Ác với dân hèn với giặc

16 Tháng Tám, 2017 | Bình Luận
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Photo Courtesy: VOA Tiếng Việt

Trong vòng một tháng qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ, giam giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến bất chấp sự phản đối của người dân, đại diện các quốc gia dân chủ và các tổ chức quốc tế.

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người mẹ 38 tuổi có hai con nhỏ,  bị tuyên án 10 năm tù  vì “tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo khoản 1, điều 88 Bộ luật Hình sự”.

Theo báo chí trong nước, Mẹ Nấm sử dụng blog, facebook “để soạn thảo, đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết sai sự thật, không có căn cứ, tuyên truyền, đả kích đường lối chính sách của Đảng, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.

Cáo trạng cũng buộc Mẹ Nấm tội soạn một tập tài liệu tiếng Anh có tiêu đề “Phải chấm dứt việc công an giết thường dân” với mục đích “để người đọc hiểu sai bản chất, xúc phạm và hạ uy tín của Công an Nhân dân Việt Nam”  cũng  như đã nhiều lần trả lời phỏng vấn các cơ quan báo đài tổ chức truyền thông nước ngoài để xuyên tạc tình hình trong nước.

Tuần qua, bà Trần Thị Nga, người mẹ 40 tuổi có bốn con trong đó có hai con còn nhỏ, đã bị tòa án tuyên phạt 9 năm tù và 5 năm quản chế vì  “tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo khoản 1, điều 88 Bộ luật Hình sự”, theo báo chí trong nước. Cái gọi là “tội phạm” của hai phụ nữ này giống nhau chiếu theo bộ luật nhằm bỏ tù người dân bất đồng chính  kiến.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân nói rằng bà Nga đã lập tài khoản blog, facebook, đã làm và tàng trữ 13 video clip “có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Nhà hoạt động Trần Thị Nga ở Hà Nam bị bắt ngày 21.01.2017. Photo Courtesy: SBTN

Hai phụ nữ này đã bị xử chớp nhoáng trong một ngày, các luật sư không được trình bày và chất vấn, các thân nhân không được dự phiên xử. Trước đó, các luật sư của họ trước đã nói với báo chí ở nước ngoài rằng thân chủ của họ sẽ đối phó với một bản án có sự chỉ đạo.

Cùng lúc xử hai phụ nữ này, nhà nước đã bắt thêm những người tranh đấu cho nhân quyền, môi sinh (Formosa) và chủ quyền quốc gia (Biển Đông) như sinh viên Trần Hoàng Phúc mới đây và cựu bộ đội Lê Đình Lượng. Cháu họ của ông Lượng, Luật sư Lê Quốc Quân, nói ngoài tranh đấu về giáo dục, nông nghiệp ông Lượng còn đau đáu về chuyện Formosa, biển đảo nên cuối tuần, tự làm biểu ngữ cùng một số anh em bạn bè mang ra đường phản đối. Như hầu hết báo lề phải trong nước, tờ Tuổi Trẻ loan tin “Công an Nghệ An khẳng định việc thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Lê Đình Lượng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng  Hình sự”.

Cùng với việc dùng Bộ luật Hình sự để bắt và bỏ tù dân, chính quyền  địa phương còn dùng vũ lực và côn đồ để chiếm đất của dân như trường hợp Đan viện Thiên An ở Huế. Công an và côn đồ đã tấn công các đệ tử của đan viện và đập phá biểu tượng tôn giáo của tu viện như cây thánh giá. Hung hăng với dân, nhưng nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam rất hèn trước ngoại bang, kẻ thù truyền kiếp mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Cách đây khoảng tháng rưỡi, Thượng tướng Phạm Trường Long,  phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc sang thăm Việt Nam đã đột ngột bỏ ra về, nghe nói phản đối Việt Nam cho phép công ty Repsol của Tây Ban Nha thăm dò dầu khí ở vùng biển đang có tranh chấp. Lô 136-03 cách bờ biền VN chỉ 400km trong khi cách xa TQ hơn 1,000km.

Tuy nhiên, tuần qua VN đã ra lệnh cho Repsol ngưng thăm dò mặc dù Repsol đã chi cả $300 triệu đô để tiến hành việc thăm dò, mà lý do theo đài BBC Trung Cộng hăm họa sẽ tấn công các đảo ở Trường Sa hiện do VN chiếm đóng.

Với dân, Đảng CSVN không nương tay nhưng trước đe dọa của Trung Cộng, họ lùi ngay, dù phải bồi thường cho Repsol và mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Cộng trên biển của VN. Ác với dân và hèn với giặc là vậy đó!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1636 phát hành ngày 02.08.2017)