An toàn trên sông nước: Mùa hè này, quá nhiều người chết đuối

19 Tháng Một, 2017 | Tin nước Úc
Tắm hồ bơi sau nhà: luôn có người lớn hiện diện và theo dõi trẻ con. Hình: TVTS

(TiVi Tuần-san) – Dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, người ta thường nói đến số tử vong do tai nạn xe cộ gây nên, nhưng năm nay báo chí lại nói quá nhiều về số người chết đuối.

Báo The Australian phát hành tuần qua liên tiếp trong mấy ngày nói về tai nạn chết trên biển, sông, hồ bơi với tít  “Những vụ chết đuối đã khiến người ta kêu gọi dạy cho trẻ con, di dân tập bơi” (báo ngày 3.1.2017) hay “Chánh án Tòa án Gia đình sống sót qua vụ đặt bom đã chết với con số người chết đuối trong mùa nghỉ hè tăng đến 18 người” (4.1.2017).

Thật vậy, theo báo The Australian những cơ quan đặc trách về an toàn sông nước đã kêu gọi cả nước hãy gia tăng việc dạy dỗ cho trẻ con và các di  dân kỹ năng bơi lội sau khi có nhiều vụ chết đuối khắp nước.

Trong vòng mười ngày kể từ lễ Giáng sinh vừa qua, có 18 người chết đuối trong số đó có 16 người ở tiểu bang New South Wales.

Chèo thuyền vui chơi trên sông Yarra: cũng phải mang áo phao an toàn. Hình: TVTS

Tại thành phố Perth, một người đàn ông tuổi 20 chết ở Hồ Leschenaultia cách trung tâm thành phố 50 cây số về phía đông bắc.

Thi thể một người đàn ông 44 tuổi bị mất tích ở một cái hồ tại NSW Snowy Mountains cũng đã được tìm thấy.

Bé Verra Peacock 2 tuổi bất tỉnh được ông bác/cậu lôi ra khỏi hồ bơi sau nhà ở miền tây Sydney trong ngày đầu năm nhưng rồi sau đó bị tuyên bố là đã chết vì các nhân viên cấp cứu không thể làm cho bé gái tỉnh lại.

Một bé trai 2 tuổi khác, Henry Trần, được tìm thấy bất động sau ao  nhà của một thân nhân vào một buổi xế trưa ở miền tây Sydney và đến tối ở trong tình  trạng nghiêm trọng, được chăm sóc tại phòng cấp cứu đặc biệt của bệnh viện The Children’s Hospital Westmead.

Các giới chức về an toàn sông nước  nói rằng trẻ con và người ngoại quốc  chiếm tỉ lệ rất cao trong số người chết đuối.

Ông Justin Scarr, giám đốc cơ quan Royal Life Saving Society nói: Cơ quan trong nhiều năm qua đã rất lo ngại về việc ít học bơi ở cấp tiểu học. Cần phải có nhiều hơn vài buổi học bơi để có được kỹ năng bơi trong suốt cuộc đời. Chúng tôi khuyến khích các bậc phụ huynh hãy ghi danh cho con em học các lớp dạy bơi”.

Trong tháng 11 vừa qua, cơ quan cứu hộ Life Saving tại tiểu bang Victoria làm cuộc nghiên cứu và nhận thấy rằng cứ 3 trong 5 em học sinh tiểu học công lập không đủ khả năng bơi được 50 mét.

Ông Gary Toner, giám đốc  Swim Australia nói chương trình dạy ở các trường học chưa đủ. “Bơi không có nghĩa là bạn học 8 ngày trong một năm là xong chuyện”, ông Toner nói. “Đó là một kỹ năng mà bạn cần tập luyện. Bạn cần tiếp tục tập luyện một số năm để có thể bơi hữu hiệu và thành thạo”.

Ông David Urquhart, chủ tịch Australia Swim School Association và là cựu huấn luyện viên Thế vận hội nói các trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc dạy học bơi. Ông  nói: “Ý kiến có một chương trình học bơi ở tiểu học được nối kết với các trường dạy bơi để bảo đảm các em được dạy bơi khi các em lên bậc trung học là một ý kiến hay”.

Ông Scarr nói một tỉ lệ lớn các nạn nhân xuất phát từ những nền văn hóa không chú trọng vào việc dạy dỗ kỹ năng bơi lội. Ông nói thật khó mà bỏ qua yếu tố văn hóa này.

Ông nói: “Vào đầu thập niên 2000, chúng tôi có làm việc với các cộng đồng Li Băng và Thổ Nhĩ Kỳ ở miền  tây Sydney. Chúng tôi nghĩ cần phải làm việc nhiều hơn nữa với các cộng đồng đó”.

Chuyện chết đuối quá nhiều này bắt đầu với cái chết của du học sinh Sujan Adhikari người Nepal chết đuối tại Wattamolla Lagoon  phía nam Sydney trong ngày lễ Giáng sinh. Qua ngày Boxing Day, 4 người chết đuối và Charli Manago, một bé gái song sinh 23 tháng được kéo ra khỏi hồ bơi sau nhà cùng với anh trai song sinh Robbi, đã chết tại bệnh viện.

Tui Gallaher, 14 tuổi, chết đuối tại bãi biển miền đông Sydney ngày hôm sau. Peter Abb-El- Kaddous, 42 tuổi, được kéo ra dưới nước con sông Murrumbidgee phía nam Sydney ngày 29 tháng 12, cùng ngày bé Robbi Mango chết trong bệnh viện.

4 người chết trong ngày 30 tháng 12, gồm một người đàn ông Pakistan 27 tuổi tại Tahmoor, miền tây nam Sydney, và một người đàn ông 19 tuổi mà thi thể được tìm thấy dưới nước ở Gold Coast tiểu  bang Queensland.

Qua ngày 2 tháng Giêng 2017, cựu chánh án Tòa án Gia đình Richard Gee, 83 tuổi, được tìm thấy chết đuối tại hồ bơi sau nhà lúc 10 giờ sáng. Ông là nạn nhân thứ 18 trong vòng 9 ngày, kể từ lễ Giáng sinh.

Cựu chánh án Gee và vợ đã thoát  chết trong một vụ đặt bom cách đây khoảng 30 năm, nhà cửa bị nổ tan banh và sập nhưng hai vợ chồng thoát chết. Đây là một vụ ám sát được cho là sự trả thù thời đó đối với các quan tòa và thân nhân họ, do tranh chấp trong các vụ án gia đình. Nghe nói ông Gee bị bệnh Alzheimer và chưa rõ nguyên nhân chết đuối,  và cái chết dù không bị nghi ngờ nhưng cơ quan pháp y đang điều tra.

Phòng chết đuối là nhiệm vụ cá nhân

Những vụ chết đuối này, khác với những quan tâm của các giới chức nói ở phần trên, không có sự liên hệ rõ rệt nào cũng như  liên quan đến dân số và vùng cư ngụ, bởi các nạn nhân bao gồm trẻ con, du khách và công dân Úc  chết từ hồ bơi sau nhà, tại các bãi biển và sông hồ.

Bộ trưởng Dịch vụ Cấp cứu David  Elliott nói ông thật “kinh hoàng” với con số người chết trong mùa nghỉ lễ nhưng đưa ra lời cảnh báo rằng trách nhiệm này không thuộc chính  quyền.

Ông Elliott nói chính quyền không thể có mặt tại mỗi con sông, con  lạch, bãi biển hay là hồ bơi tư gia. “Hãy nhìn vào những thống kê chết đuối này và nhận ra rằng con số tiếp theo có thể là người trong gia đình quý vị, do đó quý vị phải chịu trách nhiệm về những hành động của quý vị”.

Ông bộ trưởng không cho biết là chính phủ có bỏ tiền ra để đăng quảng cáo về giữ an toàn trên sông nước hay không nhưng nói rằng công chúng phải tự giáo dục mình về chuyện này.

Ông Elliott nói: “Nếu quý vị không biết hàng rào hồ bơi mình có ngăn chận được trẻ con vào không, hãy tìm cách sửa nó. Nếu quý vị không biết dưới con sông có dòng nước chảy ngầm, đừng xuống sông đó. Và nếu quý vị thấy chơi trượt ván nước ở chỗ đó không an toàn, thì đừng có vào”.

Nhưng ông bộ trưởng cũng thòng thêm một câu, cũng giống sự quan tâm của các giới chức nói ở phần trước: “Tôi thật sự kinh hoàng khi nghĩ rằng có những người quyết định chọn tới sống ở tiểu bang NSW, chọn nơi đây là nhà của mình nhưng vẫn không biết làm thế nào để bơi”.

Trong chương trình “Thời sự trong tuần” trên truyền hình trực tuyến tvtsonline tuần trước, khán thính giả được nghe lý do tại sao trong số 18 người chết đuối, tiểu bang New South Wales có đến 16 người. Theo Luật sư Nguyễn Tân Hải, lý do là ở NSW có nhiều bờ biển, nhiều sông và quan trọng nhất là khí hậu trên NSW (cũng như Queensland) ấm áp hơn. Chứ ở tiểu bang Victoria, thời tiết lạnh nên ít người tắm hơn, và vì thế, số tử vong do chết đuối cũng ít hơn.

Trong khi đó, người chủ xướng chương trình, Chủ bút TVTS Nguyễn Hồng Anh tỏ ra quan tâm về vấn đề an toàn trong các hồ bơi tư gia.  Ông Hồng Anh cho biết, sau này những người xây hồ bơi trong nhà bắt buộc phải làm hàng rào (hình như cao đến 1.4 mét), cửa vào hồ bơi phải có khóa v.v… Nói chung,  phải bảo đảm trẻ con không thể vào được. Nhưng đối với những căn nhà đã xây rất lâu trước đây mà không có hàng rào, thì hình như không bị bắt buộc phải làm thêm hàng rào.

Hiện tại, có một số nhà có hồ bơi nhưng không có hàng rào. Có những nhà xây hồ bơi sát phòng, mở cửa phòng ngủ hay phòng nào đó, là sát ngay mặt nước hồ bơi!  Xây thêm hàng rào vừa tốn tiền vừa có thể mất thẩm mỹ (với hồ cũ), nhưng chớ để khi xảy ra tai nạn rồi hối hận. Và có một điều cần lưu ý, có những trường hợp hồ bơi có hàng rào nhưng chủ nhà hay khách ra vào hồ bơi quên đóng cửa: chết đuối có thể xảy ra!

Mở tiệc hay ăn uống ở bên hồ bơi là một sinh hoạt rất thú vị. Nhưng nếu có trẻ thì người lớn cần lưu ý, theo dõi. Và khi uống rượu thì không nên tắm ở sông biển (vì nhiều người chết đuối có nồng độ rượu cao). Và khi uống rượu mà  tắm trong hồ bơi sau nhà, nên có hai người cùng tắm… để phòng bất trắc xảy ra!

TVTS, theo The Australian & tvtsonline.com.au