tây Cơ đã chưa chúc mừng ông Joe Biden. Những nước đối nghịch hay không thân thiện như Nga và Việt Nam vẫn còn chờ. Và nước đối đầu và bất thân thiện như Trung Cộng vào tuần qua đã thừa nhận sự thắng cử của Biden qua điện văn chức mừng của Tập Cận Bình. Chỉ có việc Đức Giáo hoàng Francis có thật sự chúc mừng con chiên Công giáo ngoan đạo (đi nhà thờ đều đặn) nhưng ủng hộ phá thai Biden là chuyện vẫn còn bàn cãi qua tin của thông tấn xã Ý Zenit, mặc dầu Zenit sau đó cãi chính có cuộc điện đàm giữa hai vị lãnh đạo nhưng theo Zenit, Văn phòng Báo chí Tòa thánh không xác nhận nội dung cũng như không cho biết ai gọi ai trước!

Về mặt ngoại giao, kết quả cuộc bầu cử đã làm cho các lãnh đạo thế giới phải thận trọng khi chúc mừng hay chưa chúc mừng. Nhưng trong nội bộ Hoa Kỳ thì rối như mồng tơi. Suốt mấy tuần lễ vừa qua, cả Tổng thống Donald Trump lẫn nhóm luật sư của ông cũng như một số viên chức cao cấp của chính phủ và các dân biểu nghị sĩ Cộng hòa đã cho rằng có sự gian lận trầm trọng ở các tiểu bang xôi đậu hay thậm chí tràn lan toàn quốc như luật sư riêng của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani cáo buộc hàng ngày trong các cuộc họp báo. Đáng nói nhất là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell lãnh đạo khối đa số Thượng vện đã chính thức lên tiếng bênh vực ông Trump và nói rằng tổng thống có quyền khiếu nại, kiện tụng.

Nhóm luật của ông Trump (Rudy Giuliani) hay ủng hộ ông Trump (Sidney Powell và Lin Wood) đang tận dụng thời gian còn lại để tiến hành kiện tụng ở các cấp tòa án tiểu bang. Nói chung, họ chưa đạt kết quả đáng kể nếu không muốn nói là vô vọng vì không đưa ra bằng chứng cụ thể và thuyết phục như người bàng quan hay đối thủ của phe ông Trump nhận xét. Có người như Luật sư Powell nói bà có bằng chứng gian lận bầu cử một cách kinh hoàng và bà sẽ đưa ra trong thời gian tới hay khi thích hợp. Họ cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện lên tòa trên, tức Tối cao Pháp viện.

Điều này cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump dự tính việc kiện tụng có thể kéo dài đến ngày 20.1.2021. Thật vậy, vào cuối tuần qua Tổng thống Trump lần đầu tiên trả lời báo chí về việc ông có dọn ra khỏi Tòa Bạch Cung không nếu ông thua, thì ông Trump trả lời chuyện đó chưa xảy ra vì ông đang kiện và vụ kiện chưa chấm dứt. Ông cũng nói nếu đại cử tri đoàn vào ngày 14.12  xác nhận ông Biden thắng thì ông sẽ dọn ra, nhưng từ đây đến ngày 20.1.2021 còn lâu và còn nhiều chuyện bất ngờ sẽ xảy ra.

Chủ bút TVTS trong chương trình Giờ Nguyễn Hồng Anh phát hình ONLINE t vào Thứ Sáu tuần qua đã cho rằng mấu chốt để tranh luận tại Tối cao Pháp viện sẽ là việc các tiểu bang cho phép bầu cử vắng mặt, bầu qua bưu điện một cách đại trà có hợp pháp không. Bởi vì theo nguyên tắc, bỏ phiếu khiếm diện, qua bưu điện chỉ là trường hợp ngoại lệ. Không thể để hàng chục triệu người bỏ phiếu qua bưu điện mà không có sự giám sát chặt chẽ, từ khâu quan sát đếm phiếu, kiểm soát lá phiếu, so sánh chữ ký v.v… đến con dấu đóng ngày nhận thư.

Bởi vậy, nếu đến ngày đại cử tri đoàn họp hay ngày quốc hội họp để xác nhận người thắng cử mà ông Trump không chấp nhận, thì rất có thể vụ kiện sẽ kéo dài sau khi ông Biden đã nhậm chức. Nhưng nếu may cho ông Trump mà rủi cho ông Biden, thì Bạch Cung lại sẽ một lần đổi chủ mà không phải bầu bán lại. Ở Mỹ, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1810 phát hành ngày 02.12.2020)