Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh – Kim Trang

16 Tháng Hai, 2016 | Nghệ sĩ Việt Nam


Kim Trang

 

> Bấm để xem cách thức đặt vé qua Melbourne Recital Centre

Nguyễn Hồng Anh, Melbourne

 

 

Đặt chân đến Úc, với thân phận thuyền nhân tỵ nạn, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh, kiêm Chủ Bút TiVi Tuần San, đã bôn ba với cuộc sống hòa nhập nơi xứ người, qua sự nghiệp báo chí, hơn ba mươi năm, giờ đây khi cơ nghiệp đã thành đạt, ông mới có dịp ôn lại để trình bày những sáng tác của mình và mong muốn chia sẻ cùng quí độc giả TVTS về đêm Hội Diễn “Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh” được tổ chức tại Melbourne Recital Centre, một hội trường nghe nhạc hàng đầu của Úc, theo tiêu chuẩn quốc tế, mà ông đã khó nhọc và mất nhiều thời gian để kén chọn.

 

Buổi Hòa Nhạc bao gồm 21 bài hát, chia làm 2 phần, mỗi phần trải rộng qua 3 chủ đề chính: Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận – được trình bày với một ban nhạc qua sự phố khí của Bình Cadillac và những giọng ca như Dương Hòa, Mai Hương, Đức Linh, Phương Thảo, Astrid, Duy Thiên và Minh Tâm.

 

Chương trình đựợc mở đầu với nhạc phẩm được viết bằng Anh ngữ: “Prayer for Australia – Lời Nguyện Cho Úc Đại Lợi”, đất nước cưu mang hơn hai trăm ngàn người Việt Nam.

 

“… God hear our pray

Our sincere prayer for our country

Australia

Our great and sweet homeland…

God bless Australia”. 

 

Những tâm tình sâu sắc này của ca khúc Prayer for Australia đã được tác giả Nguyễn Hồng Anh trình bày và đưa lên youtube vào ngày 26/1/2016, đúng Ngày Quốc Khánh Úc.

 

 

Và lần đầu tiên khán thính giả sẽ nghe chính tác giả Nguyễn Hồng Anh trình bày bản anh hùng ca  Như Người Việt Nam nhằm tạo một khí thế hào hùng trong tinh thần dân tộc bất khuất:

 

Hãy sống như người Việt Nam,

Hãy chết như người Việt Nam,

Việt Nam sống chết đấu tranh

 

Đó chính là niềm tự hào dân tộc chân chính từ cái nhìn lịch sử và ý thức về cội nguồn:

 

Hãy biết đi về cội nguồn,

Việt Nam rất oai linh,

Cha ông giống hùng anh,

Việt Nam rất hiên ngang

 

Ý thức ở đây bao gồm cái nhìn từ hai phía: niềm tự hào dân tộc thiêng liêng và trách nhiệm mà người Việt phải đóng góp để giữ được niềm tự hào ấy, phải sống sao để “tiếng thơm ngát địa cầu”.

 

Ôm ấp trong lòng một tình yêu quê hương nồng nàn, tác giả đã viết bản hùng ca này với những cảm xúc dạt dào và cảm hứng lịch sử của một con người có tâm hồn yêu tổ quốc tự do.

 

Bốn mươi năm kết thúc cuộc chiến tương tàn, biến cố 30 tháng Tư như một cơn sóng thần khủng khiếp đã cuốn trôi bao sinh linh, bao gia đình đổ vỡ mà hệ lụy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay. Cuộc hành trình tìm Tự Do của hàng triệu người Việt tị nạn đã vẽ nên một trang sử đầy bi hùng và thương tâm đã khiến lương tâm nhân loại cuối thế kỷ 20 phải chấn động mạnh mẽ.

 

Danh từ mới “Boatpeople” xuất hiện, gọi là “thuyền nhân” đã được tác giả phác họa qua khúc hát bi thương Boat People Dance/Vũ Điệu Thuyền Nhân để chỉ những ngày trôi nổi trên chiếc thuyền nan vượt đại dương, người Việt tỵ nạn đã đánh đổi mạng sống để tìm tự do- đó là một chứng tích tội ác tày trời của chế độ Cộng Sản:

 

We cried together. We lay vomiting.

We danced day and night. We danced on our flight.

It was a fatal day. We thought wed lost our lives

 

Sau tháng Tư lịch sử đau thương, thành phố Sàigòn hoa lệ trong phút chốc đã bao trùm với nỗi bất an, lo sợ đọng trong mắt từng người bị bỏ lại sau làn sóng di tản.  Trong cảnh sống bất định đó, để tìm quên thực tại đen tối, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Anh đã âm thầm mò mẫm sáng tác, khởi đầu bằng những bản tình ca với những giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát của âm giai trưởng như  “Nhớ Nhớ Thương Thương”, “Nhớ Những Buổi Chiều”, “Mưa Đầu Mùa”, “Em Đi Về Đâu”, “Tình Mê”, “Nghe về  nỗi nhớ”,  “Của Hồi Môn” là những bản tình ca được chọn lọc để trình diễn trong chương trình “Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh”

 

Đa số Tình Khúc Nguyễn Hồng Anh được soạn với tiết tấu chậm của điệu Slow, Slow Rock hay Boston và lời thơ tuy đơn giản nhưng thâm trầm sâu sắc được hòa quyện trong ý nhạc với sự kết hợp giữa nét âm nhạc dân tộc và cổ điển rất hài hòa.

 

Nhạc tình của Nguyễn Hồng Anh chứa chan những hoài niệm của một thời “mơ hoa” và những tâm sự đầy ý nhị của tình yêu đôi lứa:

 

Tình yêu sao mong manh như tà áo em xanh

Tình yêu qua hôn mê nên tình về quên lối” (trích bài “Tình Mê”)

 

Vẻ đẹp thơ mộng của tà áo xanh, của những khoảnh khắc mong manh ngày nào đã trở nên vĩnh cửu trong sự  diệu kỳ của một tình yêu cao thượng:

 

 Ta yêu người nợ duyên đã mấy kiếp

Ta yêu nhau như yêu chính thân ta” (trích bài “Của Hồi Môn”)

 

Ta yêu nhau như chính thân ta”, đây là một tư tưởng rất mới mẻ về tình yêu vĩnh cửu và siêu việt của con người trong văn hoá nhân loại học của Kitô giáo Âu Châu – một sự thăng hoa của tình ái vị tha trong phạm trù “Đạo Nhân”, cũng là tâm điểm của triết học giáo dục Đông Phương (Nho, Phật, Lão).

 

Dù thời gian có phai mờ, không gian có cách xa thì những kỷ niệm xưa, những tâm sự ấy, những nỗi niềm tha thiết vẫn mãi không nhạt nhoà trong tâm tưởng:

 

Em nhớ người năm xưa,

Nhớ người tình cũ,

Nhớ khi tan trường” (trích bài Nhớ Nhớ Thương Thương)

 

 Thuở học trò mơ mộng với những rung cảm đầu tiên sẽ đẹp mãi trong ký ức:

 

Âu yếm nhìn ai bên hành lang,

Có phải là tôi đã yêu nàng?” (trích bài Nhớ Những Buổi Chiều)

 

Lời tình đầu chưa dám ngỏ, để rồi bao e ấp cũng đành mang theo buổi cách ly:

Giờ đã tới để ra đi,

 

Em yêu ơi,

Tim tôi quặn lại, đã vỡ từ đây” (trích bài Il Est Temps de Partir)

 

Mối tình thầm lặng cô đơn đó đã vùi sâu trong nỗi buồn da diết tuyệt vọng. Nỗi đoạn trường khi phải xa cách những người thân yêu nhất, cũng là nỗi đau của thân phận người Việt trong chiến cuộc bi thương của đất nước mà con người đành phải dứt khoát ra đi, khi lòng còn đầy vương vấn.

 

Vì lý tưởng tự do, “Everybody wanna go away”, dù nhận thức đó là một sự “lựa chọn đắng cay!” Điệp khúc “Il Est Temps de Partir” cứ mãi ngân theo suốt bài nhạc đã làm người nghe chìm ngập trong nỗi xót xa tuyệt vọng của viễn cảnh chia lìa:

 

Người yêu em ơi

Bao muộn phiền đã ngất ngây

Bao đợi chờ ngày tháng trôi

Tình ấy đã xa rồi  (trích bài “Mưa Đầu Mùa”)

Mỗi bài hát gắn liền với những kỷ niệm, là những cảm xúc chân thật của chính tác giả Nguyễn Hồng Anh đã cảm nghiệm trong từng bước ngoặt của cuộc đời mình…  những toan tính chưa thực hiện, những bức thư tình chưa gửi, những lời yêu thương chưa kịp nói, rồi lại giữ kín trong lòng:

Rồi mai kia thức dậy,

Tình yêu còn vết cháy,

Hằn dấu trên da cằn” (trích bài “Nghe Về Nỗi Nhớ”)

 

Có chăng là tìm nhau trong những “đêm thầm ước mơ”, về một “chân trời xa xăm”, một nỗi niềm ai oán mà Thúy Kiều đã từng trải qua, trong cảnh cô tịch ở lầu Ngưng Bích:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?  (trích thơ “Thúy Kiều” – Nguyễn Du)

 

để rồi chợt thổn thức tự hỏi “Sao Ta Còn Ngồi Đây?” (“Why Do I Still Stay Here?”)

 

Đêm đêm ngồi chờ ngóng,

Nghe những lời ai oán

Ngày tháng cứ mong chờ

Cuộc đời đầy tối đen

 

Đó cũng là tâm tư khắc khoải của cả một thế hệ trẻ Việt Nam, khi mà lý tưởng, khát vọng rơi vào đau đớn, hoang mang, trước bão táp của lịch sử:

 

Lòng ta đau đớn không nguôi,

Ta đi về đâu, Ta đi về đâu?

Về bờ yên vui, hay xuống vực sâu

Về miền dung thân, hay chốn giam cầm” (trích bài “Giấc Mơ Bên Sông”)

 

Trở lại giai đoạn lịch sử đen tối và phức tạp của thập niên 1970, cuộc đấu tranh thầm lặng với số phận nghiệt ngã và sự vô nghĩa của cuộc sống, đã khiến con người khao khát đi tìm một ý nghĩa đích thực cho cuộc đời, mà trọng tâm bắt nguồn từ học thuyết tư duy Frederick Neitzche, một triết gia hiện sinh đầu thế kỷ 20, với một tuyên bố nổi tiếng:”Thượng Đế đã chết”, đã mở đầu cho làn sóng tư duy về sự vô nghĩa của cuộc sống và trào lưu dấn thân vào sứ mệnh giải thoát bản ngã:

 

Anh về gian trần, về chốn si mê,

Bốn mùa yêu ấy, mấy kiếp tu hành

Anh tìm về non, u mê đã hết

Tu là cõi phúc, tình là dây oan” (trích bài “Thiền Sư Lên Núi”)

Tu là cõi phúc, tình là dây oan” là một câu thơ mang đậm tính triết lý sống của Nguyễn Du, mà mâu thuẫn bao hàm lại nằm trong những nghịch lý sâu xa nhất của cuộc đời!

 

Biết bao mảnh đời tan vỡ trong cảnh nước mất, nhà tan, nhưng bi kịch của đời người, chính là đánh mất chính mình trong nỗi bơ vơ trống rỗng tột cùng:

 

Em đi về đâu,

Về đến núi hận sầu

Về đâu em ơi, khi dòng sông đã cạn

Về đâu em ơi, khi người yêu không tới” (trích bài “Em Đi Về Đâu”)

 

Trong dòng hồi tưởng của một kẻ lưu vong, hình ảnh chuyến tàu định mệnh như ám ảnh tâm trí mãi:

 

Theo làn nước tan dần,

Đêm đại dương âm thầm

Đoàn người xa quê hương

Tìm biển khơi mênh mông” (trích bài “Đêm Đại Dương”)

 

Nhớ lại quá khứ đau buồn hay thổn thức với mất mát trong hiện tại, người tỵ nạn cay đắng nhận ra thân phận lưu đày chốn tha hương:

 

Ta kêu với gió giữa trời,

Ta kêu chẳng có mấy người

Cho ta một lời yêu thương

Ôi cơn đau của kiếp lưu đày

 

Cơn đau của người tha hương” (trích bài “Biển Vắng”)

Cơn đau đó chính là những khắc khoải, hướng vọng miên man về cố hương xa vời, bên kia bờ đại dương, mà cuộc chiến đã xô đẩy con người vào những hoàn cảnh bi đát, đắng cay.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhất của đất nước, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Anh đã cùng những trái tim Việt Nam lưu lạc bốn phương trời, vẫn luôn thổn thức ngày đêm, trăn trở về quê hương yêu dấu, đang lầm than trong nỗi đau thống hận của chủ nghĩa Cộng Sản bạo quyền và bất công:

 

Dòng máu chảy từ trong người,

Dòng máu chảy từ trong tim

Lửa uất hận đã tràn tuôn

Tới căm hờn ngút trời  (trích bài “Dòng Máu Việt Nam”)

 

Cho tới nay, đã hơn 40 năm qua, vết thương dân tộc vẫn còn in đậm. Chiến tranh khốc liệt vẫn đeo đẳng trong ký ức, chất chứa trong sâu thẳm trái tim, dày vò trong giấc mơ con người – đó chính là thân phận đáng thương của người tỵ nạn Việt Nam, mà nghệ sĩ Nguyễn Hồng Anh, với cây đàn guitar, đã hát một đời, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời lưu vong, từ trại tỵ nạn Galang đến các sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt khắp nơi tại Úc. Ông ca hát cho đời, để đánh thức thế hệ trẻ hải ngoại, ý thức về tinh thần dân tộc, chia sẻ cho những người con mang dòng máu Lạc Hồng hiểu được những nỗi khổ đau, khắc khoải của thế hệ người Việt lưu vong trong bước ngoặt lịch sử của đất nước:

 

Dòng máu này, hai tiếng quê tôi

Việt Nam ơi, tim quá bồi hồi

Máu dân mình vẫn còn tuôn rơi

Khúc ruột này mình còn chia đôi  (trích bài “Dòng Máu Việt Nam”)

 

Từ nỗi trăn trở về một đất nước mang đầy những vết tích oan khiên, “Dòng Máu Việt Nam”, đã hòa cùng làn sóng yêu nước hải ngoại đang trào dâng, cùng cất lên tiếng nói đánh dấu một giai đoạn lịch sử hùng hồn của thế kỷ 21, như một lời hiệu triệu của Hội Nghị Diên Hồng khi tổ quốc đang nguy biến, thế hệ trẻ hải ngoại hãy cùng nhau cất bước, dấn thân cho sự mất còn của Dân Tộc, cùng đấu tranh cho một nước Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền:

 

Cùng ba miền mừng ngày hội lớn của nước Việt Nam  (câu kết bài “Dòng Máu Việt Nam”)

Với những giọt nước mắt trào dâng niềm tự hào dân tộc, bản nhạc hào hùng này đã được chọn để kết thúc chương trình “Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh”, một tâm tình hoài hương tha thiết của người tỵ nạn Việt Nam.

 

Kim Trang

 

(Trích TVTS số 1559 phát hành ngày 10.2.2016)