Chớ vội ký hiệp ước dẫn độ với Trung Cộng

26 Tháng Tư, 2017 | Bình Luận
(Photo courtesy: Reuters)

Tại sao TiVi Tuần-san không dùng tên Trung Quốc cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà gọi nước này bằng tên Trung Cộng. Đây là tên của một nước mà người Việt Nam gọi từ năm 1949, khi Mao Trạch Đông đẩy Tưởng Giới Thạch ra khỏi lục địa và thành lập một chế độ mới, chế độ cộng sản nên người Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17 gọi nước này là Trung Cộng. Có nghĩa là nước Trung Hoa theo chế độ cộng sản.

Và chế độ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay nên gọi Trung Cộng là đúng nhất, chính xác nhất.  Là cộng sản, nên đương nhiên độc tài. Ngày trước cực kỳ sát máu, chế độ Mao giết hàng chục triệu người. Sau này, với Đặng Tiểu Bình thì đỡ hơn để có thể mở cửa làm ăn với thế giới bên ngoài hầu duy trì chế độ, nhưng cơ bản vẫn là chế độ độc tài.

Lấy một thí dụ điển hình nhất và gần đây nhất, đó là việc Giáo sư Chongyi Feng của trường đại học University of Technology Sydney bị bắt giữ hơn một tuần lễ trên đường trở về sau một chuyến công tác làm việc nghiên cứu ở Hoa lục.  Ban đầu Giáo sư Feng bị bắt giữ và bị thẩm vấn tại thành phố Côn Minh ở tỉnh Vân Nam. Sau đó hai lần bị chận ở thành phố Quảng Châu khi ông tìm cách bay về Úc.

Việc bắt giữ Giáo sư Feng đã khiến các nhà khoa bang Úc lên tiếng, chỉ trích, và cùng một số nhà khoa bảng trên thế giới, họ yêu cầu nhà cầm quyền Trung Cộng phải trả tự do cho ông Feng. Chính phủ Úc, qua Ngoại trưởng Julie Bishop, cho rằng vì ông Feng không phải là một công dân Úc mà chỉ là một thường trú nhân tại Úc nên chính phủ không can thiệp được. Bà ngoại trưởng cũng lưu ý mọi công dân Úc khi ra nước ngoài, phải tuân theo luật lệ của nước khác và phải đối diện với luật pháp nước đó nếu vi phạm luật, bởi đó là điều tự nhiên.

Nhưng tại sao Giáo sư Feng bị bắt? Bởi vì ông là một chuyên gia nghiên cứu về Trung Hoa và là một người chỉ trích chính quyền Trung Cộng.  Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tập đoàn truyền thông Fairfax hồi năm ngoái, Giáo sư Feng cho rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm soát hầu hết mấy chục tờ báo Hoa ngữ phát hành ở Úc. Đã có thời gian ngắn xuất bản tờ báo bằng Hoa  ngữ ở Sydney, Giáo sư Feng có kinh nghiệm bị áp lực của giới chức Trung Cộng như thế nào.

Trong vai trò là một chuyên gia nghiên cứu về Trung Hoa học, giáo sư làm cho công chúng Úc hiểu biết hơn về đất nước và con người Trung Hoa, vì vậy mà con gái của ông, Luật sư Yunsi Feng đã kêu gọi chính phủ Úc phải đòi Bắc Kinh trả tự do cho  cha của cô, một người mà cô gọi rất có công trạng đối với cộng đồng Úc.

Những người quen biết Giáo sư Feng nói rằng trong chuyến đi tháng 3 vừa qua, Giáo sư Feng đã tìm gặp một số nhà tranh đấu và các luật sư nhân quyền địa phương và vì vậy ông đã bị ngăn chận trở về Úc. Một phát ngôn viên của nhà cầm quyền Trung Cộng trong thời gian đó xác nhận Giáo sư Feng bị câu lưu để thẩm vấn vì quan ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Đầu tuần qua, Giáo sư Feng đã trở về Sydney và theo như ông nói, điều kiện để rời Hoa lục là ông không được nói gì về những chuyện  thẩm vấn. Tuy nhiên ông cũng cho rằng nếu Úc ký hiệp ước dẫn độ với Trung Cộng, thì đấy là một “lỗi lầm chết người”. Ông nói trường hợp như ông bị thẩm vấn, bị buộc tội “gây nguy hại an ninh quốc gia” mà chẳng có giấy tờ gì chứng minh rồi bị cấm đi lại, cho thấy sự nguy hiểm của một hiệp ước dẫn độ như thế nào.

Việc Giáo sư Feng bị bắt giữ xảy ra vào những ngày cuối chuyến công du Úc của Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường. Và cũng là lúc mà Chính phủ Turnbull đột ngột rút lại dự tính đưa hiệp ước dẫn độ  ký vào năm 2007 dưới thời Chính phủ Howard, không đưa ra quốc hội phê chuẩn bởi không những các đảng đối lập chống đối mà người của Liên đảng cũng không hài lòng vì tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của cộng sản Trung Hoa.

Cả Thủ tướng Turnbull lẫn Ngoại trưởng Bishop coi đây là một thất bại về mặt ngoại giao của họ nhưng vụ Giáo sư Feng cho thấy chưa phê chuẩn hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh là việc làm đúng. Đừng sợ Trung Cộng dọa trừng phạt kinh tế bởi giao thương $150 tỉ hiện nay đều có lợi cho đôi bên.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1620 phát hành ngày 12.04.2017)