Mừng Australia Day đón Tết Nguyên Đán

27 Tháng Một, 2017 | Bình Luận
Dân biểu Adam Bandt (trái) trả lời phỏng vấn TVTSONLINE

Tuần lễ này người Úc gốc Việt mừng hai ngày lễ lớn và quan trọng của đất nước mình đang sinh sống và của đất nước gốc. Ngày mai, Thứ Năm 26 tháng Giêng đánh dấu 229 năm ngày Đệ nhất Hạm đội do Thuyền trưởng Athur Phillip chỉ huy gồm 11 chiếc thuyền chở trên 1000 binh sĩ, tội phạm và thường dân cập bến Sydney Cove. Cờ Anh được cắm lên bờ. Thuyền trưởng Phillip với chức vụ toàn quyền chỉ định của New South Wales đã hoàn tất sứ mạng thiết lập một thuộc địa trại giam của Đế quốc Anh.

Các thuộc địa thành hình và cuối cùng Liên bang Úc được thành lập vào năm 1901 để rồi ngày nay chúng ta có một Quốc hội Liên bang và Chính phủ liên bang, một quốc gia trù phú đất rộng mênh mông với dân số 23 triệu người trong đó một phần tư sinh đẻ ở ngoại quốc và gần một nửa dân số có cha mẹ sinh ở ngoại quốc. Một cách chính thức, Úc là nước đa văn.

Thời gian đầu người ta coi ngày 26 tháng Giêng như là ngày thành lập thuộc địa với tên “Foundation Day”. Việc tìm cách đặt một cái tên mới cũng đã được bàn thảo sau năm 1901 khi liên bang đã thành hình. Nhưng chỉ đến năm 1935 các tiểu bang và lãnh thổ mới dùng từ Australia Day (Ngày của nước Úc) để đánh dấu ngày người Anh đổ bộ  (quân và tội phạm) lên lục địa ở phía nam (Australis – Australia). Và truyền thống nghỉ làm việc để mừng Ngày của nước Úc (tức Quốc Khánh Úc) trên cả nước một cách đồng nhất và liên tục chỉ bắt đầu từ năm 1994.

Tuy nhiên hiện nay có một số người gọi ngày 26 tháng Giêng là Invasion Day (Ngày Xâm Lăng), Survival Day (Ngày Sống Sót) hay muốn chọn một ngày khác thích hợp hơn, như ngày 1 tháng Giêng là ngày kỷ niệm thành lập Liên bang Úc vào năm 1901 làm Ngày Quốc Khánh Úc.

Ngày nay, mỗi quốc gia đều có một ngày quốc khánh (national day) được chọn tùy người có quyền lực trong tay hoặc qua ý kiến của dân. Nước Pháp chọn ngày 14 tháng Bảy là ngày phá ngục Bastille làm quốc khánh (Bastille Day). Mỹ chọn ngày 4 tháng Bảy, ngày tuyên bố độc lập với nước Anh là ngày quốc khánh (Independence Day).

Việt Nam Cộng Hòa chọn ngày 26 tháng Mười khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm ban hành hiến pháp  làm ngày quốc khánh. Rồi sau đó vào ngày 1.11.1963 khi các tướng lãnh đảo chánh giết ông Diệm, họ đã chọn ngày 1 tháng Mười Một làm ngày quốc khánh. Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn duy trì ngày ông Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập là ngày quốc khánh.

Úc có thể thay đổi Australia Day   vào một ngày khác nếu quốc hội chấp thuận hay qua một cuộc trưng cầu dân ý. Đợi đến khi đó, chúng ta vẫn phải có một ngày để mọi người dân nghỉ ngơi, vui mừng và suy gẫm về ý nghĩa làm công dân Úc, công dân một nước được hạnh phúc và tự do hàng đầu trên hành tinh này.

Chớ gì mọi người hiểu được như vậy để ra sức bảo vệ đất nước này và bằng sức lực và khối óc của mình, làm cho Úc giàu mạnh hơn nữa.

Riêng đối với người Úc gốc Việt trong 3 ngày sắp tới,  một năm mới bắt đầu: năm Đinh Dậu. Ngày tết đánh dấu sự giao hòa giữa năm cũ và năm mới, sự giao cảm giữa trời và đất và nhất là giữa con người với nhau.

Nói đến năm mới là nói đến sự làm mới. Người ta ôn chuyện cũ, rút kinh nghiệm để làm sao cho năm mới được tốt hơn. Tết cũng là dịp con cái cháu chắt nhớ đến tổ tiên, cội nguồn, vì không có gốc làm sao có ngọn. Là dịp để tạ ơn cha mẹ, ông bà, một truyền thống tốt đẹp mà chúng ta, trong nước cũng như hải ngoại,  luôn luôn gìn giữ.

Tết là ngày đoàn tụ. Mọi người   dù ở đâu cũng cố gắng trở về với gia đình trong ngày đầu năm mới, từ đó mới có thông lệ “về quê ăn tết”.  Nhiều người vẫn chưa một lần về quê ăn tết sau biến cố 1975, nhưng may mắn thay, cái tết tha phương ngày nay ở xứ người không còn cô đơn và nhớ nhà da diết như ngày xưa. Người Việt ở hải ngoại ăn tết rất lớn, kéo dài nhiều tuần lễ qua các hội chợ tết (như ở Melbourne) trong không khí vui tươi, hạnh phúc thật sự. TiVi Tuần-san kính chúc Quý Độc giả và gia đình một năm mới như ý.

(Xã luận báo in TVTS số 1609 phát hành ngày 25.1.2017)