Buổi hòa nhạc cuối tuần tại Melba Hall – Melbourne University

02 Tháng Sáu, 2016 | Nghệ sĩ Việt Nam

Nghệ sĩ dương cầm Anh Thư trong bản hợp tấu Piano Concerto No.1 tại Hội trường Melba
chiều Chủ Nhật vừa qua. Hình: Báo TVTS

 
 
MELBOURNE – Buổi chiều Chủ Nhật 22/5 vừa qua, giới thưởng ngoạn âm nhạc cổ điển từ các nguồn gốc khác nhau gồm người Úc, người Việt, mà đa số là người Nga đã tụ tập trước thính phòng Melba Hall của Đại Học Melbourne, để cùng nhau thưởng thức những giây phút thoải mái, lãng mạn của một buổi chiều cuối thu qua buổi hòa nhạc với ban nhạc The Melbourne Classic Orchestra cùng người nghệ sĩ trẻ quen thuộc Nguyễn Anh Thư.

 
Buổi trình diễn bắt đầu với bản hoà tấu soạn cho dàn nhạc dây “Elegy in Memory of Ivan Samarin” của Pyotr Ilyich Tchaikovsky (chương trình có chút thay đổi trong bản hòa tấu đầu tiên để thích ứng với thời gian hạn chế). Với những dòng nhạc réo rắt, chập chùng trong không gian tĩnh lặng, sáng tác này đã được Tchaikovsky viết để tưởng niệm cho người bạn thân quá cố Ivan Samarin, một nghệ sĩ và giám đốc kịch nghệ tiếng tăm trong giới nghệ sĩ Moscow, gần cuối thế kỷ 19.

Tiếp theo là bản dạ khúc soạn cho dàn dây (Serenade for strings) của Antonin Dvorak, được soạn theo một thể loại mới dành cho dàn nhạc nhỏ, nhưng vẫn tạo được một hiệu ứng sống động và trữ tình trong tính cách thanh nhã, mỹ miều của những vũ điệu dân tộc Slavonic.

Sau giờ nghỉ giải lao, chương trình hòa nhạc được tiếp nối với bản nhạc hợp tấu dương cầm Piano Concerto No.1, của nhạc sĩ Nga, Dimitri Shostakovich, trong đó nghệ sĩ dương cầm trẻ Anh Thư đã độc tấu cùng với dàn nhạc. Đây là một sáng tác độc đáo với sự kết hợp của kỹ thuật, bút pháp dương cầm và thơ ca giao hưởng được diễn tả qua những nét xung đột trong phong cách âm nhạc.

 
 
 Anh Thư (góc trái, cầm bó hoa) và ban nhạc The Melbourne Classic Orchestra chào khán giả
sau khi trình diễn. Hình: TVTS
 
Khán giả đã hào hứng để chăm chú theo dõi ngay từ phần mở đầu của bản hợp tấu này, với giai điệu trữ tình được diễn tả qua phần độc tấu dương cầm, tiếp đến là một sự chuyển hướng bất ngờ qua một diễn cảm trào phúng, dí dỏm khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác. Như một “gánh xiếc hài hước được diễn xuất luân phiên với phần độc tấu dương cầm, dàn nhạc và trumpet” (trích lời nhà phê bình âm nhạc Ian McDonald), bản hợp tấu được diễn ra trong không khí thật hào hứng, sôi nổi nhưng cũng có lúc êm đềm, trầm ấm (qua dòng nhạc song tấu giữa piano và trumpet), khán giả như đang cùng trải nghiệm những cảm xúc nội tâm, mạnh mẽ nhưng sâu sắc, để rồi chuyển biến qua những hưng phấn mãnh liệt của của niềm tự hào trong chiến thắng, và đó cũng là phần kết của bản hợp tấu dương cầm. Bản hợp tấu dương cầm này được nhiều khán giả xem là phần nổi bật của chương trình hòa nhạc.

Kết thúc chương trình là bản “Valse Triste” của Jean Sibelius, đã để lại cho khán giả một âm hưởng lãng mạn và sâu lắng trong buổi xế chiều của một ngày cuối thu. (TVTS)