Bà Suu Kyi lần đầu lên tiếng về khủng hoảng ở Miến Điện

20 Tháng Chín, 2017 | Tin thế giới
Bà Aung San Suu Kyi đã có phát biểu chính thức lần đầu tiên về khủng hoảng di cư ở Miến Điện. Photo Courtesy: Reuters

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên về cuộc khủng hoảng người ti nạn Rohingya ở Myanmar hôm 19.9, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố Naypyidaw “không sợ sự giám sát quốc tế” về việc chính phủ của bà đang xử lý cuộc khủng hoảng.

Bài diễn văn của bà Aung San Suu Kyi được cho nhằm trấn an cộng đồng quốc tế hiện tỏ ra rất quan ngại về cộng đồng người Rohingya phải trốn chạy khỏi bang Rakhine trước đợt ‘tảo thanh sắc tộc’ do quân đội Miến Điện tiến hành.

Với độ dài 30 phút bằng tiếng Anh được truyền hình tại Miến Điện, lãnh tụ Aung San Suu Kyi tránh không dùng từ Rohingya mà bày tỏ quan ngại về nổi thống khổ mà người dân phải chịu trong đợt bạo động mới nhất. Theo lời bà Aung San Suu Kyi thì số phải rời khỏi quê nhà của họ là nhiều, trong đó không chỉ có người Hồi Giáo và người Rakhine thiểu số mà cả những nhóm thiểu số nhỏ khác nữa.

Bà San Suu Kyi nói: “Tôi biết thế giới đang tập trung vào tình hình ở bang Rakhine. Là một thành viên có trách nhiệm, Miến Điện không sợ sự giám sát của quốc tế. Chúng tôi cũng quan tâm, muốn tìm hiểu vấn đề đang diễn ra”. Bà Suu Kyi cũng khẳng định chính phủ Miến Điện đang tiến hành xác minh các nguồn tin và cam kết tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng này.

Chân dung bà Aung San Suu Kyi bị đem ra đốt ở Miến Điện sau cuộc khủng hoảng. Photo Courtesy: Reuters

“Chúng tôi không muốn Miến Điện là một quốc gia bị niềm tin về tôn giáo hay sắc tộc chia cắt. Tất cả chúng ta đều có quyền có những đặc tính đa dạng của mình” – bà Suu Kyi nói và khẳng định chính phủ sẽ tạo điều kiện để người Rohingya tái định cư. Bà Suu Kyi cũng tuyên bố bất kỳ ai có liên quan đến việc gây ra xung đột ở Rakhine đều sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi lên tiếng về cuộc khủng hoảng người Rohingya kể từ khi xảy ra vụ bạo lực mới nhất vào ngày 25-8. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, bà Suu Kyi đổ lỗi cho “những kẻ khủng bố” đứng sau loạt “thông tin sai lệch” gần đây.

Bà Suu Kyi trước đó phải đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề vì không phản ứng trước cuộc khủng hoảng di dân.

Hơn 400,000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi bang Rakhine để tới Bangladesh – vốn được khơi nguồn từ một cuộc tấn công vũ trang bị đổ lỗi cho các tay súng Rohingya nhằm vào đồn cảnh sát hồi tháng 8. Sau cuộc tấn công này, nhà chức trách Myanmar đã phát động chiến dịch quân sự đáp trả vụ tấn công này.

Tổng hợp