Hà Nội: để mất Hoàng Sa, phải giữ Trường Sa

01 Tháng Hai, 2017 | Bình Luận
Nguyễn Phú Trong dự tiệc trà đặc biệt với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. (Photo courtesy: Xinhua)

43 năm trước, vào ngày 19.1.1974 Trung Cộng, đồng minh và là người anh em môi hở răng lạnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bây giờ, đã đưa tàu chiến đến chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa. 74 binh sĩ hy sinh VNCH tử trận. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã im lặng trước hành động xâm lăng của đàn anh. Thế là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa  nằm trong tay Trung Cộng.

Năm 1975, khi thôn tính Miền Nam và thống nhất cả nước, người cộng sản Việt Nam đã tuyên truyền láo lếu rằng “bạn giữ Hoàng  Sa cho ta, khi nào ta cần bạn sẽ trả lại”. Không những không “trả”, năm 1988 Trung Cộng còn tấn công chiếm vài hòn đảo tại Trường Sa của Việt Nam, 64 bộ đội VN tử trận.

Chỉ kể từ đây, Hà Nội mới thấy rằng tham vọng của Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở Hoàng Sa mà còn muốn bành trướng xuống tận phía nam của Biển Đông, rất xa với đất liền của Trung Cộng. Bài học của dàn khoan Hải Dương năm 2014 cho thấy quyết tâm lấn biển của Trung Cộng nhưng vì muốn duy trì và bảo vệ đảng cùng chế độ cộng sản, Hà Nội đã không chủ động trong việc bảo vệ biển đảo. Những phản đối của họ chỉ là chiếu lệ, hời hợt, đôi khi mâu thuẫn.

Tuần qua, người quyền lực nhất nước Nguyễn Phú Trọng có chuyến đi thăm Trung Cộng 4 ngày. Đây là chuyến đi đầu tiên sau khi Trọng tái đắc cử chức tổng bí thư qua đại hội thứ 12. Chuyến đi này diễn ra ngay sau khi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh vừa hoàn tất một chuyến đi xa đầu tiên tận Biển Đông với mục đích diệu võ dương oai.

Theo báo chí trong nước, Nguyễn Phú Trọng đã được Tập Cận Bình đón tiếp một cách trân trọng,  “mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà thân mật tại Đại lễ đường Nhân dân. Đây là cử chỉ đặc biệt chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của nhà lãnh đạo  hạt nhân của Trung Quốc mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam” (sic).

Trong chuyến đi này, Nguyễn Phú Trọng đã ký kết 15 bản hợp tác giữa hai nước. Trong chế độ độc tài và khép kín như Tàu Cộng và Việt Cộng, người dân khó biết các lãnh đạo đã ký những gì, như với Hiệp ước Thành Đô được giới trí thức và đấu tranh trong nước coi là hiệp ước bán nước của  CSVN.

Mặc dầu giữa hai nước đang có sự tranh chấp về biển đảo, Tập Cận Bình tuyên bố đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước “đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung phát triển lành mạnh, ổn định theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” (sic). Nguyễn Phú Trọng dĩ nhiên phụ họa “chân thành mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị bền vững và hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước,vì hòa bình thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới” (sic).

Người cộng sản, dù là Tàu hay Việt, luôn có một lối nói giống nhau, được định hướng và học tập xuyên suốt nên nói như vẹt. Hành động là chuyện khác. Liên Xô và Trung Cộng không là bạn dù là đồng chí cộng sản. Trung Cộng và Việt Cộng cũng vậy thôi.  Đã có nhiều trận chiến trên bộ và trên biển, nhưng Hà Nội thà chấp nhận mất đất biển hơn là mất đảng.

Ngày mai, tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Cộng cách đây 43 năm phải là ngày cả nước phải để tang, bởi vì chuyện “bạn sẽ trả lại cho ta khi ta cần” là lối nói của Vẹm. Giành lại là chuyện không dễ dàng và có thể không bao giờ lấy  lại được. Trước mắt hãy giữ cho được những hòn đảo ở Trường Sa Việt Nam đang còn đóng quân.

Muốn được vậy, Việt Nam cần phải có quan hệ thật tốt với những  cường quốc trong vùng như Nhật, Úc và nhất là Hoa Kỳ. Với chính phủ Donald Trump quyết tâm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông, đây là một cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể duy trì chủ quyền trên các hòn đảo ở  Trường Sa cũng như bảo đảm quyền lợi của Việt Nam tại đây.

Chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Phú Trọng là một tín hiệu xấu, cho thấy Hà Nội không quan tâm đến vận mạng của dân tộc và đất nước.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1608 phát hành ngày 18.01.2016)