Thuốc đắng dã tật: cần chấp nhận sự thật

28 Tháng Sáu, 2017 | Bình Luận
Ariana và Miley Cyrus trong chương trình ca nhạc gây quỹ cho nạn nhân vụ khủng bố ở Manchester. Photo Courtesy: Reuters

Tháng vừa qua, ca nhạc sĩ Morrissey của ban The Smiths quê quán Manchester đã chỉ trích mạnh mẽ các chính trị gia khắp nơi sống trong “tháp ngà bọc thép an toàn” đã từ chối  mô tả những vụ tấn công như ở Manchester bằng cái tên thích hợp của nó, đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Người con của thành phố Manchester trong một buổi lễ tưởng niệm 22 nạn nhân bao gồm trẻ con bị giết bởi tên khủng bố ôm bom tự sát ở một buổi trình diễn văn nghệ đã đặt câu hỏi tại sao người ta cứ gọi vụ tấn công này là việc làm của một tay “cực đoan”. “Cực đoan như thế nào?”, Morrissey hỏi. “Cực đoan như  thỏ à?”.

Người ca sĩ này nói Thủ tướng Theresa May có một cuộc sống quá an toàn vì được bảo vệ và rõ ràng bà không phải vào nhà xác Manchester để nhận diện bất cứ xác người trẻ nào nên bà vẫn cứ  ca bài thảm cảnh “sẽ không đánh bại chúng ta” có nghĩa là không làm thay đổi chính sách di trú của bà.

Ca nhạc sĩ này cũng trút sự giận dữ lên vị thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của Thành phố London khi ông Sadiq Khan không lên án Nhà nước Hồi giáo dù nhóm này tự nhận đã gây nên vụ tấn công mà chỉ nói đó là “hành động hèn hạ của chủ nghĩa quá khích”.

Ra vẻ hầu hết các chính trị gia Tây phương –ngoại trừ ứng viên tổng thống Donald Trump trong thời kỳ đang tranh cử– đều tránh nói đến mấy chữ “khủng bố Hồi  giáo” vì sợ làm mất lòng tín đồ và các quốc gia Hồi giáo. Họ cho rằng đại đa số người Hồi giáo ở nước họ là những người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp sở tại và những người Hồi giáo khủng bố chỉ là thiểu số.

Đúng! Nhưng thiểu số đó đã gây nên hầu hết những vụ khủng bố nhân danh tôn giáo, thượng  đế của họ hay nhân danh Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong vòng ba tháng, nước Anh đã có đến ba vụ khủng bố bởi những người nhân danh thượng đế của họ hay Nhà nước Hồi giáo. Chỉ đến vụ khủng bố mới nhất trên cầu London Bridge và chợ Borough Market thì Thủ tướng May mới nói “thế này là quá sức rồi” và tuyên bố đây là “ý thức hệ xấu xa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”.

Một phụ nữ treo bảng sau vụ khủng bố gần cầu ở London. Photo Courtesy: Reuters

Tiếp lời bà May, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cuối cùng đã phải thốt lên rằng “cuộc tấn công này là môt sự tàn bạo khác về một thực tại mà chúng ta đang sống– sự hiện hữu của mối đe dọa từ những tên khủng bố giết người Hồi giáo quá khích”.  Thủ lãnh Đối lập Bill Shorten lâu nay tìm cách tránh né về chuyện khủng bố Hồi giáo, chỉ nói chung chung khủng bố cực đoan, nhưng một ngày sau vụ tấn công của tên Yacqub Khayre ở apartment vùng Brighton, đã nói đến hai chữ tối kỵ Islamic Terrorism: “Tôi lên án chủ nghĩa khủng bố, bất cứ ai làm chuyện đó. Tôi lên án chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Tôi lên án  chủ nghĩa cực đoan”.

Thế là không kể những đảng nhỏ, những chính trị gia khuynh hướng tả phái, theo xu hướng thời thượng (political correctness), các nhà lãnh đạo tây phương đã có can đảm nói lên sự thật, về thực tế đang diễn ra. Cùng lúc, những nhà lãnh đạo tôn giáo cũng bắt đầu đi ra khỏi vỏ bọc từ bi khoan dung của tín ngưỡng   để nói lên thực tế ít người muốn nghe.

Tổng giám mục Anh giáo Justin Welby của giáo phận Centerbury ở Anh quốc tuần qua cho rằng các nhà lãnh đạo các tôn giáo phải đối diện với niềm tin tôn giáo của họ đã bị các tín đồ nhân danh tôn giáo họ mà làm những sự tàn ác. Tổng giám mục Wellby nói không nhìn nhận vai trò của đạo Hồi trong những vụ tấn công như thế thì cũng giống như không thừa nhận vai trò của đạo Thiên chúa trong vụ thảm sát Srebrernica do quân đội Bosnian Berbia gây ra khi họ giết khoảng 8,000 người Hồi giáo Bosnia sau khi  Liên bang Nam Tư tan vỡ.

Trong lịch sử, nhiều người hay chính quyền đã nhân danh tôn giáo để gây nên tội ác. Người ta đã dẫn giải kinh thánh hay lời dạy truyền khẩu của các vị sáng lập tôn giáo để  phục vụ mục đích của mình. Một số cá nhân đạo Hồi tự diễn giải kinh thánh của họ hay bị nhồi sọ bởi những người Hồi giáo quá khích để gây tội ác. Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Vấn đề còn lại là  làm sao ngăn chận sự quá khích trong mọi tôn giáo.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1629 phát hành ngày 14.06.2017)