Hạ viện Mỹ thông qua lệnh trừng phạt Nga, Iran, Triều Tiên

26 Tháng Bảy, 2017 | Tin thế giới
Đa số nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ ủng hộ dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên. Photo Courtesy: Kevin Dietsch/UPI

Dự luật trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ ngày 25.7 với 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống.

Theo Reuters, dự luật cũng buộc Tổng thống Donald Trump phải thông qua Quốc hội trước khi dỡ bỏ bất cứ lệnh cấm vận nào đối với Nga.

Tuy nhiên, chưa rõ khi nào dự luật mới được trình lên Bạch Ốc để ông Trump ban hành hay phủ quyết vì còn phải được thông qua tại Thượng viện. Trong khi đó, Thượng viện đang chuẩn bị tranh luận về dự luật này.

Được biết, dự luật trừng phạt mới này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump do nhà lãnh đạo Mỹ muốn có thêm quyền kiểm soát trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt.

Ngoài ra, dự luật trừng phạt mới sẽ hạn chế quyền lực đơn phương của Tổng thống Trump, yêu cầu ông chủ Bạch Ốc phải nhận được sự đồng ý của Quốc hội trước khi muốn nới lỏng hay chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan gọi dự luật trừng phạt mới là “một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử” và sẽ “siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất” để đảm bảo cho nước Mỹ luôn được an toàn.

Theo thông báo của Hạ viện Mỹ, các nghị sĩ quyết định tăng cường trừng phạt Nga vì nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như các động thái của Nga tại Ukraine. Trong khi đó, Triều Tiên và Iran phải hứng chịu các lệnh trừng phạt mới vì liên quan tới các chương trình phát triển tên lửa và hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tại Hạ viện mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình thông qua dự luật. Dự luật này vẫn cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Trump ký duyệt.

Giới quan sát cho rằng nếu Tổng thống Trump phủ quyết dự luật thì mối quan hệ với Nga sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì quốc hội vẫn có quyền bác quyết định phủ quyết của tổng thống.

Tổng hợp