‘Ferdinand’ – hành trình tìm tự do của kẻ cơ bắp ngây thơ

14 Tháng Mười Hai, 2017 | Điện ảnh
Phim hoạt hình không thiếu các pha hài hước. Photo Couretsy: teaser-trailer

Ferdinand là phim hoạt hình mới nhất của Blue Sky Studios (xưởng phim đã tạo ra hai loạt phim thành công Ice Age và Rio). Tác phẩm dựa trên tiểu thuyết The Story of Ferdinand của nhà văn Mỹ Munro Leaf. Dự án gây chú ý khi mời võ sĩ đấu vật John Cena lồng tiếng cho vai chính. Trước ngày ra mắt ở Mỹ (15.12), Ferdinand nhận cú hích khi được đề cử giải Quả cầu vàng “Phim hoạt hình xuất sắc”.

Câu chuyện kể về chú bò Ferdinand, vốn được nuôi dưỡng và huấn luyện để trở thành bò đấu. Trong khi những người bạn luôn khao khát trở thành đấu sĩ dũng mãnh, Ferdinand từ nhỏ không thích đánh nhau mà chỉ thích ngửi hoa. Nhân một lần chủ trại sơ hở, cậu trốn thoát và lạc đến trang trại của một người nông dân. Tại đây, chú bò lớn lên và có tình bạn đẹp với cô chủ Nina.

Năm tháng trôi đi, Ferdinand trở thành chú bò cường tráng với sức mạnh vô địch. Vì gây ra một sự cố ở lễ hội hoa, cậu bị bắt quay lại trang trại huấn luyện bò ngày trước. Ferdinand cố thuyết phục những người bạn mình từ bỏ mộng chiến đấu và lập kế hoạch trốn thoát.

Mượn nhân vật và câu chuyện từ văn học, các nhà làm phim sáng tạo kịch bản trở nên phức tạp, lớp lang và cuốn hút hơn. Phim điện ảnh không chỉ là câu chuyện về một chú bò yêu hoa chạy nhởn nhơ trên đồng cỏ như truyện mà còn phản ánh khát vọng tự do, chống lại sự sắp đặt của số phận. Để có được sự tự do, Ferdinand trải qua rất nhiều thử thách, thậm chí phải đánh cược cả tính mạng.

Mô-típ động vật chạy trốn vì tự do từng được thể hiện qua nhiều phim trước đó như Chicken Run, loạt phim MadagascarFinding Dory. Tuy nhiên, các nhà làm phim vẫn tìm được khía cạnh mới để khai thác cho Ferdinand khi lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống Tây Ban Nha như đấu bò, lễ hội hoa, những vũ điệu đường phố.

Phim phơi bày sự tàn nhẫn của trò đấu bò – môn thể thao giải trí đặc trưng của người Tây Ban Nha nhưng cũng vấp phải rất nhiều chỉ trích vì tính đẫm máu. Ở trò chơi này, những con bò nắm chắc cái chết, nếu không phải dưới tay đấu sĩ trên đấu trường thì cũng là ở lò mổ. Những chú bò lực lưỡng ôm mộng tỏa sáng trên đấu trường không hay biết rằng cơ bắp của chúng không thể nào đấu lại bộ não tinh khôn đã qua nhiều triệu năm tiến hóa của loài người.

Giữa đám cơ bắp ấy lại xuất hiện một chú bò “tướng vạm vỡ, tim ngây thơ”, khác biệt với số đông. Vì sự đối lập giữa ngoại hình đồ sộ và tính cách hiền lành, Ferdinand gây ra hàng loạt những tình huống hài hước. Tuy nhiên, kịch bản không hướng chú bò theo hướng hậu đậu, vụng về để gây cười đơn thuần, mà xây dựng một nhân vật có chiều sâu trong tâm lý.

Ferdinand từ chối chiến đấu không phải vì nhút nhát, mà đơn giản là bởi không muốn đi theo vết xe đổ của cha mình hay những con bò hung hăng và hiếu thắng khác. Chính tính cách này đã biến Ferdinand trở thành con bò tỉnh táo và khôn ngoan nhất trong đám cơ bắp. Chú bò không chỉ biết tận hưởng cuộc sống của riêng mình mà còn hết lòng vì bạn bè, hy sinh bản thân để cứu người khác.

Về nội dung, Ferdinand hội tụ đủ những yếu tố để làm hài lòng nhiều đối tượng khán giả. Người xem tìm thấy những tiếng cười vui vẻ nhưng cũng có những giây phút lặng đi vì xúc động, tiêu biểu như tình tiết liên quan đến cha của Ferdinand. Tác phẩm cũng đan cài nhiều pha hành động, rượt đuổi hồi hộp khi nhân vật đứng giữa ranh giới sống chết. Chú bò và đồng đội có những lần vào sinh ra tử, cứu nhau khỏi lưỡi cưa sắc lạnh của lò mổ, đối mặt với lưỡi kiếm sắc nhọn trên đấu trường, chạy trốn khỏi sự rượt đuổi ráo riết của con người.

Bên cạnh điểm cộng về câu chuyện, phim cũng thành công về mặt hình ảnh. Trong phim xuất hiện hai bối cảnh đối lập. Một bên là trang trại huấn luyện bò đấu với tường bê tông kiên cố, hàng rào sắt, dây kẽm gai có dòng điện. Một bên là trang trại của một người nông dân với những triền đồi cỏ xanh tươi tốt, những loại hoa đua nhau khoe sắc. Bối cảnh trại huấn luyện bò phản ánh sự tù túng, khắc nghiệt, đôi khi được đẩy cao trong những đêm trăng lạnh lẽo. Trong khi đó, ở nông trại kia, Ferdinand tìm thấy cuộc sống yên bình và tự do mà cậu hằng ao ước.

Năm tháng trôi đi – từ khi Ferdinand chỉ là một cậu bê đến khi trở thành một con bò lực lưỡng – được thể hiện bằng hình ảnh và âm nhạc, không có một câu thoại nào. Lối mô tả khái quát hóa giúp khán giả cảm nhận được độ dài của thời gian, cũng như sự êm đềm trong cuộc đời Ferdinand, trước khi những sóng gió ập đến.

Hình ảnh bò Ferdinand từng xuất hiện trên màn ảnh một lần trong phim hoạt hình ngắn Ferdinand the Bull, ra mắt năm 1938. Trong phim mới, với lợi thế về kỹ xảo, các nhà làm phim đã tạo hình một chú bò chân thực, sống động và tinh tế trong từng biểu cảm khuôn mặt. Ở trận đấu sinh tử, người xem thấy được nét ngây thơ trong đôi mắt chú bò và những tia lửa lẫn máu trong đôi mắt người đấu sĩ. Trích đoạn phô diễn sự ngược đời khi con người còn hung hăng hơn cả bò đấu.

Theo VnExpress