Tranh Đấng cứu thế có người mua với giá 450 triệu đô

16 Tháng Mười Một, 2017 | Chuyện lạ bốn phương
Bức tranh Salvator Mundi của danh họa Leonardo da Vinci. Photo Courtesy: Reuters

Bức họa “Salvator Mundi” (Đấng cứu thế) của danh họa Leonardo da Vinci đã trở thành bức tranh đắt giá nhất thế giới sau khi nhà đấu giá uy tín Christie’s New York bán được với giá 450.3 triệu Mỹ kim.

Salvator Mundi là một trong số 20 bức tranh ít ỏi còn lại được xác nhận do chính tay danh họa thời Phục hưng Leonardo da Vinci vẽ. Bức tranh được bán với giá 60 Mỹ kim vào năm 1958.

Phiên đấu giá tại New York ngày 15-11 diễn ra chỉ trong vòng 19 phút với giá khởi điểm là 100 triệu Mỹ kim.

Bức Đấng cứu thế như vậy đã trở thành bức tranh đắt giá nhất thế giới, hơn hẳn kỷ lục thiết lập năm 2015 là bức Những người phụ nữ Alger của danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso có giá 179.4 triệu Mỹ kim.

Ông Alan Wintermute, chuyên gia về các kiệt tác cổ của nhà đấu giá Christie’s, ví bức Salvator Mundi như là “Chén thánh của các kiệt tác hội họa cổ”.

Sự tồn tại của nó đã được biết đến từ lâu qua các tài liệu nhưng quá trình tìm kiếm bức tranh rất gian nan, giống như một giấc mơ hoang đường và khó nắm bắt nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Tranh vẽ chân dung của Chúa Jesus, tay phải làm dấu phúc và tay trái đang giữ một quả cầu pha lê trong suốt, mặc áo choàng xanh nhạt với những chi tiết màu vàng.

Theo nhà đấu giá Christie’s, bức họa từng thuộc về công chúa Henrietta Maria của Pháp, người sau này cưới vua Charles I của Anh và được bà mang sang Anh khi xuất giá.

Sau khi tô điểm cho bức tường hoàng gia bên Anh, bức tranh sau đó bị thất lạc đến tận cuối thế kỷ 18.

Trong thời gian bị thất lạc, bề mặt tranh đã được phủ thêm một vài lớp vẽ khác. Vào năm 1958, Salvator Mundi được đưa ra ra đấu giá và được bán với giá 60 Mỹ kim trước khi được xác định là tranh gốc của danh họa Da Vinci vào năm 2011 tại phòng triển lãm Bảo tàng quốc gia London.

Khi được công bố lần đầu trong triển lãm “Leonardo da Vinci: Họa sĩ hoàng gia Milan”, bức tranh đã gây ra một cơn địa chấn trong giới nghệ thuật.

Khoảng thời gian 6 năm từ 2011 đến nay là quá trình các chuyên gia nghiên cứu và phục chế làm việc để xác định tính nguyên bản của bức tranh trước khi được mang ra buổi đấu giá ngày 15-11.

Các chuyên gia thẩm định đã đồng ý đây là bản gốc Salvator Mundi của Leonardo da Vinci khi kiểm chứng tỉ mỉ từ rất nhiều nguồn: so sánh chữ ký của danh họa trên Salvator Mundi với 2 bức tranh khác của ông tại lâu đài Windsor, sự tương ứng thành phần chất liệu vẽ nên Salvator Mundi với bản ghi chép mô tả về bức tranh này của Wenceslaus Hollas vào năm 1650, sự vượt trội phi thường trong nét vẽ của nó khi được so sánh với 20 phiên bản sao chép cao cấp khác…

Nhiều chuyên gia cho rằng bức tranh đã được vẽ khoảng năm 1500, cùng thời điểm bức tranh nàng Mona Lisa tại Florence, Ý.

Salvator Mundi được xem là bức tranh cuối cùng của Leonardo da Vinci, và cũng là phát hiện đầu tiên về những di sản của ông sau hơn một thế kỷ. Tác phẩm gần đây nhất của Leonardo da Vinci được phát hiện là vào năm 1909, bức Benois Madona(Thánh mẫu Benois).

Thông tin của chủ sở hữu hiện tại bức tranh vẫn được giữ bí mật, có thể là một người châu Âu.

Theo TPO