Yes: đừng để bỏ kỳ thị này thêm kỳ thị khác!

06 Tháng Mười Hai, 2017 | Bình Luận
Nhiều người vui mừng khi kết quả trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng giới tại Sydney được công bố ngày 15.11. Photo Courtesy: Reuters

Yes. Vâng. Đồng ý. Nói gì thì nói đa số cử tri (nhân dân) Úc đã đưa ra phán quyết chấp nhận hôn nhâ  đồng tính. Nước Úc có 24 triệu dân và có khoảng 16 triệu người được quyền bầu cử. Trong số 12.7 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc thăm dò ý kiến do Sở Thống kê Úc phụ trách, có 7.8 triệu phiếu YES và 4.9 triệu phiếu NO. Điều này có nghĩa có 61.6% cử tri chấp nhận hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Ở một chế độ và xã hội dân chủ, đa số quyết định. Thiểu số phục tùng đa số.

Thủ tướng Malcolm Turnbull trong kỳ bầu cử vừa qua đã cho biết  ông sẽ mở cuộc trưng cầu dân ý (referendum) để hỏi ý kiến của dân  về vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhưng khi chính phủ đưa ra dự luật, đã bị đảng Lao động hợp với đảng Xanh bác bỏ. Cuối cùng, ông Turnbull tìm một phương hướng khác để xin ý kiến của dân bằng cuộc thăm dò qua đường bưu điện do Sở Thống kê Úc tổ chức. Lại cũng mấy vị dân cử Lao động và Xanh chống đối, kiện lên Tối cao Pháp viện nhưng thất bại, còn Thủ lãnh Đối lập Bill Shorten vẫn cứ cho rằng nếu lên cầm quyền ông sẽ cho quốc hội bỏ phiếu nội trong một trăm ngày, vì ông vẫn không đồng ý bỏ phiếu qua bưu điện.

May mà phe YES thắng dù rất buồn cho phe NO. Cũng may cho ông Turnbull vì ông đã thực thi được lời hứa hỏi ý kiến dân. Nhân dân Úc đã quyết định, một quyết định không thể đảo ngược lại được dù có đến 4.9 triệu cử tri Úc không đồng ý, một con số quả không nhỏ.    TiVi Tuần-san công khai ủng hộ phe NO nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của đa số. Vấn đề còn lại là sẽ có một dự luật như thế nào để tu chính hay thay đổi đạo luật cũ về  hôn nhân?

Có rất nhiều vị dân cử của Liên đảng yêu cầu chính phủ hãy có một dự luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền của  các phụ huynh đối với con em tại trường học mà đại diện những tiếng nói đó phát xuất từ các chính trị gia cao cấp của chính phủ như Tổng trưởng Ngân khố Scott Morrison, Tổng trưởng Tư Pháp George Brandis. Cựu Thủ tướng John Howard, người ra mặt ủng hộ phe NO cho rằng ông tôn trọng quyết định của đa số nhưng chủ trương sẽ vận động các chính trị gia đưa ra những điều khoản bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và của phụ huynh liên quan đến việc dạy dỗ về tính dục đi ngược lại niềm tin tôn giáo và quan niệm truyền thống về luân lý, xã hội.

Cựu Thủ tướng Tony Abbott, một người chống hợp thức hóa hôn nhân đồng tính một cách kịch liệt, nhưng trước việc đa số cử tri đơn vị ông bỏ phiếu YES, cho rằng chuyện đã như vậy thôi thì còn làm được gì cứ làm, như  vận động bênh vực những thứ tự do mà các đồng chí bảo thủ của ông đang tranh đấu.

TiVi Tuần-san chủ trương rằng trong mọi trường hợp, tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng. Không thể bắt một vị linh mục (hay cả những người chứng hôn nhân) phải làm chứng hôn phối cho một cặp đồng tính, đi ngược lại với niềm tin của họ, một niềm tin đã có từ hai ngàn năm và vẫn tồn tại đến nay. Đây là niềm tin của đa số dân chúng Úc và của hàng tỉ con người trên trái đất.

Bạn không thể tranh đấu để được quyền bình đẳng về hôn nhân trước pháp luật mà ép người khác phải làm theo ý bạn. Người làm chứng hôn nhân cũng được quyền duy trì niềm tin của họ giống như bạn đòi được quyền bình đẳng trước pháp luật. Vậy hãy kiếm người khác làm chứng cho bạn, có nghĩa phải có điều khoản miễn trừ cho các linh mục hay người chứng hôn nhân.

Chúng ta không thể tưởng tượng con em chúng ta được dạy dỗ tại trường học về những điều đi ngược lại truyền thống và niềm tin của chúng ta vì thế phải có điều khoản cho chúng ta đem con em ra khỏi những lớp học đó.

Và chúng ta cũng không thể tưởng tượng vì bảo vệ quyền lợi người đồng tính mà chúng ta phải ra hầu tòa khi nói hay viết trái với ý của họ. Cần có điều khoản bảo vệ tự do ngôn luận trong luật mới. Không vì bảo vệ quyền của nhóm người này để rồi làm mất quyền của người khác. Thủ tướng Turnbull, chớ vội vàng thông qua luật hôn nhân đồng tính mà không có những điều khoản bảo vệ 4.9 triệu cử tri bỏ phiếu NO!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1652 phát hành ngày 22.11.2017)