Du lịch Áo-Hung: Một ngày Budapest trong ngàn năm Hung Gia Lợi

28 Tháng Mười Một, 2015 | Áo
Sông Danube nằm giữa phố Buda (trái) có Matthias Church cao 96m và phố Pest (trái) có tòa nhà Quốc hội với tháp 96m, là những tháp cao nhất thành phố Budapest với cầu dây xích Chain Bridge bắc qua sông dẫn lên đồi Buda Castle. Hình: NHA

Như truyền thuyết kể, Johann Strauss đã viết bài Danube blue (Phạm Duy viết lời Việt: Dòng sông xanh) được coi là ca khúc bán cổ điển được nhiều người trên thế giới biết nhiều nhất và thích nhất khi ông nhạc sĩ ra bờ sông Danube để tìm người yêu nhưng con tàu đã đưa nàng đi xa vì nàng không muốn làm vợ của Johann Strauss đau khổ. Tuyệt vọng tột cùng đã trở thành hạnh phúc vô biên vì được hai người phụ nữ cao thượng yêu và hy sinh, nhà soạn nhạc đã sáng tác ca khúc mà một thế kỷ rưỡi sau vẫn được mọi người thích, trở thành ca khúc hàng đầu trong các bài hát điệu valse.

Tôi đã đặt khách sạn ở  4 nước trong chuyến Âu du này, nhưng nghĩ rằng có thể đi thêm thủ đô  một nước nào đó gần Áo trước khi trở về Úc. Như Bratislava của nước Slovakia (thuộc cựu cộng hòa liên bang Tiệp Khắc), chỉ cách Vienna  80 cây số.  Hay Zagreb của nước Croatia cách 375 cây số.  Hay  xa hơn, Treviso của nước Slovenia cách 420 cây số. Nhưng tôi đã chọn thành phố Budapest, chỉ cách Vienna 242 cây số.

Trước đó tôi cũng bị “cám dỗ” để đi thăm thành phố Salzburg nơi sinh ra của thiên tài âm nhạc Mozart và là nơi quay một phần cuốn phim nổi tiếng The Sound of Music. Tuy là một thành phố của Áo, nhưng Salzburg xa đến 296 cây số.

Tôi biết chút đỉnh về nước Hung Gia Lợi thời kỳ bị Liên Xô thống trị và nghe nói sông Danube ở Budapest là đoạn đẹp nhất của con sông dài 2,860 cây số, đứng hàng  thứ nhì ở Âu Châu.  Nên khi nghe khách sạn nói hãy quyết định sớm vì phải book trước một ngày, tôi đã chọn chuyến đi tour ở Budapest, 7am khởi hành, 7.30pm về khách sạn. Đi bằng xe van có 7 chỗ ngồi cho khách, giá 109 Euro  cho mỗi người, ăn uống tự túc. Xe chạy mất 2 tiếng rưỡi, có nghĩa chúng tôi sẽ được khoảng 7 tiếng để chiêm ngắm một thành phố nổi tiếng của Trung Âu, của khối cựu cộng sản Đông Âu.

Pháo đài Fisherman’s Bastion và một góc cuối của nhà thờ Matthias Church với tượng đài St. Stephen, vị vua đầu tiên của Hung Gia Lợi. Hình: NHA

Chuyến đi tour của chúng tôi do  Royal Tours Sightseeing thực hiện. Du khách gồm 5 người, vợ chồng chúng tôi và 3 người đàn ông Ấn Độ đi dự hội nghị của công ty ở Vienna  nhưng luôn tiện đi xem thắng cảnh ở Hung Gia Lợi. Xe van hiệu Mercedes, hai người ngồi một ghế băng sau nên rộng rãi thoải mái.

Anh tài xế trẻ kiêm tour guide nói tiếng Anh dễ nghe. Đi tour chỉ 5 du khách nên tương đối thoải mái, dù thỉnh thoảng hai thanh niên Ấn Độ bị tài xế nhắc nhở vì không trở về xe đúng giờ bắt nhóm phải chờ.

 

Hung Gia Lợi: “đất nước ngoan cường”

 Thỉnh thoảng tôi dùng từ của cán bộ “răng đen mã tấu”, những người sính dùng chữ đao to búa lớn hay khó hiểu để mô tả một chuyện bình thường. Ông bà mình gọi đấy là “dốt hay nói chữ”, rất đúng với các lãnh đạo cộng sản  sau khi Miền Nam bị xâm chiếm.

Tôi gọi Hung Gia Lợi là đất nước ngoan cường bởi tinh thần chống ngoại xâm thời mồ ma Liên Xô. Năm 1956, người dân thành phố Budapest đứng lên giành lại quyền tự trị để dân chủ hóa đất nước nhưng bị chiến xa Liên Xô và chư hầu đè bẹp. Thủ tướng Nagy Imre, một người cộng sản muốn Hung Gia Lợi độc lập với Liên Xô như  Thống chế Jozip Tito của Nam Tư, đã ủng hộ cuộc nổi dậy.  Ông bị bắt, bị xử kín và bị xử tử hai năm sau.

Trên danh nghĩa, Ba lan là nước đầu tiên mở đầu cho sự kết thúc chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu qua phong trào Công đoàn Đoàn kết và có một chính phủ không cộng sản vào tháng 9 năm 1989. Nhưng Hung Gia Lợi đã có những cải cách kinh tế và dân chủ từ đầu thập niên 1980 và vào tháng 10 năm 1989, nghĩa là một tháng sau Ba Lan, quốc hội Hung Gia Lợi biểu quyết cho phép bầu cử quốc hội đa đảng, phân chia quyền lực rõ ràng giữa lập pháp, tư pháp và hành pháp.

Việc Hung mở cửa biên giới với Áo quốc –một quốc gia trung lập— là một biểu hiện của sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Theo Tự điển Bách khoa điện tử, Hungary là chữ Anh của nước Magyarország mà chữ Hán-Việt là Hung Gia Lợi (từ đây gọi Hung cho ngắn gọn).

Người Hung (Gia Lợi) không bà con với người nam Hung Nô sống trong khu vực Mông Cổ trước Công Nguyên, sau này bị Hán hóa. Nhưng người Hung (Gia Lợi), tiếng Hung là Magyar,  có thể có nguồn gốc từ người Huns (người Âu châu gọi là Rợ Hung), một giống dân bắc Hung Nô sống ở vùng đất trải dài từ Kyrgyzstan đến Mông Cổ ngày nay. Vào thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, dưới sự lãnh đạo của (Rợ Hung) Attila (phiên âm: A Đề Lạp), Đế quốc Hung  mở rộng  từ Đức đến bờ biển Baltic. Attila được gọi là “tai họa của trời”, “ngọn roi của Thượng đế”,  là hiểm họa đáng sợ của Đế quốc Đông La Mã và Tây La Mã.

Ngồi trên xe từ Vienna đi Budapest, chúng tôi được tài xế cho biết sơ về lịch sử của Hung, là một dân tộc có nguồn gốc từ Mông Cổ di cư sang.  Nước Hung là một trong những quốc gia lâu đời ở Âu châu, được chính thức thành lập vào năm 896 do thủ lãnh 7 bộ lạc tạo thành dưới sự lãnh đạo của Arpad, thủ lãnh của người Magyar, trước khi các vương quốc Pháp hay Đức thành lập. Vì vậy, cả tháp của St. Matthias Church (xây giữa thế kỷ 13) lẫn  tháp tòa nhà quốc hội Hung (xây xong năm 1902) đều có chiều cao tối đa là 96 mét, để kỷ niệm năm quốc gia này được thành lập!

Quốc hội Hung với dòng chữ La Tinh “để tưởng nhớ” ngày 23.10.1956 khắc chạm trên mép bờ hồ. Hình: NHA

Năm 1001, khi Istvan (tiếng Anh: Stephen), vị vua đầu tiên  của Hung lên ngôi và theo đạo Công giáo, ông được Giáo hoàng La Mã gởi tặng cho một vương miện và ban cho tước hiệu “Apostolic Majesty” (vua tông đồ), một tước hiệu mà các vua Hung dùng cho đến khi chế độ quân chủ chấm dứt năm 1918. Istvan –vị vua đầu tiên của Âu châu theo đạo Công giáo—đã được phong thánh năm 1083 và trở thành thánh quan thầy của nước Hung, được người bên ngoài biết dưới tên St. Stephen.  Một vương cung thánh đường (basilica) được xây xong năm 1905 đặt tên vị vua đầu tiên của Hung là St. Stephen. Tháp nhà thờ cũng chỉ cao 96 mét.

Hung bị Mông Cổ xâm lăng hai lần vào thế kỷ 13 (như hai lần ở Việt Nam), lần đầu có khoảng 2 triệu người Hung bị giết. Lần thứ hai Mông Cổ thua tại thành phố Pest (hữu ngạn sông Danube). Vào thế kỷ 14, Hung mở rộng đất đai từ Biển Đen tới Biển Adriatic. Vào thế kỷ 15, phong trào Phục hưng xuất hiện ở Hung, chỉ sau Ý. Hung trở thành trung tâm văn hóa quan trọng của Âu châu. Năm 1472, một xưởng in được thành lập ở thành phố Buda (tả ngạn sông Danube).

Hung bị đế quốc Ottoman chiếm đóng trong vòng một thế  kỷ rưỡi (Trong cuộc khủng hoảng tị nạn mấy tháng vừa qua, Thủ tướng Hung Viktor Orban bị các nước lân bang chỉ trích không có lòng nhân đạo khi đóng cửa biên giới nhưng ông Orban nói “chúng tôi không muốn mang hậu họa”, ám chỉ Hung từng bị Đế quốc Ottoman của Hồi giáo cai trị. Ông cũng nói thẳng không muốn nhận người Hồi giáo vì tôn giáo này không phù hợp với tôn giáo của nước ông và ông sợ có ngày người Hung sẽ trở thành người thiểu số tại nước họ nếu cho người Hồi giáo sống ở Hung).

Năm 1867 vương quốc Hung đã liên kết với Đế quốc Áo để thành lập Đế quốc Áo-Hung. Trong đệ I & Đệ II thế chiến, Hung chiến đấu bên cạnh Đức. Sau khi Đức thua trận, Hung bị Liên Xô xâm lăng, mở ra thời kỳ nhà nước cộng sản dưới sự bảo hộ của Liên Xô. Chính phủ cộng sản sắt máu kiểu xít-ta-lin  của lãnh tụ Matyas Rakosi làm dân Hung bất mãn, gây nên cuộc nổi dậy ở Budapest vào ngày 23.10.1956 do sinh viên chủ động.

Budapest đã đi trước Mùa xuân Prague (Tiệp) đến 12 năm. Lúc đó Imre Nagy được đưa lên làm thủ tướng, tuyên bố Hung trung lập, rút khỏi Hiệp ước Warsaw, xóa bỏ chế độ độc đảng, đòi Liên Xô rút quân.

Sáng ngày 4.11, Liên Xô đưa 17 sư đoàn với xe tăng hỗ trợ tiến vào thành phố Budapest ở hai hướng Pest và Buda của bờ sông Danube, hàng chục ngàn dân quân và binh sĩ trung thành với chính phủ  Imre Nagy  chống cự trong tuyệt vọng. Ngày 10.11. nhóm kháng chiến cuối cùng kêu gọi dân chúng ngừng bắn. Có hơn 2,500 người Hung và trên 700 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng. Thủ tướng Nagy bị bắt đưa qua Liên Xô, bị xử kín và hai năm sau, bị xử tử.

Một góc Quảng trường The Heroes với tượng đài Millenium Memorial ở giữa. Hình: NHA

Khoảng hai trăm ngàn người Hung sau biến cố Budapest 1956 đã chạy trốn và trở thành người tị nạn khắp nơi trên thế giới, như người Việt Nam sau biến cố 1975. Riêng Hồng y Giáo chủ Jozsef Mindszenty (1892-1975), bị cộng sản giam tù  năm 1949, được giải thoát năm 1956 và ủng hộ cuộc nổi dậy, nhưng khi Liên Xô tái lập chế độ cộng sản, đã xin tị nạn chính trị trong tòa đại sứ Mỹ 15 năm, cho đến khi được phép rời nước năm 1971 và sống lưu vong, chết ở Vienna năm 1975. Hồng y Mindszenty được người Hung kính mến và họ vận động để phong thánh vị hồng y được coi là can đảm trước mọi bạo lực và bất công.

Năm 1989, Cộng hòa Hung Gia Lợi đã quyết định chọn ngày người dân Budapest nổi dậy chống Liên Xô  là ngày quốc khánh. Du khách đến thăm Budapest, sẽ thấy hồ nước trước tòa quốc hội có khắc dòng chữ trên đá cẩm thạch tưởng nhớ ngày 23.10.1956.

Với tài liệu của bách khoa tự điển mở và dẫn giải của tour guide, người viết đã đưa bạn đọc ngược dòng lịch sử hơn một ngàn năm của Hung Gia Lợi.

 

Một vòng Buda và Pest

Hung là một nước cộng hòa, gia nhập khối NATO, Liên Âu, thành viên hiệp ước Schengen (đi lại giữa các nước thành viên không cần visa), diện tích khoảng 93,000 cây số vuông, dân số khoảng 10 triệu, tôn giáo chính là Công giáo. Tiếng Hung (Magyar)  như tour guide cho chúng tôi biết là một ngôn ngữ hoàn toàn khác với các ngôn ngữ Âu châu và khó học.

Budapest là thủ đô của Hung với dân số khoảng 1.7 triệu người, được thiên hạ phong tặng nhiều danh hiệu như “Paris phía Đông”, “Viên ngọc Danube”, “Trái tim Âu châu”… Người tour guide nói một thủ tướng của Hung sau khi đi thăm Paris đã về bắt chước thiết kế thành phố Budapest như  Paris. Chúng tôi được đưa lên đồi cao gọi là Citadel Hill, một địa điểm được cho là ngắm cảnh thành phố đẹp nhất.  Và quả thật như vậy.

Sông Danube chảy qua 9 quốc gia nhưng không có nơi nào con sông xanh đẹp như thế.  Từ đồi cao chúng tôi ngắm con sông nước xanh blue lượn vòng cung hai bên là những dinh thự cổ kính và núi trùng điệp cuối chân trời. Budapest là tên ghép của hai thành phố. Bên trái Danube là Buda, tên của một lãnh tụ người Hung trước thời lập quốc, là thành phố của những  lâu đài cung điện tuyệt đẹp xây dựng trên ngọn đồi. Bên phải là Pest, nơi có nhiều suối nước nóng, là vùng đồng bằng với những tòa nhà cổ kính như vương cung thánh đường St. Stephen, Quốc hội,  Quảng trường các Anh Hùng… Hai thành phố được sát nhập với nhau vào năm 1873, giao thông bằng 9 cây cầu rất đẹp, nổi tiếng nhất là cầu xích Chain Bridge là cây cầu có đường dây cáp kéo các toa lên Lâu Đài Buda hay Royal Palace trên đồi cao.

Cũng như Vienna, Budapest có 22 quận. Buda chỉ có 4 quận, phần còn lại nằm ở bên Pest, làm nên khu đô thị mới sau này.

Chúng tôi được chở tới khu Buda Castle và có một tiếng đồng hồ thăm viếng các lâu đài cung điện được xây từ  thời lập quốc như nhà thờ Matthias. Người ta nói vua Thánh Stephen khi lên ngôi đã cho xây một thánh đường vào năm 1015 tại Matthias Church hiện nay, bị người Mông Cổ xâm lăng phá hủy năm 1241. Nhà thờ hiện nay được xây lại giữa thế kỷ 13, được đặt tên Virgin Mary và nhiều tên khác, cuối cùng là Matthias, tên của vị vua vào thế kỷ thứ 19. Matthias Church là nơi một số vị vua cuối cùng của Hung đăng quang hay làm lễ cưới, được xem là một trong những ngôi thánh đường đẹp nhất ở Hung. Matthias Church nằm trước mặt pháo đài  Fisherman’s Bastion.  Quanh thành của pháo đài nhìn xuống sông Danube có 7 tháp canh tượng trưng cho 7 bộ tộc kết hợp thành nước Hung. Pháo đài thật đẹp và hùng vĩ, là kết hợp kiến trúc tân Gothique và tân Romanesque. Giữa nhà thờ và pháo đài là tượng đồng vua Thánh Stephen cỡi ngựa dựng trên đài cao. Toàn bộ phức hợp này được người dân Hung bình chọn là một trong 7 kỳ quan kiến trúc của Hung và được UNESCO liệt vào di sản văn hóa thế giới.

Những chùm ớt đỏ treo trước cửa tiệm trông như các chùm pháo tết. Hình: NHA

Tour guide tiếp tục đưa chúng tôi băng qua sông Danube để tới Pest là trung tâm của thành phố, khu hành chánh và thương mại của Budapest. Chúng tôi được thả bộ xem Vương cung Thánh đường St. Stephen. Ngôi thánh đường này lớn nhất Budapest có thể chứa 8,500 người một lúc,  dành để kính nhớ vị vua đầu tiên của Hung, nơi có hòm thánh được cho là đựng cánh tay phải của vị vua thánh này.

Kiến trúc theo kiểu tân cổ điển với ba tháp mặt tiền cao 96m (giống chiều cao của Quốc hội), có cái chuông lớn nhất nước, nặng đến 9 tấn.

Phải mất 5 thập niên với 3 kiến trúc sư mới xây xong vì có lúc đang xây, mái vòm sập, rồi có kiến trúc sư đang thi công bị chết bất ngờ. Thiên hạ đồn rằng năm 1906 khi khánh thành và cung hiến vương cung thánh đường, Hoàng đế  Francis Joseph cứ nhìn lên vòm nhà thờ vì sợ nó lại bị sập.

Chúng tôi đứng nhìn những chiếc đồng hồ trên hai tháp tả hữu, thấy kim chỉ đúng 12 giờ trưa (Thứ Bảy 25.7.2015), trên vách vòm cửa tiền đình thánh đường có khắc dòng chữ La Tinh mạ vàng “Ego sum via veritas et vita” có nghĩa “Ta là đường, sự thật và sự sống”.

Chúng tôi được đưa tới tòa nhà Quốc hội cách đó gần 2 cây số, nằm ven con sông xanh Danube. Đây là một trong những tòa nhà quốc hội đẹp nhất thế giới, không những vì nó nằm sát con sông đẹp và danh tiếng mà vì kiến trúc độc đáo: to lớn và kiểu cách. Khu vực mặt tiền của Quốc hội là một quảng trường rộng, có hồ nước hình chữ nhật dài nằm sát con đường lớn dành cho xe tram, xe đạp và bộ hành. Hai bên tả hữu của quốc hội có bức tượng của các vị anh hùng như tượng hoàng tử Rakoczi  (1676-1735) người đứng lên chống Đế quốc Áo nhưng thất bại, sống lưu vong và từng vận động các lân bang để trở về nước nhưng không thành và chết ở xứ người, chôn ở thành Constantinople của Đế quốc Ottoman. Năm 1906 xác Rakoczi được cải táng mang về chôn ở vương cung thánh đường Elizabeth ở thành phố Kassa của Vương quốc Hung, nay là Cộng hòa Slovakia.  Có đài phun nước trắng xóa rất đẹp trước tượng đồng Rakoczi cỡi ngựa dựng trên bệ cao vào giờ cố định nào đó, như chúng tôi đã thấy.

Phía phải là một đài tưởng niệm gồm 9 bức tượng thạch cao mà người đứng giữa là Kossuth, một dân biểu có đầu óc quốc gia và nhà hùng biện trứ danh của Âu châu thời đó và là người lãnh đạo cuộc cách mạng 1848 chống triều đại Habsburg của Áo. Kossuth thất bại vì hoàng đế Áo được Nga giúp tiêu diệt cuộc nổi dậy của dân Hung.

Chúng tôi được chở đi tiếp. Xe chạy trên Đại lộ Andrassy  có nhiều cây xanh được xây cách đây 135 năm và được ví như  một Đại lộ Champs Elysées của Hung, như tour guide giới thiệu. Cuối đại lộ là quảng trường The Heroes, là nơi tour guide nói nổi tiếng nhất ở Budapest.  Những kiến trúc ở quảng trường làm chúng tôi nhớ những chuyến du lịch ở La Mã.

Buddha-bar bán bia rượu và thịt có treo ảnh của Phật. Hình: NHA

Giữa quảng trường là một cột tháp mang tên Đài Tưởng Niệm Ngàn Năm (Millenium Memorial) xây năm 1896 để kỷ niệm 1000 năm lập quốc của Hung. Tượng 7 vị tù trưởng của 7 bộ lạc cỡi ngựa chạy quanh đài.  Hậu cảnh của quảng trường là hai bức tường hình bán nguyệt  với những cột trụ kiểu Hy-La, có tượng 7 vị tù trưởng. Ngoài ra, bên cánh trái quảng trường có  tòa nhà gọi là mộ các chiến sĩ vô danh.

Quảng trường này nổi tiếng bởi có những sự kiện lớn trong lịch sử Hung diễn ra ở đây, như ngay sau khi chế độ cộng sản Hung bị sụp đổ năm 1989, quốc hội Hung đã cho tổ chức lễ quốc tang cố Thủ tướng  Imre Nagy (bị xử tử sau cuộc nổi dậy 1956) một cách trọng thể. Có đến 250,000 người dân Hung tham dự.

Có lẽ tham quan như vậy cũng đủ rồi, tour guide chở chúng tôi tới một công viên cạnh bờ sông Danube để chúng tôi tự do  và hẹn chúng tôi 3 tiếng sau trở lại để lên đường về khách sạn.

Chúng tôi không dám đi xa  vì trong tay không có bản đồ của khu phố Pest này. Đi vào trung tâm thương mại, trước hết gặp một tiệm massge của Thái. Vừa tò mò vừa cũng muốn tẩm quất cho đỡ mệt và trốn nắng.  Thấy đề giá 25 Euro/ giờ, tôi hỏi có máy lạnh không, cô gái người Á châu nói có và đề nghị giá đặc biệt: 20 Euro. Tôi nói để tôi kiếm gì ăn trưa và sẽ tính sau.

Muốn giải quyết vấn đề vệ sinh, chúng tôi vào tiệm McDonald gần đó mua gói chip và ly coca để đi vệ sinh, vì chỉ có người nào có receipt mới được sử dụng, ngoài ra, phải trả tiền dùng toilet vì có người gác cửa. Cũng nhờ vậy, toilet sạch sẽ.

Ở thành phố này phần lớn người  ta chấp nhận trả bằng Euro, nhưng thối tiền sẽ bằng tiền Hung.  1 Euro ăn khoảng 270 hay 300 HUF (tiền Hung).

Chúng tôi thả bộ để xem phong cảnh, phố xá, chỗ mua sắm. Không quá đông đúc xô bồ mà cũng không vắng vẻ buồn tẻ. Budapest khá đẹp, đáng là nơi cho du khách đến thưởng lãm. Tôi nghe nói rượu và bia của Hung nổi tiếng như tài xế kiêm tour guide giới thiệu, nhưng không thể phí thì giờ để vào các quán lề đường hay tiệm ăn để thưởng thức các món ăn của người Hung. Hình như người Hung chuộng đồ cay, bởi tôi thấy ở một vài cửa tiệm treo từng chùm ớt trái màu đỏ như chùm pháo tết. Trời nóng nhìn ớt càng thấy nóng hơn, nên lại càng không muốn ăn.

Có một kiosk khá xinh giữa đường phố có tên  buddha-bar bán thức ăn Á châu với rượu bia nhưng lại trang trí ảnh của Phật! Có treo quảng cáo vài thức ăn Tàu và Nhật kiểu “all you can eat Sunday” với giá 7,900 HUF tức khoảng 30 Euro hay khoảng 45 Úc kim.

Đi một đoạn quanh phố, tôi gặp rất nhiều tiệm massage, như tiệm buddhaattitude, vừa đấm bóp, vừa làm mặt, móng tay. Tôi không hiểu tại sao họ thích dùng từ buddha cho các cửa tiệm có dịch vụ khá trái ngược với đạo Phật (Hung mới thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản được 25 năm).

Phụ nữ Việt trước tiệm nail và massage Á châu ở Budapest. Hình: NHA

Tới một đoạn nữa, thấy một phụ nữ Việt Nam đứng trước cửa tiệm có bảng hiệu  Nails & Asia massage vắng khách. Phụ nữ này đang nhìn vào  máy điện thoại cầm tay, tôi hỏi “Cô có phải người Việt không?”.  “Dạ”, một giọng nói quen thuộc của người Việt ở Đông Âu. Tôi đoán cô là chủ tiệm này nên hỏi có phải cô là chủ không, nhưng cô trả lời không. Có thể chỉ là nhân viên?

Cô hỏi có phải chúng tôi đi tour không, tôi nói phải, nhưng cô kinh ngạc: “Ủa! Đi tour  mà chỉ có một mình cô chú không thôi à?”.

Cô cho biết qua Hung được 3 năm. Tôi hỏi có bao giờ cô gặp ca sĩ Anh Khoa không thì cô cho biết Anh Khoa sống ở một quận rất xa trung tâm thành phố nên chỉ gặp Anh Khoa khi  sứ quán (VN) tổ chức tiệc tùng.

Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, ca sĩ Anh Khoa lấy con gái của đại sứ  nước Hung Gia Lợi xã hội chủ nghĩa và vì thế định cư ở Budapest, thỉnh thoảng qua Mỹ hay về Việt Nam trình diễn.

Chúng tôi đi tiếp xem có thứ gì mua được để làm kỷ niệm không nhưng chẳng thấy có gì độc đáo với chúng tôi.  Nhà tôi cũng không mua được bộ y phục nào cho mùa hè sắp tới ở Úc.

Có một điều mà cả hai vợ chồng chúng tôi cùng nhận xét giống nhau: ở Budapest có rất nhiều tiệm massage và cửa tiệm đổi tiền!  Phố Pest còn được tiếng là nơi có  nhiều nhà tắm nước nóng, nước khoáng, vừa tắm vừa đánh cờ như tôi thấy trên các quảng cáo. Nhưng với 7 tiếng đồng hồ ở thủ đô Hung, chúng tôi chỉ thấy được chừng đó, như đã trình bày với bạn đọc.

Rời Budapest, tôi nhớ hồi còn trẻ tôi thích nghe bài hát “Chủ nhật buồn” của nhạc sĩ người Hung do Phạm Duy phổ lời Việt từ bài tiếng Pháp Sombre Dimanche (Chủ Nhật buồn đi lê thê… Bước chân người, đến với tôi thì muộn rồi…). Bài ca này được nhạc sĩ dương cầm Rezso Seress  viết năm 1933.

Khi ca khúc này được tung ra, nghe nói đã có cả trăm người tự tử khi nghe bản nhạc làm một số nhà xuất bản từ chối phát hành, nên có lúc bài hát bị cấm, nhưng nó vẫn được phổ biến rộng rãi khắp thế giới. Tác giả sau khi biết được những vụ tự tử liên quan đến bài hát, như cô gái chết trong tay cầm bản nhạc Chủ nhật buồn, ông muốn thu hồi cũng không được.

Ca khúc “Chủ Nhật buồn” được người ta gọi là “Bài ca tự sát Hung” (Hungarian suicide song). Đây là một trong những bài hát buồn đến kinh khiếp, từ giai điệu cho đến ca từ. 35 năm sau khi viết bài này,  chính tác giả cũng tự tử vào năm 1968.

* * *

Thế là chấm dứt 3 tuần lễ của một chuyến Âu du rất thú vị, bắt đầu từ những chiếc cối xay Hòa Lan của anh bạn nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng đến dòng sông xanh giữa lòng Budapest của nhạc sĩ Johann Strauss.

Ngày trở về, trước khi ra phi trường, chúng tôi ghé ra khu quảng trường St. Stephen mua những hộp kẹo chocolate có hình nhạc sĩ Mozart làm quà tặng bà con bạn bè vì chocolate Áo cũng nổi tiếng không thua gì Bỉ hay Đức.  Nhưng trời bỗng mưa lớn, tôi phải gọi taxi chở về khách sạn. Anh taxi nói đến khách sạn anh sẽ tắt đồng hồ tính tiền và đợi chúng tôi mang vali ra xe thì sẽ mở máy lại, nhưng cho biết ngoài tiền ghi trên đồng hồ, chúng tôi phải trả thêm 13 Euro tiền thuế xe vào  phi trường. Anh nói anh sinh đẻ ở Hung lớn lên ở  Áo  nên nói được hai thứ tiếng, nhưng trong thời gian du lịch tôi chưa thấy ông taxi nào nói tiếng Anh lưu loát dễ hiểu như anh này. Anh quen người Việt và muốn đi thăm Việt Nam nhưng chưa có dịp. Đến phi trường, đồng hồ chỉ 29 Euro, anh cộng thêm 13 Euro thành 42 Euro. Anh nói lấy 40 mà thôi, nhưng dĩ nhiên tôi đưa nhiều hơn cho anh chàng taxi dễ thương của Thành Viên.

Vương cung Thánh đường St. Stephen ở Budapest. Hình: NHA

Trước khi lên máy bay, gặp một phụ nữ Việt, bà tưởng chúng tôi là người từ Việt Nam sang du lịch. Nhưng khi biết chúng tôi ở Úc thì hỏi đời sống ở Úc có hơn Áo không. Tôi nói Vienna đẹp, nhưng Úc thì quá ngon lành, nơi có đến 250,000 người Việt. Bà nói ở Áo chỉ có khoảng 3,000 người Việt.

Bà qua Áo được 30 năm do chồng bảo lãnh, bây giờ về thăm thân nhân.

Bà nói an sinh xã hội ở Áo rất tốt vì chính phủ chăm sóc cho người dân, nhất là những bà mẹ có con. Bà cho biết nước Áo có nhiều người thất nghiệp vì không có việc làm và bà ngưỡng mộ nước Úc vì nghe nói Úc rất đẹp.

Ông Ấn Độ trung niên đi tour với chúng tôi dù đã dự hội nhiều nơi ở Âu châu, nhưng khi nghe tôi nói về nước Úc thì rất thích thú.

Đi nhiều nơi cho biết đó biết đây, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất may mắn được sống ở đất nước Úc-đại-lợi phúc địa này.

Hẹn bạn đọc mục Kể chuyện đường xa vào lần tới.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 28.11.2015