Đừng mong Trung Cộng kềm chế Bắc Hàn

26 Tháng Bảy, 2017 | Bình Luận
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp giám sát vụ phóng tên lửa hôm 4.7.2017. Photo Courtesy: Reuters

Tuần qua, lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong Un đã cho thử thành công hỏa tiễn liên lục địa IBCM có khả năng bay tới Alaska của Mỹ hay Darwin của Úc. Vụ thử nghiệm này xảy ra đúng vào dịp nước Mỹ đang mừng Ngày Độc Lập. Đây là một thực tế chứ không còn hoài nghi gì nữa về khả năng thủ đắc hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn.

Vì vậy, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã ngay lập tức lên án Bắc Hàn và kêu gọi Trung Cộng hãy tích cực hơn nữa để ngăn chận  Bắc Hàn trong việc phát triển hỏa tiễn tầm xa cũng như tiếp tục thử nghiệm nguyên tử. Ngoại trưởng Julie Bishop cũng cho rằng Bắc Kinh hãy thúc đẩy Bình Nhưỡng dành tài nguyên để giúp dân chúng bớt đói ăn hơn là dốc toàn lực vào việc phát triển vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Donald Trump, qua nhiều lần đe dọa dùng vũ lực đến vuốt ve muốn nói chuyện với Kim Jong Un, tuần qua đã nhiều lần tuyên bố trên mạng hay trước báo chí rằng Bắc Hàn đã có thái  độ rất tồi tệ và nếu cứ tiếp tục thì sẽ lãnh hậu quả. Ông Trump đã không nói hậu quả đó là gì nhưng trước đó, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, bà Nikki Haley nói Bắc Hàn chớ coi thường khả năng của  Mỹ và một trong những khả năng đó là sức mạnh đáng kể về quân sự.

Tổng thống Trump, như nhiều lần trước đây, lại tiếp tục kêu gọi Chủ  tịch Tập Cận Bình hãy dùng  uy thế của Trung Cộng để yêu cầu  Kim Jong Un chớ  tiếp tục các cuộc thử nghiệm nguyên tử, bất tuân các nghị quyết của Liên hiệp quốc.  Ông Trump cho biết Mỹ sẽ có biện pháp chế tài về mậu dịch với Trung Cộng nếu Bắc Kinh làm ngơ trước  hành động coi thường quốc tế của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago, bang Florida (Mỹ) ngày 7.4. Photo Courtesy: Reuters

Thực tế Mỹ đã bắt đầu có hành động chế tài với vài công ty Trung Cộng có làm ăn với Bắc Hàn. Nhưng trước khi ông Trump và ông Turnbull qua dự hội nghị G20 tại Hamburg, Đức quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Điện Cẩm Linh và cả hai ông ra thông cáo chung là họ rất lo ngại về những xung đột tại bán đảo Triều Tiên, yêu cầu các bên hãy tự chế. Putin và Tập đề nghị Bắc Hàn ngưng các cuộc thử nghiệm đồng thời Mỹ và Nam Hàn cũng phải ngưng các cuộc tập trận. Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này, một đề nghị giống Bắc Hàn và cho biết hai nước Mỹ và Nam Hàn vẫn tiếp tục các cuộc tập trận đã có từ lâu.

Quan hệ Nga Mỹ đã xấu đi từ thời  Tổng  thống George W Bush khi Nga xâm lăng Georgia và sát nhập Crimea dưới thời Tổng thống Barack Obama. Tưởng rằng sẽ có cải thiện quan hệ khi ông Trump làm tổng thống, nhưng chuyện đó chưa xảy ra và sẽ không xảy ra bởi cuộc chiến Syria nơi Nga có lợi ích chiến lược. Cho nên, một Bắc Hàn hiếu chiến là điều Nga mong muốn.

Hy vọng vào Trung Cộng sau cuôc tiếp đãi nồng hậu Tập Cận Bình tại trang trại Mar a Lago nay cũng tiêu tan. Tập Cận Bình chỉ là một lãnh tụ độc tài của một chế độ độc tài với tham vọng bá quyền.  Vì vậy, Bắc Kinh phải duy trì chế độ Bình Nhưỡng. Bắc Hàn thủ đắc nguyên tử cũng gián tiếp nhờ Bắc Kinh qua trung gian Pakistan.  Chế độ Bình Nhưỡng sống sót được  nhờ Bắc Kinh.  90% mậu dịch với Trung Quốc và trong  quý vừa qua, tỉ lệ mậu dịch tăng 37%. Nếu không có Bắc Kinh chống lưng, chế độ của cha con nhà họ Kim đã bị sụp đổ từ lâu.

Muốn ngăn chận ảnh hưởng của Mỹ và Nhật, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để duy trì chế độ Bắc Hàn. Họ không thể nào chấp nhận một nước Đại Hàn thống nhất dân chủ và giàu mạnh cạnh biên giới với sự hiện diện của quân đội Mỹ và những giàn hỏa tiễn THAAD chống hỏa tiễn. Nên các ông Trump và Turnbull có yêu cầu hay chỉ trích, Bắc Kinh vẫn sẽ làm ngơ để Bình Nhưỡng quậy.

Thương thuyết với Bắc Hàn qua ba đời tổng  thống Clinton, Bush, Obama đã chẳng đem lại kết quả gì. Vấn đề là  phải triệt tiêu chế độ độc tài dã man của họ Kim sớm chừng nào hay chừng ấy. Tại Ba Lan trên đường dư hội ghị G20  ông Trump đã nói câu để đời: “Câu hỏi căn bản của thời đại chúng ta là liệu Tây phương có ý chí để sống còn hay không”. Thật vậy, nếu cứ kéo dài hiện trạng thì hậu quả chiến tranh sẽ rất tàn khốc khi Bắc Hàn trở thành cường quốc nguyên tử.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1633 phát hành ngày 12.07.2017)