Hỏi và đáp 70: Cái đạo vợ chồng

06 Tháng Một, 2009 | Uncategorized

 

Hay Tiếng Chuông Cảnh Tỉnh

– Phần Kết

 (Thư em TH, NSW)

 

Bạn đọc thân mến,

Đáng lẽ những bài viết có liên quan đến lá thư “Tiếng chuông cảnh tình” của ông TTD đã được chấm dứt từ tuần trước. Nhưng nay Thanh Lan bắt buộc phải dành thêm một kỳ nữa thì “may ra” mới kết thúc được vấn đề. Lý do chính không phải là cái bài “Tề thiên phải vạ” của ông TN chỉnh chị Ngọc Bích, mà là một lá thư của một nam độc giả: Ông Vũ Trường Giang.

 

Phải thành thực mà nói, lá thư của ông TTD dù muốn dù không đã là một mồi lửa châm ngòi cho “cuộc chiến vốn đã âm ỉ” từ lâu giữa hậu duệ của Lạc Long Quân và cháu chắt của Trưng Triệu.

 

Đọc thư ông TTD kết tội các bà cay cú phản công, bị các bà phản công, các ông nổi giận lôi đình… mà người gây ra cái vòng luẩn quẩn đó chính là Thanh Lan, vì Thanh Lan đã cho đăng nguyên văn lá thư của Ông TTD… Sau khi đọc xong lá thư của ông Vũ Trường Giang, Lão Ngoan Đồng đã vò đầu bức tóc than: “Phải chi cô giao lá thư của cái ông TTD cho tôi thì đâu có đến nỗi!”.

 

Nhưng riêng Thanh Lan tự thấy vấn đề tuy có rắc rối, nhưng cũng chắng có gì đáng gọi là trầm trọng. Trước khi đi đến một kết luận kết chung, Thanh Lan xin trích đăng một vài đoạn quan trọng tong lá thư của ông Vũ Trường Giang:

 

Sau khi không đồng ý với Thanh Lan về việc cho rằng một khi phải ra đời bon chen kiếm đồng tiền “mồ hôi nước mắt” người vợ dễ đánh mất đi phần nào cái dịu dàng, thùy mị cố hữu của mình… Ông Giang đã viết:

 

… Thưa các ông các bà, một gia đình không có tôn tri trật tự thì gia đình ấy sẽ ra sao? Và cái xã hội này như thế nào? Các ông các bà thường nói văn hóa phong tục, tập quán của người Á Đông là nên thay đổi theo thời đại mới ngày nay. Như vậy thời đại mới này, cái nào hơn xưa, để tạo cho sự ấm êm của đạo vợ chồng, hay là làm đảo lộn trật tự nề nếp của gia đình?

 

Chúng tôi nêu lên đây không phải là giữ lấy cố xưa, mà nói đến nhữnggí con người Á Đông của chúng ta có, và nếu muốn thay đổi, thí các ông các bà thay đổi sao cho có tình có lý, chớ còn thay thời đổi thế mà làm đảo lộn cái đạo lý làm người, thì như vậy nó sẽ đi về đâu?…

 

Tiếp theo ông Giang đã bày tỏ sự bất đồng ý kiến với những nhận định của chị Ngọc Bích:

 

… Xin hỏi có phải con người ta thường đem những cái hay cái đẹp ra đối với nhau trong buổi ban đầu phải không? Và có cuộc đổ vỡ nào trên xã hội này đôi bên nhận cái lỗi của nhau không?

 

Theo như lời của chị Ngọc Bích, chúng tôi nhận thấy chị bênh vực cho phe ta quá đáng, không thể nói có việc làm hay thất nghiệp, cái đẹp, cái xấu do mỗi con người tạo nên không ai bắt buộc ai cả. Không có xưa thì làm sao có nay, không có đạo lý làm người thì làm sao có tình yêu như lời chị nói vậy. Cái câu “đói cơm khát mắm lem hem, còn no cơm ấm áo thì việc này việc kia sao?”.

 

Xin thưa đừng nói tại với bị hay hoàn cảnh thế này thế kia, mà phải nói là lòng tham không đáy của con người, như chị đã nêu ra là đi làm để có tiền phụ thêm cho gia đình, lo cho chồng con và mọi chi tiêu khác. Như vậy thì có đúng với câu “đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn sao?” Còn công bằng thì làm thế nào mới công bằng?

 

Và như chị nói bị bắt buộc ra đời làm ăn thì chúng tôi không thể chấp nhận được, mà phải nói là bổn phận trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng lo cho tương lai con cái ở mai sau…

 

… Thưa các ông các bà, như chị Ngọc Bích nói là coi thường, lên mặt là hành động là vô tình, tại sao vô tình? Khi nói thì phải xét việc chớ, có phải muốn nói sao thì nói à? Nếu lý trí đòi hỏi thì nên dẹp qua tình yêu chân chính của con tim.

 

Khi chưa lấy nhau nên chồng vợ thì khoan bàn đến, và nếu đã lấy nhau rồi mà đòi hỏi công bằng, thì nên thực hiện theo công bằng nơi xã hội này; nếu ông đã đi đèn đỏ, thì tôi đi đèn xanh, nếu ông hút thuốc thường thì tôi hút xì ga; nếu ông uống bia tôi uống rượu mạnh và bỏ đi đạo vợ chồng, bơ luôn trách nhiệm gia đình và tất cả mọi thứ để được công bằng theo sự đòi hỏi ước muớn của mình.

 

Chị NB có nói cùng một số chị em bạn thường xem mục của các ông TN và các cây bút khác đều mai mỉa các bà các cô. Vậy xin mạn phép hỏi có hiểu vì sao các ông ấy nói như vậy không? Chúng tôi không tán đồng mà cũng không chê trách các ống ấy. Còn việc chị nói công bằng bình đắng, thì các bà phải làm sao?

 

Trên cuộc đời này, chúng tôi nhận thấy bọn đàn ông luôn luôn bị các bà gây nhiều đau khổ, vì lòng tham không đáy, có câu ông bà nói “đàn bà là nồi cơm trách mắm, chớ có phải đàn ông đâu mà câu cắm câu rê” và nên thân gì khi người vợ to tiếng với chồng con lời một tiếng hai! Vậy câu nói “Vợ giận, chồng lại hỏi thưa mình giận em chi?”. Các ông các bà đã làm được chưa mà đòi hỏi sự công bằng?

 

Thưa các ông các bà, những lời chúng tôi nói ra đây không phải chỉ trích, hay muốn hơn thua cho cá nhân, mà chúng tôi muốn nói đến cái bản chất nằm nơi đáy lòng của những sự gì đã có; và nếu có đổi thay thì xin cân nhắc trước khi bỏ cái cũ thay vào bằng cái mới, và chắc cũng có khi chạm đến cái tự ái tư ti của các vị tân thời.

 

Xin thưa với qúi vị, cuộc đời là vậy. Xin nói thêm cùng các bạn, hãy tìm nguyên nhân của sự thay đổi đời, hai nền văn hóa Đông và Tây, phong tục tập quán của hai phương, và nếu biết kết hợp hai cái hay của hai nền văn hóa phong tục thì tìm được hai chữ Hạnh Phúc mà các ông các bà đang tìm kiếm…

 

Bạn đọc thân mến,

 

Qua đọc các lá thư của ông TTD, của chị Ngọc Bích, chị TP và nay của ông VT Giang, hẳn bạn đọc cũng thấy một điều là: ai cũng có cái lý của mình, một cái lý có căn có cơ chứ không phải là một cái lập luận hồ đồ.

 

Cái đạo vợ chồng như cha ông truyền lại là “phu xướng phụ tùng” xưa nay vẫn được đề cao trong cuộc sống gia đình Á Đông, cái thân phận thấp kém của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội cũng là một đều không thể chối cãi, nhưng bên cạnh đó việc những người chồng đau khổ vì gặp phải bà vợ tham lam, lấn lướt cũng không phải là không có… Vậy vấn đề đặt ra không phải là Nguyên Tắc, mà chính là Con Người!

 

Chính vì thế mà người ta thường khuyên trai gái nên tìm hiểu nhau càng nhiều càng tốt trước khi tiến tới hôn nhân. Khi đã bắt đầu cuộc sống gia đình, không phải là mọi việc đã xong xuôi, mà coi như mới bắt đầu. Tính tình xung khắc, tài chánh khó khăn, con cái khó dậy… đều là những yếu tố ảnh hưởng đến cái tình yêu “tưởng như thơ mộng lúc ban đầu”.

 

Lúc đó chính cái tư cách, cái căn bản giáo dục, cái ý thức… của mỗi người sẽ quyết định hạnh phúc. Đó cũng là cái ý khi Thanh Lan viết: “Người vợ nào coi thường chồng thì đã có ý tưởng đó từ lâu, chứ không phải đợi đến lúc làm ra tiền”. Còn người vợ nào khi làm ra tiền rồi mới coi thường chồng, thì qủa là họ coi trọng đồng tiền, và tham lam như ông VT Giang đã lên án!

 

Thanh Lan, chị Ngọc Bích và chị TP đã không hề “biện hộ” cho những người vợ tham lam này mà chỉ trình bày về những nguyên nhân đã khiến người đàn bà Việt Nam ở xã hội Úc, một khi phải ra đời thì “không thể nào lo lắng cho chồng con như những ngày còn thảnh thơi như ở quê nhà” được nữa.

 

Kết tội đàn bà mà không nhìn đến hoàn cảnh xã hội là bất công, lá phi lý, bởi vì hoàn cảnh xã hội thay đổi trước. Những người đàn bà lợi dụng hoàn cảnh xã hội, lợi dụng sự “giải phóng phụ nữ” là thiểu số cá biệt! Thanh Lan xin nhắc lại: “Làm đàn bà ai không muốn ở nhà lo việc nội trợ, phục vụ chồng con”, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Mà một khi hoàn cảnh đã không cho phếp thì người chồng phải biết thông cảm, và tự đặt một giới hạn ra cho vợ: như thế nào là phụ giúp chồng, như thế nào là tham lam?

 

Đến đây Thanh Lan xin có đôi dòng về bài viết “Tề Thiên Phải vạ” của tác giả TN: Cái việc ông xây dựng chị Ngọc Bích là việc cá nhân giữa hai người, nhưng cái đoạn:

 

Bà cho rằng vợ phải giúp chồng để kiếm tiền trả nợ ngân hàng… Tôi thấy nếu người vợ biết tự hài lòng với những nhu cầu vật chất bình thường, không đua đòi… bắt chồng phải thỏa mãn các sở thích của mình… thì lương một người cũng đủ tiêu”…

 

Qủa thực là không thể chấp nhận được. Thanh Lan có thể khẳng định một điều rằng: nó chỉ đủ tiêu nết ta không bao giờ nghĩ đến việc mua một căn nhà, mua một cái xe mới, ở thì ở Housing, con cái thì giao cho nhà nước, học trường công, áo quần sách vở thì gom góp từ tiền sữa v.v… Có lẽ ý kiến của ông Vũ Trường Giang là đúng nhất: “Đã là vợ chồng thì phải chung lo gánh vác để lo cho tương lai con cái, không nên dùng chữ Bắt Buộc…”

 

Tuy nhiên trở lại với những trường hợp chung chung, Thanh Lan xin góp ý với ông Giang là: không phải người vợ nào cũng tham lam, cũng muốn làm khổ chồng thành ra ông viết “trên đời này chúng tôi nhận thấy bọn đàn ông luôn luôn bị các bà gây nhiều đau khổ vì lòng tham không đáy…” Có lẽ hơi quá đáng chăng? Xin ông đọc lại lá thư của chị TP, Thanh Lan tin rằng chị ấy không tả oán, thổi phồng quá độ đâu…

 

Bạn đọc thân mến,

 

Thanh Lan không bao giờ muốn vấn đề mà lá thư của ông TTD đưa ra sẽ trở thành một cuộc “Debate” của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chửi bới nhau trên TV Mỹ, mà qua những ý kiến của các lá thư từ hai phía, nó đã đưa ra được những cái khổ tâm của những người làm chồng, những kẻ làm vợ. Nếu ta chỉ kể lể mà không chịu tìm hiểu nỗi lòng của kẻ khác thì chẳng bao giờ đi đến chỗ hòa hợp thông cảm!

 

Tóm lại, chúng ta đang phải sống trong một xã hội Tây phương nhưng lại cố gắng duy trì một nề nếp gia đình Á Đông. Thiếu thiện chí, thiếu sự thông cảm, thiếu sự suy nghĩ… chúng ta rất dễ đi đến chỗ “tự làm khổ mình và gia đình mình”.

 

Theo Thanh Lan được biết đó cũng là cái gì đã và đang xảy ra cho đại đa số các gia đình Việt Nam ở Úc này. Vật chất tuy có đầy đủ, nhưng về tinh thần, không ít thì nhiều, đã không còn được thoải mái, yên vui như những ngày xa xưa nữa.

 

Vậy mỗi người trong chúng ta hãy tự nhìn lại con người của mình và tự hỏi “mình có làm cho người bạn đường của mình sung sướng chưa”, nếu chưa thì nên theo chị TP: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta sẽ tìm ra “ánh sáng cuối đường hầm” vậy.

 

Thanh Lan xin được kết thúc vấn đề của ông TTD ở đây.

Thân mến.

 

(TVTS – 148)