PHẠM ANH DŨNG: Giao hai thế giới ảo và thật

17 Tháng Mười, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Phạm Anh Dũng

  

Anh có một thế giới riêng cho những sinh họat âm nhạc của mình. Dù những sinh hoạt ấy diễn ra một cách âm thầm, nhưng thật sự cũng đã gây được khá nhiều tiếng vang nơi những người yêu nhạc. 

 

Thế giới của Phạm Anh Dũng là thê giới internet, mà trong đó có sự hiện diện rất nhiều người viết nhạc như anh. Trong cái thế giới được gọi là ảo đó, Phạm Anh Dũng miệt mài sáng tác, nhất là trong vòng 5, 6 năm nay khi những tiến bộ đáng kể về kỹ thuật trong  lãnh vực internet đã tạo thành một sự liên kết chặt chẽ hơn nơi những người dùng phương tiện mạng lưới toàn cầu để  phổ biến những sáng tác của mình. 

 

Không những chỉ trong nội bộ những “cư dân” trên mạng, thường liên lạc e-mail với nhau hoặc gặp nhau trên diễn đàn của một trang web văn nghệ nào đó, mà còn đến cả với thế giới thật bên ngoài.

 

Thật ra Phạm Anh Dũng đã đến với sinh hoạt âm nhạc trong cái thế giới thật từ rất lâu, khi anh đã từng tung ra 2 CD gồm những ca khúc phổ thơ của anh cách đây mười mấy năm.

 

CD thứ nhất hoàn tất năm 1993 mang tựa đề “Đưa Người Về Phương Đông” do Duy Cường hòa âm, với phần trình bầy của những giọng ca rất “chiến” như Mai Hương, Duy Trác, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, vv…

 

Khoảng hai năm sau, anh lại cho ra đời thêm một CD khác là “Tình Khúc Hồi Hương” do Quốc Dũng hòa âm và do chính Phạm Anh Dũng trình bầy.  Những chi tiết trên đã nói lên được sự mặn mà của anh với âm nhạc, được đánh dấu bằng sáng tác đầu tay của anh là “Nắng Xuân Xưa” ngay từ năm 1966, khi mới bước chân vào trường đại học Y khoa, sau khi đậu Tú Tài 2 tại trường Võ Trường Toản ở Sài Gòn.

 

Nhạc phẩm này đã được Lệ Thu trình bầy gần 30 năm sau trên CD “Đưa Người Về Phương Đông” của anh. Sau đó, một phần vì bận bịu với công việc chính là một bác sĩ, phần khác gặp không ít khó khăn trong việc phổ biến những sản phẩm của mình  so với những nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc những trung tâm nhạc có một đường giây phát hành rộng lớn, nên Phạm Anh Dũng không còn chú tâm vào việc thực hiện CD. 

 

Tuy nhiên anh vẫn sáng tác rất đều đặn với  những ca khúc phổ nhạc từ  thơ của những thi sĩ quen biết cũng như chưa từng gặp mặt bao giờ.  Những sáng tác đó được Phạm Anh Dũng phổ biến bằng e-mails đến bè bạn yêu  nhạc khắp nơi nhờ phương tiện internet càng ngày càng phổ biến rộng rãi và rất hiệu quả.  Dù rằng tình trạng đó đã đưa đến một sự bất lợi  bất lợi cho những trung tâm nhạc theo như nhận xét của anh.

 

Nhưng với thế giới internet, những nhạc sĩ sáng tác không chuyên nghiệp như Phạm Anh Dũng được biết tới nhiều hơn so với thế giới “bên ngoài” của những người được coi là chuyên nghiệp có tính cách thương mại “gọi là một chút họat động, chứ hồi xưa  không có internet thì  anh em tụi tôi làm gì thì chả ai biết đường nào mà  mò. Mình chỉ thỉnh thoảng  gửi nhạc cho nhau nghe thôi. Còn bây giờ thì có thể có hàng chục ngàn người nghe”.

 

Sự khác biệt giữa hai thế giới thực và ảo đó đã được Phạm Anh Dũng phân tích một cách cụ thể, dựa trên những kinh nghiệm của chính mình: “Tôi thấy rõ  là những người thiếu phương tiện như tôi chẳng hạn,  thì internet dễ dàng hơn. Vì mình chi cần biết vài căn bản để  sử dụng computer là có thể upload nhạc  hay  gửi cho người khác để người ta upload cũng được. Chứ còn cái thế giới ở ngoài mà có nhạc để gủi cho trung tâm nào đó cũng chẳng thấy ai trả lời.  Thành ra rất là khó hơn”.

 

Sự khó khăn trong việc thực hiện cũng như phổ biến một CD những năm gần đây đã trở nên dễ dàng hơn so với trước kia rất nhiều do một số những nguyên nhân chính yếu.  Thứ nhất, chi phí cho một CD được thực hiện tại Việt Nam rất rẻ so với hải ngọai.  Trung bình chỉ khoảng vài ngàn một sản phẩm, bao gồm cả phần hòa âm, chi phí phòng thu, thù lao ca sĩ và ban nhạc.

 

Việc liên lạc và gửi tài liệu qua lại giữa trong và ngoài nước cũng trở nên rất nhanh chóng nhờ nơi sự tiến bộ lớn mạnh của internet. Do đó tuy ở hai nơi cách nhau rất xa nhưng thời gian để hoàn tất một CD trở nên rất ngắn.

 

Chính nhờ điểm này mà Phạm Anh Dũng đã lại bắt đầu trở lại  việc thực hiện những CD với những ca khúc phổ thơ của mình kể từ năm 2004, khởi đầu với CD mang tên “Tình Bỗng Khói Sương”, gồm những ca khúc phổ từ thơ của Phạm Ngọc, được coi như thi sĩ có nhiều bài thơ được Phạm Anh Dũng phổ thành nhạc nhất.

 

Phạm Anh Dũng cho là mình đã tìm được “lối thoát” từ đấy cũng như nhiều người viết nhạc khác ở hải ngọai khi thấy những sáng tác của mình được trình bầy và được thu âm nhiều.  Và cũng từ đó, anh say mê viết nhạc nhiều hơn để thỏa mãn cái thú của mình mà hoàn toàn không quan tâm  chút nào đến tính cách thương mại.

 

Phạm Anh Dũng chấp nhận không thể thu về một phần nào vốn bỏ ra khi thực hiện một CD, nhưng sự phản hồi của người nghe đã là một phần thưởng tinh thần với những khích lệ rất lớn.   Điều quan trọng hơn cả là có được dịp phổ biến những sáng tác của mình đến những người đồng cảm.  Những nhạc phẩm thu thanh trên CD của Phạm Anh Dũng mà một số được đưa lên mạng tại một số websites chuyên về văn hóa và nghệ thuật như  “honque.net” rất quen thuộc với giới sinh hoạt văn nghệ trên internet.

 

Bây giờ nhạc của Phạm Anh Dũng đã trở thành quen thuộc với nhiều người.  Lằn ranh giữ thế giới ảo và thực hình như chẳng còn mấy ai quan tâm. Còn lằn ranh giữa một người viết nhạc không chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hình như đã trở nên mờ nhạt để Phạm Anh Dũng trở thành một người viết nhạc theo một nghĩa chính xác nhất. Và đặc biệt, đa số những sáng tác của anh được phổ từ thơ.

 

Có lẽ vì vậy Phạm Anh Dũng được coi như một người viết nhạc rất “mát tay” trong nghệ thuật kết hợp khéo léo giữa thơ và nhạc như nhận xét của nhiều nhà thơ có những thi phẩm được anh tạo thành những ca khúc diễn tả được đầy đủ cái hồn của một thi phẩm. 

 

Phạm Anh Dũng phổ nhạc từ nhiều thể lọai thơ, trong đó có khá nhiều bài lục bát, như trong CD “Dạ Quỳnh Hương” của anh. Nhưng dù là cùng một  thể thơ, nhưng anh đã tài tình tạo thành những âm điệu khác biệt. Và còn tài tình hơn nữa khi giữ được trọn vẹn nguyên văn những  bài thơ đó, trong số có những thi phẩm của Du Tử Lê, Hà Huyền Chi, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Mùi Quý Bồng, Trần Ngọc, Vương Ngọc Long, B.H, vv… Hai người sau Phạm Anh Dũng chưa hề gặp mặt bao giờ dù  đã phổ nhạc từ trên 20 bài thơ của Vương Ngọc Long.

 

Ngoài phần phổ nhạc từ thơ, người viết nhạc có một giọng hát khá truyền cảm này cũng đã viết một số ca khúc với cả nhạc và lời, thường được anh đưa lên “net” phổ biến với cư dân trên mạng mỗi khi vừa hoàn tất.  Và tất cả những sáng tác của anh đều chứa đựng nội dung về tình yêu. Một thứ tình yêu nhẹ nhàng. Và nếu có vương buồn đôi chút thì cũng là một nỗi buồn man mác mà không phải là một nỗi buồn gọi là thảm thiết, như anh nói.

 

Tính cho đến nay, kể cả 2 CD thực hiện từ mười mấy năm trước, Phạm Anh Dũng đã hòan tất được 12 CD, thu thanh những nhạc phẩm anh ưa thích nhất trong tổng số trên 350 ca khúc được anh viết từ  trước đến nay.  Kể từ bài đầu tiên là “Nắng Xuân Xưa”, viềt từ năm 1966, qua đến bài thứ nhì là “Em Về” do anh phổ nhạc từ thơ của Mùi Quý Bồng sau khi ra tới hải ngọai.

 

Những ca sĩ trong nước thường trình bầy những ca khúc của Phạm Anh Dũng phải kể đến là Quỳnh Lan, Quang Minh, Hoàng Quân, vv… là những tiếng hát rất quen thuộc trong số những tiếng hát thường được mời trình bầy trên những CD do những nhạc sĩ ở hải ngọai thực hiện trong nước.

 

Hiện Phạm Anh Dũng đang trong vòng hoàn tất một CD mang tựa đề “Mẹ Và Em”, đặc biệt được dành cho hai người đàn bà anh trân quí nhất trên đời. Đó chính là thân mẫu anh, đã qua đời tại Việt Nam cách đây 13 năm mà anh chỉ được thấy hình ảnh yếu ớt trước đó của người mẹ thân yêu qua một video do người chị ruột là Bích Huyền, là người phụ trách chương trình “Thơ Nhạc Cuối Tuần” cho đài VOA, mang qua vào năm 1990.

 

Trước hình ảnh đó, anh đã xúc cảm viết thành một ca khúc rất cảm động mang tựa đề Mẹ Vàng Úa, được đưa vào CD gồm hoàn toàn những nhạc phẩm do anh viết cả nhạc lẫn lời. 

 

Người đàn bà thứ nhì – một cựu nữ sinh Trưng Vương-  chính là người vợ mà anh thương yêu hết lòng, đã cùng anh thành hôn 2 tuần lễ trước biến cố tháng 4 năm 75.  Hai người cùng rời Việt Nam sau đó để sang cư ngụ tại tiểu bang Colorado do ngiười chú vợ làm giáo sư đại học ở đây bảo lãnh.

 

Sau 2 năm sống ở đây, vợ chồng anh dời qua Chicago để Phạm Anh Dũng theo học y khoa trong 4 năm, trước khi về sống tại nam California cho đến nay.  Hiện vợ chồng người viết nhạc mang một tâm hồn rất nghệ sĩ này cư ngụ tại thành phố  Santa Maria từ nhiều năm nay trong một cuộc sống thật hạnh phúc bên cạnh 2 người con trai, 29 và 27 tuổi, cũng thích viết nhạc như bố, mặc dù cũng chỉ học nhạc qua bạn bè và sách vở như thân phụ mình.

 

Phạm Anh Dũng  sinh  ngày 1 tháng 1  năm 1948 tại Duyên Hà, Thái Bình. Anh di cư vào nam năm 1954. Theo học bậc trung học tại trường Võ trường Toản, sau đó thi đậu vào đại học y khoa năm 67 và ra trường vào năm 1974, sau 4 năm trong ngành Quân Y, trước khi gia nhập sư đòan 3 Bộ Binh cho đến khi rời khỏi Việt Nam.

 

Trong thời kỳ trung học khả năng về ca nhạc của anh đã phần nào được bộc lộ qua những  họat động văn nghệ trong phạm vi học đường, khi” vào những dịp cuối năm, mình cũng nhảy lên mình hát là cũng vui rồi.. Mê hát, mê làm kịch vớ vẩn từ hồi nhỏ. Tôi nhớ cái hồi tôi còn học tiểu học  đi Vũng Tầu chơi.  Mấy ông thầy hỏi có ai tình nguyện  đóng kịch thì tôi nhẩy ra đóng kịch liền!”

 

Từ sự đam mê ban đầu đó, Phạm Anh Dũng mầy mò học nhạc qua sự chỉ dẫn của bạn bè và nhất là qua sách vở. Về lãnh vực sáng tác cũng thế, sau này ở hải ngọai anh đã hoàn toàn học qua sách vở, cùng mợt lúc dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước.

 

Nhưng điều quan trọng nhất dối với việc sáng tác của Phạm Anh Dũng chính là được sự ủng hộ nhiệt tình của chị Minh Hà, vợ anh. Như anh từng dẫn chứng bằng câu nói anh nhận thấy rất thực tế là “nhiều người có khả năng nhưng bị thui chột vì không được vợ ủng hộ”.

 

Nhờ may mắn không gặp tình trạng như vậy, nên anh đã có được một nguồn cảm hứng dồi dào, trong một cuộc sống êm đềm và thoải mái để sống với những sở thích của mình, ngòai phần sáng tác là làm vườn, đọc sách và nghe nhạc. 

 

Và dĩ nhiên anh còn dành nhiều thì giờ để sống trong thế giới âm nhạc vừa ảo vừa thật của mình.  Thêm vào đó là một nghệ thuật viết nhạc càng ngày càng già dặn để xứng đáng được coi như một người viết nhạc đúng ý nghĩa nhất…

 

(TVTS – 1174)