Đàm phán bộ tứ Nga, Đức, Pháp, Ukraine lại bế tắc

21 Tháng Mười, 2016 | Tin thế giới
Cuộc đàm phán ở Berlin vẫn chưa có đột phá trong việc tìm giải pháp hòa bình cho miền đông Ukraine. Photo Courtesy: Reuters

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20.10 cho biết “không có phép lạ” cho cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine sau cuộc họp dài 5 giờ giữa nguyên thủ Nga, Ukraine, Đức và Pháp, theo AFP.

Cuộc họp của Bộ tứ Normandy này là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Berlin kể từ sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine diễn ra năm 2014.

Các thỏa thuận ký tại Minsk (Belarus) năm 2015 là cơ sở để 4 nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp tìm kiếm giải pháp hòa bình giữa các tay súng nổi dậy và chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Mặc dù lần đàm phán này không có tiến triển rõ rệt nào, nhưng các bên lạc quan về việc ít nhất cũng tạo ra một “lộ trình”.

“Từ đây tới hết tháng 11, chúng tôi phải chấp thuận một lộ trình. Đó sẽ là một tài liệu về việc thực hiện tất cả các thỏa thuận Minsk”, Tổng thống Ukraine Poroshenko nói sau buổi họp báo tại cuộc họp ở Berlin (Đức).

Tổng thống Nga Putin trong khi đó cũng khẳng định rằng con đường tốt nhất để đạt được giải pháp cho miền đông Ukraine chính là thỏa thuận Minsk.

Cuộc họp của Bộ tứ Normandy diễn ra chỉ vài giờ trước khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) họp ở Brussels (Bỉ) về mối quan hệ giữa họ với Nga. Các bên được cho muốn giải quyết việc gia hạn hay chấm dứt những lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Nga xung quanh vấn đề Ukraine, vốn sẽ kết thúc vào cuối năm nay, theo AFP.

Hiện tại, “lộ trình” thông qua ở Berlin sẽ tiếp tục được ngoại trưởng cá nước bàn thảo, theo lời các lãnh đạo, trong đó việc thực thi các thỏa thuận Minsk sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Trên thực tế, thỏa thuận Minsk lâu nay vẫn liên tục dính cáo buộc bị các bên vi phạm. Phía EU và chính quyền Ukraine tố cáo Nga tiếp tay cho quân nổi dậy ở miền đông nước này trong cuộc xung đột đã làm khoảng 10,000 người chết, trong khi Điện Kremlin luôn bác bỏ.

Tình hình Ukraine nằm trong bức tranh tổng thể về mối quan hệ sứt mẻ giữa Nga và phương Tây, trong đó cũng bao gồm việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014. Phương Tây không công nhận cuộc sáp nhập này, và từ đó đến nay đã trừng phạt kinh tế Nga. Thỏa thuận Minsk được cho là yếu tố hòa giải và tác động đến việc tháo gỡ lệnh trừng phạt trên.

Theo Thanh Niên